Còn nhiều nỗi lo

19/06/2013    54

Nông sản, may mặc được dự báo là hai lĩnh vực đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng liệu TPP có thật sự là chiếc bánh ngọt?

Nông sản “vướng”

Khi thông tin Việt Nam đang tích cực đàm phán để trở thành thành viên của TPP ngày càng phổ biến, không ít người kỳ vọng đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các nước TPP nhờ tận dụng ưu đãi về thuế (thuế xuất khẩu là 0%). Nhưng thực tế không dễ bởi doanh nghiệp phải vượt qua được những quy định, tiêu chuẩn rất cao của nước nhập khẩu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa...

Tại hội thảo “Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương - ý nghĩa và tác động đến kinh tế Việt Nam” được tổ chức tại Cần Thơ hôm 7-6, bà Thôi Ngọc Đoan Thùy, Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu, phát biểu: “So với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), quy định của TPP sẽ gây bất lợi hơn cho mối quan hệ thương mại của Việt Nam so với các nước trong khối TPP vì hai lý do. Thứ nhất, đối với thị trường xuất khẩu, rào cản kỹ thuật của các nước sẽ khắt khe hơn, trong khi năng lực cạnh của Việt Nam không cao dẫn đến khó tận dụng lợi ích từ việc giảm thuế quan. Thứ hai, đối với thị trường trong nước, Việt Nam phải mở cửa thị trường, tức phải loại bỏ 100% dòng thuế, trong khi rào cản kỹ thuật chưa có hoặc không cao, nên thị trường nội địa cũng gặp bất lợi”.

PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, Trưởng khoa Luật trường Đại học Kinh tế  TPHCM, cho biết trong quá trình đàm phán gia nhập TPP, một số chuyên gia của Mỹ nói nếu tham gia vào TPP thì gạo, nông sản của Việt Nam có cơ hội bán được nhiều hơn bởi hiện nay các nước TPP chiếm đến 30% giá trị xuất khẩu và 20% nhập khẩu của thế giới.

“Đó (xuất khẩu gạo, nông sản Việt Nam - NV) là một điều chưa chắc. Vì sao? Vì tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của họ (các nước TPP - NV) cao lắm, trong khi đó, gạo Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước rất ít nên cơ hội xuất khẩu thấp, không như chiếc bánh họ đã vẽ ra”, ông Nghĩa cho biết. Chẳng hạn ngành đường là một trường hợp điển hình. “Nếu tiến tới 0% thì những ngành mà Việt Nam có lợi thế, ví dụ như đường sẽ có vấn đề”, ông Nghĩa nói.

Một nguyên nhân khác, gây bất lợi cho nông sản Việt Nam dù thuế suất có là 0%, đó là một số nước thuộc TPP đang ra sức bảo hộ, hạn chế nhập khẩu nông sản để bảo vệ nền nông nghiệp trong nước. Chẳng hạn như Nhật Bản, quốc gia dự kiến tham gia đàm phán TPP vào cuối năm 2013. “Nông sản là vấn đề rất khó đàm phán vì từ xưa đến nay trong khuôn khổ đàm phán các hiệp định tự do thương mại hay gia nhập WTO... nông sản luôn là lĩnh vực được các nước bảo hộ mạnh mẽ”, ông Nghĩa cho biết.

Dệt may thành kẻ làm thuê?

Một kỳ vọng khác mang lại cho Việt Nam từ TPP, đó là gia tăng xuất khẩu các sản phẩm dệt may. Tuy nhiên, kỳ vọng này khó đạt được với quy định để được hưởng thuế suất 0%, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu chủ yếu từ các nước nội khối TPP.

Báo cáo của bà Phùng Thị Lan Phương, đại diện Trung tâm WTO, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đơn vị đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đàm phán TPP cho biết: “Thực chất của nguyên tắc/quy định nói trên là đòi hỏi tăng cường giá trị nội khối của hàng hóa xuất khẩu, nếu muốn hưởng ưu đãi thuế quan trong TPP”.

Ông Phạm Duy Nghĩa cho biết hiện Việt Nam đứng thứ hai về cung cấp hàng dệt may cho Mỹ và ngành này cũng giữ vị trí thứ hai trong việc mang ngoại tệ về cho đất nước, sau lĩnh vực bán tài nguyên (dầu thô). “Gia nhập TTP, người được lợi nhất có vẻ là doanh nghiệp dệt may, doanh thu được dự báo sẽ tăng lên, Tuy nhiên, trong chuỗi dệt may, bắt đầu từ trồng bông, xe sợi, dệt vải, nhuộm, cắt may, đóng thành quần áo, đưa lên sàn diễn và xuất bán... Việt Nam làm được gì trong cái chuỗi đó?”, ông Nghĩa đặt vấn đề.

Theo ông Nghĩa, nguyên liệu phục vụ ngành may mặc của Việt Nam hiện chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc - những quốc gia ngoài TPP. Nếu dệt may tiếp tục nhập sợi của Trung Quốc thì chắc chắn phần lợi mình chỉ được phần ngọn từ gia công thôi. Đổi lại, điều chúng ta gánh là ô nhiễm môi trường gia tăng và nhiều vấn đề xã hội khác.

Rõ ràng, TPP mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng việc có tận dụng được cơ hội hay không đòi hỏi không chỉ doanh nghiệp mà các bên còn phải nỗ lực rất nhiều.

Theo PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, Trưởng khoa Luật trường Đại học Kinh tế TPHCM, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP được soạn thảo dựa trên các hiệp định tự do thương mại đã có sẵn. Bản dự thảo TPP hiện có 29 chương.

Việt Nam chính thức tham gia đàm phán TPP từ năm 2010 và tham gia đàm phán ở tất cả các nhóm vấn đề. Hiện tại, TPP đã qua 17 vòng đàm phán với sự tham gia của 11 nước, gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Dự kiến, Nhật Bản tham gia vào cuối năm 2013.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn