Khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về phương án mở cửa thị trường nông sản trong TPP

31/10/2011    63

Để có thể đưa ra những đề xuất thích hợp trong việc xây dựng phương án bảo vệ ngành nông nghiệp Việt Nam trước các đối thủ cạnh tranh từ các nước TPP, cần có đánh giá đầy đủ về tương quan năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam với các đối tác TPP, đặt trong bối cảnh các cam kết mở cửa thương mại hiện có của Việt Nam với các nước này.

Cụ thể, trong số 9 nước đàm phán, nước ta đã tham gia các FTA khu vực (tức là đã có cam kết cắt giảm thuế quan xuống bằng 0% theo lộ trình đối với các sản phẩm hàng hóa nói chung và nông nghiệp nói riêng) với các nước hiện là thành viên đàm phán TPP như sau:

-         Đối với Brunei, Malaysia và Singapore:

Việt Nam đã tham gia thỏa thuận Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) trong đó có cam kết về mở cửa thị trường nông sản cho ba nước này.

Theo cam kết trong khuôn khổ AFTA, thuế quan của Việt Nam đối với tất cả các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ 03 nước này đều đã ở mức từ 0-5%, kể cả các mặt hàng nông sản nhạy cảm như đường ăn (mặc dù đường vẫn được duy trì hạn ngạch thuế quan -TRQ theo cam kết WTO). Như vậy, về mặt thuế quan, việc mở cửa thị trường nông sản hoàn toàn cho các nước này trong khuôn khổ TPP sẽ không làm thay đổi tình hình cạnh tranh của Việt Nam với các đối tác này so với AFTA đã có.

Về năng lực cạnh tranh thực tế, Brunei và Singapore tuy là hai nước có thu nhập cao nhưng nước nhỏ và không có sản xuất nông nghiệp đáng kể. Vì vậy, khả năng nông sản Việt Nam bị cạnh tranh mạnh từ các nước này khi Việt Nam mở cửa thị trương theo TPP hầu như không có. Đối với Malaysia, do nước này hiện đang nhập siêu nông sản từ VN (đặc biệt là gạo, rau quả, kể cả thịt) nên nguy cơ rủi ro khi Việt Nam mở cửa thị trường nông sản cho Malaysia theo TPP cũng không đặt ra.

Tóm lại, vấn đề mở cửa thị trường nông sản trong TPP đối với Brunei, Singapore và Malaysia không đặt ra vấn đề gì nghiêm trọng đối với nông nghiệp Việt Nam.

-         Đối với Úc và New Zealand:

Việt Nam đã có thỏa thuận mở cửa thị trường nông sản với trong khuôn khổ FTA giữa ASEAN và hai nước này (AANZFTA).

Theo FTA này, Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường theo lộ trình nhất định (tùy thuộc từng dòng thuế) cho nông sản đến từ Úc và New Zealand.

Lộ trình mở cửa theo FTA này (mặc dù vẫn còn một số năm nữa mới tới hạn loại bỏ thuế hoàn toàn, tùy loại nông sản) thực sự là một thách thức đối với Việt Nam bởi đây là hai nước có năng lực cạnh tranh thuộc vào diện cao nhất thế giới ở các sản phẩm ngành chăn nuôi bò (thịt bò, sữa), quả ôn đới (táo, cam…).

Trong khi đó, khả năng tiếp cận thị trường hai nước này của nông sản Việt Nam hầu như không đáng kể do dung lượng thị trường nhỏ (dân số của cả nước chỉ khoảng 25 triệu người), các yêu cầu kỹ thuật  (rào cản kỹ thuật) cao và khả năng cạnh tranh nội địa về nông sản của nước họ thuộc loại cao nhất trên thế giới.

Do đó, ngay cả với AANZFTA đã ký, lợi ích đối với nông sản của nước ta hầu như không có, trong khi thách thức lại rất đáng kể. Vì vậy, việc đưa ra cam kết mở cửa thị trường nông sản trong TPP đối với hai đối tác này chỉ nên dừng lại ở mức bằng với mức đã cam kết trong AANZFTA để tránh làm trầm trọng hơn tình hình.

-         Đối với Chi Lê và Pêru:

Mặc dù Việt Nam mới có FTA với Chi lê năm 2011 và chưa có FTA nào với Pêru nhưng đây là hai thị trường tương đối xa (về khoảng cách địa lý), quy mô nhỏ (về dân số) và khả năng cạnh tranh cũng gần như tương đương Việt Nam. Vì vậy, việc mở cửa thị trường nông sản Việt Nam cho hai nước này trong khuôn khổ TPP (dù bằng hoặc sâu hơn mức cam kết trong FTA mới ký với Chi lê) sẽ không tạo ra thách thức lớn (tại thị trường Việt Nam) và cũng không nhiều hứa hẹn (tại hai thị trường Chi lê và Pêru).

-         Đối với Hoa Kỳ:

Việt Nam chưa có thỏa thuận thương mại tự do nào với Hoa Kỳ (cả song phương và đa phương), và do đó mức độ cam kết mở cửa thị trường nông sản của Việt Nam đối với đối tác này hiện tại đang dừng lại ở cam kết WTO.

Về triển vọng xuất khẩu, TPP có thể mang lại cho nông sản nhiệt đới, nhất là rau quả chế biến, của nước ta cơ hội tiếp cận thị trường quan trọng này thông qua việc loại bỏ thuế quan. Tuy nhiên, Hoa Kỳ áp dụng hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ cao (TBT, SPS) nên khả năng thực tế để nông sản nhiệt đới xâm nhập được vào thị trường này có thể bị hạn chế nhiều. Hoa Kỳ hiện là thị trường lớn thứ 2 sau EU về nhập khẩu cà phê của Việt Nam, mặc dù vậy thuế suất đối với cà phê nhân mà Hoa Kỳ áp dụng cho Việt Nam hiện đã là 0%. Vì vậy, TPP sẽ không mang lại thêm lợi ích nào cho sản phẩm này của Việt Nam.

Ở thị trường nội địa, Việt Nam hiện nhập khẩu khá nhiều ngô, bông từ Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, thuế quan mà Việt Nam đang áp dụng đối với mặt hàng này đều thấp (0-5%), do đó nếu TPP loại bỏ thuế ở mảng này, nông sản tương ứng của Việt Nam sẽ không gặp khó khăn hơn hiện nay.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ có thế mạnh trong các sản phẩm như sữa, thịt bò, thịt gia cầm, thịt lợn và với mức thuế suất hiện tại, Việt Nam cũng đang nhập khá nhiều từ Hoa Kỳ, nếu mở cửa các mặt hàng này, nguy cơ sản phẩm tương tự của Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ Hoa Kỳ là rất lớn.

Như vậy, có thể nói, trong TPP, ba nước Hoa Kỳ, Úc, New Zealand là đáng lo ngại nhất đối với Việt Nam khi đàm phán và thực hiện cam kết về mở cửa hàng nông sản, đặc biệt đối với các sản phẩm chăn nuôi. Khả năng cạnh tranh của ngành này của Việt Nam còn tương đối thấp, năng lực sản xuất và công nghệ còn hạn chế trong khi phải đối mặt thường xuyên với các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trong khi đó chăn nuôi hiện vẫn đang là ngành tạo công ăn việc làm cho nông dân, nhóm chiếm tới trên 80% dân số, có thu nhập thấp, không ổn định và trước nay vẫn là đối tượng “dễ bị tổn thương” trong quá trình mở cửa thị trường. Vì vậy, đối với nhóm này, trong mọi trường hợp, cần có mức độ bảo hộ nhất định.

Thông thường, trong thương mại nông sản, bảo hộ được thực hiện theo nhiều cơ chế (hợp pháp). Áp dụng trong hoàn cảnh cụ thể của TPP (với các nguyên tắc và tiến triển như đã phân tích phía trên) thì:

-         Bảo hộ bằng thuế quan: Trong TPP, có vẻ như bảo hộ theo cơ chế này đang gặp thách thức lớn nếu xu hướng đàm phán trong Khung sơ bộ đàm phán TPP nói trên (loại bỏ 100% dòng thuế, kể cả nông sản) không thay đổi trong những Vòng đàm phán tới hoặc không có ngoại lệ;

-         Bảo hộ bằng lộ trình thuế quan: Cách thức bảo hộ này tuy không triệt để (chỉ thực hiện được trong một khoảng thời gian hạn chế) nhưng khả thi trong khuôn khổ TPP. Do đó, cần được tận dụng triệt để cơ chế này cho những mặt hàng nông sản nhạy cảm, đặc biệt là chăn nuôi. Trong trường hợp cụ thể của TPP, một kết quả đàm phán mở cửa nông sản, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi, theo lộ trình bằng với lộ trình mà Việt Nam đã cam kết trong AANZFTA là hợp lý và khả thi;

-         Bảo hộ bằng hạn ngạch thuế quan (TRQ): Cách thức bảo hộ này dường như là khả thi nhất nếu như biện pháp thuế quan không thể áp dụng được. Trên thực tế, đây cũng là cơ chế hợp lý hợp tình và do đó dễ được chấp nhận bởi các đối tác nói chung và đối tác trong TPP nói riêng;

-         Bảo hộ bằng các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ (TBT, SPS): Nhóm biện pháp này, mặc dù được thừa nhận trong WTO và được sử dụng rất phổ biến ở các nước đối tác TPP như Hoa Kỳ, Úc, New Zealand nhưng lại rất khó thực hiện trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam (bởi nhiều lý do, trong đó có thực tế là (i) một số các biện pháp TBT, SPS nếu sử dụng sẽ phải được áp dụng không phân biệt đối xử giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu – mà như vậy nếu tiêu chuẩn quá cao sẽ gây khó cho nông sản nội địa; và (ii) Việt Nam chưa có đủ nguồn nhân lực, phương tiện và kỹ năng để thực hiện việc đảm bảo tuân thủ các biện pháp này của hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam). Từ các thực tế này, trong quá trình đàm phán TPP, phương án tốt hơn cả là đề nghị các nước đối tác phát triển trong TPP có cam kết hỗ trợ kỹ thuật theo các hình thức cụ thể, khả thi và hiệu quả để thực hiện các biện pháp này.

Tóm tắt Đề xuất về đàm phán TPP trong mở cửa thị trường nông sản

  1. Về mức độ mở cửa (thuế quan): Ít nhất đi vi sn phm ngành chăn nuôi, chỉ nên mở cửa thị trường bằng với lộ trình cam kết theo AANZFTA;
  2. Về biện pháp hạn ngạch thuế quan: Tiếp tục áp dụng TRQ theo mức cam kết WTO của Việt Nam;
  3. Về biện pháp SPS, TBT: Đề nghị các hỗ trợ kỹ thuật cụ thể và hiệu quả từ phía các đối tác TPP cho Việt Nam trong việc áp dụng các biện pháp TBT, SPS

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI (thực hiện tháng 11/2011)