Giải quyết tranh chấp số DS282

14/05/2013    1162

Hoa Kỳ - Các biện pháp chống bán phá giá áp dụng đối với sản phẩm ống dẫn dầu nhập khẩu từ Mexico

Nguyên đơn

Mexico

Bị đơn:

 

Các Các bên thứ ba:

Hoa Kỳ

 

Achentina; Canada; Trung Quốc; Đài Loan Trung Quốc; EC; Nhật Bản; Venezuela; Thái Lan

Các hiệp định liên quan (được đưa ra trong yêu cầu tham vấn)

Hiệp định thành lập WTO: Điều  XVI:4; Hiệp định ADA (Điều VI của GATT 1994): Điều 13621118; GATT 1994: Điều  VIX

Ngày nhận được yêu cầu tham vấn

18/02/2003

Ngày lưu hành Báo cáo của Ban Hội thẩm

20/06/2005

Ngày lưu hành Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm

02/11/2005

Bản tóm tắt dưới đây được cập nhật đến ngày 24 tháng 02 năm 2010

Tham vấn

Ngày 18/02//2003, Mexico yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ liên quan đến các biện pháp chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng đối với các sản phẩm ống dẫn dầu (oil country tubular goods – OCTG) nhập khẩu từ Mexico, bao gồm các kết luận cuối cùng trong một số đợt rà soát hành chính, rà soát hoàng hôn và quyết định tiếp tục áp thuế của Cơ quan điều tra Hoa Kỳ. Cụ thể, Mexico cũng khiếu nại một số luật lệ, quy định và thông lệ (như phương pháp Zeroing – phương pháp tính biên độ phá giá quy về 0 các biên độ âm) mà Cơ quan điều tra Hoa Kỳ đã áp dụng để đi đến những kết luận và phán quyết đó.

Mexico cho rằng Hoa Kỳ vi phạm các Điều 1, 2, 3, 6, 11 và 18 của Hiệp định ADA, các điều VI và X của GATT 1994 và Điều XVI:4 của Hiệp định WTO.

Giai đoạn Hội thẩm

Thành lập Ban Hội thẩm

Tham vấn không thành công, do đó ngày 29/07/2003, Mexico đã yêu cầu DSB thành lập Ban Hội thẩm. Tại cuộc họp ngày 18/08/2003, DSB đã trì hoãn việc thành lập Ban Hội thẩm. Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 29/08/2003, sau yêu cầu lần thứ hai của Mexico, Ban Hội thẩm đã được thành lập.

Achentina, Trung Quốc, EC, Nhật Bản, Đài Loan,Venezuela và Canada yêu cầu được tham gia vào vụ kiện với tư cách bên thứ ba.

Ngày 11/02/2004, thành phần của Ban Hội thẩm được xác định.

Thông qua Báo cáo của Ban Hội thẩm

Ngày 16/08//2004, Chủ tịch Ban Hội thẩm thông báo với DSB về khả năng không thể hoàn thành các công việc trong vòng 6 tháng do các bên đã thống nhất một lịch trình khác và dự kiến hoàn thành các công việc vào tháng 03/2005.

Ngày 20/06/2005, Ban Hội thẩm hoàn thành Báo cáo và gửi tới tất cả các thành viên WTO. Sau đây là một số nội dung chính trong Báo cáo:

-       Liên quan đến khiếu nại của Mexico về các công cụ pháp lý mà Hoa Kỳ sử dụng để đưa ra phán quyết về khả năng tái diễn hành vi bán phá giá, Ban Hội thẩm kết luận rằng thông lệ mà DOC áp dụng trong các cuộc rà soát hoàng hôn không thuộc diện xem xét của Ban Hôi thẩm, và do đó từ chối ra phán quyết về vấn đề này. Ban Hội thẩm cũng kết luận rằng bản thân Bộ Luật của Hoa Kỳ và Tuyên bố về các Biện pháp Hành chính SAA không vi phạm Điều 11.3 của Hiệp định ADA nhưng Bản tin Chính sách Hoàng hôn (the Sunset Policy Bulletin) lại vi phạm Điều khoản này.

-       Liên quan đến khiếu nại của Mexico về phán quyết của Hoa Kỳ về khả năng tái diễn hành vi bán phá giá, Ban Hội thẩm nhận thấy rằng DOC chỉ dựa trên yếu tố hàng nhập khẩu giảm sút mà không xem xét đến các nhân tố khác nữa là không phù hợp với Điều 11.3 Hiệp định ADA.

-       Ngoài ra, Ban Hội thẩm cũng nhận thấy rằng ITC đã không vi phạm Điều 11.3 của Hiệp định ADA khi kết luận rằng nếu chấm dứt các biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm OCTG nhập khẩu từ Mexico thì ngành sản xuất nôi địa của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chịu thiệt hại. Đồng thời, DOC cũng đã vi phạm Điều 11.2 Hiệp định ADA khi quyết định không dỡ bỏ các biện pháp chống bán phá giá đối với 2 nhà xuất khẩu của Mexico khi có thay đổi về hoàn cảnh.

-       Ban Hội thẩm cũng kết luận rằng một số điều khoản mà Mexico viện dẫn không áp dụng đối với trường hợp rà soát, và một số khiếu nại liên quan hoặc tương tự các khiếu nại đã được giải quyết rồi thì không cần đưa thêm kết luận.

Giai đoạn Phúc thẩm

Tuy nhiên cả hai bên trong vụ tranh chấp này đều không đồng ý với một số vấn đề pháp lý trong Báo cáo của Ban Hội thẩm và do đó Mexico (ngày 04/08/2005) và Hoa Kỳ (ngày 16/08/2005) lần lượt thông báo kháng cáo tới DSB.

Ngày 26/09/2005, Cơ quan Phúc thẩm thông báo với DSB về khả năng không thể lưu hành Báo cáo giải quyết tranh chấp trong thời hạn 60 ngày (như quy định trong DSU) do cần thêm thời gian để hoàn thành và dịch Báo cáo đó, và dự kiến sẽ hoàn tất công việc này trước ngày 02/11/2005.

Ngày 02/11/2005, Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm được hoàn thành và gửi tới các thành viên WTO, trong đó Cơ quan Phúc thẩm:

-       đồng ý với kết luận của Ban Hội thẩm rằng ITC đã không vi phạm Điều 11.3 của Hiệp định ADA, và kết luận không cần thiết phải chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa khả năng phá giá và khả năng gây thiệt hại.

-       bác bỏ kết luận của Ban Hội thẩm liên quan đến Bản tin Chính sách Hoàng hôn vì cho rằng Ban Hội thẩm đã không đánh giá vấn đề một cách khách quan, cụ thể là đã không đánh giá khách quan các bằng chứng của vụ kiện như yêu cầu của Điều 11 DSU.

-       Đặc biệt, Cơ quan Phúc thẩm nhận thấy Ban Hội thẩm đã không đánh giá đầy đủ các bằng chứng dẫn đến kết luận rằng Bản tin Chính sách Hoàng hôn đã thiết lập được một giả định chắc chắn về khả năng tái diễn hành vi bán phá giá

Tại cuộc họp ngày 28/11/2005, DSB đã thông qua Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và Báo cáo của Ban Hội thẩm đã được điều chỉnh bởi Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm.

Thực thi

Ngày 20/12/2005, tại cuộc họp của DSB, Hoa Kỳ đã thông báo ý định sẽ thực hiện các khuyến nghị và phán quyết của DSB nhằm tuân thủ đúng các nghĩa vụ của nước này theo WTO. Hoa Kỳ cũng yêu cầu  một khoảng thời gian hợp lý để thực thi và sẵn sàng thảo luận với Mexico về vấn đề này.

Ngày 15/02//2006, các bên thông báo tới DSB về việc đã thống nhất được khoảng thời gian hợp lý để Hoa Kỳ thực hiện các khuyến nghị và phán quyết của DSB là 6 tháng, kết thúc vào ngày 28/05/2006.

Ngày 30/05/2006, tại cuộc họp của DSB, Mexico thông báo rằng thời hạn đã hết nhưng Hoa Kỳ vẫn chưa điều chỉnh các biện pháp của mình cho phù hợp. Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn cam kết thực hiện các khuyến nghị và phán quyết của DSB và sẽ thông báo cho Mexico về bất kỳ tiến triển mới nào.

Ngày 11/07/2006, Mexico và Hoa Kỳ thông báo với DSB rằng họ đã đạt được một Thỏa thuận sơ bộ về quy trình thủ tục theo Điều 21, 22 của DSU về giám sát thực thi và bồi thường vi phạm.

Ngày 21/08/2006, Mexico yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ theo Điều 21.5 của DSU.

Ngày 12/04/2007, Mexico yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm tuân thủ theo Điều 21.5 của DSU.

Ngày 24/04/2007, DSB đã đồng ý rằng nếu có thể sẽ sử dụng cả Ban hôi thẩm ban đầu để giải quyết vấn đề tranh chấp.

Trung Quốc, Nhật Bản và EC và sau đó là Achentina và Thái Lan đăng ký tham gia vào vụ kiện với tư cách bên thứ ba.

Ngày 08/05/2007, thành phần của Ban hội thẩm được xác định.

Ngày 05/07/2007, Mexico yêu cầu Ban Hội thẩm tạm ngừng các công việc cho đến khi có thông báo tiếp theo nhưng Mexico vẫn duy trì quyền yêu cầu Ban Hội thẩm nối lại công việc vào bất cứ thời điểm nào. Cùng ngày, Ban hội thẩm thông báo tới DSB rằng họ đã chấp thuận yêu cầu của Mexico và do đó sẽ tạm ngừng các công việc đang thực hiện cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Tuy nhiên, sau đó Ban Hội thẩm không nhận được yêu cầu nào từ phía các bên để nối lại công việc, và do đó, theo Điều 12.12 của DSU, nếu công việc của Ban Hội thẩm bị tạm ngưng hơn 12 tháng thì thẩm quyền thành lập Ban Hội thẩm sẽ hết hiệu lực (ngày 06/07/2008).