FTA Việt Nam – EU: Cơ hội cho những doanh nghiệp có tiềm lực cạnh tranh

17/06/2013    186

Từ ngày 1/1/2014, tất cả các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập của EU là thông tin được Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), ông Đặng Hoàng Hải nêu ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – EU. Diễn đàn được VCCI – HCM và Phái đoàn EU tại Việt Nam phối hợp tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ châu Âu tại Tp.Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Giám đốc VCCI – HCM Võ Tân Thành bày tỏ hy vọng Diễn đàn sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp bức tranh tổng quan về hiện trạng và triển vọng của quan hệ thương mại song phương Việt Nam – EU cũng như các cơ hội, thách thức có thể có trước triển vọng ký hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong việc chuẩn bị đối phó với các thách thức cũng như nắm bắt cơ hội một cách có hiệu quả.

Năm 2012 đánh đấu mốc EU vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 29,09 tỷ USD (tăng 19,77% so với năm 2011); trong đó xuất khẩu đạt 20,3 tỷ USD (tăng 22,71%), nhập khẩu đạt 8,79 tỷ USD (tăng 13,48%). Trong 3 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – EU đã đạt trên 6 tỷ USD (tăng 26,18% so với cùng kỳ năm 2012); trong đó xuất khẩu đạt 4,34 tỷ USD (tăng 27,18%), nhập khẩu đạt 1,78 tỷ USD (tăng 23,74%). Về đầu tư, tính đến hết tháng 1/2013, EU có 1.810 dự án FDI vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 34,28 tỷ USD

Theo ông Jean Jacques Bouflet – Tham tán Công sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU không cạnh tranh mà mang tính tương hỗ và bổ sung cho nhau. FTA sẽ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ của hai bên trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Tại Diễn dàn, Vụ trưởng Đặng Hoàng Hải cũng đã cập nhật thông tin cho các doanh nghiệp về Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập của EU (GSP) giai đoạn 2014 – 2016. Cụ thể ngày 31/10/2012, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã ban hành Quyết định số 978/2012 về Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập GSP mới của châu Âu, áp dụng từ ngày 1/1/2014 để thay thế cho quy định GSP hiện hành. Theo đó tất cả các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được hưởng GSP (giai đoạn 2009 – 2013, hàng hóa thuộc mục XII gồm giày dép, túi xách, ô dù…không được hưởng GSP. Như vậy trước đây, ngành giày dép phải chịu tác động tiêu cực kép, vừa bị áp thuế chống bán phá giá khoảng 10% và không được hưởng GSP).

Trao đổi về những tác động của FTA đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Hải cho biết: “Trong tương lai, các rào cản tại EU không phải là vấn đề của mở cửa thị trường (rào cản thuế, cho phép – hay không cho phép) mà là vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngay cả để khai thác dịch vụ tại EU cũng cần phải đáp ứng các tiêu chí theo ngành. Do đó cơ hội hay thách thức phụ thuộc nhiều vào sự chủ động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”.

Cùng quan điểm với ông Hải, ông Colin Kinghorn – Giám đốc phụ trách Tiểu vùng sông Mê - Kông và Inđônêxia, Tập đoàn Tư vấn & Nghiên cứu thị trường Ipsos nhấn mạnh: “FTA Việt Nam -  EU sẽ mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp nào có tiềm lực cạnh tranh, thông qua khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường; đồng thời không ngừng nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Đánh giá tác động của Hiệp định thương mại tự do FTA dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết bên cạnh các lợi thế do FTA mang lại (giảm nhẹ các biện pháp phòng vệ thương mại; xâm nhập sâu hơn vào thị trường thông qua cơ hội liên kết với các tập đoàn bán lẻ; mở rộng cơ hội lựa chọn nguồn cung chất lượng cao và công nghệ tiên tiến từ EU với giá cả tốt hơn…), các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối diện với không ít thách thức. Doanh nghiệp chế biến thủy sản phải đáp ứng những đòi hỏi gắt gao về các tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng luôn đổi mới không ngừng của thị trường EU. Doanh nghiệp ngày càng phải gánh nhiều chi phí hơn trong việc tuân thủ các quy định SPS và bảo tồn nguồn lợi khi xuất khẩu vào EU. Do đó VASEP kiến nghị EU đưa ra khung hỗ trợ kỹ thuật, thảo luận và hợp tác về vấn đề SPS và TBT bao gồm cả đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, các biện pháp thúc đẩy chuyển giao tri thức và tăng cường các dịch vụ công.

Nguồn: http://vccinews.vn