Các nhà đàm phán TPP nỗ lực đạt tiến triển trước hội nghị APEC vào tháng 10 tới

10/09/2013    44

Tại phiên bế mạc vòng đàm phán thứ 19 Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 30/8/2013, Chính phủ Nhật Bản đã thông báo rằng các trưởng đoàn đàm phán sẽ họp phiên tiếp theo tại Washington từ ngày 18 đến 21 tháng 9.

Chính phủ Nhật Bản đưa ra thông báo này tại một buổi họp thông báo kết quả vòng đàm phán vừa qua dành cho các bên liên quan, được chủ trì bởi ba nghị sĩ của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) trong đó ông Koya Nishikawa, chủ nhiệm Ủy ban TPP của đảng LDP làm chủ tọa phiên họp. Tại buổi họp, trưởng đoàn đàm phán của Nhật Bản, ông Koji Tsuroka, cũng báo cáo về vòng đàm phán thứ 19 vừa diễn ra.

Tuyên bố chung được 12 nước TPP đưa ra vào cuối vòng đàm phán vừa qua đã không đề cập đến các cuộc gặp cấp trưởng đoàn diễn ra từ 18 đến 21 tháng 9 sắp tới, và cũng không xác định rõ thời gian diễn ra cuộc gặp cấp bộ trưởng hay các vòng đàm phán chính thức tiếp theo. Một quan chức Hoa Kỳ trước đó cũng đã khẳng định các nước TPP sẽ không lên kế hoạch cho vòng đàm phán chính thức tiếp theo trước khi diễn ra Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 10 tới tại Bali, Indonesia.

Theo thông tin mà Chính phủ Nhật Bản cung cấp cho các bên liên quan, các nhà đàm phán TPP đã thảo luận về khả năng sẽ tổ chức một phiên họp cấp bộ trưởng khác tại APEC ngay trước thềm phiên họp của các lãnh đạo. Một nguồn tin cho biết, các trưởng đoàn đàm phán có khả năng sẽ tham dự Hội nghị APEC, và một vài nhóm công tác có thể cũng được yêu cầu nhóm họp tại Bali.

Tuyên bố chung cũng đề cập đến các phiên họp giữa kỳ về các vấn đề còn nổi cộm “sẽ diễn ra trong một vài tuần tới”, nhưng không cho biết thời gian cụ thể. Do đó không rõ là các nước sẽ đạt được tiến triển như thế nào đối với những vấn đề đàm phán khó khăn nhất trước Hội nghị APEC, sẽ diễn ra từ ngày 01 đến 08 tháng 10.

Như đã đề cập, các nước TPP đã lên thời gian biểu cho các phiên họp giữa kỳ về vấn đề sở hữu trí tuệ (IP), vốn là một trong ba chương khó khăn nhất trong các cuộc đàm phán. Trong một buổi họp báo về TPP do nhóm doanh nghiệp tư nhân Concamin tổ chức, Thứ tưởng Bộ Ngoại thương Mexico, ông Francisco Rosenzweig cho biết, Mexico sẽ là nước chủ nhà của các cuộc họp giữa kỳ về IP này. Tuy nhiên, ông không cho biết thời gian cụ thể của các cuộc họp đó.

Theo tuyên bố chung, các nhóm đàm phán không họp tại vòng thứ 19– bao gồm các nhóm về lao động, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại điện tử, và các vấn đề pháp lý – sẽ có các cuộc họp trước Hội nghị APEC tại Bali. Các nhà đàm phán về lĩnh vực lao động đã gặp nhau ở Ottawa từ ngày 26 đến 29 tháng 8, và tuyên bố chung cũng cho biết họ “đã tiếp tục công việc về các vấn đề nổi cộm trong chương lao động”.

Theo thông báo của Chính phủ Peru thì nhóm lao động có cuộc họp vào ngày 21/8, cùng với các phiên giữa kỳ về hàng rào kỹ thuật trong thương mại tại Mexico ngày 2 – 5/9; thương mại điện tử tại San Francisco ngày 3 – 6/9; và các vấn đề pháp lý tại Washingon trong tuần thứ hai của tháng 9.

Tuyên bố chung cho biết “Các phiên họp giữa kỳ là nhằm thúc đẩy hơn nữa các vấn đề đàm phán nhằm chuẩn bị cho hội nghị các nhà lãnh đạo APEC sẽ được tổ chức tại Bali, Indonesia, nơi mà các nhà lãnh đao TPP dự kiến sẽ có các cuộc họp bên lề hội nghị này như các năm trước đây.

Tuyên bố tái khẳng định đánh giá của các Bộ trưởng TPP sau phiên họp ngày 22 và 23 tháng 8 rằng Hội nghị APEC sẽ là một cột mốc quan trọng khi mà 12 quốc gia sẽ thảo luận nhằm kết thúc đàm phán TPP trong năm nay.

Không giống với các vòng đàm phán trước, các trưởng đoàn đàm phán tại Brunei đã không tổ chức họp báo mà chỉ đưa ra tuyên bố chung, miêu tả các công việc đã đạt được ở vòng thứ 19 bằng các ngôn từ rất chung chung. Tuyên bố này cho biết cuộc họp cấp bộ trưởng TPP diễn ra ngay trước thềm vòng đàm phán thứ 19 đã “tiếp thêm năng lượng” cho các nhà đàm phán.

Tuyên bố chung cho biết, tại vòng đàm phán này, các nhà đàm phán đã đạt được tiến bộ về mặt kỹ thuật trong các văn kiện về các vấn đề như tiếp cận thị trường, quy tắc xuất xứ, đầu tư, dịch vụ tài chính, sở hữu trí tuệ (IP), cạnh tranh và môi trường. Tuyên bố chung cho biết “Họ cũng đã đạt được tiến bộ về các gói quy định về tiếp cận thị trường cho hàng hóa của nhau, dịch vụ, đầu tư, dịch vụ tài chính, nhập cảnh tạm thời, và mua sắm công”.

Thêm vào đó, “Các cuộc trao đổi cả đa phương lẫn song phương đều đã thành công trong việc đưa ra các giải pháp sáng tạo và hữu hiệu cho rất nhiều vấn đề và thu hẹp thêm các công việc còn dang dở”.

Trong chương IP, Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra đề xuất mới thay cho đề xuất ban đầu của mình liên quan đến bảo hộ sáng chế dược phẩm, vốn nhằm mục đích bảo hộ tốt hơn đối với các loại thuốc trên cơ sở thời gian cấp phép ở nước TPP thứ hai. Tuy nhiên, trước đó, một quan chức thương mại Hoa kỳ cho biết là Hoa Kỳ đang kết thúc quá trình tham vấn nội bộ nhằm đưa ra một bản đề xuất mới nhưng không nói rõ khi nào và liệu đề xuất đó có được đem ra bàn thảo hay không.

Đề xuất đầu tiên của Hoa Kỳ đã gặp phải phản đối từ các nước TPP. Bất chấp sự phản đối, các nhóm doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ đã gửi một bức thư ngày 15 tháng 8 nhằm thúc giục Đại diện thương mại Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận về bảo hộ sáng chế trong TPP tương tự như các quy định trong hiệp định thương mại tự do Hoa Kỳ - Hàn Quốc, kèm theo điều kiện bảo hộ độc quyền dữ liệu của thuốc sinh học (biologic drugs) là 12 năm.

Đối với chương về Cạnh tranh, các nguồn tin cho biết chỉ có một vấn đề nổi cộm là các quy tắc áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước (SOEs), bởi các quốc gia vẫn chưa thống nhất về định nghĩa thế nào là doanh nghiệp nhà nước. Việc áp dụng các quy tắc mới đối với SOE là quan tâm hàng đầu của Phòng Thương mại cũng như các công ty bảo hiểm Hoa Kỳ kinh doanh tại Nhật Bản.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ tuần trước đã công khai khuyến cáo Đại diện thương mại Hoa Kỳ không nên vì muốn kết thúc đàm phán sớm mà từ bỏ các vấn đề quan trọng trong TPP. Một nguồn tin đã phỏng đoán đây là tín hiệu cho thấy Phòng Thương mại đang lo ngại việc Hoa Kỳ có thể không kiên quyết theo đuổi các quy định SOE như trước đây.

Nguồn tin này nhấn mạnh rằng một hợp đồng thương mại giữa Aflac (Công ty bảo hiểm lớn nhất Hoa Kỳ) và công ty Bưu chính Nhật Bản về phân phối sản phẩm bảo hiểm ung thư đã làm giảm mối quan tâm của các công ty bảo hiểm Hoa Kỳ trong việc thúc giục vấn đề doanh nghiệp nhà nước. Một nghị sĩ đảng đối lập của Nhật Bản tham gia phiên đàm phán ở Brunei cho biết là ông ta tin rằng thỏa thuận của Aflac có liên quan đến TPP, mặc dù Chính phủ Nhật Bản phủ nhận điều này.

Các nhóm đàm phán về quy tắc xuất xứ hàng dệt may cũng như các thủ tục tự vệ đặc biệt và hải quan đối với hàng dệt may cũng đã nhóm họp trong vòng đàm phán thứ 19.

Theo một nguồn tin, các nhà đàm phán trong phiên họp về quy tắc xuất xứ hàng dệt may ngày 26 tháng 8 vừa qua đã đưa ra một danh mục hợp nhất được tổng hợp từ đề xuất ban đầu của Hoa Kỳ về danh mục sản phẩm nguồn cung thiếu hụt với những sản phẩm do các nước TPP khác yêu cầu thêm vào. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục loại bỏ một số sản phẩm không cần thiết trong danh sách này nhằm đưa ra một danh sách làm cơ sở cho các quốc gia tiếp tục đàm phán xem sản phẩm nào nên bị loại ra.

Các sản phẩm trong danh mục nguồn cung thiếu hụt sẽ được xem là ngoại lệ của quy tắc chung “từ sợi trở đi” mà Hoa Kỳ đã đưa ra ở các vòng đàm phán trước. Quy tắc này yêu cầu tất cả các thành phần của sản phẩm may mặc phải có xuất xứ từ khu vực TPP thì mới được hưởng ưu đãi.

Trước vòng đàm phán thứ 19, các nguồn tin ở cả hai phía của cuộc tranh luận quy tắc xuất xứ hàng may mặc đều cho biết họ đã có các dấu hiệu rõ ràng cho thấy, vào lúc này, chính quyền Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục nhượng bộ về vấn đề quy tắc từ-sợi-trở-đi, sau khi đã nhân nhượng đưa ra hai danh mục nguồn cung thiếu hụt, một có giới hạn thời gian và một là vĩnh viễn. Nhưng nguồn tin này cũng cho hay họ cuối cùng cũng không trông chờ rằng sự cứng rắn của Hoa Kỳ sẽ thắng được phản đối mạnh mẽ từ phía Việt Nam trong vấn đề này.

Trong buổi họp báo tại Nhật Bản ngày 30 tháng 8, ông Tsuroka cho biết, trong suốt vòng đàm phán thứ 19 Nhật Bản đã trao đổi các bản chào thuế quan với 6 quốc gia và họp song phương về tiếp cận thị trường hàng hóa với 9 nước, nhưng không nói cụ thể những nước nào. Nhật Bản đã không trao đổi bản chào thuế quan với Hoa Kỳ và Austrailia bởi sự chậm chễ về mặt thủ tục nội bộ ở hai nước này.

Nguồn: insidetrade.com

Dịch và biên tập: Trung tâm WTO - VCCI