Hàn Quốc tái khởi động một số đàm phán thương mại song phương nhằm tạo đà gia nhập TPP

04/11/2013    46

Một nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc đã khởi động lại đàm phán thương mại tự do với Australia, Canada và New Zealand như một phần trong kế hoạch gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của nước này.

Ba quốc gia này – đều là thành viên của TPP – đang yêu cầu Hàn Quốc giải quyết các vấn đề tiếp cận thị trường nông sản theo phương thức song phươngnhư một cái giá phải trả để gia nhập hiệp định thương mại 12 quốc gia này. Nguồn tin nhấn mạnh rằng việc khởi động lại các trao đổi song phương với các quốc gia đó không có nghĩa là Hàn Quốc “từ bỏ” TPP.

Mà ngược lại, các nỗ lực của Hàn Quốc trên các quan hệ song phương đó lại liên quan đến mục tiêu gia nhập TPP của họ, mặc dù điều này khó có thể diễn ra nhanh chóng như Seoul suy tính ban đầu. Hàn Quốc vẫn chưa công bố quan điểm chính thức về việc họ có muốn tham gia TPP hay không, và một tuyên bố như vậy khó có thể được đưa ra trong tương lai gần – ít nhất là cho đến khi đạt được tiến triển trong đàm phán với ba đối tác thương mại nêu trên.

Trong giai đoạn này, Hàn Quốc cho rằng họ không cần thiết phải kết thúc trước đàm phán FTA với tất cả các đối tác trên để nhận được sự đồng ý của họ về việc tham gia TPP của nước này. Nhưng rõ ràng, các đối tác muốn thấy những tiến bộ nhất định trong đàm phán FTA với Hàn Quốc, nhưng không rõ là trong bao lâu.

Hàn Quốc hiện đang đàm phán một hiệp định thương mại với Việt Nam và đang chuẩn bị đàm phán với Malaysia, cả hai nước này đều là thành viên TPP.

Một thành viên mới chỉ có thể giam gia TPP nếu tất cả các thành viên khác đồng ý. Dựa vào TPP như một đòn bẩy, Australia, Canada và New Zealand đang hi vọng sẽ có được các cam kết từ phía Hàn Quốc trong các cuộc đàm phán song phương nhằm cắt giảm các nghĩa vụ đối với hàng nông sản theo lộ trình tương tự như đã được quy định trong FTA Hoa Kỳ - Hàn Quốc.

Ví dụ, do Hàn Quốc đã đồng ý cắt giảm thuế quan trong thời hạn 10 năm theo FTA giữa họ và Hoa Kỳ - có hiệu lực vào năm 2012 – nên họ có thể sẽ phải chấp nhận bãi bỏ các nghĩa vụ cho 3 quốc gia trên vào năm 2022, sao cho các nước này không thua thiệt trước những đối thủ cạnh tranh đến từ Hoa Kỳ.

Cho đến giờ, Hàn Quốc vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận yêu cầu này. Bởi vì như vậy có nghĩa là lộ trình cắt giảm thuế quan sẽ ngắn hơn so với trong FTA song phương với Hoa Kỳ.

Australia, Canada và New Zealand là các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, và nông nghiệp vẫn luôn là một trong những chủ đề nhạy cảm nhất tại Hàn Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại. Hàn Quốc đã bắt đầu đàm phán với Canada từ năm 2005 và bị gián đoạn năm 2008, họ cũng bắt đầu đàm phán với Australia và New Zealand năm 2009 và gián đoạn năm 2010.

Một tín hiệu khác cho thấy Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục theo đuổi những nỗ lực tham gia TPP đó là  việc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng của Hàn Quốc đã tuyên bố họ sẽ tổ chức một buổi tham vấn tại Seoul ngày 15/11 này liên quan đến sự tham gia của nước này vào TPP.

Theo một thông báo đăng trên website của MOTIE ngày 28/10, buổi tham vấn trên sẽ cho phép các bên liên quan và các chuyên gia thương mại bày tỏ quan điểm của mình về việc Hàn Quốc tham gia TPP đến chính phủ của nước này. Tổ chức buổi tham vấn như vậy là một thủ tục pháp lý bắt buộc của Hàn Quốc trước khi nước này có thể tham gia một đàm phán thương mại mới, theo nguồn tin của chính phủ.

Một yêu cầu pháp lý khác đã được thực hiện, đó là Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIEP), trực thuộc chính phủ, phải nghiên cứu và báo cáo về tác động của việc tham gia hiệp định thương mại. Một nghiên cứu bí mật vừa được KIEP trình lên chính phủ trong mùa hè vừa qua. – Ben Hancock

Nguồn: insidetrade.com

Dịch và Biên tập: Trung tâm WTO-VCCI