Nội các Malaysia không ủng hộ thời hạn kết thúc TPP

28/08/2013    44

Tuần trước, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế (MITI) đã tuyên bố rằng Malaysia sẽ không tự ràng buộc bởi thời hạn cố định để kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặc biệt khi các vấn đề chính liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, lao động và quyền sở hữu trí tuệ (IPR) vẫn còn chưa được giải quyết.

Nội các Malaysia đã chỉ thị cho MITI thể hiện quan điểm này tại cuộc họp đặc biệt ngày 15/8 khi mà các nhà đàm phán nhận được một “Chỉ thị mới” trước vòng đàm phán diễn ra tại Brunei từ ngày 24 đến 31/8.

“Thủ tướng và Nội các đã chỉ thị cho các nhà đàm phán phải tiếp tục đảm bảo rằng chủ quyền của Malaysia được bảo vệ trong đàm phán TPP,” MITI đã nói trong một phát biểu ngày 15/8.

Nội các Malaysia cũng nhất trí trong việc tiếp tục theo đuổi quan điểm rằng nước này sẽ chỉ chấp thuận một TPP với những điều khoản có lợi nhất cho quốc gia.

Về IPR, Nội các nước này đã thể hiện quan điểm sẽ không đồng ý với bất kỳ điều khoản nào ảnh hưởng tới quyền tiếp cận thuốc và dịch vụ y tế giá rẻ của người dân.

“Nội các kiên quyết phải đảm bảo quyền tiếp cận thuốc giá rẻ của người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu của Malaysia và sẽ không được thỏa hiệp trong các vòng đàm phán tiếp theo của TPP,” MITI đã nói trong một phát biểu.

Hoa Kỳ từ trước tới giờ vẫn ủng hộ việc bảo hộ sáng chế cao cho dược phẩm trong TPP, trong khi các thành viên khác đã chỉ trích những đề xuất của Hoa Kỳ đã vượt quá xa Hiệp định của WTO về Các Khía Cạnh Liên Quan Đến Thương Mại của Quyền Sở Hữu Trí Tuệ (TRIPS). Những người phản đối cho rằng đề xuất này sẽ hạn chế khả năng sản xuất thuốc generic (thuốc đã hết hạn bản quyền) của các công ty để sản xuất thuốc giá rẻ cho người dân.

Nội các Malaysia cũng nhấn mạnh yêu cầu loại bỏ thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá ra khỏi TPP, điều này đồng nghĩa với việc cho các nước quyền tự do điều chỉnh các quy định về thuốc lá mà không vi phạm các quy tắc của TPP. Việc loại thuốc lá ra khỏi TPP đã từng được các nhóm xã hội dân sự của Malaysia yêu cầu và ủng hộ.

Tại vòng đàm phán lần này, Hoa Kỳ sẽ đưa ra bản dự thảo sửa đổi cho quy định về thuốc lá. Nhưng các nhóm phản đối thuốc lá cho rằng bản đề xuất mới này còn kém hơn bản ban đầu được đưa ra về lĩnh vực này.

Hoa Kỳ trước đây đã đưa ra đề xuất về vấn đề này trong đó cho phép một “khoảng an toàn” cho các biện pháp kiểm soát thuốc lá nhằm cho phép các nước được linh hoạt hơn trong việc quy định về thuốc lá mà không vi phạm các quy tắc của TPP. Tuy nhiên, đề xuất mới của Hoa Kỳ, thay vì cho phép một khoảng an toàn, lại chỉ tái khẳng định rằng các biện pháp về thuốc lá sẽ được bao gồm trong ngoại lệ về sức khỏe cộng đồng giống như trong Hiệp Định Chung về Thuế Quan và Thương Mại và đòi hỏi phải có thủ tục tham vấn giữa các thành viên trước khi một nước có thể kiện một nước khác liên quan đến các quy định kiểm soát thuốc lá.

Nội các Malaysia cũng chỉ thị cho Chính phủ phải tiến hành thêm 2 nghiên cứu phân tích chi phí-lợi ích về tác động của TPP để cung cấp thêm thông tin cho các nhà đàm phán. 

Nghiên cứu đầu tiên sẽ đánh giá tác động của TPP đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cộng đồng doanh nghiệp dân tộc Malay hoặc Bumiputra. Các nghiên cứu khác sẽ tiến hành phân tích toàn diện tác động của TPP đối với lợi ích quốc gia của Malaysia.

Về phần mình, MITI thông báo với Nội các rằng Bộ này sẽ tăng cường lấy ý kiến của các bên trước khi kết thúc đàm phán TPP. Trong một bài phát biểu, MITI cho biết Bộ này hiện đang thảo luận với các bên liên quan khác nhau về hình thức và cơ cấu của việc lấy ý kiến này.

MITI, cùng với các Bộ và cơ quan liên quan khác, vừa tổ chức một “cuộc họp mở” tại Kuala Lumpur vào ngày 1/8 cho các nhà đàm phán TPP gặp gỡ và trao đổi với các bên liên quan.

Nội các Malaysia cho biết họ rất ủng hộ việc tăng cường minh bạch hóa trong tiến trình đàm phán.

Tuy nhiên, chính phủ đương thời của Thủ tướng Najib Razak được mong chờ là tránh gây quá nhiều sự ồn ào về TPP trước cuộc bầu cử nội bộ sẽ diễn ra vào ngày 19/10.

22/08/2013

Nguồn: http://insidetrade.com

Dịch và biên tập: Trung tâm WTO - VCCI