Doanh nghiệp tìm tham vấn để tận dụng cơ hội từ TPP

23/08/2013    52

(TBKTSG Online) - Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các công ty dệt may và da giày, thắc mắc là nên chuẩn bị như thế nào để tận dụng được lợi ích từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi hiệp định này đang đi đến những vòng đàm phán cuối cùng, và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2013.

Thắc mắc này là một trong các vấn đề được bàn đến nhiều nhất tại toạ đàm “Cập nhật đàm phán TPP - Những yêu cầu từ ngành dệt may, da giày và nông nghiệp” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online và Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức hôm 21-8 tại TPHCM.

Cần nhất là thông tin

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), để tận dụng được TPP, trước hết doanh nghiệp phải hiểu được lợi ích và bất lợi từ TPP, tức phải theo dõi quá trình đàm phán TPP.

Còn ông Lương Văn Lý, Trưởng bộ phận Thương mại và Đầu tư của Công ty Luật TNHH Việt Long Thăng, thì cho rằng doanh nghiệp nên theo dõi kết quả đàm phán cũng như xu thế đàm phán để chuẩn bị trước.

Chẳng hạn như, có những lĩnh vực sẽ bị tác động nhanh hơn hoặc chậm hơn sau khi TPP có hiệu lực, nhưng cuối cùng tất cả những lĩnh vực này đều sẽ chịu tác động. Hay, những vấn đề về môi trường sẽ không còn tác động gián tiếp đến doanh nghiệp như trước đây, mà với TPP, khách hàng sẽ căn cứ vào yếu tố môi trường để quyết định có mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam không.

Đối với quy tắc xuất xứ tính từ sợi (yarn-forward) vốn được xem là trở ngại lớn cho doanh nghiệp may mặc của Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan từ TPP thì nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ phải đương đầu với quy tắc khắc nghiệt này sau khi TPP có hiệu lực.

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là doanh nghiệp sẽ theo dõi và cập nhật thông tin về TPP từ đâu trong khi đàm phán vẫn đang diễn ra, có nhiều thông tin chưa chắc chắn và vẫn đang được các nước tham gia TPP giữ bí mật.  

Ông Lý cho rằng, trong tình huống này thì doanh nghiệp nên quay lại cập nhật những thông tin liên quan đến các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), và Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA). Về cơ bản thì TPP phải tôn trọng những gì đã cam kết trong WTO. Các quy định của TPP sẽ bằng hoặc cao hơn trong WTO.

Nếu nhà nước không đứng ra làm nhiệm vụ thông tin cho doanh nghiệp thì những tổ chức như VCCI nên có những buổi tập huấn, thông tin cho doanh nghiệp những vấn đề họ sẽ gặp phải sau TPP, ông Lý cho biết.

Còn ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Garmex Sài Gòn, cho rằng nên có một diễn đàn về TPP để thông tin cho doanh nghiệp cũng như tạo liên kết.

Bên cạnh việc cập nhật thông tin, cũng có ý kiến cho rằng, điều quan trọng vẫn là nội lực của doanh nghiệp, bởi lẽ khi có hiệp định TPP, môi trường kinh doanh sẽ minh bạch, đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực, thay vì dùng những mưu mẹo để đạt được lợi nhuận như trước đây.

Để phát triển nội lực, đại diện của Garmex Sài Gòn chia sẻ, hiện công ty may mặc này đã cơ cấu lại khách hàng để phát triển lại thị trường, tức thay vì để khách hàng tự tìm đến, doanh nghiệp này chủ động tìm đến khách hàng, đặc biệt là làm việc trực tiếp với những chuỗi bán lẻ, thời trang toàn cầu. Doanh nghiệp này cũng đàm phán với khách hàng về việc chọn nguồn nguyên liệu thay thế nguồn cung từ Trung Quốc để chuẩn bị cho việc hưởng ưu đãi thuế quan từ TPP. 

Cần quyết tâm của Chính phủ

Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ TPP. Với dệt may, và da giày - hai ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và được Việt Nam chú trọng trong đàm phán TPP, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để phát triển nguồn nguyên phụ liệu ngay trong nước để hưởng lợi từ TPP trong vài năm tới.

Theo ông Kiệt từ Lefaso, sau khi đàm phán hiệp định TPP được hoàn tất, các nước TPP phải thông qua Quốc hội. Việc này mất khoảng một năm rưỡi. Ngoài ra, cộng với thời gian ân hạn (tức phía Mỹ đồng ý để Việt Nam có thời gian là 3 năm, trước khi đáp ứng quy tắc tính từ sợi - pv), Việt Nam sẽ có vài năm để xây dựng nguồn cung nguyên liệu trong nước.

Vậy làm sao có thể xây dựng được nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước vài năm tới, trong khi 10 năm qua Việt Nam đã thất bại trong việc xây dựng nguồn cung này?

Có ý kiến cho rằng hiện đã quá muộn để Việt Nam có thể xây dựng được nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may, da giày trong nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến doanh nghiệp cho rằng việc này có thành công hay không là nằm ở quyết tâm của Chính phủ. Chẳng hạn như, ngay từ bây giờ Chính phủ phải giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương xây dựng các cụm nguyên phụ liệu dệt may, da giày với thời gian cụ thể, thay vì để địa phương tự quyết như hiện nay.

Hiện việc xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm và thuộc da đang gặp khó khăn khi các địa phương đều không muốn là nơi đặt khu công nghiệp này. Do đó, họ yêu cầu khi đầu tư xây dựng các nhà máy dệt, nhuộm, doanh nghiệp phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn A (tức uống được).

Ông Hùng của Garmex Sài Gòn đề xuất Bộ Công Thương có chính sách đào tạo lao động quản trị, quản lý, thiết kế. Nếu tập trung đào tạo đội ngũ quản lý một cách chính quy thì khi đó nội lực doanh nghiệp cũng sẽ tốt hơn.

Hiện đàm phán TPP đã trải qua 18 vòng. Vòng đàm phán thứ 19 dự kiến tại Brunei từ ngày 22 đến 30-8-2013, với sự tham gia của 12 nước thành viên.

Dự kiến đàm phán TPP sẽ kết thúc vào tháng 10-2013 về mặt kỹ thuật. Đây được xem là mục tiêu hết sức tham vọng vì đến vòng 18 vẫn chưa có vấn đề nào được chốt lại.

Hiện dệt may và da giày là hai ngành được Việt Nam chú trọng trong đàm phán TPP. Trong năm 2012 Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may với tổng kim ngạch 17,2 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu sang thị trường các nước TPP đạt trên 10 tỉ đô la Mỹ, tức chiếm 58%. Thị trường các nước TPP hiện chiếm 41% trong tổng kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam.


Thứ Tư,  21/8/2013, 18:40

thesaigontimes.vn