Các nhóm doanh nghiệp Mỹ kêu gọi Quốc hội phản đối quy định“Mua hàng Mỹ”

01/07/2013    63

Tuần trước, mười lăm Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ đã yêu cầu những nhà lập pháp tại Lưỡng viện nước này phản đối việc đưa các điều khoản “Mua hàng Mỹ” vào trong luật pháp, trước mắt là nhằm vào hai luật đang bị “treo” trước Hạ nghị viện mà có thể gây ra nhiều hạn chế đối với những dự án hạ tầng cấp thoát nước cấp bang thực hiện từ nguồn vốn liên bang.

Trong lá thư  ngày mùng 5 tháng Sáu, các nhóm doanh nghiệp không đề cập đến bất kỳ một đạo luật cụ thể nào chưa được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị nước và nước thải (WWEMA), ông Dawn Champney, người cũng đứng tên trong lá thư trên, đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng lá thư cũng một phần nhằm vào hai đạo luật về hạ tầng cơ sở cấp thoát nước đang được Quốc hội xem xét, trong đó có điều khoản về “Mua hàng Mỹ” tương đồng với những điều khoản “Mua hàng Mỹ” trong gói kích cầu năm 2009.

WWEMA và những Hiệp hội khác ký tên trong lá thư ngày 5 tháng Sáu lập luận phản đối các điều khoản “Mua hàng Mỹ” với hai lí do: Thứ nhất, họ lưu ý rằng những điều khoản này có thể hạn chế khả năng tham gia vào việc mua sắm chính phủ của các công ty nội địa do sản phẩm của họ bao gồm những thành phần được sản xuất tại nước ngoài. Ông Champney cho rằng các công ty thành viên của Hiệp hội WWEMA bán những hệ thống xử lý nước phức tạp cho các nhà máy mà phải cần đến các công nghệ từ khắp nơi trên thế giới để vận hành.

Thứ hai, các Hiệp hội cho rằng, việc áp đặt các giới hạn “Mua hàng Mỹ” có thể gợi ý cho các nước khác thực hiện các biện pháp tương tự gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ. Ông Champney chỉ ra những nước như Brazil, Malaysia hay Canada đã đặt ra một số quy định về hàm lượng nội địa trong một số thương vụ cụ thể và lấy việc Hoa Kỳ đưa điều khoản “Mua hàng Mỹ” vào trong gói kích cầu năm 2009 làm cơ sở cho những hành động này.

Lá thư trên cũng được ký bởi Phòng Thương mại Hoa Kỳ và Hội đồng Ngoại thương Quốc gia (NFTC), cầu khẩn những nhà lập pháp “cưỡng lại những cám dỗ và phản đối bất kỳ chính sách nào đưa thêm hoặc thắt chặt hơn các biện pháp bảo hộ chẳng hạn như “Mua hàng Mỹ”, vì điều này sẽ gây thêm gánh nặng cho chính quyền các bang và nền công nghiệp, kìm hãm sự phát triển công nghệ và hạn chế tăng trưởng thị trường.”

Một trong những đạo luật mà lá thư nhằm vào là đạo luật Phát triển các nguồn nước, được Thượng viện thông qua ngày 15 tháng Năm và vẫn đang được Hạ viện xem xét. Về cơ bản, đạo luật bao gồm những quy định về chống lụt lội và các dự án đường thủy. Đồng thời, đạo luật cũng thiết lập một chương trình thí điểm 5 năm cho các dự án hạ tầng cấp thoát nước được Chính phủ tài trợ trị giá khoảng 20 triệu đô hoặc hơn thế.

Những dự án để được cấp vốn liên bang theo chương trình Tài chính và Sáng kiến chính quyền về hạ tầng nước này thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định “Mua hàng Mỹ” , do đó phải sử dụng sắt, thép và hàng hóa sản xuất tại Mỹ, với rất ít các ngoại lệ.

Những điều khoản tương tự cũng được đưa ra trong một đạo luật tại Hạ nghị viện về việc cấp 13.8 tỷ đôla từ ngân sách chính phủ cho “các quỹ quay vòng vốn nước sạch các bang”. Theo đó, các cộng đồng sẽ được trợ cấp các khoản vay dùng cho mục đích xây dựng hạ tầng xử lý nước thải. Đạo luật H.R. 1877 này được Hạ nghị sĩ Timothy Bishop (D-NY) đưa ra và đã được 29 nghị sĩ khác ủng hộ cho tới thời điểm này.

Cả hai đạo luật đều ghi rằng các điều khoản “Mua hàng Mỹ” phải được thực hiện phù hợp với những nghĩa vụ của Hoa Kỳ theo các Hiệp định quốc tế. Nhưng ông Champney cho rằng, điều này đang đưa Hoa Kỳ đi lạc hướng vì phần lớn các dự án công cộng, đặc biệt là các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng nước, đều được thực hiện ở cấp bang.

Đó là bởi vì việc mua sắm của chính phủ ở cấp bang không được quy định trong Hiệp định về Mua sắm Chính phủ (GPA) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay trong các Hiệp định thương mại tự do của Hoa Kỳ, mặc dù việc mua sắm thực hiện bởi một vài thành phố lớn của Hoa Kỳ được quy định tại biên bản ghi nhớ với EU năm 1995.

Việc các công ty nước ngoài có thể bị loại ra khỏi các dự án từ nguồn của Chính quyền liên bang khiến một số đối tác thương mại của Hoa Kỳ lo ngại, trong đó có Canada. Quốc gia này đã đề xuất áp dụng trong TPP điều khoản yêu cầu các dự án thực hiện ở cấp tiểu bang với nguồn vốn cấp từ chính quyền trung ương phải được đấu thầu công khai giữa các công ty của các nước trong TPP.

Riêng NFTC thì cho rằng chính những điều khoản “Mua hàng Mỹ” trong các đạo luật của các bang có thể thể ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán đang bị trì trệ. Trong cuộc trả lời báo giới ngày mùng 7 tháng Sáu vừa qua, Phó Chủ tịch NFTC Dan O’flaherty cảnh báo rằng những nỗ lực này của các bang có thể gây ảnh hưởng tới đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Hoa Kỳ và EU cũng như những trao đổi về việc gia nhập GPA của Trung Quốc.

Điều này, theo ông O’flaherty, là vì Hoa Kỳ đang cùng lúc yêu cầu áp dụng thêm các rào cản mới đối với vấn đề mua sắm chính phủ đồng thời lại kêu gọi các đối tác mở rộng hơn thị trường này cho các công ty của Hoa Kỳ.

Các đạo luật “Mua hàng Mỹ” đã được áp dụng tại 20 bang trong năm nay, tăng từ con số 5 bang hồi năm ngoái, O’Flaherty cho biết. Tuy nhiên ông thừa nhận, chỉ hai bang đã thực sự thông qua đạo luật này là Maryland và Ohio. Thêm vào đó, tháng trước thống đốc bang Texas Rick Perry đã ký thông qua đạo luật bao gồm các điều khoản “Mua hàng Mỹ” cho các dự án nước với nguồn vốn cấp bởi Ban Phát triển Nước Texas, theo lời ông Champney.

Cả Maryland và Texas đã thực hiện một số mua bán chính phủ theo GPA, còn Ohio thì chưa. NFTC đang nỗ lực tiếp cận Bộ trưởng Bộ Tư pháp các bang để phản đối các đạo luật này.

O’Flaherty lưu ý rằng việc đẩy mạnh đưa điều khoản “Mua hàng Mỹ” vào trong các đạo luật tại các bang đã được dẫn dắt bởi Liên minh Sản xuất Hoa Kỳ do Liên hiệp công nhân thép tài trợ. Champney cho rằng các công ty sản xuất ống thép dễ uốn cũng ủng hộ cho điều khoản “Mua hàng Mỹ” trong các dự án hạ tầng cấp thoát nước.

 

Nguồn: Daily News