Kết thúc vòng đàm phán thứ nhất hiệp định ASEAN+6

21/05/2013    214

Vòng đàm phán đầu tiên về việc thiết lập Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước Đông Nam Á (ASEAN) và sáu nước, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand, kết thúc hôm 13-5.

Vòng đàm phán đầu tiên này bắt đầu vào ngày 9-5 tại Brunei, và vòng đàm phán thứ hai dự kiến diễn ra tại Úc từ ngày 23 đến 27-9. Các đàm phán RCEP dự kiến kết thúc vào cuối năm 2015, theo tuyên bố chung về RCEP đăng trên trang www.asean.org.

Cũng theo tuyên bố chung này, RCEP sẽ bao gồm các điều khoản nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư cũng như nâng cao tính minh bạch trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa các nước tham gia.

RCEP sẽ có những cam kết rộng hơn và sâu hơn với những cải thiện lớn hơn so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà các nước ASEAN và sáu đối tác đã có với nhau, và cũng sẽ có những điều chỉnh linh hoạt cho các thành viên ASEAN có mức độ phát triển thấp hơn.

Theo giáo sư Peter A. Petri (Đại học Brandeis - Mỹ) tại một hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức vào cuối tháng 3-2013 tại TP.HCM, RCEP tạo ra một khu vực thương mại tự do chiếm 26% GDP của thế giới.

Khi so sánh với Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), vị giáo sư này cho biết, lợi ích mà RCEP đem lại cho Việt Nam sẽ thấp vì hiện Việt Nam đã có FTA với các nước ASEAN cũng như với sáu nước, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.

Trong khi đó, TPP là một hiệp định mới và đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam vì Việt Nam chưa có FTA song phương với Mỹ và một số nước châu Mỹ đang tham gia TPP. Việc tham gia cả hai hiệp định trên sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho Việt Nam so với việc chỉ tham gia TPP hoặc RCEP.

Nghiên cứu của giáo sư Petri cùng hai chuyên gia khác vào cuối năm 2012 cho thấy, vào năm 2025, khoản thu nhập mà TPP-11 (với 11 nước tham gia) đóng góp cho GDP của Việt Nam là 26,2 tỉ đô la Mỹ, từ TPP-12 (có sự tham gia của Nhật Bản) là 35,7 tỉ đô la Mỹ, và từ RCEP là 17,3 tỉ đô la Mỹ.

Cũng theo nghiên cứu này, tuy không đem lại nhiều lợi ích cho các nước ASEAN, nhưng RCEP đem lại lợi ích to lớn cho các nền kinh tế lớn tại châu Á tham gia RCEP là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, vì các nước này hiện vẫn chưa có FTA với nhau. Trong đó, thu nhập mà RCEP đem lại cho Trung Quốc là lớn nhất, với đóng góp 249,7 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, tiếp đến là Nhật Bản (95,8 tỉ đô la Mỹ), Ấn Độ (91,3 tỉ đô la Mỹ) và Hàn Quốc (82 tỉ đô la Mỹ).

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn