Giải quyết tranh chấp số DS234

14/05/2013    984

Hoa Kỳ - Đạo luật Đền bù Trợ cấp và Phá giá năm 2000

Nguyên đơn

Canada; Mexico

Bị đơn:

Hoa Kỳ

Các bên thứ ba

Achentina; Australia; Braxin; Costa Rica; EC; Ấn Độ; Trung Quốc; Israel; Nauy Indonesia; Nhật Bản; Hàn Quốc; Thái Lan

Các hiệp định liên quan (được đưa ra trong yêu cầu tham vấn):

 

Hiệp định SCM: Điều. 5, 10, 11.4, 18, 32, 32.5; Hiệp định thành lập WTO: Điều. XVI:4, XVI; Hiệp định ADA (Điều VI of GATT 1994): Điều. 5.4, 8, 18, 18.1
GATT 1994: Điều. VI:2, VI, VI:3, X, X:3, XXIII:1

 

Ngày nhận được yêu cầu tham vấn:

21/05/2001

Ngày lưu hành báo cáo Ban Hội thẩm:

16/09/2002

 

Ngày lưu hành Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm:

16/01/2003

Ngày lưu hành báo cáo trọng tài theo Điều 21.3(c):

13/06/2003

Ngày kháng cáo đối với Báo cáo trọng tài theo Điều 22.6:

 

31/08/2004

Diễn biến vụ việc

Bản tóm tắt dưới đây được cập nhật đến ngày 12/09/2012

Tham vấn

Ngày 21/12/2000 (WT/DS217) và 21/05/2001 (WT/DS234), các nguyên đơn yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ liên quan đến việc điều chỉnh Đạo luật Thuế quan 1930 ký ngày 28/10/2000, với tựa đề “Đạo luật Đền bù Trợ cấp và Phá giá năm 2000” – “CDSOA” (gọi tắt là “Đạo luật”), thường được biết đến với tên gọi “Luật Byrd điều chỉnh”. Theo các nguyên đơn, Đạo luật này vi phạm một số điều khoản trong Hiệp định GATT, Hiệp định ADA, Hiệp định SCM và Hiệp định WTO, cụ thể:

(i)                 Điều 18.1 của Hiệp định ADA trong mối liên hệ với Điều VI:2 của Hiệp định GATT và

Điều 1 của Hiệp định ADA;

(ii)               Điều 32.1 của Hiệp định SCM trong mối liên hệ với điều VI:3 của Hiệp định GATT và các Điều 4.10, 7.9 và 10 của Hiệp định SCM;

(iii)             Điều X(3)(a) của GATT 1994;

(iv)             Điều 5.4 của Hiệp định ADA và Điều 11.4 của  Hiệp định SCM

(v)               Điều 8 của Hiệp định ADA và Điều 18 của Hiệp định SCM;

(vi)             Điều 5 của Hiệp định SCM và

(vii)           Điều XVI:4 của Hiệp định Marrakesh thành lập WTO, Điều 18.4 của Hiệp định ADA và Điều 32.5 của Hiệp định SCM.

Ngày 12/07/2001, các nguyên đơn trong vụ kiện WT/DS217 yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm. Tại cuộc họp ngày 24/07/2001, DSB đã trì hoãn việc thành lập Ban Hội thẩm. Tuy nhiên, theo yêu cầu lần thứ hai từ các nguyên đơn, Ban Hội thẩm đã được thành lập sau đó tại cuộc họp của DSB ngày 23/08/2001.

Achentina, Canada, Costa Rica, Hong Kong, Trung Quốc, Israel, Na-uy và Mexico yêu cầu tham gia vào vụ kiện với tư cách bên thứ ba.

Ngày 10/08/2001, các nguyên đơn trong vụ kiện WT/DS234 yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm. Tại cuộc họp ngày 23/08/2001, DSB đã trì hoãn việc này. Tuy nhiên, theo yêu cầu lần thứ hai từ phía các nguyên đơn, Ban Hội thẩm đã được thành lập sau đó tại cuộc họp ngày 10/09/2001. Theo Điều 9 của DSU khi 2 vụ kiện có cùng nội dung thì DSB có thể thành lập một Ban Hội thẩm chung để giải quyết cả 2 vụ kiện. Do đó trong trường hợp này, DSB cũng chỉ định Ban Hội thẩm giải quyết vụ kiện WT/DS217 đồng thời giải quyết vụ kiện WT/DS234.

Giai đoạn Hội thẩm

Ngày 15/10/2001, do không thể cùng thống nhất được về thành phần của Ban Hội thẩm, cả 11 nguyên đơn đề nghị Tổng giám đốc WTO chỉ định thành viên cho Ban Hội thẩm. Ngày 25/10/2001, Ban Hội thẩm đã được thành lập.

Ngày 17/04/2002, chủ tịch Ban Hội thẩm thông báo với DSB rằng họ có thể sẽ không hoàn thành được công việc trong thời hạn 6 tháng do các bên cần thời gian tối đa cho phép để chuẩn bị hồ sơ và trao đổi trực tiếp. Ban Hội thẩm dự kiến sẽ hoàn thành công việc vào tháng 07/2002.

Ngày 16/09/2002, Ban Hội thẩm ban hành Báo cáo giải quyết tranh chấp và gửi tới tất cả các quốc gia thành viên, trong đó kết luận:

-       CDSOA đã vi phạm các Điều 5.4, 18.1 và 18.4 của  Hiệp định ADA, Điều 11.4, 32.1 và 32.5 của Hiệp định Trợ cấp; Điều VI:2 và VI:3 của  GATT 1994, và Điều XVI:4 của Hiệp định WTO.

-       CDSOA không vi phạm các Điều  8.3 và 15 của  Hiệp định ADA, các Điều  4.10, 7.9 và 18.3 của Hiệp định SCM, và Điều X:3(a) của Hiệp định GATT 1994. Ban Hội thẩm cũng bác bỏ khiếu nại của Mexico về việc CDSOA đã vi phạm Điều 5(b) của Hiệp định SCM.

Trên thực tế, CDSOA là một đạo luật mới và phức tạp, lại được áp dụng trong một môi trường pháp lý phức tạp. Do đó, khi kết luận Đạo luật này vi phạm các điều khoản nói trên, Ban Hội thẩm phải đối mặt với các vấn đề nhạy cảm liên quan đến việc sử dụng trợ cấp như một biện pháp thương mại. Nếu thành viên nào cho rằng trợ cấp có thể được phép áp dụng như một hình thức trả đũa đối với các hành vi thương mại thiếu công bằng thì Ban Hội thẩm đề nghị làm rõ vấn đề này thông qua đàm phán.

Ban Hội thẩm kết luận, theo Điều 3.8 của DSU thì với mức độ vi phạm các Hiệp định ADA, Hiệp định SCM, và Hiệp định GATT 1994, Đạo luật đã làm vô hiệu hóa hoặc phương hại đến các lợi ích mà các nguyên đơn đáng lẽ được hưởng theo các Hiệp định nói trên. Do đó, Ban Hội thẩm đề nghị DSB yêu cầu Hoa Kỳ điều chỉnh Đạo luật cho phù hợp với các Hiệp định bằng cách bãi bỏ Đạo luật này.

Giai đoạn Phúc thẩm

Ngày 18/10/2002, Hoa Kỳ thông báo quyết định kháng cáo lên Cơ quan Phúc thẩm đối với một số vấn đề pháp lý và giải thích pháp luật trong Báo cáo của Ban Hội thẩm.

Ngày 13/12/2002, Cơ quan Phúc thẩm thông báo với DSB rằng họ không thể hoàn thành báo công việc trong thời hạn 60 ngày (kể từ ngày nhận được yêu cầu kháng cáo) và dự kiến ban hành Báo cáo Phúc thẩm trước ngày 16/01/2003.

Ngày 16/01/2003, Cơ quan Phúc thẩm hoàn thành công việc và ban hành Báo cáo trong đó:

-       ủng hộ các kết luận trong Báo cáo của Ban Hội thẩm tại các đoạn 7.51 và 8.1 rằng Đạo luật CDSOA là một công cụ không được phép, vi phạm các quy định tại Điều 18.1 của Hiệp định ADA và Điều 32.1 của Hiệp định SCM.    

-       nhất trí với các kết luận của Ban Hội thẩm tại các đoạn 7.93 và 8.1 trong Báo cáo của Ban Hội thẩm rằng CDSOA đã vi phạm một số điều khoản của Hiệp định ADA và Hiệp định SCM, do đó Hoa Kỳ đã không tuân thủ các Điều 18.4 của  Hiệp định ADA, Điều 32.5 của Hiệp định SCM và Điều XVI:4 của  Hiệp định WTO;

-       đồng ý với các kết luận của Ban Hội thẩm trong đoạn 8.4 rằng, theo Điều 3.8 của DSU, với mức độ vi phạm Hiệp định ADA và Hiệp định SCM, CDSOA đã làm vô hiệu hóa hoặc phương hại đến lợi ích mà các nguyên đơn đáng lẽ được hưởng theo các Hiệp định nói trên;

-       bác bỏ kết luận của Ban Hội thẩm tại các đoạn 7.66 và 8.1 trong Báo cáo của Ban Hội thẩm về việc Đạo luật đã vi phạm các Điều 5.4 của Hiệp định ADA và Điều 11.4 của Hiệp định SCM;

-       bác bỏ kết luận của Ban Hội thẩm tại đoạn 7.63 về việc Hoa Kỳ có thể bị xem là thiếu thiện ý trong việc thực thi các nghĩa vụ của mình theo Điều 5.4 của Hiệp định ADA và Điều 11.4 của Hiệp định SCM; và

-       bác bỏ khiếu nại của Hoa Kỳ về việc Ban Hội thẩm đã hành động không nhất quán với Điều 9.2 của DSU do không ban hành báo cáo riêng trong vụ kiện do Mexico khởi kiện.

Do đó, Cơ quan Phúc thẩm đề nghị DSB yêu cầu Hoa Kỳ điều chỉnh CDSOA cho phù hợp với các Hiệp định ADA, Hiệp định SCM và Hiệp định GATT 1994.

Ngày 27/01/2003, cùng với yêu cầu từ phía Canada, DSB đã thông qua Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và Báo cáo đã sửa đổi của Ban Hội thẩm.

Thực thi

Ngày 14/03/2003, các Nguyên đơn yêu cầu sử dụng trọng tài theo Điều 21.3(c) DSU để xác định khoảng thời gian hợp lý cho Hoa Kỳ thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB. Do không thể thống nhất được về trọng tài viên, ngày 24/03/2003, các Nguyên đơn đề nghị Tổng giám đốc WTO bổ nhiệm trọng tài viên trên cơ sở tham vấn với các bên theo như Ghi chú 12 của DSU.

Ngày 04/04/2003, trọng tài viên cho vụ kiện đã được xác định. Ngày 13/06/2003, trọng tài ban hành phán quyết gửi các bên. Theo đó, khoảng thời gian hợp lý để Hoa Kỳ thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB là 11 tháng bắt đầu từ ngày DSB thông qua Báo cáo phúc thẩm và Báo cáo của Ban Hội thẩm và kết thúc vào ngày 27/12/2003.

Ngày 14/01/2004, Hoa Kỳ thông báo với DSB rằng nước này đã đàm phán được với Thái Lan, Áo và Indonesia để kéo dài khoảng thời gian hợp lý thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB thêm một năm tức là sẽ hết hạn vào ngày 27/12/2004.

Ngày 15/01/2004, xét thấy Hoa Kỳ đã không thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB đúng hạn, Braxin, Chi lê, EC, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Mexico đã đề nghị DSB cho phép các nước này đình chỉ việc thực hiện các nhượng bộ hoặc những nghĩa vụ khác với Hoa Kỳ theo Điều 22.2 của DSU. Do không đồng ý với mức độ đình chỉ được đề xuất bởi các nguyên đơn, ngày 23/01/2004, Hoa Kỳ đã yêu cầu đưa vấn đề trên ra trọng tài xem xét giải quyết theo Điều 22.6 của DSU. Tại cuộc họp ngày 26/01/2004, DSB đồng ý với yêu cầu trên của Hoa Kỳ.

Ngày 31/08/2004, trọng tài ban hành quyết định giải quyết tranh chấp, theo đó:

-       Bác bỏ quan điểm của Braxin, Canada, Chi lê, EC, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mexico rằng mức độ đình chỉ các nhượng bộ hay các nghĩa vụ khác phải tương đương với mức Hoa Kỳ đã giải ngân từ các khoản thuế thu được từ các nước này theo biện pháp gây tranh chấp liên quan, cụ thể là CDSOA. Trọng tài cho rằng việc diễn giải này không phù hợp với Điều XXIII của GATT 1994 hay DSU mà nên dựa trên các tác động kinh tế của Đạo luật này như đã được thực hiện trong thủ tục trọng tài theo Điều 22.6 trước đó.

-       Trọng tài đã áp dụng một mô hình kinh tế nhằm đánh giá tác động của các khoản giải ngân theo CDSOA đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước nguyên đơn vào thị trường Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó, trọng tài xác định được một hệ số, nhân với lượng tiền Hoa Kỳ đã giải ngân theo CDSOA từ các khoản thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng thu được từ lượng hàng nhập khẩu của mỗi nước nguyên đơn theo quy định của CDSOA, từ đó đưa ra được đánh giá về tác động kinh tế của CDSOA đối với hàng hoá xuất khẩu của các nước nguyên đơn sang thị trường Hoa Kỳ trong một khoảng thời gian xác định.

-       Phán quyết trọng tài không đưa ra một mức trần cụ thể nào về giá trị thương mại mà các nước nguyên đơn không được vượt quá khi đình chỉ các nhượng bộ hay các nghĩa vụ khác đối với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo phán quyết trọng tài thì mức độ đình chỉ tối đa mà các nước nguyên đơn có thể thực hiện bằng số tiền giải ngân theo CDSOA trong một năm cụ thể nhân với hệ số do trọng tài xác định.

Sau phán quyết của trọng tài, Braxin, EC, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Mexico (ngày 10/11/2004) và Chi lê (ngày 06/12/2004) lần lượt đề nghị DSB cho phép đình chỉ các nhượng bộ hay các nghĩa vụ khác đối với Hoa Kỳ theo Điều 22.7 của DSU. Tại các cuộc họp của ngày 26/11/2004 và 17/12/2004, DSB đã lần lượt đồng ý với các đề nghị trên.

Riêng Australia (ngày 23/12/2004), Thái Lan (ngày 07/01/2005) và Indonesia (ngày 11/01/2005) đã đạt được thoả thuận với Hoa Kỳ liên quan đến vụ kiện này. Tại cuộc họp ngày 25/01/2005, DSB đồng ý lưu ý các thoả thuận trên.

Ngày 29/04/2005, EC và Canada thông báo với DSB về việc họ sẽ đình chỉ việc thực hiện các nhượng bộ hay các nghĩa vụ khác theo GATT 1994 đối với một số hàng hoá nhập khẩu từ Hoa Kỳ kể từ ngày 01/05/2005. Như vậy, trong năm đầu tiên, hai nước này sẽ thu thêm một mức thuế 15% đối với một số hàng hoá nhập khẩu từ Hoa Kỳ nhưng tổng mức thuế thu bổ sung trong 1 năm sẽ không vượt quá 27,81 triệu đôla (đối với EC) và 11.16 triệu đôla (đối với Canada).

Ngày 18/08/005, Nhật Bản thông báo với DSB về việc họ sẽ đình chỉ việc thực hiện các nhượng bộ hay các nghĩa vụ khác theo GATT 1994 đối với một số hàng hoá nhập khẩu từ Hoa Kỳ kể từ ngày 01/09/2005. Như vậy, trong năm đầu tiên, nước này sẽ thu thêm một mức thuế 15% đối với một số hàng hoá nhập khẩu từ Hoa Kỳ nhưng tổng mức thuế thu bổ sung trong 1 năm sẽ không vượt quá 52,10 triệu đôla.

Ngày 17/02/2006, tại cuộc họp của DSB, Hoa Kỳ cho biết, ngày 01/02/2006, Quốc hội nước này đã thông qua Đạo luật Giảm Thâm hụt Ngân sách, và Tổng thống đã ký ban hành Đạo luật này ngày 08/02/2006. Theo đó, Hoa Kỳ cho rằng họ đã tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ WTO. Australia, Braxin, Canada, Chi lê, Indonesia, Hong Kong, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Thái Lan và EC hoan nghênh các động thái mới này của Quốc hội Hoa Kỳ nhằm tiến tới bãi bỏ CDSOA nhưng không đồng ý rằng như vậy là Hoa Kỳ đã thực thi đầy đủ các khuyến nghị và phán quyết của DSB.

Ngày 28/04/2006, 19/04/2007 và 03/04/2008, EU thông báo với DSB về danh sách mới các sản phẩm bị áp thuế nhập khẩu bổ sung, trước khi chính thức áp dụng một mức độ đình chỉ các nhượng bộ.

Tương tự, ngày 22/08/2006, 23/08/2007, 29/08/2008, 14/08/2009, 25/08/2010, 26/08/2011 và 23/08/2012, Nhật Bản cũng thông báo với DSB về  danh sách mới các sản phẩm bị áp thuế nhập khẩu bổ sung, trước khi chính thức áp dụng một mức độ đình chỉ các nhượng bộ.