Giải quyết tranh chấp số DS343

14/05/2013    3806

Hoa Kỳ - Các biện pháp chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ Thái Lan

Nguyên đơn:

Thái Lan

Bị đơn:

Hoa Kỳ

Các bên thứ ba:

Braxin; Chi lê; Trung Quốc; EU; Ấn Độ; Hàn Quốc; Nhật Bản; Mexico; Việt Nam

Các hiệp định liên quan (được đưa ra trong yêu cầu tham vấn)

Hiệp định ADA (Điều VI của GATT 1994): Điều 1, 3.1, 3.2, 3.3, 3.4, 3.5, 5.8, 7.1, 7.2, 7.4,7.5, 2, 9.1, 9.2, 9.3, 2.1, 18.1, 2.4, 2.4.2

GATT 1994: Điều  X:3(a), VI:2, I:1, II, II:1, III,VI, XI:1, XIII:1, XX

Ngày nhận được yêu cầu tham vấn

24/04/2006

Ngày lưu hành Báo cáo của Ban Hội thẩm

29/01/2008

Ngày lưu hành Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm

16/07/2008

Bản tóm tắt dưới đây được cập nhật đến ngày 24/02/2010

Tham vấn

Ngày 24/04/2006, Thái Lan yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ liên quan đến các biện pháp chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng đối với tôm nước ấm đông lạnh (frozen warmwater shrimp) nhập khẩu từ Thái Lan. Cụ thể, Thái Lan cho rằng:

-       việc Hoa Kỳ áp dụng phương pháp Zeroing (quy về 0 các biên độ phá giá âm) trong các kết luận sơ bộ, kết luận cuối cùng và sửa đổi kết luận cuối cùng dẫn đến các kết quả biên độ phá giá mà sau đó là thuế chống bán phá giá cao một cách giả tạo đối với tôm nước ấm đông lạnh của Thái Lan là vi phạm các Điều:

  • Điều 1, 2.1, 2.4, 2.4.2, 3.1, 3.2, 3.3, 3.4, 3.5, 5.8, 9.2 và 9.3 của Hiệp định ADA, và
  • Điều II, III, VI:1 và VI:2 của GATT 1994

-       Việc Hoa Kỳ áp dụng yêu cầu kỹ quỹ liên tục đối với tôm nước ấm đông lạnh của Thái Lan có thể vi phạm các Điều I:1, II, III, XI:1 và XIII:1 của GATT 1994 và không phù hợp với Điều XX(d) của GATT 1994.

Ấn Độ (ngày 01/05/2006), Nhật Bản (ngày 02/05/2010), Braxin (ngày 05/05/2006) và Trung Quốc (ngày 08/05/2006) yêu cầu tham gia vào cuộc tham vấn với tư cách các bên thứ ba và đều được Hoa Kỳ chấp thuận.

Giai đoạn Hội thẩm

Ngày 15/09/2006, Thái Lan yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm giải quyết tranh chấp vụ việc này. Tại cuộc họp ngày 28/09/2006, DSB trì hoãn việc thành lập Ban Hội thẩm. Tuy nhiên Ban Hội thẩm đã được thành lập sau đó tại cuộc họp của DSB ngày 26/10/2006.

Braxin, Chi lê, Trung Quốc, EC, Ấn Độ, Nhật bản, Hàn Quốc, Mexico và sau đó là Việt Nam yêu cầu tham gia vào vụ kiện với tư cách các bên thứ ba.

Ngày 19/01/2007, do hai bên không thể thống nhất được về thành phần của Ban Hội thẩm, Thái Lan đã yêu cầu Tổng Giám đốc WTO chỉ định thành viên cho Ban Hội thẩm. Ngày 26/01/2007, thành phần của Ban Hội thẩm đã được xác định.

Ngày 27/07/2007, Chủ tịch Ban Hội thẩm thông báo với DSB rằng họ không thể hoàn thành công việc trong vòng 6 tháng kể từ khi thành lập theo như quy định do bản chất và phạm vi của vụ việc.

Đến ngày 29/02/2008, Ban Hội thẩm hoàn thành Báo cáo và gửi tới tất cả các thành viên WTO. Trong đó, Ban Hội thẩm:

-       ủng hộ các khiếu nại của Thái Lan rằng việc Hoa Kỳ áp dụng yêu cầu kỹ quỹ liên tục (EBR) đối với tôm nước ấm đông lạnh của Thái Lan là vi phạm Điều 18.1 của Hiệp định ADA và Ghi chú của nó;

-       bác bỏ lập luận của Hoa Kỳ rằng việc áp dụng EBR là phù hợp với Điều XX(d) của GATT 1994.

-       đồng tình với khiếu nại của Thái Lan rằng việc Hoa Kỳ sử dụng phương pháp tính toán biên độ phá giá Zeroing là vi phạm Điều 2.4.2 của Hiệp định ADA.

-       từ chối ra phán quyết riêng đối với khiếu nại của Thái Lan rằng việc áp dụng EBR đối với tôm Thái Lan là vi phạm Điều I, II:1(a), câu đầu tiên và thứ hai của Điều II:1(b), X:3(a) và XI:1 của GATT 1994.

Ban Hội thẩm khuyến nghị Hoa Kỳ sửa đổi các biện pháp của mình cho phù hợp với các nghĩa vụ của nước này theo Hiệp định ADA và GATT 1994.

Giai đoạn Phúc thẩm

Ngày 17/04/2008, Thái Lan thông báo quyết định kháng cáo lên Cơ quan Phúc thẩm môt số vấn đề pháp lý và giải thích pháp luật trong Báo cáo của Ban Hội thẩm. Ngày 29/04/2008, Hoa Kỳ cũng thông báo quyết định kháng cáo.

Cơ quan Phúc thẩm xem xét vụ kiện này cùng với vụ kiện số WT/DS345.

Ngày 10/06/2008, Chủ tịch Cơ quan Phúc thẩm thông báo với DSB rằng họ không thể hoàn thành công việc trong vòng 60 ngày do cần thêm thời gian để hoàn thành và biên dịch báo cáo. Cơ quan Phúc thẩm dự kiến hoàn thành công việc việc trước ngày 16/07/2008.

Đến ngày 16/07/2008, Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm được gửi tới tất cả các thành viên WTO. Trong đó, Cơ quan Phúc thẩm:

-       ủng hộ kết luận của Ban Hội thẩm rằng yêu cầu an toàn dẫn đến việc áp dụng EBR đối với sản phẩm tôm nhập khẩu từ Thái Lan là “không hợp lý”;

-       đồng tình với kết luận của Ban Hội thẩm rằng việc áp dụng EBR đối với tôm nhập khẩu từ Thái Lan là “không cần thiết” theo Điều XX(d) của GATT 1994.

-       do đó, ủng hộ kết luận của Ban Hội thẩm rằng việc áp dụng EBR trong vụ kiện liên quan là vi phạm Điều 18.1 của Hiệp định ADA vì nó vi phạm Ghi chú Điều VI:2 và 3 của GATT 1994.

Cơ quan Phúc thẩm khuyển nghị DSB yêu cầu Hoa Kỳ sửa đổi các biện pháp của mình cho phù hợp với các nghĩa vụ của nước này theo các Hiệp định ADA và GATT 1994.

Tại cuộc họp ngày 01/08/2008, DSB đã thông qua Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và Báo cáo của Ban Hội thẩm đã được sửa đổi.

Thực thi

Ngày 31/10/2008, Hoa Kỳ và Thái Lan thông báo với DSB rằng họ đã đạt được thỏa thuận về khoảng thời gian hợp lý để Hoa Kỳ thực thi các phán quyết và khuyến nghị của DSB là 8 tháng, hết hạn ngày 01/04/2009.

Tại cuộc họp của DSB ngày 20/04/2009, Hoa Kỳ thông báo họ đã tiến hành các bước để thực thi các phán quyết và khuyến nghị của DSB. Thái Lan, mặc dù đánh giá cao các nỗ lực của Hoa Kỳ, vẫn tỏ ra lo ngại liệu các động thái đó đã thực sự tuân thủ đầy đủ các phán quyết và khuyến nghị của DSB hay chưa.