Hàn Quốc và bài toán TPP

05/11/2013    50

Sau hơn 03 năm với 19 vòng đàm phán, TPP hiện đang đi vào giai đoạn đàm phán cuối cùng, gấp rút và khẩn trương cho mục tiêu kết thúc vào cuối năm nay. Vì thế, sau sự tham gia gần đây nhất của Nhật Bản (tháng 7/2013), các nước TPP dường như chỉ muốn tập trung cho việc hoàn thành đàm phán thay vì mở rộng số lượng thành viên hiện tại.

Thế nhưng, với sự hấp dẫn của một hiệp định được hứa hẹn là “chất lượng cao của thể kỷ 21”, của một khu vực thương mại tự do rộng lớn chiếm tới 1/3 thương mại toàn cầu, nên dù còn nhiều quan ngại, một số nước vẫn muốn tham gia vào cuộc chơi chung này. Thể hiện rõ nhất gần đây có lẽ là Hàn Quốc, nước này đã gần như chính thức quyết định tham gia vào TPP và dự định sẽ tuyên bố sự kiện này tại Hội nghị APEC 2013 – nhưng đến phút chót, không biết vì lý do gì, đã trì hoãn tuyên bố này.

Hàn Quốc và ý định tham gia TPP

Theo dự định ban đầu, các Bộ trưởng Thương mại và Ngoại giao Hàn Quốc sẽ thảo luận về khả năng tham gia TPP của Hàn Quốc tại cuộc họp các bộ trưởng APEC diễn ra từ ngày 4 -5 tháng 10 tại Bali, Indonesia. Sau đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ tham vấn với các nhà lãnh đạo TPP khác về vấn đề này tại cuộc họp các nhà lãnh đạo TPP bên lề APEC từ ngày 7-8 tháng 10. Và nếu kết quả của các cuộc thảo luận và tham vấn khả quan, Hàn Quốc sẽ chính thức tuyên bố tham gia vào hiệp định này – theo một nguồn tin từ Chính phủ Hàn Quốc.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian diễn ra APEC 2013, không thấy có thông tin gì về việc Hàn Quốc bày tỏ ý định hay chính thức tuyên bố tham gia TPP. Một số người dự đoán rằng sự im lặng này có liên quan tới việc Tổng thống Mỹ không thể tham gia APEC do tình trạng đóng cửa Chính phủ. Cũng có ý kiến cho rằng bà Park vẫn còn nghi ngại một số làn sóng phản đối trong nước như các nhóm nông nghiệp hay lao động từ trước đến giờ vẫn phản đối kịch liệt các nỗ lực tự do hóa thương mại của Chính phủ nước này.

Trong một bài phát biểu tại phiên điều trần của Nghị viện ngày 14/10/2013, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, ông Yun Byung-se đã nói rằng “Hàn Quốc hiện đang nhìn vào những mặt tích cực của TPP” và rằng việc nước này tham gia TPP chỉ còn là vấn đề thời gian. Trước Ủy ban các vấn đề Đối ngoại, Thương mại và Thống nhất của Quốc hội, ông Yun cũng nói rằng “Đã có một sự đồng thuận đáng kể, trong và ngoài Chính phủ” về việc Hàn Quốc tham gia TPP.

Cùng ngày, tại một buổi họp báo bên lề hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới tại Washington, Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hàn Quốc Hyun Oh-seok cũng phát biểu rằng Hàn Quốc “đang trong quá trình xem xét thời điểm thích hợp để tham gia vào TPP”.

Và thái độ của một số nước

Trước ý định tham gia TPP của Hàn Quốc, trong một bài phát biểu hồi tháng 9 vừa rồi, Thứ trưởng cao cấp của Văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yasutoshi Nishimura đã nói rằng Nhật Bản về cơ bản sẽ ủng hộ Hàn Quốc nếu nước này quyết định tham gia vào TPP.

Còn Hoa Kỳ, trong một sự kiện hồi tháng 4/2013, Trợ lý Đại diện Thương mại Wendy Cutler đã phát biểu: “Chúng tôi cho rằng việc Hàn Quốc tham gia đàm phán này là hiển nhiên và hợp lý”. Nhưng tại thời điểm đó, Hàn Quốc lại tỏ ra chưa thực sự mặn mà với TPP mà chỉ tập trung vào đàm phán FTA song phương với Trung Quốc. Còn sau khi Hàn Quốc tỏ ra sốt sắng với TPP từ đầu tháng 9/2013, Phát ngôn viên của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ lại từ chối bình luận về việc Hoa Kỳ có ủng hộ việc Hàn Quốc tham gia vào TPP ở giai đoạn này hay không.

Tham gia TPP Hàn Quốc sẽ được gì?

Trong 12 nước thành viên TPP thì có tới 7 nước (trong đó có Hoa Kỳ) Hàn Quốc đã ký FTA (song phương hoặc khu vực), 4 nước khác đang đàm phán FTA song phương, còn lại Nhật Bản thì đang đàm phán trong khuôn khổ FTA ba nước Nhật – Trung – Hàn. Vì vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc tham gia TPP đối với Hàn Quốc sẽ có cả những cái lợi và không lợi.

Lợi vì Hàn Quốc sẽ không phải mất quá nhiều công sức để làm quen, để nghiên cứu và cân nhắc những vấn đề đang được đàm phán trong TPP bởi theo như bà Cutler đề cập đến trong bài phát biểu hồi tháng 4 thì nó “có một phần lớn trùng lặp với những nội dung đã được đàm phán trong FTA Hàn Quốc – Hoa Kỳ”.

Lợi vì Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì được lợi thế cạnh tranh của mình ở khu vực thị trường này (trong đó đặc biệt là với Hoa Kỳ) so với “đối thủ” Nhật Bản vừa tham gia TPP hồi tháng 7/2013– nhiều người cho rằng đây chính là lý do vì sao Hàn Quốc lại “bỗng nhiên” đặc biệt quan tâm đến TPP trong thời gian gần đây trong khi trước đó không mấy nhiệt tình.

Còn không lợi vì Hàn Quốc đã và sắp có FTA với tất cả các nước thành viên TPP rồi nên việc tham gia TPP sẽ chỉ có tính chất mở rộng lợi ích chứ không thể tạo ra một bước đột phá nào cho thương mại và đầu tư của nước này. Trong khi đó, Hàn Quốc có thể sẽ phải chịu những rủi ro từ những cam kết rất cao trong TPP hay một số vấn đề mới chưa có trong FTA với Hoa Kỳ như vấn đề doanh nghiệp nhà nước - hiện Hàn Quốc vẫn duy trì một số doanh nghệp nhà nước, chủ yếu ở các lĩnh vực thiết yếu.

Ngoài ra, tham gia TPP vào giai đoạn này, khi mà đàm phán đang gấp rút để kết thúc vào cuối năm nay, Hàn Quốc sẽ phải chấp nhận tất cả những gì đã được thống nhất trước đó. Thêm nữa, nếu tuyên bố tham gia vào thời điểm này thì việc được chính thức ngồi vào bàn đàm phán của Hàn Quốc cũng phải mất một thời gian dài cho thủ tục chấp thuận ở các nước thành viên khác (như Hoa Kỳ phải mất đến 90 ngày), trong khi TPP cũng chỉ còn 3 tháng nữa là đến hạn kết thúc như mục tiêu đề ra.

Nói chung, dù Hàn Quốc quyết định tham gia TPP vào thời điểm nào, cũng sẽ ảnh hưởng cục diện đàm phán TPP mà theo như nhiều người dự đoán là chưa thể kết thúc vào cuối năm nay. Và nếu Hàn Quốc tham gia, có lẽ, sẽ nhiều nước nữa muốn tham gia mà cụ thể Thái Lan, Indonesia, Đài Loan... đã từng bày tỏ ý định tương tự. Cục diện TPP, vì thế, cũng sẽ càng ngày càng khó đoán định hơn.

Nguồn: Trung tâm WTO-VCCI