Hoa Kỳ bị cô lập tại các phiên đàm phán về môi trường trong TPP

07/02/2014    47

Hai tài liệu bị tiết lộ liên quan đến đàm phán chương môi trường trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho thấy các yêu cầu của Hoa Kỳ tiếp tục vấp phải sự phản đối của các nước TPP, bao gồm vấn đề về thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến môi trường và việc yêu cầu các bên phải thực hiện các cam kết trong các Hiệp định đa phương về mội trường (MEAs) khác

Một trong hai tài liệu bị tiết lộ - được đăng trên website Wikileaks ngày 15/01 – có vẻ như là “văn bản hợp nhất” được chuẩn bị bởi Canada, nước chủ tọa nhóm đàm phán về môi trường, nhằm thu hẹp khoảng cách về quan điểm đàm phán của các thành viên TPP trên các vấn đề còn gây tranh cãi trong chương này. Bản dự thảo, ghi ngày 24/11 có ghi “không ràng buộc quan điểm của bất kỳ quốc gia TPP nào”, có nghĩa là dự thảo này vẫn chưa được đồng thuận.

Dự thảo do Canada chuẩn bị không đáp ứng được hàng loạt các yêu cầu của Hoa Kỳ, đặc biệt là vấn đề giải quyết tranh chấp và MEAs. Về giải quyết tranh chấp, dự thảo của Canada đề xuất một cơ chế khác với cơ chế áp dụng cho các tranh chấp thương mại trong TPP, và không cho phép các quốc gia áp dụng biện pháp trả đũa thương mại nếu một bên vi phạm các nghĩa vụ môi trường đã cam kết.

Cơ chế này bao gồm 3 bước tham vấn, theo sau đó là một ban trọng tài có quyền ra phán quyết không ràng buộc về việc một bên có vi phạm các nghĩa vụ môi trường hay không. Dự thảo của Canada co ghi các bên “sẽ cố gắng đạt được đồng thuận trong 90 ngày” về một kế hoạch hành động nhằm thực hiện các khuyến nghị của của ban trọng tài, nhưng không bao gồm các quy định khác về đảm bảo thực thi.

Về các Hiệp định đa phương về môi trường (MEA), dự thảo của Canada yêu cầu mỗi nước TPP phải “cam kết thực thi các hiệp định môi trường đa phương toàn cầu mà họ là thành viên,” và thiết lập cơ chế để các quốc gia có thể khởi động “các hoạt động hợp tác” nhằm hỗ trợ một quốc gia TPP không tuân thủ các nghĩa vụ MEA.

Quy định này khác rất nhiều so với yêu cầu  của Hoa Kỳ về việc các nước TPP phải ban hành, duy trì và thực thi pháp luật nhằm thực hiện các nghĩa vụ của họ theo 7 MEA cụ thể, và phải chịu chế tài theo cơ chế giải quyết tranh chấp.

Tài liệu thứ hai do Wikileaks công bố là báo cáo của “các chủ tọa” đàm phán môi trường thuyết minh cho dự thảo của Canada, cho thấy Hoa Kỳ vẫn kiên định với các yêu cầu của họ về giải quyết tranh chấp và MEA mặc dù phải đối mặt với sự phản đối từ đa số các thành viên khác của TPP.

 

Báo cáo gọi những vấn đề này là “các bất đồng chính” trong chương này. Nhưng báo cáo cũng cho thấy Hoa Kỳ đã tỏ thiện chí về việc họ có thể linh động hơn đối với vấn đề MEA nếu các nước TPP chấp nhận các yêu cầu khác của Hoa Kỳ trong chương môi trường. Cụ thể, báo cáo này nói Hoa Kỳ coi một “kết quả tốt” trong các quy định về đánh cá và bản tồn là “cần thiết để giải quyết linh động vấn đề 7 Hiệp định môi trường được liệt kê”

Các yêu cầu của Hoa Kỳ trong chương môi trường về giải quyết tranh chấp và tuân thủ Hiệp định đa phương về môi trường phản ánh các điều khoản về môi trường trong Thỏa ước ngày 10/5/2007 giữa chính quyền Tổng thống Bush và Phe dân chủ ở Hạ viện. Việc các yêu cầu này không được đưa vào dự thảo của Canada đồng nghĩa với việc dự thảo này khác xa so với cái được gọi là “Thỏa ước 10/05”.

Ba tổ chức hoạt động vì môi trường của Hoa Kỳ, gồm Câu lạc bộ Sierra, Quỹ Sinh vật Hoang dã thế giới (WWF) và Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Quốc gia (NRDC), đã phản  đối dự thảo của Canada trong một thông cáo báo chí chung ra ngày 15/01 và cho rằng dự thảo này kém xa Thỏa ước 10/05 và yêu cầu của họ về môi trường trong TPP. Các tổ chức này cũng đưa ra một bản phân tích chung về các tài liệu bị tiết lộ.

“Nếu chương môi trường được thông qua đúng như trong tài liệu bị tiết lộ, thì kết quả thương mại môi trường của Tổng thống Obama còn kém hơn của George W. Bush” – Chủ nhiệm CLB Serrie, Michael Brune nói với báo chí - “Dự thảo này không đáp ứng tất cả các yêu cầu của chúng tôi về bảo vệ đại dương, cá, động vật hoang dã và rừng; và trên thực tế, đây là bước thụt lùi so với những tiến bộ đã đạt được trong các thỏa thuận thương mại tự do trước đây.”

Văn phòng của Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) phản bác lại các phát biểu đó và nhấn mạnh rằng đây không phải là bước thụt lùi so với các yêu cầu của Hoa Kỳ về cơ chế giải quyết tranh chấp đầy đủ, về tuân thủ các cam kết trong các Hiệp định đa phương về môi trường và về các quy định mạnh mẽ về bảo tồn trong chương môi trường.

“Đúng là các nhà đàm phán của Hoa Kỳ đang đấu trang một cách đơn độc về một số vấn đề này – nhưng đây đúng là những gì họ đang làm: thúc đẩy mạnh mẽ, chứ không đầu hàng,” USTR tuyên bố trên trang điện tử của họ, nhưng không đề cập đến tài liệu bị tiết lộ. Phát ngôn viên của USTR không trả lời về tính xác thực của các tài liệu này”

Trong một buổi phỏng vấn, bà Ilana Solomon, giám đốc Chương trình Trách nhiệm Thương mại của Câu lạc bộ Sierra đã công nhận rằng các tài liệu bị tiết lộ không khẳng định việc Hoa Kỳ đang rút lại các yêu cầu của họ về các vấn đề như giải quyết tranh chấp và MEAs.

 

“Tôi không nghĩ là dự thảo cho thấy Hoa Kỳ đang thỏa hiệp” bà ta nói. “Tôi nghĩ dự thảo cho thấy nội dung chương môi trường như hiện tại là không thể chấp nhận được và các vấn đề chính đã bị kéo lùi. Tôi nghĩ là dự thảo cho thấy Hoa Kỳ đang bị cô lập trên rất nhiều vấn đề, nếu như không muốn nói là tất cả.

Trang bìa của tài liệu bị tiết lộ cho thấy nó đáp ứng yêu cầu của các bộ trưởng TPP trong phiên họp tháng 8 tại Brunei về việc Canada soạn thảo một văn bản hợp nhất sau khi “tham vấn song phương với các nước TPP khác nhằm xác định vấn đề, giới hạn và các phương án khả thi.” Không giống như các tài liệu bị tiết lộ trước đây, tài liệu lần này không có các dấu mở ngoặc để đánh dấu các quy định mà các nước TPP vẫn chưa thống nhất.

Nhưng báo cáo thuyết minh từ các chủ tọa lại ghi rõ 8 điều trong văn bản hợp nhất vẫn chưa được thống nhất, bao gồm các quy định về: Giải thích từ ngữ; các Hiệp định đa phương về môi trường; Tham vấn/Giải quyết tranh chấp; Thương mại và Đa dạng sinh học; Thương mại và biến đổi khí hậu; Đánh cá biển; Bảo tồn; và Hàng hóa và dịch vụ môi trường.

Một nguồn tin khác cho biết, vẫn chưa rõ tại sao báo cáo thuyết minh lại nói “hai chủ tọa” trong khi mọi người mới chỉ biết đến Canada đảm đương vai trò này.

Bên cạnh việc không đáp ứng các yêu cầu của Hoa Kỳ về giải quyết tranh chấp và MEAs, dự thảo của Canada cũng không thỏa mãn các yêu cầu đầu tiên của Hoa Kỳ về các quy định bảo tồn cơ bản. Trong đó, Hoa Kỳ đã thúc đẩy TPP đưa ra quy định về cấm trợ cấp đánh cá gây ra tình trạng đánh cá quá mức và mang tính hủy diệt; quy định cấm hành vi cắt vây cá mập, và cấm tàng trữ động thực vật hoang dã bất hợp pháp.

Theo nghiên cứu chung của CLB Sierra, WWF và NRDC, các quy định trong dự thảo vẫn chưa cấm hoàn toàn trợ cấp đánh cá quá mức mang tính hủy diệt. Thay vào đó, Điều SS.16.6 chỉ cấm một số loại trợ cấp như vậy, được gọi là trợ cấp “mà nhằm vào việc đánh cá ở các vùng cá mà đã bị đánh bắt quá mức” và trợ cấp dành cho bất kỳ tàu cá nào đã bị xác định là có liên quan đến đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo hoặc không được quản lý.

Sau đó, Điều SS.16.8 nêu rằng các quốc gia “phải nỗ lực hết sức” để ngăn chặn việc ban hành hoặc mở rộng các trợ cấp khác đối với đánh cá quá mức và mang tính hủy diệt nhưng không bị điều chỉnh bởi Điều SS.16.6. “Cụm từ “nỗ lực hết sức” là không rõ ràng, và không thể thực thi,” các tổ chức môi trường nói.

Báo cáo thuyết minh của các chủ tọa không cho thấy Hoa Kỳ phản đối quy định giới hạn phạm vi của nghĩa vụ liên quan đến trợ cấp đánh cá.

 

Về vấn đề khai thác vây cá mập, dự thảo của Canada không đưa ra một yêu cầu cụ thể nào về việc các quốc gia phải cấm hành vi này, mặc dù có đề cập đến việc các quốc gia có thể lựa chọn thúc đẩy bảo tồn động vật biển. Cụ thể, Điều SS.16.4 quy định “hệ thống quản lý đánh cá của mỗi quốc gia sẽ, dựa trên cơ sở khoa học tốt nhất, phải hỗ trợ bảo tồn dài hạn các loài cá mập, rùa biển, chim biển và các loài thú ở biển thông qua việc thực hiện và thực thi có hiệu quả các biện pháp bảo tồn và quản lý phù hợp như thu thập dữ liệu về từng loài, các biện pháp giảm thiểu đánh bắt cá, giới hạn đánh bắt, và các lệnh cấm như cấm khai thác vây cá mập hoặc cấm đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại.”

Báo cáo thuyết minh của các chủ tọa không đề cập đến bất kỳ một phản đối nào của Hoa Kỳ về các quy định này.

Cuối cùng, về vấn đề buôn bán động thực vật bất hợp pháp, bản dự thảo của Canada có vẻ như phù hợp với yêu cầu của Hoa Kỳ về việc cấm đối với các hoạt động này, mặc dù báo cáo thuyết minh của chủ tọa ghi nhận quy định đó bị phản đối bởi 9 thành viên TPP khác.

Điều SS.17.5 của dự thảo cũng quy định mỗi bên phải “ban hành hoặc dùy trì các biện pháp cần thiết cho phép quốc gia đó hành động nhằm ngăn cấm buôn bán, vận chuyển và giao dịch trong phạm vi lãnh thổ của mình” đối với động thực vật đã bị khai thác bất hợp pháp. Báo cáo của chủ tọa giải thích đây là đề xuất của Hoa Kỳ, nhưng bị Australia, Brunei, Chile, Japan, Mexico, Malaysia, Peru, Singapore và Việt nam phản đối.

Tuy nhiên, cả 3 tổ chức môi trường vẫn cho rằng quy định này trong dự thảo của Canada là không đủ bởi, mặc dù nó yêu cầu các quốc gia có thể hành động chống lại buôn bán bất hợp pháp động thực vật, nhưng nó lại không bắt buộc các quốc gia phải làm như vậy.

Nguồn: Inside Trade

Dịch và Biên tập: Trung tâm WTO-VCCI