Chiếc áo đi ăn cỗ

19/06/2013    51

TPP có thể được xem là một mâm cao cỗ đầy các món ngon nhưng không dễ nuốt. Khoảng 22 “món” đang được đàm phán, từ luật lệ, lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, năng lực hợp tác doanh nghiệp nhỏ và vừa, dịch vụ xuyên biên giới, thương mại điện tử, hải quan, sở hữu trí tuệ, tự vệ thương mại...

Mâm cỗ đầy

Theo Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhà bán lẻ số 1 thế giới Walmart từ Mỹ đã chính thức có giấy phép mua hàng từ Việt Nam, và trong những ngày vừa qua họ đang có những động thái đáng chú ý. Không chỉ tiếp xúc với các doanh nghiệp của Amcham, Walmart còn gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp trong nước. Trước mắt, Walmart đánh tiếng tìm đối tác để mua hàng bán vào hệ thống phân phối của họ, sau nữa, họ vừa vận động, gây sức ép vừa đón đầu cơ hội cho Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm được ký kết.

Người Mỹ đã tỏ ra sốt sắng. “Mâm cỗ” TPP đã có 11 thành viên (chưa tính Nhật Bản) tham gia và trải qua 17 vòng đàm phán. Các bất đồng đang được thu hẹp, nhưng để hoàn tất được hiệp định là cả một con đường gian truân.

Trong mâm cỗ TPP, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương, các tính toán định lượng cho thấy, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. GDP của các thành viên đang đàm phán lên đến 29.000 tỉ đô la Mỹ cùng dân số gần 1 tỉ người là một thị trường rất lớn. Mức thuế suất 0% trong một thị trường như thế là cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Trong đó các mặt hàng như dệt may, hiện đang chịu mức thuế khoảng 17-30%, thì thuế suất bằng không mang đến một lợi thế cạnh tranh không nhỏ. Thêm nữa, các chuyên gia cũng kỳ vọng về một dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài tìm đến nhiều hơn để tận dụng những ưu đãi về thuế này. Cùng với đó là sự chuyển giao công nghệ từ khối FDI cũng như sức lan tỏa ra nền kinh tế nói chung sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước nâng cao sức cạnh tranh.

Để có thể hưởng mức thuế bằng không khi đến dự mâm cỗ TPP, Việt Nam cần phải khoác chiếc áo được dệt từ các loại vải sợi của các thành viên trong hiệp định này. Nếu không, mức thuế sẽ vẫn như cũ.

Dĩ nhiên, đi kèm với đó là không ít hoài nghi khi trong “sân chơi” này, nếu không khéo, doanh nghiệp chẳng những không được lợi mà còn bị tổn thương về kinh tế.

Nhìn lại quãng đường hội nhập của Việt Nam, những hoài nghi đó không phải là không có lý. Vượt qua sự thận trọng ban đầu, dấu mốc Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA, còn được cho là sự hội nhập 1.0) đã cho thấy những lợi ích lớn của hội nhập, trong đó Hoa Kỳ trở thành một thị trường lớn của nhiều ngành sản xuất Việt Nam. Đã có những tiếng xuýt xoa tiếc rẻ “giá như ký BTA sớm được vài năm thì hay biết mấy”.

Đến lần “đi ra biển lớn” WTO (sự hội nhập 2.0), lại có những tiếng thở dài. Dù gặt hái không ít thành công, nhưng sự kỳ vọng từ việc bơi ra biển lớn vẫn chưa thực hiện được, mà trái lại, các doanh nghiệp còn bị các đối thủ ngoại lấn chiếm ao nhà.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) được cho là sự hội nhập 3.0, đánh dấu sự hội nhập sâu hơn với cộng đồng quốc tế. Lợi ích tuy nhiều, nhưng những bất cập của nền kinh tế cũng khiến cho không ít doanh nghiệp lao đao. Kèm với đó là những nỗi lo khi lãnh đạo Việt Nam trong các cuộc viếng thăm thường lấy FTA làm câu chuyện làm quà, khiến nhiều chuyên gia e ngại, vì lắm lúc, nếu có ký thì vừa mất công đàm phán mà lợi ích lại chẳng bao nhiêu.

Với sự hội nhập 4.0 trong TPP lần này, Việt Nam là một quốc gia có GDP đầu người thấp nhất, trình độ kinh tế kém nhất... lại chơi trong một nhóm có các tiêu chuẩn khắt khe nhất, trình độ cao nhất, liệu có quá tầm?

Động thái của những doanh nghiệp lớn như Walmart trong cuộc vận động hành lang cho thấy giới doanh nghiệp Mỹ rất quan tâm tới hiệp định này. Các chuyên gia cho biết trong rất nhiều cuộc đàm phán, các trưởng đoàn đàm phán nước này ra dấu tạm dừng để tham vấn ý kiến từ giới doanh nghiệp, vốn luôn được tháp tùng và thường được bố trí trong một căn phòng sát bên phòng đàm phán.

Vòng đàm phán thứ 6, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tổ chức ngay ở TPHCM, nhưng khi phát thư mời các hiệp hội đến phát biểu trong các cuộc đàm phán mở, chỉ duy nhất Hiệp hội Dệt may đứng bên cạnh VCCI  tham gia. Trong khi đó, doanh nghiệp các nước khác dù phải trả tiền nhưng họ vẫn đến Việt Nam rất đông và phát biểu rôm rả, bởi TPP liên quan mật thiết đến lợi ích của chính họ. Ở Việt Nam, dường như tất cả đều có tâm lý phó thác trách nhiệm cho các chuyên gia đàm phán của Chính phủ.

Sắm áo nào đi ăn cỗ

TPP có thể được xem là một mâm cao cỗ đầy các món ngon nhưng không dễ nuốt. Khoảng 22 “món” đang được đàm phán, từ luật lệ, lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, năng lực hợp tác doanh nghiệp nhỏ và vừa, dịch vụ xuyên biên giới, thương mại điện tử, hải quan, sở hữu trí tuệ, tự vệ thương mại... trong đó dệt may là một ngành được kỳ vọng rất nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Nói một cách ví von, để có thể hưởng mức thuế bằng không khi đến dự mâm cỗ TPP, Việt Nam cần phải khoác chiếc áo được dệt từ các loại vải sợi của các thành viên trong hiệp định này. Nếu không, mức thuế sẽ vẫn như cũ.

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp dệt may lại đang nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, vốn là quốc gia chưa tham gia đàm phán TPP. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, các nhà sản xuất Việt Nam nên nhân dịp TPP tìm nguồn nguyên liệu từ các quốc gia khác, và thoát khỏi chiếc áo làm gia công để hướng đến ngành dệt may có giá trị gia tăng cao.

Trước mắt, các chuyên gia cho biết, các bên có thể đi đến thỏa hiệp về một lộ trình, trong đó các nhà sản xuất từ Việt Nam trước mắt cần đáp ứng một tỷ lệ nhất định nào đó về vải sợi, và sẽ phải dần dần nâng cao sức cạnh tranh lên để đáp ứng được các tiêu chuẩn hoàn toàn trong thời gian tới. Theo ông Thành, điều này cũng đã từng có tiền lệ khi trong các FTA, câu chuyện xuất xứ cũng đã được nói tới trong một số ngành nhạy cảm, và bước thỏa hiệp cũng đã được đưa ra.

Trong ngắn hạn sẽ là những chặng đường cam go đầy thách thức, nhưng về lâu về dài, các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ có rất nhiều lợi ích. Nhưng, giữa những bộn bề của khó khăn, không biết trong đường dài đó, liệu còn mấy doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi, khi mà, theo một chuyên gia, ngoảnh đi ngoảnh lại thấy xung quanh mình toàn là doanh nghiệp nước ngoài.

 Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn