Chuyện phụ thuộc nguyên liệu vẫn chưa dứt

18/09/2013    50

Việt Nam đang nhập siêu từ một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc... chủ yếu do nhập nhiều nguyên liệu trong các ngành dệt may, da giày. Sau này, Việt Nam sẽ vẫn phụ thuộc nặng nề vào nguyên phụ liệu nhập khẩu từ các nước này, nếu không tận dụng được Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một cơ hội để phát triển nguyên phụ liệu trong nước.

Nỗ lực của doanh nghiệp là chưa đủ

Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Garmex Saigon) hiện chủ yếu cung cấp hàng may mặc dưới hình thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm).

Tuy nhiên, đa số các khách hàng lớn, vốn là các hãng có tên tuổi, thường chỉ định Garmex Saigon mua nguyên phụ liệu từ một vài nguồn cung cấp cụ thể để có giá rẻ cũng như đảm bảo chất lượng.

Hiện 50% nguồn cung cấp nguyên phụ liệu cho Garmex Saigon là từ trong nước, còn lại là nhập khẩu. Nguyên phụ liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc có giá rẻ hơn trong nước 10%. Do đó, theo ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc Garmex Saigon, nếu có TPP, hàng may mặc xuất khẩu vào Mỹ được giảm thuế từ hơn 17% xuống 0% thì doanh nghiệp vẫn có lợi nếu mua hàng từ trong nước với giá cao hơn mua từ Trung Quốc.

Ngay từ bây giờ, Garmex Saigon đã cùng với khách hàng chuyển sang tìm nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước với chất lượng tương đương hàng nhập khẩu. Ông Ân cho biết, trong năm nay, công ty đã đặt mua nguyên liệu trong nước với giá trị 1 triệu đô la Mỹ. Mặc dù vậy, theo ông Ân, hiện trong các nước TPP, Malaysia cũng có thể là nguồn cung tốt, vì gần với Việt Nam về địa lý và có thế mạnh về dệt nhuộm.

Tuy nhiên, vị tổng giám đốc này lo ngại, một khi TPP có hiệu lực, nhu cầu mua nguyên phụ liệu trong khu vực TPP để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các thị trường lớn trong TPP, như Mỹ, Canada, Nhật Bản, sẽ tăng cao. Khi ấy, doanh nghiệp chưa chắc mua được nguyên phụ liệu với giá phù hợp được để hưởng chênh lệch từ ưu đãi thuế. Đó là chưa kể đến việc không phải loại nguyên phụ liệu nào cũng có trong các nước thành viên TPP.

Điều này cho thấy, sau TPP, theo cách nhìn lạc quan, có thể sẽ có sự dịch chuyển nào đó của Việt Nam, từ việc mua nguyên liệu từ các nước ngoài TPP, như Trung Quốc, sang các nước TPP. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này sẽ rất nhỏ, nếu chỉ dựa vào sự nỗ lực của một số doanh nghiệp thực hiện các đơn hàng FOB.

Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong ngành da giày, chỉ hưởng lợi từ việc gia công và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên phụ liệu do khách hàng cung cấp. Do đó, họ không có nhiều động lực để tìm nguồn nguyên phụ liệu thay thế từ các nước TPP.

Với cái nhìn bao quát hơn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu có TPP thì một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu bấy lâu nay, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... vì thực ra TPP chỉ có 12 nước, và một số hiệp định khác như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có thể không đòi hỏi cao về việc mua nguyên phụ liệu tại các nước tham gia hiệp định. Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều ngành khác nhau, và không phải ngành nào cũng tập trung xuất khẩu vào khu vực TPP.

Cơ hội để phát triển nội lực

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bản thân TPP không phải là sức ép để Việt Nam thay đổi, tức phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước. Mà sự thay đổi phải xuất phát từ nhu cầu nội tại của Việt Nam để có thêm lợi ích từ hàng xuất khẩu, nhằm thay đổi tình trạng gia công hiện nay.

Vòng đàm phán thứ 19 không có tiến triển quan trọng

Các nhà đàm phán từ 12 nước tham gia Hiệp định TPP tuyên bố không có tiến triển quan trọng nào để đi đến thỏa thuận trong vòng đàm phán lần thứ 19 tại Brunei kết thúc vào ngày 30-8, theo kênh channelnewsasia.com.
“Không có lĩnh vực nào là không có tiến triển trong vòng đàm phán ở Brunei, tuy nhiên, không có lĩnh vực nào được giải quyết và hoàn tất cả”, trang này trích lời ông Koji Tsuruoka, Trưởng đoàn đám phán của Nhật Bản trong một cuộc họp báo tại Brunei vào ngày 30-8.

Ngoài ra, tuyên bố chung sau vòng đàm phán thứ 19 của TPP cũng cho biết dự kiến sẽ có các cuộc họp trong những tuần tới, nhưng không đưa ra chi tiết. Tuy nhiên, truyền thông Nhật Bản cho biết các trưởng đoàn đàm phán sẽ họp vào ngày 18 đến 21-9 tại Washington, Mỹ.

Trước đó, các đoàn đàm phán hy vọng sẽ kết thúc thỏa thuận đúng dự kiến để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10-2013 của lãnh đạo các nước thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Bali, Indonesia.

Còn theo bà Phạm Chi Lan, mặc dù Việt Nam sẽ vẫn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các đối tác truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc... nhưng rõ ràng TPP là cơ hội để Việt Nam giảm mức độ phụ thuộc vào các nguồn cung này cũng như giảm bớt tình trạng nhập siêu quá nặng nề từ các thị trường này.

Ngoài ra, TPP còn là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực. Có thể trước đây khi Việt Nam kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ, nhiều nhà đầu tư không quan tâm vì họ thấy còn cơ hội đặt hàng gia công. Nay, “TPP không bắt buộc, nhưng bản thân mình không muốn mất cơ hội thì mình phải làm”, bà Lan nói.

Quay lại câu chuyện của Garmex Saigon, theo ông Nguyễn Ân, để phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước, vấn đề là Bộ Công Thương phải thấy lợi ích quốc gia để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành dệt nhuộm.

Hiện việc phát triển ngành dệt nhuộm đang gặp khó khăn khi các địa phương đều không chào đón các dự án này vì e ngại về tác động môi trường. Nhiều địa phương đặt ra yêu cầu quá cao, như đòi hỏi doanh nghiệp dệt nhuộm phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn A (tức uống được).

“Nhà nước không cần bỏ tiền mà chỉ cần kiểm soát. Chẳng hạn như, các doanh nghiệp trong khu chế xuất có thể xử lý nước thải ra tiêu chuẩn B, các khu công nghiệp chịu trách nhiệm xử lý ra A, Nhà nước kiểm soát chỗ đó”, ông Ân nói.

Theo ông Ân, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành dệt nhuộm là hợp lý vì nó đòi hỏi vốn lớn và kinh nghiệm. Để đầu tư mở một nhà máy dệt cần đến 10 triệu đô la Mỹ, nhưng để đầu tư một nhà máy may khoảng 1.000 công nhân thì chỉ cần khoảng 2 triệu đô la Mỹ. Về may mặc, hiện doanh nghiệp trong nước đã đủ sức làm, theo ông Ân.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn