Giải quyết tranh chấp số DS277
14/05/2013 959Hoa Kỳ - Cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ xẻ mềm nhập khẩu từ Canada
Nguyên đơn | Canada |
Bị đơn:
Các Các bên thứ ba: | Hoa Kỳ
Trung Quốc; EC; Nhật Bản; Hàn Quốc |
Các hiệp định liên quan (được đưa ra trong yêu cầu tham vấn) | Hiệp định SCM: Điều 15.8, 10, 15.1, 15.2, 15.3, 15.4, 15.5, 15.7, 22, 32.1; Hiệp định ADA (Điều VI của GATT 1994): Điều 1, 3.1, 3.2, 3.3, 3.4, 3.5, 3.7, 3.8, 12, 18.1; GATT 1994: Điều VI:6 |
Ngày nhận được yêu cầu tham vấn | 20/12/2002 |
Ngày lưu hành Báo cáo Ban Hội thẩm | 22/3/2004 |
Ngày lưu hành Báo cáo Ban Hội thẩm theo Điều 21.5 | 15/11/2005 |
Ngày lưu hành Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm theo Điều 21.5 | 13/4/2006 |
Ngày thông báo đạt được thỏa thuận chung | 12/10/2006 |
Bản tóm tắt dưới đây được cập nhật đến ngày 24 tháng 02 năm 2010
Tham vấn
Ngày 20/12/2002, Canada yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ liên quan đến:
- cuộc điều tra của ITC đối với sản phẩm gỗ xẻ mềm (softwood lumber) nhập khẩu từ Canada (Điều tra số 701-TA-414 và 731-TA-928 (cuối cùng)) và
- mức thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng cuối cùng được đưa ra sau kết luận cuối cùng của ITC (đăng trên Công báo Liên Bang trang 36022-36023, số 99, tập 67, ngày 02/05/2002) rằng một ngành sản xuất của Hoa Kỳ đang có nguy cơ bị thiệt hại đáng kể bởi hàng nhập khẩu gỗ xẻ mềm từ Canada bán phá giá và được trợ cấp (theo kết luận của DOC)
Canada khiếu nại Hoa Kỳ vi phạm các Điều VI:6(a) của GATT 1994, Điều 1, 3.1, 3.2, 3.3, 3.4, 3.5, 3.7, 3.8, 12 và 18.1 của Hiệp định ADA và Điều 10, 15.1, 15.2, 15.3, 15.4, 15.5, 15.7, 15.8, 22 và 32.1 của Hiệp định SCM.
Giai đoạn Hội thẩm
Tham vấn không thành công.
Do đó, ngày 03/04/2000, Canada yêu cầu WTO thành lập Ban Hội thẩm giải quyết tranh chấp trong vụ việc này. Tại cuộc họp ngày 15/04/2003, DSB đã trì hoãn việc thành lập Ban Hội thẩm. Tuy nhiên, sau yêu cầu lần thứ hai của Canada, tại cuộc họp ngày 07/05/2003, DSB đã thành lập Ban Hội thẩm. EC, Nhật Bản và sau đó là Hàn Quốc (ngày 16/05/2003) yêu cầu tham gia vào vụ kiện với tư cách bên thứ ba.
Ngày 12/06/2003, do hai bên không thể nhất trí được về thành phần Ban Hội thẩm, Canada đã đề nghị Tổng Giám đốc WTO chỉ định thành viên cho Ban Hội thẩm. Ngày 19/06/2003, các thành viên Ban Hội thẩm được bổ nhiệm
Ngày 19/12/2003, Chủ tịch Ban Hội thẩm thông báo với DSB về khả năng không thể hoàn thành công việc trong vòng 6 tháng do có mâu thuẫn về lịch trình làm việc. Ban Hội thẩm dự kiến hoàn thành công việc vào tháng 02/2004.
Ngày 22/03/2004, Ban Hội thẩm hoàn thành Báo cáo giải quyết tranh chấp và gửi tới tất cả các quốc gia thành viên WTO. Trong đó kết luận rằng, phán quyết cuối cùng về thiệt hại của ITC đã vi phạm các Điều 3.5 và 3.7 của Hiệp định ADA và Điều 15.5 và 15.7 của Hiệp định SCM trong kết luận về khả năng gia tăng đáng kể lượng nhập khẩu và mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu và nguy cơ gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ.
Do đó, Ban Hội thẩm kết luận biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ áp dụng đối với sản phẩm gỗ xẻ mềm nhập khẩu từ Canada là vi phạm các nghĩa vụ của Hoa Kỳ theo những điều khoản nói trên và đề nghị Hoa Kỳ nhanh chóng điều chỉnh các biện pháp này cho phù hợp với các nghĩa vụ của mình.
Tại cuộc họp ngày 26/04/2004, DSB đã thông qua Báo cáo của Ban Hội thẩm.
Thực thi
Ngày 19/05/2004, tại cuộc họp của DSB, Hoa Kỳ thông báo ý định thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB trên tinh thần tôn trọng các nghĩa vụ trong WTO. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng yêu cầu một khoảng thời gian hợp lý cần thiết để thực hiện và sẵn sàng tham vấn với Canada về vấn đề này theo đúng quy định tại Điều 21.3(b) của DSU.
Ngày 26/07/2004, hai bên thông báo với DSB rằng họ đã tiến hành tham vấn song phương về khoảng thời gian cần thiết để Hoa Kỳ thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB và khẳng định nếu phải đưa vấn đề ra giải quyết bằng trọng tài thì phán quyết trọng tài (được đưa ra trong thời hạn 45 ngày) sẽ được coi là phán quyết chính thức của trọng tài theo thủ tục giải quyết theo Điều 21.3(c) của DSU.
Ngày 01/10/2004, hai bên thông báo với DSB rằng họ đã thống nhất được khoảng thời gian cần thiết hợp lý để Hoa Kỳ thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB là 9 tháng, tính từ ngày 26/04/2004 đến ngày 16/01/2005.
Ngày 25/01/2005, tại cuộc họp của DSB, Hoa Kỳ thông báo đã sửa đổi quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng đối với sản phẩm gỗ xẻ mềm nhập khẩu từ Canada và do đó đã thực thi đầy đủ các khuyến nghị và phán quyết của DSB. Canada cho biết họ đang xem xét các kết quả thực thi của Hoa Kỳ.
Rà soát tuân thủ
Giai đoạn Hội thẩm theo Điều 21.5
Ngày 14/02/2005, xét thấy các biện pháp Hoa Kỳ đã tiến hành để thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB lại vi phạm các Hiệp định WTO có liên quan, Canada đề nghị DSB thành lập Ban Hội thẩm tuân thủ theo Điều 21.5 của DSU và cho phép đình chỉ việc thực hiện các nhượng bộ hay các nghĩa vụ khác đối với Hoa Kỳ theo Điều 22.2 của DSU.
Ngày 23/02/2005, Canada và Hoa Kỳ gửi tới DSB bản thỏa thuận chung về thủ tục giám sát việc thực hiện các phán quyết và đình chỉ các nghĩa vụ theo Điều 21 và 22 của DSU, theo đó thủ tục trọng tài theo Điều 22.6 tạm ngừng cho đến khi DSB thông qua các khuyến nghị và phán quyết theo thủ tục giám sát tuân thủ quy định tại Điều 21.5.
Về các thủ tục theo Điều 22, ngày 23/02/2005, Hoa Kỳ yêu cầu đưa vấn đề ra giải quyết bằng trọng tài theo Điều 22.6 của DSU. Tại cuộc họp ngày 25/02/2005, DSB đồng ý với yêu cầu này của Hoa Kỳ.
Về các thủ tục theo Điều 21.5, tại cuộc họp ngày 25/02/2005, DSB đã đồng ý với yêu cầu của Canada đưa vấn đề tới Ban Hội thẩm ban đầu đề xem xét giải quyết. Theo thỏa thuận giữa hai bên, thủ tục giải quyết thông qua trọng tài theo Điều 22.6 sẽ tạm ngừng cho đến khi hoàn thành thủ tục giải quyết thông qua Ban Hội thẩm theo Điều 21.5.
Trung Quốc và EC yêu cầu tham gia vào vụ kiện với tư cách bên thứ ba.
Ngày 02/03/2005, các thành viên của Ban Hội thẩm theo Điều 21.5 được bổ nhiệm.
Ngày 25/05/2005, Chủ tịch Ban Hội thẩm thông báo với DSB rằng Ban Hội thẩm không thể hoàn thành công việc trong vòng 90 ngày do có mâu thuẫn về lịch trình làm việc. Ban Hội thẩm dự kiến sẽ hoàn thành các công việc vào tháng 09/2005.
Ngày 15/11/2005, Ban Hội thẩm hoàn thành Báo cáo và gửi tới tất cả các quốc gia thành viên. Trong đó kết luận phán quyết của ITC nhằm thi hành các khuyến nghị của Ban Hội thẩm và DSB trong vụ kiện ban đầu là phù hợp với các quy định của Hiệp định ADA và SCM.
Giai đoạn Phúc thẩm theo Điều 21.5
Ngày 13/01/2006, Canada thông báo quyết định kháng cáo lên Cơ quan Phúc thẩm một số vấn đề pháp lý và giải thích pháp luật trong Báo cáo của Ban Hội thẩm theo Điều 21.5.
Ngày 10/03/2006, Chủ tịch Cơ quan Phúc thẩm thông báo với DSB rằng họ không thể hoàn thành công việc trong vòng 60 ngày do cần thêm thời gian để hoàn thiện và biên dịch Báo cáo. Cơ quan Phúc thẩm dự kiến hoàn thành công việc trước ngày 13/04/2006.
Ngày 13/04/2006, Cơ quan Phúc thẩm ban hành Báo cáo tới tất cả các quốc gia thành viên WTO, trong đó phân tích làm rõ tiêu chuẩn xem xét mà Ban Hội thẩm cần tuân thủ khi rà soát nguy cơ gây thiệt hại và kết luận Ban Hội thẩm đã vi phạm Điều 11 của DSU vì đã sử dụng mức độ xem xét không phù hợp khi đánh giá Mục 129 trong Quyết định của USITC.
Do đó, Cơ quan Phúc thẩm:
- bác bỏ kết luận của Ban Hội thẩm rằng phán quyết của USITC không vi phạm các nghĩa vụ của Hoa Kỳ theo các Điều 3.5 hoặc 3.7 của Hiệp định ADA và Điều 15.5 và 15.7 của Hiệp định SCM
- huỷ bỏ kết luận của Ban Hội thẩm rằng Hoa Kỳ đã thực thi đầy đủ các khuyến nghị và phán quyết của DSB trong vụ kiện ban đầu.
Tuy nhiên, Cơ quan Phúc thẩm không thể hoàn thành việc phân tích và xác định xem liệu Mục 129 trong Quyết định của USITC có phù hợp với các nghĩa vụ của Hoa Kỳ theo các Điều 3.5 và 3.7 của Hiệp định ADA, Điều 15.5 và 15.7 của Hiệp định SCM hay không do thiếu các bằng chứng thực tế hợp lý cũng như các thông tin xác đáng từ dữ liệu của Ban Hội thẩm.
Ngày 09/05/2006, DSB thông qua Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và Báo cáo của Ban Hội thẩm đã được điều chỉnh bởi Cơ quan Phúc thẩm.
Ngày 12/10/2006, Hoa Kỳ và Canada thông báo với DSB về việc các bên đã thống nhất được giải pháp chung theo Điều 3.6 của DSU cho tất cả các vụ kiện WT/DS236, WT/DS247, WT/DS257, WT/DS264, WT/DS277 và WT/DS311, đó là một Thoả thuận toàn diện về mặt hàng gỗ xẻ mềm giữa Hoa Kỳ và Canada ký ngày 12/09/2006 (và do đó, thủ tục trọng tài theo Điều 22.6 cũng chấm dứt).
Ngày 23/02/2007, Hoa Kỳ và Canada thông báo với DSB về một thỏa thuận tiếp theo điều chỉnh thoả thuận ban đầu để tạo điều kiện cho thoả thuận này có hiệu lực.