Cập nhật tình hình đàm phán TPP đến vòng thứ 16 (3/2013)
10/05/2013 92Đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một Hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước hai bờ Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, Brunei, Singapore, Malaysia, Chile, Australia, New Zealand, Peru, Mexico, Canada và Hoa Kỳ - đến nay đã trải qua 16 vòng đàm phán .
Với kỳ vọng là một FTA toàn diện tiêu chuẩn cao của thế kỷ 21, TPP bao gồm 29 chương về rất nhiều lĩnh vực, trong đó có cả những lĩnh vực phi thương mại như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... Với số lượng thành viên lớn, lại ở nhiều trình độ phát triển khác nhau, mối quan tâm khác nhau, nên đàm phán đến nay dù đã trải qua 16 vòng nhưng mới chỉ hoàn thành được một vài mảng vấn đề dễ thảo luận. Các vấn đề còn lại, bao gồm rất nhiều mảng lớn, nhạy cảm và phức tạp như Sở hữu trí tuệ, Doanh nghiệp nhà nước, Bảo vệ môi trường và Tiếp cận thị trường hàng hóa...vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều và chưa thể tìm được tiếng nói chung. Trong khi đó, việc kết nạp thêm các thành viên mới (hiện tại là Nhật Bản – nước này vừa chính thức tuyên bố muốn tham gia vào đàm phán TPP ngày 15/3/2013 và hiện đang chờ nhận được ý kiến ủng hộ của tất cả các nước TPP)) cũng sẽ là một thách thức cho việc sớm đưa đàm phán TPP đi đến được cái đích cuối cùng.
Vì vậy, trong khi các nhà lãnh đạo một số nước TPP thể hiện mong muốn kết thúc đàm phán trong năm 2013, giới quan sát cho rằng điều này là bất khả thi và các nhà đàm phán sẽ còn rất nhiều phải làm để có thể thống nhất được tiếng nói của 11 (hoặc có thể nhiều hơn) thành viên nhằm đi đến ký kết một hiệp định chung.
Dưới đây là một số thông tin cập nhật của Trung tâm WTO – VCCI về tình hình đàm phán TPP cho tới thời điểm hiện tại (vòng đàm phán thứ 16). Vì đàm phán TPP là bí mật nên các thông tin thu thập được chủ yếu từ các bên liên quan và một số nguồn đáng tin cậy.
I. TÌNH HÌNH CHUNG
Sau hơn ba năm đàm phán bắt đầu từ tháng 3/2010, TPP đến nay đã trải qua 16 vòng đàm phán với số thành viên đã lên tới con số 11. Ở những ngày đầu đàm phán, các bên đều đặt tham vọng ký kết một hiệp định toàn diện tiêu chuẩn cao trong thời gian “càng sớm càng tốt”, nhưng các thời hạn đặt ra như kết thúc đàm phán vào cuối năm 2011 hay 2012 đều lần lượt không thể đạt được. Có vẻ như càng đi vào các vòng đàm phán sau, các vấn đềcàng trở nên phức tạp và nhiều mâu thuẫn hơn. Vì thế dù đã đến vòng thứ 16 nhưng đàm phán mới chỉ hoàn thành được 03 vấn đề là Hải quan, Viễn thông, Hài hòa pháp lý và phát triển. Các vấn đề khác đều đang còn rất nhiều tranh cãi mặc dù sau mỗi vòng đàm phán đều được tuyên bố là “đã đạt được những tiến triển đáng kể”. Theo các nhà quan sát, “những vấn đề khó khăn nhất thậm chí mới chỉ đang bắt đầu”.
Năm 2013 được đánh giá là một năm quan trọng đối với đàm phán TPP lại với một mục tiêu là kết thúc đàm phán vào cuối năm.Vì thế, lịch trình đàm phán được lên dày đặc: vòng đàm phán thứ 16 vừa diễn ra vào tháng 3, vòng đàm phán thứ 17 đã được lên kế hoạch vào tháng 5, và dự kiến sẽ có các vòng đàm phán tiếp theo vào tháng 7 và 9.... Bên cạnh đó, các bên cũng sẽ tổ chức các cuộc thảo luận giữa kỳ để trao đổi thêm về các vấn đề đàm phán nếu cần thiết.
Tuy nhiên, việc có thêm các thành viên mới có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến độ đàm phán TPP. Hiện tại, Nhật Bản đã chính thức tuyên bố mong muốn tham gia vào TPP.Với vị thế là một nước lớn và có nhiều ngành vẫn đang được bảo hộ ở mức cao (ví dụ nông nghiệp), việc tham gia của Nhật Bản chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm các vấn đề vốn đang có nhiều tranh cãi trong TPP. Bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines và Thái Lan cũng đã bày tỏ quan tâm đến TPP.
Một vấn đề khác cũng cần lưu ý đó là năm nay là năm bầu cử ở một số nước TPP như Chile, Malaysia và Australia. Nhiều người cho rằng, các chính quyền mới lên có thể sẽ có quan điểm tiếp cận khác đối với một số vấn đề trong TPP. Chẳng hạn nhiều người dự đoán sau bầu cử, Australia sẽ có quan điểm linh hoạt hơn trong vấn đề giải quyết tranh chấp theo cơ chế nhà nước-nhà đầu tư (hiện tại duy nhất Australia không chấp nhận tham gia cơ chế này trong TPP).
II. MỘT SỐ NỘI DUNG ĐÀM PHÁN CỤ THỂ
1. SỞ HỮU TRÍ TUỆ (IP)
Đây được coi là vấn đề đàm phán khó khăn và gây nhiều tranh cãi nhất trong TPP.
Bản dự thảo chương SHTT (bản bị tiết lộ mới nhất tháng 5/2012) do Hoa Kỳ đề xuất cho thấy nước này yêu cầu mức độ bảo hộ SHTT cao hơn nhiều trong TRIPS (Hiệp định WTO về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ), bao gồm yêu cầu điều chỉnh các quy định SHTT theo hướng tăng quyền của chủ sở hữu, giảm các điều kiện đăng ký bảo hộ và tăng cường các biện pháp thực thi. Đề xuất này đã bị phản đối bởi nhiều nước TPP đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, nơi mà ngay việc thực thi các quy định ở mức TRIPS đã là một thách thức lớn.
Đặc biệt, đề xuất của Hoa Kỳ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm - gọi tắt là đề xuất về tiếp cận thuốc (trong đó yêu cầu mở rộng phạm vi các đối tượng có thể được bảo hộ bằng sáng chế dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận thuốc giá rẻ của người bệnh),đã bị các nước phản đối kịch liệt buộc nước này phải rút lại đề xuất. Đàm phán về vấn đề này vì thế đã bị gián đoạn từ vòng thứ 11 vào tháng 3 năm ngoái để Hoa Kỳ “lấy ý kiến nội bộ” sửa đổi đề xuất.
Theo nhiều nguồn tin, vòng 16 TPP vừa qua các nước đã bắt đầu nối lại đàm phán về vấn đề SHTT đối với dược phẩm nhưng chỉ ở mức độ trao đổi thông tin về cách thức từng nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm của mình, chứ không đi vào nội dung văn bản hiệp định. Theo thông tin từ Trưởng đoàn đàm phán của Singapore ông Ng Bee Kim tại cuộc họp báo ngày 13/3/2013 thì trong vòng đàm phán tới (vòng thứ 17), các nước TPP cũng sẽ không thảo luận về đề xuất cũ hay bất kỳ đề xuất sửa đổi nào mới (nếu có) của Hoa Kỳ về vấn đề này.
Nhiều người dự đoán có lẽ Hoa Kỳ sẽ đưa ra đề xuất theo kiểu “đối xử đặc biệt và khác biệt”, tức là sẽ áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau cho các nước có trình độ phát triển khác nhau. Theo đó, Hoa Kỳ có thể sẽ áp dụng các quy định bảo hộ sáng chế cao hơn FTA HK-HQ đối với các nước phát triển, trong khi các nước đang phát triển sẽ được linh hoạt hơn với các tiêu chuẩn như trong FTA của HK với Peru, Panama và Colombia.
Bên cạnh đề xuất về tiếp cận thuốc, các đề xuất của Hoa Kỳ về bản quyền (đặc biệt là các đề xuất về gia tăng thời hạn bảo hộ và ngoại lệ mới cho bảo hộ bản quyền đưa ra vào đầu năm 2012) và bảo hộ Chỉ dẫn địa lý như bảo hộ Nhãn hiệu thương mại cũng gặp phải nhiều phản đối từ các nước đối tác TPP, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, Malaysia.
Cùng với các hoạt động vận động phản đối những đòi hỏi TRIPS++ của Hoa Kỳ trong TPP ở nhiều nước, trong một lá thư gửi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng Dự thảo Chương SHTT trong TPP đặt ra nhiều thách thức và đe dọa ảnh hưởng bất lợi tới một bộ phận dân cư quan trọng và dễ bị tổn thương của Việt Nam. Vì vậy, VCCI yêu cầu Hoa Kỳ thay đổi quan điểm của mình về vấn đề này và điều chỉnh các điều khoản tương ứng cho phù hợp hơn. Đây là một phần trong chiến dịch vận động lớn mà VCCI tiến hành nhằm hướng tới những cam kết hợp lý về SHTT trong TPP.
2. DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC (SOE)
Đây là vấn đề lần đầu tiên được đưa vào trong một hiệp định thương mại lớn như TPP.
Hoa Kỳ là nước đầu tiên đưa ra đề xuất về SOE trong TPP vào tháng 10/2011, trong đó có các yêu cầu về minh bạch hóa và các nguyên tắc nhằm đảm bảo doanh nghiệp nhà nước sẽ cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, các nước TPP khác lại có vẻ không sẵn lòng tham gia khiến cho đàm phán về này tiến triển khá chậm chạp, chỉ đơn thuần là hỏi đáp giữa các nước nhằm làm rõ hơn các nội dung trong đề xuất của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ hi vọng trong vòng đàm phán tới (vòng đàm phán thứ 17) các nước sẽ sẵn sàng đàm phán lần đầu tiên về vấn đề này.
Theo Trợ lý Đai diện Thương mại Hoa Kỳ Daniel Watson, hiện tại các nước TPP đã “thống nhất về mặt nguyên tắc” rằng nên có một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được điều này thì vẫn còn nhiều tranh cãi.
Australia yêu cầu rằng nếu Hoa Kỳ muốn áp dụng các nguyên tắc nhằm đảm bảo hoạt động của các SOE không gây bóp méo thương mại thì cũng phải áp dụng các nguyên tắc đối với cạnh tranh trong xuất khẩu hàng nông sản, điều khó có thể chấp nhận bởi Chính phủ Hoa Kỳ. Ngoài ra, Australia cũng đề nghị các nguyên tắc này phải được mở rộng ra cả các SOE ở cấp vùng chứ không chỉ ở cấp quốc gia như đề xuất của Hoa Kỳ.
Singapore thì chỉ có một cấp độ quốc gia nên không có lợi ích gì từ việc áp dụng các nguyên tắc ở cả cấp vùng. Tuy nhiên, nước này cho rằng TPP nên áp đặt các quy định với các công ty dựa trên hành vi (tức là có cạnh tranh bình đẳng hay không) chứ không nên dựa vào quyền sở hữu của chúng (thuộc sở hữu nhà nước hay tư nhân). Quy định như vậy sẽ công bằng hơn đối với các công ty tư nhâncó vốn góp từ các nhà đầu tư thuộc sở hữu nhà nước như Temasek -một tập đoàn đầu tư hoàn toàn thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc áp dụng các quy định dựa trên hành vi cũng có nhiều vấn đề bởi nếu quy định này đồng nghĩa với việc yêu cầu các SOE hành động như các doanh nghiệp tư nhân thì điều này sẽ ảnh hưởng đến chức năng đầu tiên của các doanh nghiệp nàylà can thiệp vào các mảng thị trường mà nếu để tự nó vận hành sẽ không thể cung cấp các hàng hóa và dịch vụ phục vụ người dân theo cách thức/mức độ phù hợp. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc phải cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp tư nhân sẽ khiến các SOE hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp những hàng hóa và dịch vụ tốt hơn cho người dân và xã hội.
Hiện chưa có thông tin tin cậy về quan điểm của Việt Nam trong vấn đề SOE trong TPP. Mặc dù vậy, theo một số chuyên gia, những nguyên tắc minh bạch, cạnh tranh liên quan tới SOE có thể là điều kiện tốt cho quá trình cải cách SOE và tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp này ở Việt Nam. SOE trong TPP, vì vậy, có thể là một động lực tốt để Việt Nam đẩy nhanh quá trình này, mang lại một khung khổ kinh doanh bình đẳng và cạnh tranh hơn giữa các SOE và khu vực doanh nghiệp dân doanh.
3. ĐẦU TƯ
Dự thảo Chương Đầu tư do Hoa Kỳ đề xuất (bản bị tiết lộ tháng 6/2012) cho thấy có nhiều điều khoản phức tạp và gây tranh cãi (thể hiện ở các đoạn bổ sung/bình luận của mỗi nước trong bản dự thảo), đặc biệt là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà đầu tư và Nhà nước nơi nhận đầu tư (theo đó nhà đầu tư nước ngoài có quyền kiện nước nhận đầu tư ra một tổ chức trọng tài tư).
Đáng chú ý, Úc từ chối một cách thẳng thừng việc tham gia vào các cam kết về cơ chế giải quyết tranh chấp trong Chương này. Đây là trường hợp duy nhất trong đàm phán TPP cho đến nay. Cụ thể, trong một bản quan điểm chính thức thông qua tháng 4/2011, Chính phủ Úc đã quyết định nước này sẽ không đàm phán về bất kỳ một cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước – nhà đầu tư nào trong các hiệp định thương mại nào sắp tới.. Tuy nhiên, nước này cũng không phản đối việc các đối tác khác đưa cơ chế này vào trong TPP, miễn là ngoại trừ Úc ra!
Dĩ nhiên, Hoa Kỳ, cùng với sự ủng hộ của các nhóm doanh nghiệp nội địa Hoa Kỳ, kiên quyết yêu cầu Úc phải thay đổi lập trường của mình trong vấn đề này.Giới quan sát đang chờ đợi xem kết quả cuối cùng ra sao, hay cũng giống như trong đàm phán FTA trước đó giữa hai nước khi mà đến phút cuối, Hoa Kỳ đành phải chấp nhận loại trừ này của Úc, còn Úc phải đánh đổi bằng cách từ bỏ yêu cầu gia tăng tiếp cận thị trường cho sản phẩm đường vào Hoa Kỳ.
Ngoài vấn đề giải quyết tranh chấp, một vấn đề khác cũng gây nhiều quan ngại đó là quyền kiểm soát các dòng vốn đầu tư của Chính phủ, đặc biệt trong những giai đoạn khủng hoảng tài chính.Hoa Kỳ, tương tự như đã yêu cầu trong các FTA trước đây của mình, đòi hỏi trong TPP rằng các dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài phải được luân chuyển tự do và nhanh chóng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, mới đây Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra một quan điểm tiếp cận mới, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiểm soát các dòng vốn của các chính phủ đặc biệt trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Việc này vì vậy cũng có thể sẽ ảnh hưởng tới kết quả của đàm phán.
Ngoài hai vấn đề trên, bản Dự thảo chương đầu tư cũng cho thấy rất nhiều vấn đề khác còn khác xa quan điểm giữa các nước.
Theo nghiên cứu của Public Citizen (một tổ chức xã hội tại Hoa Kỳ), nội dung Dự thảo chương Đầu tư TPP cho thấy nguy cơ chính phủ các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, sẽ phải đối mặt với vô vàn các vụ kiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển . Tổ chức này cũng dẫn ra rất nhiều trường hợp các nước đã phải đền bù hàng triệu đô từ nguồn thu thuế của người dân cho các nhà đầu tư ngoài trong các vụ kiện theo cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước – nhà đầu tư. Nguy hiểm hơn, với cơ chế giải quyết tranh chấp này, các nhà đầu tư nước ngoài có thể gây sức ép tới các Chính phủ khi ban hành hoặc thực thi các chính sách và quy định về bảo vệ môi trường, xã hội và sức khỏe người dân.
Trong một khuyến nghị gửi lên đoàn đàm phán của Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng các quy định trong Dự thảo chương Đầu tư TPP trao quá nhiều quyền lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, gây rủi ro cho các quyết sách của Chính phủ và tạo ra sự phân biệt đối xử với các nhà đầu tư trong nước. Khuyến nghị nhấn mạnh “Nếu chấp nhận các điều khoản này, không chỉ Nhà nước Việt Nam phải gánh thêm nhiều trách nhiệm, các nhà đầu tư nội địa của Việt Nam có thể sẽ ở thế thiệt thòi, bất lợi hơn so với nhà đầu tư nước ngoài, một điều rất khó chấp nhận cả về logic lẫn thực tiễn.”
Liên quan tới việc mở cửa thị trường về đầu tư, Dự thảo Chương đầu tư TPP cho thấy vấn đề này đang được tiếp cận theo phương thức chọn bỏ - tức là các nước TPP sẽ mở cửa thị trường đầu tư cho nhau hoàn toàn trừ các trường hợp được lựa chọn và liệt kê trong Danh mục NCM (Danh mục các biện pháp không tương thích - hiểu đơn giản là danh sách mà mỗi nước đưa ra các trường hợp ngoại lệ về đầu tư mà nước đó sẽ không phải tuân thủ một số quy định trong các chương liên quan). Theo một nguồn tin, trong một cuộc trao đổi với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, các quan chức Hoa Kỳ cho biết nước này mong muốn kết thúc đàm phán các vấn đề kỹ thuật trong các chương Đầu tư và Dịch vụ qua biên giới tại vòng đàm phán thứ 17 sắp tới ở Peru, tuy nhiên nguồn tin cũng nhấn mạnh điều này không bao gồm kết thúc đàm phán về các biện pháp không tương thích (NCM)
4. LAO ĐỘNG
Đây cũng là một Chương gây nhiều tranh cãi trong TPP.
Hoa Kỳ đưa ra trong đề xuất Chương lao động của mình các hình phạt tiền và cả trừng phạt thương mại/trade sanctions dựa trên khối lượng thương mại bị ảnh hưởng bởi các vi phạm quy định về lao động theo cách tiếp cận của FTA Hoa Kỳ - Peru (FTA đầu tiên của Hoa Kỳ có quy định: “tương tự như vi phạm thương mại, các vi phạm lao động và môi trường cũng sẽ bị xử lý bằng các biện pháp phạt tiền và trừng phạt thương mại”). Hoa Kỳ cũng yêu cầu các nước phải chấp nhận và thực thi trong pháp luật nội địa các quyền nêu tại Tuyên bố về các Quyền lao động cơ bản ILO 1998 và nhiều tiêu chuẩn khác thậm chí còn cao hơn cả các tiêu chuẩn trong FTA Hoa Kỳ - Peru.
Tuy nhiên, phần lớn các nước phản đối nghĩa vụ thi hành đầy đủ các quyền lao động mà Hoa Kỳ đề xuất.
Canada, nước vốn ủng hộ các FTA có các điều khoản về lao động, tiếp cận vấn đề này theo cách của hiệp định NAFTA, tức là chỉ giới hạn các biện pháp xử lý vi phạm các điều khoản về lao động ở hình thức phạt tiền.
Mexico thì có vẻ không thực sự ủng hộ NAFTA nhưng chưa có ý kiến rõ ràng.
Việt Nam, Malaysia và Brunei từ đầu đã phản đối các điều khoản thực thi nặng nề trong Chương lao động này. Đối với Việt Nam, mặc dù đã tham gia nhiều công ước quốc tế về lao động, đây là lần đầu tiên vấn đề này được đưa vào khuôn khổ một FTA mà Việt Nam tham gia. Có ý kiến cho rằng, những yêu cầu quá cao về nội dung và thực thi trong đề xuất về lao động của Hoa Kỳ có thể khiến cho Việt Nam gặp nhiều khó khăn và rủi ro khi thực hiện. Chẳng hạn, đề xuất này yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn tại biên giới hàng hóa được sản xuất bởi lao động trẻ em trong khi một lượng lớn hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được sản xuất ở quy mô hộ gia đình. Vì vậy nếu áp dụng quy định này, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sẽ bị chặn ngay tại biên giới các nước TPP.
Úc và New Zealand vốn có tiêu chuẩn lao động cao nhưng cũng tham gia vào nhóm phản đối đề xuất của Hoa Kỳ. Có ý kiến cho rằng sự phản đối của hai nước này chẳng qua là hình thức để buộc Hoa Kỳ phải chấp nhận mở cửa thị trường nông sản cho các nước này (mặc dù Hoa Kỳ đã khẳng định sẽ không đàm phán lại vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa với các nước mà đã có FTA với Hoa Kỳ như Úc). Có nguồn tin khác nói rằng New Zealand ủng hộ các quy định về lao động trong Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương cũ (gọi tắt là P4) mà nước này cùng với Singapore, Chile và Brunei là thành viên – những quy định này có tiêu chuẩn thấp hơn nhiều so với yêu cầu của Hoa Kỳ trong TPP bởi không tạo ra các nghĩa vụ mới, bắt buộc và có thể bị khiếu kiện về các quyền lao động.
5. MUA SẮM CÔNG
Hoa Kỳ là thành viên của Hiệp định Mua sắm công của WTO (GPA) và từ lâu đã đưa vấn đề này vào trong những đàm phán thương mại của mình. Trong các FTA đã ký của Hoa Kỳ với Australia, Peru, Chile, Singapore và NAFTA đều có chương về mua sắm công và trong TPP, Hoa Kỳ cũng đã đề xuất một chương tương tự.
Tuy nhiên, cũng giống như các FTA khác, Hoa Kỳ chỉ tập trung vào các quy định về mua sắm công ở cấp trung ương (central government) chứ không bao gồm cả các cấp địa phương (sub-federal). Từ trước đến nay việc tham gia của các bang ở Hoa Kỳ vào bất kỳ một hiệp định quốc tế nào về mua sắm công đều là tự nguyện. Điều này nhằm thực hiện chính sách “Mua hàng Mỹ” (“Buy America”) của Hoa Kỳ (chính sách với các quy định về việc các cơ quan chính quyền ưu tiên mua sắm hàng hóa, dịch vụ của các nhà cung cấp Hoa Kỳ).
Tuy nhiên, sau khi tham gia vào TPP tháng 6/2012, Canada đã đưa ra một đề xuất mới yêu cầu mở rộng các quy định đối với mua sắm công ra cả cấp địa phương (sub-federal). Tức là các gói thầu của các cấp chính quyền địa phương nhưng do trung ương cấp vốn sẽ vẫn phải mở cửa cho các nhà cung cấp nước ngoài cạnh tranh như bình thường. Nước này từ lâu đã phản đối chính sách Buy America của Hoa Kỳ - chính sách đã được Hoa Kỳ bảo vệ trong cả NAFTA và GPA. Điều này khiến cho các nhà đầu tư của Canada gặp thiệt thòi khi tiếp cận thị trường mua sắm công ở các bang của Hoa Kỳ.Vì vậy trong đàm phán TPP, các nhà đầu tư của Canada đã hối thúc Chính phủ nước này tạo sức ép đối với Hoa Kỳ để mở cửa thị trường mua sắm công ở cả cấp địa phương.
6. TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA
Đối với sản phẩm dệt may
Đây là một trong những vấn đề tốn nhiều thời gian và gây nhiều tranh cãi nhất trong TPP, đặc biệt đối với các nước có lợi ích liên quan, trong đó có Việt Nam.
Hoa Kỳ, nước nhập khẩu dệt may lớn nhất thế giới, có ngành sản xuất nội địa tương đối nhỏ nhưng lại có tiếng nói vận động rất lớn, đã đưa ra đề xuất áp dụng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (yarn-forward) đối với hàng dệt may trong TPP (tức là một sản phẩm dệt may muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP thì tất cả các nguyên liệu, bắt đầu từ sợi trở đi, phải được sản xuất tại các nước TPP). Theo nhiều nguồn tin, đề xuất này của Hoa Kỳ đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của tất cả các nước TPP trừ Mexico và Peru.
Việt Nam, với dệt may là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực nhưng nguyên liệu lại chủ yếu được nhập từ các nước ngoài TPP (như Trung Quốc, Hàn Quốc…), là nước phản đối mạnh mẽ nhất đề xuất trên của Hoa Kỳ. Việt Nam mong muốn áp dụng quy tắc xuất xứ “cắt và may” (“cut and sew”) trong TPP để cho phép hàng dệt may của Việt Nam có thể sử dụng các nguyên liệu từ những nước ngoài TPP mà vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP. Theo thông tin bên lề các vòng đàm phán vừa qua, Việt Nam được cho là khá kiên quyết trong vấn đề này, và nếu Hoa Kỳ không nhượng bộ về vấn đề xuất xứ hàng dệt may, Việt Nam cũng sẽ không mở cửa cho Hoa Kỳ đối với nhiều loại hàng hóa khác. Điều này khiến cho ngành nông nghiệp của Hoa Kỳ lo lắng bởi trong số các nước TPP, Việt Nam là thị trường triển vọng nhất đối với nông sản của Hoa Kỳ.
Đồng quan điểm với Việt Nam, Úc cũng phản đối đề xuất trên của Hoa Kỳ do nước này có một khu vực dệt may nhỏ và dựa vào sợi nhập khẩu là chủ yếu nên muốn bảo vệ. Canada thì coi TPP là cơ hội để cải thiện quy tắc “yarn-forward” trong NAFTA vốn được coi là cản trở sự phát triển của ngành dệt may nước này.
Một số ít nước ủng hộ quy tắc “yarn-forward” với các lý do khác nhau. Peru ủng hộ “yarn-forward” vì nước này có ngành dệt kim sản xuất trong nước hoàn toàn. Còn Mexico, trong khi Chính phủ có vẻ ủng hộ quy tắc “yarn-forward” để bảo vệ ngành sản xuất đã gây dựng dựa trên NAFTA, các nhà sản xuất trong nướcvẫn còn những quan điểm trái chiều. Bên cạnh đó với sự tham gia của Nhật Bản trong thời gian tới, Hoa Kỳ có thể có thêm một đồng minh về vấn đề “yarn-forward” bởi Nhật Bản cũng có một khu vực dệt may nhỏ và đã được xây dựng nhằm đáp ứng các quy tắc xuất xứ trong các FTA đã ký của nước này (các quy tắc này lỏng hơn “yarn-forward” nhưng chặt hơn “fabric-forward”).
Theo các nguồn tin, tại vòng đàm phán thứ 15, Hoa Kỳ đã đưa ra đề xuất mới linh hoạt hơn đối với quy tắc “yarn-forward”. Theo đó, bên cạnh nguyên tắc chung là “yarn-forward”, sẽ có các ngoại lệ nằm trong 02 danh mục bổ sung (danh mục các loại hàng dệt may không áp dụng quy tắc này), hay còn được gọi là danh mục nguồn cung ngắn hạn thiếu hụt (short-supply). Có hai loại danh mục nguồn cung ngắn hạn là Danh mục thường xuyên và Danh mục tạm thời.
+ Danh mục thường xuyên-permanent: Bao gồm các sản phẩm không được sản xuất toàn bộ trong TPP và không hy vọng được sản xuất trong TPP trong tương lai (trong các FTA trước của Hoa Kỳ đã từng có điều khoản loại này)
+ Danh mục tạm thời – temporary: Bao gồm các sản phẩm hiện không được sản xuất toàn bộ trong TPP nhưng có thể có tương lai và vì thế danh mục sẽ chấm dứt hiệu lực sau một thời gian (khoảng 3 năm), sau đó thì các sản phẩm này sẽ áp dụng quy tắc yarn-forward như bình thường.
Các sản phẩm thuộc hai danh mục này sẽ áp dụng quy tắc “cắt-và-may”(“cut-and-sew”), có nghĩa là nhà sản xuất trong TPP có thể sử dụng vải nguyên liệu mua từ bất kỳ nơi nào để sản xuất ra sản phẩm may mặc mà vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP.
Hiện tại Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến nội bộ về các loại sản phẩm dệt may sẽ đưa vào các danh mục này và hi vọng sẽ đưa ra tại vòng đàm phán tới tại Peru. Phe cứng rắn phía Hoa Kỳ vẫn một mực cho rằng việc đưa nhiều loại sản phẩm vào các danh mục này hoặc thời hạn áp dụng danh mục tạm thời dài sẽ khiến hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam và các nước TPP có đủ thời gian để “triệt tiêu” ngành sản xuất tại Hoa Kỳ.
Về phía Việt Nam, trong một buổi họp báo tại vòng đàm phán thứ 16 TPP, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã hoan nghênh đề xuất mới này của Hoa Kỳ và cho rằng nó sẽ giúp thúc đẩy đàm phán. Ông cho biết Việt Nam hiện đang xem xét đề xuất của Hoa Kỳ và chưa quyết định có chủ động đưa ra đề xuất danh mục nguồn cung thiếu hụt của chính mình hay không. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn có một quy tắc xuất xứ linh hoạt hơn thế nữa.
Đối với một số sản phẩm khác: Da giày, sữa và đường
Bên cạnh sản phẩm dệt may, tiếp cận thị trường đối với giày dép cũng là một trong những ưu tiên của Việt Nam trong TPP. Đây cũng là vấn đề tranh cãi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Một số công ty sản xuất giày dép trong nội địa Hoa Kỳ như New Balance đang vận động mạnh để thuyết phục USTR duy trì thuế quan cao và quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt đối với giày dép nhập khẩu. Trong khi đó, các công ty sản xuất ở nước ngoài như Nike lại muốn USTR giảm thuế và có các quy định nhập khẩu linh hoạt hơn. Với những quan điểm trái chiều giữa hai nước và trong bản thân nội bộ Hoa Kỳ như vậy, tiến triển đàm phán về vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa này trong TPP khá chậm chạp.
Bên cạnh đó, New Zealand cũng đang gặp khó khăn trong việc đàm phán với Hoa Kỳ về vấn đề tiếp cận thị trường sữa của nước này. Còn Úc đang yêu cầu Hoa Kỳ mở cửa hơn đối với đường xuất khẩu của Úc so với FTA đã ký giữa hai nước nhưng USTR đã từ chối yêu cầu này vì họ sẽ chỉ đàm phán về vấn đề tiếp cận thị trường hàng hóa đối với các nước TPP mà chưa có FTA với Hoa Kỳ là New Zealand, Brunei, Việt Nam và Malaysia.
Nguồn: Trung tâm WTO - VCCI
- Chanh, bưởi, sầu riêng Việt tăng trưởng mạnh tại Canada nhờ CPTPP
- UKVFTA và CPTPP: Xung lực lớn thúc đẩy thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh
- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản
- Đẩy mạnh xuất khẩu sang Canada theo hình thức mới
- Thương mại 2 chiều Việt Nam - Australia trong 5 tháng đạt gần 5,65 tỷ USD