Khác biệt về quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định FTA của ASEAN

06/01/2014    129

Mỗi hiệp định FTA đều có quy tắc xuất xứ riêng để bảo đảm hàng hóa nếu đáp ứng các quy tắc xuất xứ sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan của các nước thành viên dành cho.

Tính đến năm 2010, Việt Nam đã ký kết và thực hiện 7 Hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA), trong đó có 6 FTA thực hiện cùng với các nước ASEAN và một FTA song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản. 

Để thực hiện các cam kết về thương mại hàng hóa, đặc biệt trong lĩnh vực cắt giảm thuế quan, hàng hóa sản xuất tại các nước thành viên phải đáp ứng những quy tắc xuất xứ trong các hiệp định FTA. Mỗi hiệp định FTA đều có quy tắc xuất xứ riêng để bảo đảm hàng hóa nếu đáp ứng các quy tắc xuất xứ sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan của các nước thành viên dành cho.

Trong các hiệp định FTA của các nước ASEAN, về cơ bản, các quy tắc xuất xứ trong các hiệp định này đều có cấu trúc tương đối giống nhau. Tuy nhiên, do đặc thù của từng đối tác, đồng thời cùng với những cam kết cắt giảm khác nhau, quy tắc xuất xứ trong mỗi FTA của ASEAN cũng có những khác biệt nhất định. 

Khác biệt trong quy tắc xuất xứ 

Khác biệt lớn nhất và có tính ảnh hưởng quan trọng đến việc xác định xuất xứ của từng sản phẩm là tiêu chí xuất xứ chung. Trong hầu hết các hiệp định hiện nay như ATIGA, AKFTA, AJCEP, AANZFTA, tiêu chí xuất xứ chung là chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp 4 số (CTH) hoặc hàm lượng giá trị khu vực 40% (RVC (40)). Trong khi đó, Hiệp định ACFTA áp dụng tiêu chí chung là RVC(40) và Hiệp định AIFTA áp dụng tiêu chí chung là RVC(35) kết hợp với tiêu chí CTSH (chuyển đổi mã số hàng hóa cấp 6 số). Có thể nói, trong số các tiêu chí chung nói trên, việc áp dụng tiêu chí CTH hoặc RVC(40) tương đối phù hợp và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. 

Về vấn đề cộng gộp, hầu hết các hiệp định đều áp dụng quy định cộng gộp làm tròn khi hàm lượng giá trị gia tăng của nguyên liệu có xuất xứ đạt 40% trở lên. Hiện chỉ có duy nhất quy tắc xuất xứ trong Hiệp định ATIGA có quy định cộng gộp từng phần với ngưỡng giá trị 20%. Quy định này trước đây được đưa ra nhằm tạo thuận lợi cho việc tận dụng tối đa các phần nguyên liệu có xuất xứ được sử dụng. Hiện nay, một số nước đối tác của ASEAN đang đề nghị áp dụng việc cộng gộp đầy đủ từ bất kỳ tỉ lệ giá trị gia tăng nào. Tỉ lệ giá trị này sẽ được cộng gộp đúng vào trị giá nguyên liệu có xuất xứ trong công đoạn sản xuất tiếp theo. 

Quy định về những công đoạn gia công đơn giản cũng có những khác biệt nhất định trong một số hiệp định. Trong khi các Hiệp định AANZFTA, AKFTA, AJCEP quy định cụ thể từng hành vi được coi là gia công đơn giản, các Hiệp định còn lại như ATIGA, và ACFTA quy định các công đoạn gia công đơn giản theo hướng quy định các nguyên tắc, chẳng hạn như những công đoạn thuộc diện bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển, bốc dỡ hàng, xếp hàng, đóng gói hàng hóa. Việc quy định mang tính chung nhất này có thể đảm bảo mọi hành vi liên quan nếu có những đặc điểm chung như quy định sẽ được loại trừ, trong khi việc quy định cụ thể như trong ba hiệp định ban đầu có thể dẫn tới việc bỏ sót những hành vi sẽ phát sinh trên thực tế sau này. 

Việc áp dụng quy định này đối với một số tiêu chí xuất xứ cũng có những khác biệt trong một số hiệp định. Trong một số trường hợp, công đoạn gia công đơn giản không áp dụng đối với tiêu chí xuất xứ RVC (40) nhưng áp dụng đối với tiêu chí CTC. Nhưng một số trường hợp khác, công đoạn gia công đơn giản lại áp dụng cả hai tiêu chí RVC và CTC. Việc có sự khác biệt này dẫn tới việc khác biệt về tiêu chí xuất xứ trong Quy tắc cụ thể mặt hàng. 

Quy định về ngưỡng de minimis cũng có những khác biệt nhất định. Trong hiệp định ACFTA và AIFTA, ngưỡng de minimis chưa được áp dụng nhưng tại hiệp định còn lại, ngưỡng de minimis được áp dụng trên cơ sở một số khác biệt. Về cơ bản, các hiệp định đều có những áp dụng riêng về cách thức tính de minimis (trọng lượng hoặc trị giá) cho các sản phẩm dệt may hoặc sản phẩm không phải là dệt may với tỉ lệ là 10%. Riêng trong Hiệp định AJCEP, một số mặt hàng nhạy cảm đối với Nhật Bản được áp dụng ngưỡng trị giá thấp hơn (7%). Cũng trong hiệp định này, một số sản phẩm không được áp dụng de minimis.


Khác biệt về thủ tục cấp và kiểm tra chứng nhận xuất xứ

Những khác biệt cơ bản về quy tắc thủ tục cấp và kiểm tra chứng nhận xuất xứ (OCP) tập trung chủ yếu ở một số quy định liên quan đến Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) giáp lưng, quy định kiểm tra tại nước xuất khẩu, quy định về hàng triển lãm và hóa đơn do nước thứ ba phát hành. 

Đối với trường hợp C/O giáp lưng, đây là quy định nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đặc biệt trong các trường hợp chia tách lô hàng, bán một phần lô hàng vào nước nhập khẩu trung gian, phân phối tiếp một phần lô hàng sang các nước thành viên tiếp theo. Bằng quy định này, hàng hóa có xuất xứ trong khu vực duy trì được tình trạng xuất xứ của nước xuất khẩu ban đầu, tránh được tình trạng mất xuất xứ tại nước thành viên trung gian bằng cách cho phép tổ chức cấp C/O của nước trung gian được cấp C/O giáp lưng. Một trong những điều kiện quan trọng để được cấp C/O giáp lưng là hàng hóa vẫn nằm trong kiểm soát của cơ quan Hải quan nước nhập khẩu trung gian và C/O gốc ban đầu vẫn còn hiệu lực. 

Các Hiệp định AANZFTA, AKFTA, AJCEP, ATIGA, AIFTA đều có quy định về C/O giáp lưng với các điều kiện về cơ bản giống như nêu ở trên. Hiện nay, C/O giáp lưng chỉ được cấp một lần trên cơ sở C/O gốc. Trường hợp nước nhập khẩu cuối cùng có nghi vấn về C/O giáp lưng, nước này có thể tiến hành kiểm tra đối với nước xuất khẩu trung gian đã cấp C/O giáp lưng, thậm chí kiểm tra đối với nước xuất khẩu ban đầu để đảm bảo tính xác thực về xuất xứ của lô hàng. 

Riêng Hiệp định ACFTA, khái niệm C/O giáp lưng chưa được hình thành. Trong những phiên đàm phán gần đây giữa ASEAN và Trung Quốc về việc sửa đổi OCP trong khuôn khổ hiệp định ACFTA, quy định về C/O giáp lưng đã được đưa vào phần sửa đổi. 

Trong trường hợp có nghi ngờ về xuất xứ của lô hàng nhập khẩu, nước thành viên nhập khẩu có quyền yêu cầu nước thành viên xuất khẩu kiểm tra tính xác thực của lô hàng. Trường hợp không thỏa mãn với kết quả kiểm tra, nước nhập khẩu có quyền yêu cầu được kiểm tra tại nước xuất khẩu. Quy định này nhằm đảm bảo thỏa mãn tối đa quyền kiểm tra xuất xứ của nước nhập khẩu trước khi khẳng định lô hàng nghi vấn có xuất xứ hay không. 

Hiện nay, trong hầu hết các FTA của ASEAN với các đối tác đều có quy định này. Tuy nhiên, riêng Hiệp định ACFTA không có quy định này. Do vậy, trong những phiên họp sửa đổi OCP trong khuôn khổ Hiệp định ACFTA gần đây, vấn đề này đã được xem xét thảo luận. 

Trong một số trường hợp, hàng hóa được sử dụng để triển lãm. Nhưng sau đó, những hàng hóa này được bán trong quá trình triển lãm. Do vậy, quy định về hàng hóa được sử dụng triển làm là cần thiết để đảm bảo có thể được hưởng ưu đãi thuế quan. Hiện nay, hầu hết các quy tắc xuất xứ đều có quy định này, ngoại trừ quy tắc xuất xứ trong hiệp định AANZFTA. 

Để đảm bảo cho một số trường hợp khi có sự tham gia của bên thứ ba trong quan hệ thương mại giữa nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu, hầu hết các hiệp định đều quy định bên thứ ba có thể được phép phát hành hóa đơn và trong trường hợp này nhà nhập khẩu vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan. Trong thương mại quốc tế ngày nay, hình thức sử dụng hóa đơn nước thứ ba được xem là khá phổ biến cùng với sự phân công lao động, đặt sản xuất ở nước ngoài càng nhiều. Tuy nhiên, Hiệp định ACFTA không có quy định này. 

Ngoài những quy định khác biệt giữa các hiệp định nêu trên, một số các hiệp định có những quy định mà các hiệp định khác không có, như quy định về hàng dệt may, quy định về các sản phẩm công nghệ thông tin. 

Đối với quy tắc cụ thể mặt hàng, về cơ bản, các tiêu chí xuất xứ giữa các hiệp định là khác nhau do ASEAN phải đàm phán với các đối tác khác nhau. Sự khác biệt của các tiêu chí xuất xứ cũng phụ thuộc một phần vào cam kết cắt giảm thuế quan của các mặt hàng này.

Nguồn: http://www.ibla.org.vn/