Nhật Bản và vấn đề an toàn thực phẩm trong TPP

23/09/2013    57

Theo nhiều nguồn tin, 12 nước tham gia đàm phán TPP có khả năng sẽ không nới lỏng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của họ vì chủ đề này không được thảo luận tại vòng đàm phán thứ 19 của TPP.

Điều này có nghĩa là Nhật Bản có thể duy trì các quy định của nước này về chất phụ gia thực phẩm và thuốc trừ sâu – những quy định này nghiêm ngặt hơn so với các tiêu chuản quốc tế. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn có thể sẽ phải nới lỏng các quy định này  tại các cuộc thảo luận song phương  sắp tới với Hoa Kỳ được tổ chức song song với các vòng đàm phán TPP vì Washington đã kêu gọi phải có các quy định đơn giản hơn.

Một số nhóm tiêu dùng của Nhật Bản đã thể hiện mối quan ngại rằng TPP có thể ảnh hưởng xấu đến vấn đề an toàn thực phẩm trong nước.

Vì các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là một chủ đề đã đạt được nhiều tiến triển trong các vòng đàm phán trước của TPP, nên  không có một phiên họp nào về chủ đề này của các nhóm được dự kiến tổ chức trong suốt vòng đàm phán diễn ra tại Brunei.

Các tiêu chuẩn quốc tế đối với chất phụ gia thực phẩm và thuốc trừ sâu được xây dựng bởi Ủy ban dinh dưỡng Codex, một tổ chức được thành lập bởi Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Nông lương thế giới. Tuy nhiên, theo quy tắc của WTO, một quốc gia có thể xây dựng các tiêu chuẩn riêng của mình dựa trên các nền tảng khoa học, vì tỷ lệ và hàm lượng tiêu thụ thực phẩm khác nhau giữa các quốc gia.

Trong đàm phán TPP, các quốc gia đã yêu cầu giữ nguyên các quy tắc của WTO nhưng sẽ xây dựng các quy tắc rõ ràng hơn về cơ sở khoa học cho việc thay đổi các tiêu chuẩn.

Quy tắc của WTO cũng sẽ được ủng hộ trong đàm phán song phương Nhật Bản-Hoa Kỳ, tuy nhiên Hoa Kỳ đã chỉ trích quá trình xem xét các chất phụ gia thực phẩm mới của Nhật Bản mất quá nhiều thời gian. Washington cũng nói rằng các quy định của Nhật Bản yêu cầu việc xem xét thuốc diệt nấm phải tách biệt với xem xét chất phụ gia là vượt quá các quy định của WTO.

Nhật Bản và Hoa Kỳ đã nhất trí rằng nội dung các cuộc thảo luận song phương sẽ được thể hiện trong các quy tắc của TPP hoặc trong các hình thức quy định khác.

Trong khi đó, các nguồn tin cho biết Nhật Bản đã có các cuộc thảo luận song phương về cắt giảm thuế quan với Hoa Kỳ và Australia trong vòng đàm phán TPP đang diễn ra tại Brunei.

Trước đó, hai nước nông nghiệp lớn này đã dự định hoãn các cuộc thảo luận với Nhật Bản cho đến sau vòng đàm phán này, vì Hoa Kỳ chưa hoàn thành việc đánh giá tác động của việc cắt giảm thuế quan đối với các sản phẩm của Nhật Bản và Australia dự kiến tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào ngày 7/9.

Các cuộc thảo luận song phương này đã đặt ra các yêu cầu mãnh mẽ đối với Nhật Bản – nước mới tham gia đàm phán TPP hồi tháng trước.

Tại Nhật Bản, sức ép trong nước yêu cầu duy trì thuế đối với gạo và các sản phẩm nông nghiệp chủ đạo khác để bảo vệ các sản phẩm này trước hàng nhập khẩu giá rẻ là rất cao. Nhưng Tokyo cũng hi vọng các nước khác sẽ cắt giảm các khoản thuế áp lên các sản phẩm sản xuất từ Nhật Bản.

Trước đó, Đại diện thương mại Hoa Kỳ Michael Froman đã phát biểu rằng Washington có khả năng sẽ đưa ra đề xuất thuế quan cho Tokyo vào giữa tháng 9, nên nội dung cuộc đàm phán song phương gần đây nhất nhiều khả năng sẽ chỉ dừng ở việc làm thế nào để tiếp tục các cuộc đàm phán từ tháng 9 và ấn định một tỷ lệ các mặt hàng được miễn thuế ban đầu cho đàm phán.

Australia cũng có khả năng trì hoãn việc đưa ra một danh sách các sản phẩm hưởng cắt giảm thuế quan trước khi diễn ra cuộc bầu cử mà có thể dẫn đến sự thay đổi trong chính phủ.

Cho đến nay, Nhật Bản cũng đã có các cuộc thảo luận song phương với Mexico, Việt Nam, Canada, Malaysia và New Zealand, và dự định sẽ tiếp tục thảo luận vớivới các nước còn lại trong TPP – Singapore, Brunei, Chile và Peru – trước khi vòng đàm phán Brunei kết thúc vào thứ sáu.

Trong đàm phán về thuế quan, Tokyo dự kiến đưa ra bản chào đầu tiên xóa bỏ từ 70 tới 90% các dòng thuế, và sẽ tăng tỷ lệ này lên tùy  thuộc vào phản ứng của các nước khác.

Theo 13 hiệp định thương mại hiện có mà Nhật Bản đã ký kết, tỷ lệ các mặt hàng mà Tokyo đã thỏa thuận cắt giảm thuế quan trong vòng 10 năm là từ 84.4 % đến 88.4% trong tổng số các mặt hàng.

Nếu Nhật Bản đồng ý bãi bỏ tất cả các dòng thuế trừ 5 nhóm sản phẩm nông nghiệp – gạo , lúa mì, thị bò, thịt lợn, các sản phẩm bơ sữa và đường – thì tỷ lệ các  mặt hàng miễn thuế sẽ tăng lên đến 93,5%.

Nguồn: insidetrade.com

Dịch và biên tập: Trung tâm WTO-VCCI