Vấn đề pháp lý vẫn còn nhiều tranh cãi trong TPP

26/09/2013    57

Các quốc gia trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn đang gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận về một số vấn đề pháp lý gây tranh cãi liên quan đến hiệp định thương mại này, bao gồm vấn đề về mối quan hệ giữa TPP và các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) đã có giữa các quốc gia, và vấn đề TPP sẽ có hiệu lực như thế nào sau khi hoàn thành đàm phán.

Đây là hai trong số nhiều vấn đề được trao đổi tuần trước tại Washington trong phiên giữa kỳ của nhóm đàm phán về các vấn đề pháp luật và thể chế. Những vấn đề này đã là chủ đề tranh luận trong các cuộc đàm phán TPP trong suốt một thời gian dài.

Đối với vấn đề sử dụng hiệp định nào, Hoa kỳ mong muốn rằng TPP sẽ được ưu tiên áp dụng so với các FTA song phương đã có, trừ khi các bên có thỏa thuận rõ ràng về các ngoại lệ. Nhiều nguồn tin cho biết, Hoa Kỳ đề xuất rằng các FTA song phương chỉ có thể được ưu tiên áp dụng trong những trường hợp các FTA này “mạnh” hơn TPP, nhưng thế nào được coi là “mạnh” hơn thì vẫn chưa rõ.

Các quốc gia TPP khác lại cho rằng tiêu chí để xác định sẽ áp dụng hiệp định nào (TPP hay là các FTA song phương) nên được quy định cụ thể hơn, thay vì đơn thuần dựa trên tiêu chí “mạnh hơn”. Điều này sẽ giúp tránh được các tranh cãi sau này liên quan đến việc hiệp định nào có những quy định mạnh hơn.

Đối với vấn đề hiệu lực, theo một nguồn tin tranh luận chủ yếu tập trung vào việc hiệp định sẽ bắt đầu có hiệu lực khi một quốc gia phê chuẩn nó, hay phải đến khi quốc gia đó nộp báo cáo khẳng định việc hoàn tất các bước thực thi cần thiết.

Vấn đề này xoay quanh việc Hoa Kỳ có quyền đến đâu trong việc quyết định một quốc gia đã tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của họ trong TPP trước khi chấp nhận TPP có hiệu lực.

Trong các FTA trước đây, Quốc hội Hoa Kỳ quy định trong đạo luật thực thi FTA rằng một FTA sẽ chưa có hiệu lực cho đến khi Tổng thống công nhận rằng bên đối tác đã tuân thủ tất cả các nghĩa vụ mà có hiệu lực ngay lập tức của FTA đó. Một số thành viên TPP, như Chile, phản đối cánh tiếp cận này. Họ cho rằng đây là một yêu cầu công nhận “đơn phương”, mà thực chất là trao cho Hoa Kỳ quyền can thiệp vào một quốc gia có chủ quyền và cả cơ quan lập pháp của nó.

Một nguồn tin cho biết, Hoa Kỳ có lẽ sẽ không từ bỏ yêu cầu công nhận đơn phương này, bởi các áp lực từ trong nước và Quốc hội muốn đảm bảo rằng các quốc gia khác sẽ thực thi các nghĩa vụ TPP của họ trên thực tế.

Có lẽ, Hoa Kỳ muốn tránh tình trạng như đã diễn ra với Hiệp định thương mại tự do Hoa Kỳ - Chile, vốn không có yêu cầu công nhận đơn phương này. Hiệp định đó đã có hiệu lực bất chấp một số phản đối từ phía Hoa Kỳ cho rằng Chile chưa thực thi đầy đủ các cam kết của họ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Một số vấn đề khác được trao đổi trong cuộc họp của nhóm pháp lý tuần qua là phạm vi của các ngoại lệ chung trong TPP và các quy định cụ thể về thuốc lá được đưa ra bởi Hoa Kỳ và Malaysia. Nhưng các nguồn tin cũng cho biết, họ không đặt kỳ vọng vào việc các nhà đàm phán của nhóm pháp lý có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng về hai bản đề xuất về vấn đề thuốc lá đang được đưa ra.

Malaysia đề xuất vấn đề quản lý thuốc lá được đưa ra hoàn toàn khỏi các quy định của TPP. Một số tổ chức y tế cộng đồng thì nói rằng họ hi vọng TPP cũng loại trừ cả vấn đề cắt giảm thuế quan đối với thuốc lá. Trong khi đó, đề xuất của Hoa Kỳ thì chỉ tái khẳng định các quy định kiểm soát thuốc lá sẽ được đưa vào các ngoại lệ thông thường đã có về các ngoại lệ đối với các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe và cuộc sống con người .

Nguồn: Insidetrade

Dịch và Biên tập: Trung tâm WTO – VCCI