TPP và những vấn đề còn tồn đọng trước thềm Hội nghị APEC

01/11/2013    46

Ngày 8/10/2013, các nhà lãnh đạo TPP có cuộc gặp mặt bên lề Hội nghị APEC tại Indonesia để thúc đẩy tiến triển đàm phán TPP nhằm đạt được mục tiêu kết thúc vào cuối năm nay. Tuy nhiên, cuộc họp này sẽ hơi khác so với mong đợi của các nhà lãnh đạo TPP tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Campuchia cách đây một năm, khi họ đặt mục tiêu kết thúc đàm phán TPP trước hội nghị APEC của năm nay.

Hội nghị năm nay không có sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama do tình trạng đóng cửa của Chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa được giải quyết.  Hội nghị năm nay cũng chưa thể tuyên bố kết thúc đàm phán TPP do còn rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết, đặc biệt không có nhiều tiến triển ở những lĩnh vực khó khăn nhất như Sở hữu trí tuệ (IP), môi trường, doanh nghiệp nhà nước (SOE) và tiếp cận thị trường.

Tiến triển chậm ở những vấn đề còn nhiều tranh cãi, cùng với sự tham gia mới của Nhật Bản và thay đổi chính quyền ở Australia là những lý do khiến nhiều người nghi ngờ khả năng kết thúc đàm phán TPP vào cuối năm này – điều mà Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, ông Michael Froman cho là “tham vọng nhưng có thể thực hiện được”.

Tại một cuộc họp báo ngày 5/10 tại Indonesia, ông Froman đã phát biểu rằng các nước TPP vẫn giữ nguyên cam kết mạnh mẽ kết thúc các cuộc đàm phán vào cuối năm nay, và rằng các bộ trưởng thương mại của các nước TPP trong cuộc gặp mặt tại Indonesia trước cuộc gặp của các nhà lãnh đạo vào ngày 8/10 đã thảo ra cách thức để giải quyết các vấn đề còn nhiều tồn đọng – đặc biệt là sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, môi trường và tiếp cận thị trường – nhằm thúc đẩy đàm phán đi đến kết thúc. “Trong tuần này, chúng tôi đã đạt được những tiến triển đáng kể và đang chờ đến cuộc họp vào thứ Ba tới để thông báo cho các nhà lãnh đạo TPP về những tiến bộ đã đạt được và nhận chỉ thị ở cấp chính trị để thúc đẩy kết thúc các cuộc đàm phán

Theo dự kiến ban đầu, ông Obama sẽ tham dự APEC và chủ trì hội nghị các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, do cuộc đấu tranh về ngân sách và tình trạng đóng cửa chính phủ mà ông Obama đã phải hủy chuyến đi này.

Trong cuộc họp báo ngày 5/10, ông Froman cho biết, Thủ tưởng chính phủ của New Zealand, ông John Key vừa đồng ý thay ông Obama để chủ trì hội nghị trên. Còn theo phát ngôn viên của USTR thì Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, ông John Kerry sẽ thay mặt ông Obama để tham dự hội nghị cùng với ông Froman.

Việc hủy chuyến đi lần này của ông Obama chỉ là một trong những hậu quả của việc đóng cửa chính phủ Mỹ tác động tới TPP, bởi nếu tiếp tục, việc này sẽ còn có thể ảnh hưởng tới khả năng tham gia của các nhà đàm phán của USTR trong các phiên đàm phán tới của TPP. Theo một nguồn tin, các nước TPP sẽ có các phiên thảo luận bổ sung về IP vào tháng 10 và tháng 11 tới.

USTR, vốn đã bị thu hẹp bởi cắt giảm ngân sách trước đó của Quốc hội, nay chỉ hoạt động với một phần tư nhân viên do tình trạng đóng cửa Chính phủ. Hậu quả là ngày 2/10 vừa qua USTR đã phải thông báo hủy vòng đàm phán thứ hai FTA với EU.

Bên cạnh 4 lĩnh vực nhiều tranh cãi nhất, một số vấn đề khó khăn ở các lĩnh vực khác cũng chưa rõ có thể giải quyết được hay chưa.

Chẳng hạn, Hoa Kỳ đang gặp phải phản đối mạnh mẽ từ các nước đối tác đối với yêu cầu của nước này áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước – nhà đầu tư (ISDS) với phạm vi rất rộng trong TPP, trong đó có vấn đề mở rộng áp dụng cơ chế này như thế nào đối với các khoản đầu tư về dịch vụ tài chính.

Nhưng phản đối mạnh mẽ nhất có lẽ là chính quyền cũ của Đảng Lao động của Australia. Chính quyền này đã yêu cầu không áp dụng bất kỳ điều khoản ISDS nào trong TPP đối với Australia. Tuy nhiên, chính quyền này đã bị lật đổ trong cuộc bầu cử ngày 7/9 của Australia và thay thế bằng chính quyền của Liên Đảng. Hiện tại vẫn chưa rõ Đảng này sẽ có quan điểm như thế nào về vấn đề ISDS trong TPP.

Một số nguồn tin tư nhân cho biết chính phủ mới của Australia sẽ chưa thể đưa ra quan điểm của mình về các vấn đề TPP trong năm nay.

Một vấn đề khó khăn khác mà các nước TPP cũng đang gặp phải là vấn đề pháp lý liên quan tới các hiệp định thương mại, như TPP sẽ có liên quan như thế nào với các hiệp định thương mại đã có giữa các thành viên hay TPP sẽ bắt đầu có hiệu lực như thế nào.

Vấn đề thuốc lá cũng gây nhiều tranh cãi khi hai nước Hoa Kỳ và Malaysia đang đưa ra hai đề xuất khác nhau – Malaysia thì muốn rằng các quy định về kiểm soát thuốc lá của mỗi nước sẽ không phải tuân thủ theo các nghĩa vụ của TPP, trong khi Hoa Kỳ lại đưa ra đề xuất ngược lại.

Bên cạnh đó, các nước TPP cũng không cho thấy dấu hiệu khả quan trong việc giải quyết vấn đề liệu các quy định về vệ sinh dịch tễ (SPS) có tuân theo cơ chế giải quyết tranh chấp đầy đủ hay không.

Trong Chương Thương mại điện tử, một số nước như Australia và New Zealand cũng đang phản đối đề xuất của Hoa Kỳ nhằm cho phép tự do lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới.

Về 4 lĩnh vực đàm phán khó khăn nhất, quan điểm về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (IP) đối với dược phẩm vẫn còn nhiều khác biệt sau 10 ngày thảo luận tại phiên họp giữa kỳ về IP tại Mexico hồi cuối tháng 9 đầu tháng 10. Tại phiên họp này, Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra đề xuất mới về IP dược phẩm như một số nước mong đợi, và cũng không đưa ra đề xuất nào về thời hạn độc quyền dữ liệu đối với thuốc sinh học. Do đó tại phiên họp ở Mexico các nước thảo luận về một đề xuất thay thế của nhóm năm nước đưa ra vào tháng 8 vừa qua về IP dược phẩm. Theo một số nguồn tin thì đề xuất này mới nhận được thêm sự ủng hộ của hai nước thành viên khác.

Trong cuộc họp báo ngày 3/10 sau khi kết thúc phiên họp trên, Bộ Kinh tế Mexico đã cho biết các nhà đàm phán IP đã soạn thảo một báo cáo cho các bộ trưởng về lịch trình và phương thức để thúc đẩy các cuộc thảo luận. Một nguồn tin cho biết danh sách các vấn đề còn tồn động được các nhà đàm phán IP thảo ra dài tới vài trang giấy.

Về lĩnh vực SOE, các cuộc thảo luận vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu nhưng theo các quan chức thương mại Hoa Kỳ thì đã đạt được tiến triển khi các nước TPP thống nhất được về nguyên tắc cần phải áp đặt các quy tắc đối với các SOE – trước đó một số nước đã phản đối điều này.

Hoa Kỳ đưa ra đề xuất về SOE từ tháng 10/201, nhưng các cuộc thảo luận diễn ra rất chậm chạp khi nhiều nước TPP nhận thấy rằng đề xuất này có thể sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của họ. Thêm nữa, Australia ban đầu không muốn tham gia vào thảo luận về vấn đề này cho đến khi Hoa Kỳ đồng ý đàm phán về đề xuất của họ liên quan tới các quy tắc đối với trợ cấp xuất khẩu. Tuy nhiên sau đó Australia đã từ bỏ ý định này, và đàm phán đã bắt đầu tiến triển trở lại vào đầu năm nay khi nước này đưa ra phương pháp tiếp cận mới về vấn đề SEO dựa trên hệ thống trung lập về cạnh tranh trong nước.

Mặc dù ban đầu nhiều doanh nghiệp của Hoa Kỳ đã chỉ trích phương pháp đó của Australia là không khả thi, nhưng dường như hai nước đã thu hẹp được khoảng cách về vấn đề này trong đàm phán TPP. Tuy nhiên, đàm phán về vấn đề này vẫn gặp nhiều khó khăn một phần do một số nước như Malaysia và Singapore tiếp tục phản đối các quy định mạnh về SOE. Tại vòng đàm phán thứ 19, các nước TPP vẫn chưa thống nhất được về định nghĩa cơ bản thế nào là doanh nghiệp nhà nước – định nghĩa này rất quan trọng trong việc xác định thực thể nào sẽ là đối tượng của các quy tắc SOE trong TPP.

Đối với lĩnh vực môi trường, các nhà đàm phán cũng có phiên họp giữa kỳ vào tháng trước tại Washington nhằm cố gắng thu hẹp những điểm bất đồng trong dự thảo của chương này mà theo một số nguồn tin còn tới gần 300 điểm chưa được thống nhất sau vòng đàm phán thứ 19.

Một quan chức Hoa Kỳ trước đó đã cho biết điểm vướng mắc lớn nhất trong các quy định về môi trường không phải là khả năng thực thi các nghĩa vụ. Điều này khiến các nguồn tin dự đoán rằng vướng mắc đó chắc hẳn liên quan đến điều khoản yêu cầu các nước phải nâng cao các nghĩa vụ của mình trong các hiệp định đa phương về môi trường khác.

Đàm phán về tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và các vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ vẫn còn nhiều thử thách.

Với sự tham gia của Nhật Bản, tốc độ đàm phán càng thêm chậm chạp do nước này sẽ phải trao đổi bản chào thuế quan với từng nước. Trong một bài phát hiểu hồi tháng 8 vừa rồi, ông Froman đã cho biết ông hi vọng Nhật Bản và Hoa Kỳ có thể trao đổi bản chào thuế quan vào giữa tháng 9 nhưng đến giờ vẫn chưa rõ là đã thực hiện được hay chưa.

Hoa Kỳ thì vẫn giữ quan điểm không đàm phán thêm về tiếp cận thị trường đối với những nước đã có FTA với nước này ngoại trừ Canada. Trong khi đó Australia mặc dù đã có FTA với Hoa Kỳ vẫn kiên quyết yêu cầu nước này phải mở rộng cửa hơn cho sản phẩm đường của họ.

Một vấn đề khó khăn khác dường như vẫn chưa được giải quyết trước Hội nghị APEC là Việt Nam vẫn tiếp tục yêu cầu Hoa Kỳ phải hạ thấp thuế quan hơn nữa cho các sản phẩm dệt may và da giày của Việt Nam.

Đối với dệt may, cuộc chiến liên quan đến quy tắc xuất xứ để đáp ứng được ưu đãi thuế quan theo TPP. Hoa Kỳ đề xuất áp dụng quy tắc “từ sợi trở đi” (“yarn-forward”) theo đó yêu cầu tất cả các nguyên liệu sản xuất dệt may bắt đầu từ sợi trở đi phải có xuất xứ từ khu vực TPP, nhưng Việt Nam và một số nước khác phản đối quy tắc này.

Hoa Kỳ sau đó đã phải nhượng bộ bằng cách cho phép một số ngoại lệ đối với quy tắc “yarn-forward” được liệt kê trong danh mục “nguồn cung thiếu hụt” (short-supply list). Hiện tại Hoa Kỳ đang làm việc với các nước khác để xác định các mặt hàng được đưa và danh mục này. Một số nguồn thông tin cho biết quá trình xác định danh mục “nguồn cung thiếu hụt” vẫn chưa hoàn thành trước Hội nghị APEC bởi Hoa Kỳ còn phải lấy ý kiến nội địa về đề xuất danh mục “nguồn cung thiếu hút” của các nước.

Nguồn: Inside Trade

Dịch và Biên tập: Trung tâm WTO - VCCI