Đẩy nhanh chứng nhận địa lý sản phẩm qua FTA

07/05/2013    150

Sẽ có thêm nhiều sản phẩm của Việt Nam được Liên minh châu Âu (EU) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý trong thời gian ngắn hơn nếu việc này được Việt Nam đưa vào trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU. 

Ông Silva Rodriguez, Tổng cục trưởng Tổng cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Ủy ban châu Âu, cho biết thông tin trên bên lề hội thảo về chỉ dẫn địa lý (GI) do Tổng cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Ủy ban châu Âu tổ chức tuần này tại TPHCM.

Hiện nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên và cũng là duy nhất của Việt Nam được bảo hộ GI tại EU nhưng cũng phải mất ba năm để sản phẩm này có chứng nhận trên. Đây có phải là khoảng thời gian bình thường để có GI tại EU?

Ông Silva Rodriguez: Thực tế thậm chí có những sản phẩm còn phải đợi lâu hơn nữa để có chứng nhận GI. Lý do là ngày càng có nhiều các sản phẩm muốn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn tại châu Âu. Việc này cho thấy các nhà sản xuất trên thế giới rất quan tâm đến việc sản phẩm của họ được bảo hộ GI tại châu Âu. Và, lúc nào cũng có những nhà sản xuất muốn làm việc với chúng tôi về xin bảo hộ GI cho sản phẩm.

Người nông dân thường không làm tốt các vấn đề liên quan đến thương hiệu, vậy liệu EU có hỗ trợ gì để giúp họ đăng ký GI, cũng như có thể có bảo hộ GI trong thời gian nhanh hơn?

- Chúng tôi không có bất cứ khoản tài trợ nào. Cách nhanh nhất và rẻ nhất cho nông dân muốn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn là phải làm qua đàm phán FTA Việt Nam - EU vì qua đàm phán FTA sẽ có một số nhóm hàng được hai bên thảo luận và từ đó họ có được bảo hộ GI. Qua đàm phán FTA nhà chức trách của Việt Nam và EU gặp gỡ trực tiếp nhau.

Nếu một nhóm các nhà sản xuất muốn tự xin bảo hộ GI thì việc này sẽ tốn kém và mất thời gian hơn. Sự tốn kém đó không có nghĩa là chúng tôi lấy tiền của họ, mà tốn kém phát sinh từ việc họ chuẩn bị hồ sơ, mua vé máy bay sang gặp gỡ và thảo luận với chúng tôi để chúng tôi đưa ra những gợi ý để làm sao họ tuân thủ được quy chế về bảo hộ GI của châu Âu.

Còn nếu người nông dân không có tiền nhưng muốn sản phẩm được bảo hộ địa lý thì họ nên làm việc qua nhà chức trách Việt Nam để các nhà chức trách Việt Nam đồng ý và sau đó đưa vào trong thảo luận FTA Việt Nam - EU.

Ông nói đến việc đưa GI vào đàm phán FTA, vậy hiện vấn đề này đã được bàn bạc như thế nào trong đàm phán FTA Việt Nam - EU?

- Thực tế chưa có sản phẩm nào được đề cập đến việc xin chứng nhận GI trong đàm phán FTA Việt Nam - EU. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà chức trách Việt Nam. Nhưng cách thức mà chúng tôi tiếp cận là, nếu nhà chức trách Việt Nam nói là họ muốn chừng này sản phẩm, thậm chí mấy chục sản phẩm hoặc nhiều hơn nữa, được bảo hộ GI tại châu Âu và đặt lên bàn đàm phán thì chúng tôi sẽ cân nhắc.

Giả sử nếu sau khi có được chứng nhận GI, nhưng vì lý do nào đó một sản phẩm của Việt Nam không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng như đã đăng ký với EU thì sao?

- Với vấn đề đăng ký chỉ dẫn địa lý GI, một công ty hay một nhà sản xuất không làm được chuyện đó mà phải là một nhóm các nhà sản xuất, một tổ chức. Khi họ đăng ký GI, họ phải nêu rất chi tiết những đặc điểm của sản phẩm, như để sản xuất thì cần có đặc thù nào về mặt địa lý và quy trình sản xuất.

Nói về bảo hộ GI tại EU, các nhà chức trách của một nước, chẳng hạn như Việt Nam, phải chứng minh những đặc điểm và đặc thù đó giúp cho nhóm các nhà sản xuất.

Một khi chúng tôi đã bảo hộ thì chúng tôi phải kiểm soát trong tương lai. Chúng tôi có một hệ thống kiểm soát để đảm bảo sản phẩm được sản xuất như họ đã nói trong điều kiện để được cấp GI.

Các sản phẩm, như nước mắm Phú Quốc, khi đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU thì không có bất cứ sản phẩm nào khác không thuộc các nhà sản xuất có tên trong bảo hộ GI được phép xuất sang châu Âu với tên chỉ dẫn địa lý là nước mắm Phú Quốc.

Xin cảm ơn ông.

GI không phải là tất cả

Theo chuyên gia tư vấn về GI, bà Audrey Aubard, GI không phải là giải pháp toàn diện. Không phải cứ có nhãn hiệu GI và in lên sản phẩm là xong, mà người sản xuất phải làm sao chiếm được niềm tin của thị trường. Kinh nghiệm của EU cho thấy, GI không giúp tăng xuất khẩu, mà chỉ là minh chứng sự khác biệt của sản phẩm GI với sản phẩm khác. GI chủ yếu giúp chống lại hàng giả, hàng nhái, giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, và truy xuất nguồn gốc, và một số lợi ích khác về kinh tế và xã hội. Đừng nghĩ là có GI thì sản phẩm đó có thể chiến thắng được trên các thị trường. Tuy nhiên, nếu nỗ lực thì nhà sản xuất có thể vươn ra nhiều thị trường khác trên thế giới.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn