Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP): Đánh động doanh nghiệp dệt may

23/08/2013    43

Năm 2012, xuất khẩu dệt may đạt 17,2 tỷ USD, xuất vào các nước khu vực Thái Bình Dương (TPP) đạt 58%; ngành da giày xuất khẩu  đạt 8,7 tỷ USD; xuất vào các nước TPP đạt 41%. Đây được xem là những con số đáng mừng trong xuất khẩu của 2 ngành kể trên.

Theo quy định của TPP, nếu Việt Nam đàm phán thành công TPP điều kiện để đáp ứng ưu đãi thuế suất 0% khi xuất hàng vào Mỹ, thì một trong những điều kiện tiên quyết là tỷ lệ nội địa hóa trong từng sản phẩm dệt may phải đạt tối đa. Đồng nghĩa, mọi khâu đoạn từ kéo sợi, dệt – nhuộm – hoàn tất và may phải được làm tại Việt Nam. Chính quy định này khiến DN trong nước quan ngại về khả năng của dệt may trong thời gian tới. Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Garmex Sài Gòn cho rằng: "Nếu Việt Nam vào TPP, ngành được hưởng lợi nhiều nhất chính là ngành dệt may. Thế nhưng bất lợi ở chỗ sản phẩm dệt may xuất khẩu mà nguyên liệu nhập của các nước thì không được hưởng thuế xuất ưu đãi. Nguy cơ với ngành này rất lớn và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ "phất cờ”.  

Thực tế cho thấy, hàng mấy chục năm trời ngành dệt may lúc nào cũng chỉ ở vị trí gia công cho các nước. Dệt may không tài nào phát triển được chính là ở nút thắt về nguyên phụ liệu. Hiện nay, số bông mà Việt Nam tự chủ trong sản chỉ đáp ứng được 1% còn lại 99% là nhập nguyên liệu của các nước. Điều đó cho thấy ngành dệt may Việt Nam đang phụ thuộc chính vào nguyên liệu nhập khẩu.  

Bày tỏ quan điểm lo ngại cho ngành dệt may, đại diện Công ty may Thắng Lợi cho rằng: "TPP sẽ giúp cho các DN FDI hưởng lợi, bằng chứng nhiều DN FDI đầu tư vào Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội phát triển”. Khi đó rõ ràng là Việt Nam tiếp tục làm công ăn lương (?!). Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam thì cho rằng: "Thị trường đang mở cửa, môi trường kinh doanh sẽ minh bạch, rõ ràng. Nếu ngành da giày và dệt may không mở theo cơ hội sẽ vụt mất trong tầm tay”.  

Vẫn theo ông Lê Quang Trung, để hỗ trợ sức khỏe cho DN, Chính phủ nên có những quyết sách cứu ngành dệt may trong lĩnh vực xuất khẩu, nếu không thì sẽ muộn.

22/08/2013

daidoanket.vn