Mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ về vấn đề sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm trong TPP

07/11/2013    70

Tuần này, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, ông Michael Froman đã phát tín hiệu về việc Hoa Kỳ đang hướng đến một quy định mềm dẻo hơn dành cho các nước đang phát triển so với các nước phát triển về bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) trong đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong thông báo ngày 29/10, ông Froman cho biết, quy định phân hóa như vậy được bắt nguồn trong thỏa ước ngày 10/05/2007 giữa Đảng Dân chủ tại Hạ viện và chính quyền của tổng thống George W. Bush. Thỏa ước đó là một trong những nguyên nhân làm thay đổi các quy định về SHTT trong hiệp định thương mại tự do với Peru, Panama và Colombia nhằm hỗ trợ tiếp cận thuốc với giá rẻ hơn. Thỏa ước ngày 10/05 này không làm thay đổi các quy định SHTT mạnh hơn trong hiệp định thương mại tự do Hoa Kỳ - Hàn Quốc.

“Thỏa ước 10/05 ám chỉ rằng có nước giàu, có nước nghèo, và tồn tại những giải pháp có thể giúp cân bằng giữa một bên là quyền tiếp cận dược phẩm và bên kia là bảo hộ sáng chế mạnh mẽ.” Ông Froman nói.

Ví dụ, thỏa ước ngày 10/05 đã bỏ yêu cầu về việc cơ quan quản lý dược ở các nước đang phát triển phải từ chối cấp giấy phép lưu hành cho các loại thuốc phổ thông cho đến khi họ làm rõ được rằng việc đưa loại thuốc đó ra thị trường không vi phạm bất kỳ một bằng sáng chế nào. Tuy nhiên, các nước đang phát triển vẫn phải có biện pháp để giải quyết bất kỳ tranh chấp nào về xâm phạm hoặc về hiệu lực của bằng sáng chế đối với những sản phẩm mà phải xin phép lưu thông trên thị trường.

Thêm vào đó, thỏa ước ngày 01/05 đã bỏ yêu cầu về việc các quốc gia phải kéo dài thời hạn bảo hộ sáng chế để bù vào khoảng thời gian chậm chễ của việc xin giấy phép lưu hành. Thỏa ước cũng cho phép rút ngắn thời hạn độc quyền dữ liệu nếu một bên dựa vào giấy phép lưu hành đã được cấp tại Hoa Kỳ và kéo dài thời hạn cấp phép nhiều nhất 6 tháng cho đơn yêu cầu của đơn vị tạo ra dữ liệu chứng minh độ an toàn và tính hiệu quả của một loại thuốc.

Đại diện các tổ chức xã hội đã từng phỏng đoán rằng Hoa Kỳ rốt cục cũng sẽ chấp nhận phương án cho phép áp dụng các tiêu chuẩn SHTT mềm dẻo hơn cho các nước đang phát triển.

Một nguồn tin tại Hoa Kỳ cho biết, các hãng dược phẩm có bằng sáng chế sẽ không từ chối thẳng thừng một đề xuất như vậy, miễn là các nước đang phát triển vẫn sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn SHTT cao hơn sau này.

Đề xuất đầu tiên của Hoa Kỳ về SHTT dược phẩm đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước TPP khác, và Hoa Kỳ sau đó đã phải tiến hành rà soát nội bộ về quan điểm của họ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ông Orrin Hatch không đồng tình với quan điểm của Froman tại phiên điều trần ngày 30/10 của Ủy ban Tài chính Thượng viện về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Hatch nói, ông không thể không phản đối ý kiến của Froman khi cho rằng có sự mâu thuẫn giữa bảo hộ SHTT và quyền tiếp cận dược phẩm. “Mà ngược lại, bảo hộ SHTT mạnh sẽ khuyến khích đổi mới và điều đó là cơ sở cho việc tiếp cận các loại thuốc mới”

Ông Hatch sau đó đã mời ông Dave Ricks, phó chủ tịch tập đoàn Eli Lilly, tại phiên điều trần, để giải thích vì sao bảo hộ SHTT mạnh đối với thuốc mới là quan trọng và bình luận các giải pháp mà chính phủ nước ngoài có thể thực hiện nhằm đảm bảo quyền tiếp cận được phẩm mà không làm suy yếu quyền SHTT của các nhà sáng chế Hoa Kỳ.

“Sản phẩm mới sẽ ra đời khi con người có động lực nghiên cứu chúng bởi họ được đảm bảo bởi các khoản tiền thưởng nhờ vào sở hữu trí tuệ,” Ricks trả lời. “Nếu không có các khoản tiền thưởng này sẽ rất khó để chỉ ra điểm khởi đầu của các loại thuốc mới đó.”

Ông Ricks sau đó đã khẳng định rằng các chính phủ có thể hỗ trợ quyền tiếp cận dược phẩm thông qua việc đảm bảo hiệu quả của hệ thống y tế trong khám bệnh và bốc thuốc. Ông ta cũng nói rằng 95% các loại thuốc trong danh mục Thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới hiện nay là thuốc phổ thông.

Vào cuối phiên điều trần, ông Hatch nói ông rất quan tâm đến vấn đề độc quyền dữ liệu của thuốc sinh học và yêu cầu ông Ricks viết thư cho Ủy ban liên quan đến vấn đề này.

Bảo hộ SHTT đối với dược phẩm là một trong những vấn đề nổi cộm trong chương SHTT tại TPP. Chương này hiện nay vẫn còn hơn 100 vấn đề chưa được giải quyết trước phiên họp giữa kỳ tại Tokyo ngày 24-28/10.

Ông Froman đã tái khẳng định mục tiêu của các nước TPP là kết thúc đàm phán vào cuối năm nay, nhưng ông cũng công nhận đây là một mục tiêu tham vọng. Ông nói rằng đàm phán đang gặp vấn đề về nội dung, chứ không phải vấn đề thời gian.

Ông Froman cho biết, Đại diện Thương mại Hoa kỳ vẫn đang trao đổi với các bên liên quan trong nước và Quốc hội để đạt được thỏa thuận về các vấn đề nhạy cảm trước khi đưa ra bàn đàm phán.

“Chúng tôi không thể duy trì cách tiếp cận ‘được ăn cả, ngã vể không’.” – ông nói – “Mục tiêu của chúng tôi cuối cùng là nhằm cân bằng các lợi ích nội địa, các lợi ích của các bên liên quan trong nước Mỹ, để đem lại vị thế tốt nhất mà chúng tôi tin rằng sẽ phục vụ các lợi ích của Hoa Kỳ … và sau đó đàm phán với 11 nước TPP khác về vị thế này”.

Nguồn: http://insidetrade.com/

Dịch và biên tập: Trung tâm WTO-VCCI