TPP: Bánh ngon không dễ xơi

01/07/2013    54

Lợi ích dành cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới chỉ là sự suy đoán chưa rõ ràng.

Đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã qua 17 vòng, nhiều nội dung còn tranh cãi gay gắt. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với bà Phùng Thị Lan Phương, đại diện Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đơn vị đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong quá trình đàm phán TPP.

Vẫn còn tranh cãi lợi ích

. PhóngViên: Bà có thể cho biết những lợi ích của Việt Nam khi tham gia TPP là gì?

 Phùng Thị Lan Phương: Trong văn bản kiến nghị Chính phủ sớm tham gia đàm phán TPP, VCCI có nêu rõ cộng đồng DN rất kỳ vọng vào những lợi ích mà TPP có thể đem lại, nhất là vấn đề tăng cường tiếp cận thị trường các nước đối tác TPP cho hàng hóa xuất khẩu thông qua việc dỡ bỏ thuế quan, đặc biệt là Mỹ.

Tuy nhiên, đây chỉ là những lợi ích suy đoán mà Việt Nam kỳ vọng TPP có thể mang lại. Trên thực tế, việc có thể đạt được những lợi ích này hay không, đạt ở mức độ nào, phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả đàm phán cuối cùng.

. Như vậy, “chiếc bánh” TPP không hẳn là ngọt ngào?

+ Đúng vậy, do trình độ phát triển khác nhau, mối quan tâm khác nhau nên không dễ gì đạt được một thỏa thuận làm hài lòng tất cả. Đó là lý do vì sao sau hơn ba năm đàm phán, các nước TPP mới chỉ đạt được sự đồng thuận ở một số vấn đề nhỏ, những vấn đề lớn còn đang tranh cãi rất nhiều.

Đối với Việt Nam, mục tiêu lớn nhất khi tham gia TPP là tăng cường lợi thế xuất khẩu sang các nước TPP, thông qua việc các nước này miễn hoặc giảm thuế cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, điều này chỉ đạt được nếu hàng hóa của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu rất cao và phức tạp về quy tắc xuất xứ, bắt buộc phải có nguyên liệu hoặc giá trị chủ yếu từ các nước thành viên. Trong khi đó, việc sản xuất hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lại phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ các nước ngoài TPP (như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước ASEAN). Nếu chấp nhận các quy tắc như vậy, dù thuế suất có về 0 hoặc rất thấp thì hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng lợi gì.

.Hẳn Việt Nam còn phải đối mặt với rất nhiều bất lợi khác nếu tham gia TPP, phải không thưa bà?

+ Trong khi những lợi ích kỳ vọng về xuất khẩu có thể khó đạt được thì Việt Nam lại đứng trước nhiều nguy cơ liên quan đến các cam kết về đầu tư, sở hữu trí tuệ, lao động... trong TPP.

Ví dụ về đầu tư, dự thảo chương Đầu tư TPP tiết lộ tháng 6-2012 cho thấy có nhiều quy định trao quá nhiều quyền lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, phân biệt đối xử với các nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư có thể khiến Chính phủ đứng trước nhiều nguy cơ bị kiện hơn và phải đền bù hàng triệu USD từ tiền thuế của người dân.

Hay về sở hữu trí tuệ (IP), vấn đề đang gây tranh cãi nhiều nhất trong TPP, thì những yêu cầu của Mỹ về bảo hộ IP quá cao, cao hơn nhiều so với các quy định về vấn đề này trong WTO khiến một nước đang phát triển như Việt Nam có thể gặp nhiều rủi ro. Chẳng hạn, việc tăng cường bảo hộ sáng chế trong một số lĩnh vực như dược phẩm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật… sẽ khiến giá các loại sản phẩm này tăng (do chịu thêm phí bản quyền). Giá cao thì hệ quả tất yếu là hạn chế khả năng tiếp cận thuốc giá rẻ của người bệnh, gia tăng đáng kể chi phí đầu cho sản xuất nông nghiệp...

Nhà nước và DN phải thông tin thường xuyên

. Mỹ vẫn có lời mở cửa cho Trung Quốc tham gia TPP. Việc Trung Quốc tham gia có ảnh hưởng đến Việt Nam hay không, thưa bà?

+ Cho tới hiện tại, chúng tôi không nhận thấy có thông tin hay tín hiệu nào về việc Trung Quốc tham gia TPP. Vì vậy xin phép không bình luận sâu về việc này. Tuy nhiên, sự tham gia của bất kỳ thành viên mới nào vào TPP đều sẽ ảnh hưởng đến cục diện đàm phán ở mức độ nhất định, có thể là tiêu cực, cũng có thể là tích cực. Nền kinh tế càng lớn thì mức độ ảnh hưởng càng cao.

. Vậy Việt Nam cần làm gì để yên tâm tham gia TTP?

+ Hội nhập kinh tế quốc tế luôn đem lại cả cơ hội lẫn thách thức. Đây là bài toán mà lời giải nằm ở nỗ lực của các cơ quan đàm phán chính phủ, cộng đồng DN và các bên liên quan.

Đối với TPP, một hiệp định đang trong quá trình đàm phán thì việc thông tin, trao đổi và tham vấn thường xuyên giữa DN và các cơ quan nhà nước trong quá trình này để có các phương án đàm phán tốt nhất là điều rất quan trọng.

Hy vọng TPP, hiệp định đàm phán đầu tiên mà Chính phủ chính thức tham vấn cộng đồng DN sẽ đạt được kết quả tốt nhất, đem lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng DN cũng như cho cả nền kinh tế.

. Xin cám ơn bà.

Nếu Nhật Bản tham gia TPP

TPP là hiệp định đa phương giữa 11 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Nhật Bản dự định tham gia trong năm 2013 này.

Với vai trò là một nước lớn, Nhật Bản có thể có tiếng nói nhất định làm thay đổi tình thế đàm phán hiện tại. Trong một lĩnh vực nào đó mà hai nước cùng chung quan điểm, Việt Nam sẽ có thêm một đồng minh quan trọng. Hiện hai bên đã có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương và là đối tác trong FTA chung ASEAN - Nhật Bản.

Mặc dù vậy, đối với đàm phán TPP, mối quan tâm của Nhật Bản là tăng cường tiếp cận thị trường cho ô tô và sản phẩm công nghệ cao, trong khi vẫn bảo hộ chặt ngành nông nghiệp và một số ngành dịch vụ như bảo hiểm. Đây không hẳn là vấn đề Việt Nam quan tâm. Vì thế, khó có thể khẳng định việc Nhật Bản tham gia TPP có mang lại sự “an tâm” nào đó cho Việt Nam hay không.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM