Tổng quan về quan hệ thương mại và các vấn đề đàm phán giữa Hoa Kỳ với các nước trong TPP
14/03/2013 290Tổng quan về thương mại giữa Hoa Kỳ với các nước trong TPP
Nhóm 11 nước TPP hiện nay phân hoá không chỉ về dân số, vị trí địa lý mà còn đa dạng về mặt phát triển kinh tế. Sự phân hoá đó phản ánh trong mối quan hệ của các quốc gia này với Hoa Kỳ. Mặt hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ tới các nước TPP chủ yếu là máy móc (máy tính, tua-bin, và các thiết bị nông nghiệp, v.v…), máy điện (mạch điện tích hợp, máy bán dẫn, và điện thoại di động), ô tô, và các sản phẩm từ dầu mỏ tinh luyện. Tuy vậy, các sản phẩm nhập khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ thì rất khác nhau, tuỳ theo từng quốc gia. Hàng hoá nhập khẩu chủ yếu của Hoa Kỳ từ các nước Úc, Chi-lê, Niu-zi-lân và Pê-ru là các sản phẩm nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, sản phẩm may mặc là hàng hoá nhập khẩu chủ yếu của Hoa Kỳ từ Việt Nam. Canada và Mê-hi-cô là hai nước xuất khẩu dầu thô lớn của Hoa Kỳ, ngoài ra Hoa Kỳ cũng nhập khẩu các mặt hàng như máy điện và phụ tùng ô tô từ hai nước này. Sing-ga-po và Ma-lai-xi-a là hai nước nhập khẩu và xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ các sản phẩm tương tự nhau – máy móc điện và máy móc thiết bị.
Biểu đồ 1: Thương mại hàng hóa của với các đối tác FTA hiện tại và tương lai lớn nhất
Nguồn: ITC
Về mặt giá trị thương mại, cho đến nay, Canada và Mê-hi-cô là hai đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ trong số các quốc gia TPP trong cả lĩnh vực hàng hoá lẫn dịch vụ. Hai quốc gia này cũng là những đối tác đầu tư quan trọng của Hoa Kỳ. Canada và Mê-hi-cô đều có đường biên giới dài với Hoa Kỳ và là những quốc gia đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ.
Biểu đồ 2: Thương mại dịch vụ của Hoa Kỳ với các đối tác FTA hiện tại và tương lai lớn nhất
Nguồn: BEA
Thương mại Hoa Kỳ và các nước trong TPP: các xu hướng song phương
Mười một quốc gia tham gia vào các vòng đàm phán TPP bao gồm những nền kinh tế phát triển cao như Úc, Canada, Niu-zi-lân; các quốc gia thu nhập trung bình như Mexico, Chile và Malaysia, và các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Phần này trong bài nghiên cứu nói về quan hệ kinh tế của các quốc gia TPP với Hoa Kỳ và các chủ đề chính trong đàm phán song phương.
Úc
Tổng thương mại hàng hoá năm 2011 giữa Hoa Kỳ và Úc đạt 37.8 tỷ đô la, trong khi tổng thương mại dịch vụ giữa hai nước này là 18.8 tỷ. Úc là đối tác thương mại dịch vụ lớn thứ ba của Hoa Kỳ sau Canada và Me-hi-cô.Thặng dư thương mại của Hoa Kỳ với Úc năm 2011 cao nhất so với các nước TPP khác về cả thương mại hàng hoá (17 tỷ đô la) lẫn thương mại dịch vụ (7.6 tỷ đô la). Nguyên nhân chính gây ra thặng dư thương mại này là do sự tăng trưởng nhanh chóng về xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Hoa Kỳ sang thị trường Úc trong suốt thập kỷ qua. Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Úc-Hoa Kỳ (AUSFTA) có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2005 cho đến năm 2011, xuất khẩu nông nghiệp của Hoa Kỳ sang Úc tăng gấp đôi, đạt 200 triệu đô la. Xuất khẩu hàng hoá chủ yếu của Hoa Kỳ sang thị trường Úc là các sản phẩm như máy móc, phương tiện giao thông và thiết bị y tế/nhãn khoa. Trong khi đó, nhập khẩu chủ yếu của Hoa Kỳ từ Úc là thịt, đá/kim loại quý và thiết bị y tế/nhãn khoa. Phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Úc ra thị trường thế giới là từ việc khai thác nhiên liệu và khai mỏ
• Hiệp định AUSFTA có hiệu lực từ năm 2005. Theo đó, phần lớn hàng hoá trao đổi giữa hai nước sẽ không bị tính thuế.
• Hiệp định AUSFTA không quy định cơ chế giải quyết tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài-nước nơi tiếp nhận đầu tư. Cơ chế này là một điểm nổi bật trong các hiệp định song phương và khu vực của Hoa Kỳ, đồng thời cũng là mục tiêu đàm phán của Hoa Kỳ trong TPP. Úc cho biết sẽ kiên quyết không tham gia điều khoản này nếu nó được đưa vào văn kiện cuối cùng của TPP.
• Có thể Úc sẽ cố gắng đàm phán thêm về tiếp cận thị trường cho sản phẩm đường của nước này, sản phẩm đã bị loại ra khỏi FTA giữa Úc và Hoa Kỳ trước đây. Ngoài ra, Úc có thể tìm cách đẩy nhanh lộ trình tự do hoá cho các sản phẩm thịt bò và bơ sữa của nước này xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) tiếp tục cho hay Hoa Kỳ sẽ không mở lại các đàm phán về tiếp cận thị trường trong Hiệp định AUSFTA.
Bru-nây
Cho tới thời điểm này Bru-nây là đối tác thương mại nhỏ nhất của Hoa Kỳ trong số các nước TPP. Năm 2011, tổng thương mại hàng hoá giữa Hoa Kỳ và Bru-nây đạt 207 triệu đô la. Nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Bru-nây giảm đáng kể trong suốt thập kỷ trước. Năm 2011, nhập khẩu từ Bru-nây đạt 23 triệu đô la, bằng 4% tổng mức nhập khẩu của năm 2005 (562 triệu đô la). Nhập khẩu chủ yếu của Hoa Kỳ từ Bru-nây là đá và kim loại quý, đặc biệt là kim loại vụn hay phế phẩm. Tuy nhiên, khi nhập khẩu của Hoa Kỳ đạt mức đỉnh điểm, 70% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ là dầu mỏ từ Bru-nây. Sản phẩm từ dầu là các sản phẩm chủ yếu trong nền công nghiệp Bru-nây, khi 96% tổng xuất khẩu là từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và khai mỏ. Nhập khẩu chủ yếu của Bru-nây từ Hoa Kỳ là máy móc sơ cấp và máy bay.
• Hoa Kỳ và Bru-nây chưa ký kết FTA chung.
• Bru-nây tiếp tục nằm trong “danh sách theo dõi về quyền sở hữu trí tuệ” của USTR năm 2012 do những lo ngại của Hoa Kỳ đối với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Bru-nây.
Canada
Canada là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ, xét về tổng thế cũng như trong số các nước TPP. Tổng thương mại hàng hoá và dịch vụ giữa hai nước đạt xấp xỉ lần lượt là 600 tỷ và 76.1 tỷ đô la. Thâm hụt cán cân thương mại của Hoa Kỳ với Canada trong những năm gần đây giảm xuống còn 35.7 tỷ đô năm 2011. Thặng dư thương mại dịch vụ của Hoa Kỳ với Canada năm 2010 đạt mức đáng ghi nhận là 24.9 tỷ đô la. Mặc dù Canada rất giàu tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, quốc gia này cũng nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa Bắc Mỹ và trao đổi nhiều sản phẩm chế tạo với Hoa Kỳ, đặc biệt là ô tô ở nhiều giai đoạn sản xuất khác nhau.
• Hiệp định thương mại tự do Canada-Hoa Kỳ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1989, và trở thành một phần của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vào ngày 01 táng 01 năm 1994. Theo đó, hầu như tất cả sản phẩm trao đổi giữa hai nước và với Me-hi-cô không bị tính thuế hay hạn chế.
• Việc Canada có sẵn sàng đàm phán về các chương trình quản lý nguồn cung đối với các sản phẩm từ trứng, sữa và gia cầm của nước này hay không là một trong những trở ngại đối với Hoa Kỳ, Úc và Niu-zi-lân khi chấp nhận việc tham gia của Canada vào TPP
• Một vài năm trước đây, USTR đã đặt Canada trong “danh sách cần theo dõi hàng đầu” về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của USTR. Tuy nhiên, tháng sáu năm 2012, ngay trước khi gia nhập đàm phán TPP, Hạ viện Canada đã thông qua pháp luật đổi mới về bản quyền.
Chi-lê
Trong suốt thập kỷ qua, quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Chi-lê ngày càng phát triển. Xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang Chi-lê tăng gấp bốn lần đạt gần 15.9 tỷ đô la năm 2011 kể từ khi Hiệp định FTA giữa hai nước có hiệu lực vào năm 2004. Tổng thương mại dịch vụ giữa Hoa Kỳ và Chi-lê đạt 3.5 tỷ đô la. Tương tự như Úc và Bru-nây, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Chi-lê vào thị trường Hoa Kỳ là các sản phẩm từ nhiên liệu và khai mỏ, đặc biệt là kim loại đồng. Tuy vậy, Chi-lê cũng có một ngành nông nghiệp phát triển, đóng góp một phần đáng kể vào xuất khẩu. 60% tổng xuất khẩu thế giới của Chi-lê là thành phẩm. 60% tổng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ của Chi-lê cũng là các thành phẩm. Nhập khẩu chủ yếu của Hoa Kỳ từ Chi-lê là đồng, hoa quả/hạt và hải sản. Trong khi đó, phần lớn xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Chi-lê là máy móc, sản phẩm từ dầu tinh luyện và phương tiện giao thông. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn của Chi-lê. Nhập khẩu từ Hoa Kỳ chiếm khoảng 17% so với tổng khối lượng nhập khẩu của Chi-lê từ các nước.
• Hiệp định FTA Hoa Kỳ-Chi-lê có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2004. Theo đó, phần lớn hàng hóa đang hoặc sẽ được hưởng mức thuế suất bằng 0.
• Mặc dù rất hoan nghênh những “cam kết đáng kể” của Chi-lê về xử lý các vấn đề nổi cộm về quyền sở hữu trí tuệ trong FTA giữa hai nước, Hoa Kỳ vẫn xếp Chi-lê trong danh sách “301 quốc gia đặc biệt” cần theo dõi
Ma-lai-xi-a
Maylaysia là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ tư của Hoa Kỳ trong số các nước TPP, xếp sau Canada, Me-hi-cô và nước láng giềng Sing-ga-po với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ năm 2011 đạt 40 tỷ đô la. Năm 2010, thương mại dịch vụ giữa hai nước đạt 3.3 tỷ đô la. Giá trị nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Ma-lai-xi-a gấp gần hai lần giá trị xuất khẩu của Hoa Kỳ sang nước này. Đây là lí do năm 2011, thâm hụt thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ đạt gần 11.6 tỷ đô la. Trong suốt thập kỷ vừa qua, nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Ma-lai-xi-a không ổn định, mặc dù giảm đáng kể trong năm năm gần đây. Từ 2000 đến 2006, giá trị nhập khẩu tăng từ 25 tỷ lên hơn 35 tỷ, sau đó năm 2011 giàm xuống còn 25.8 tỷ đô la. Gần 50% nhập khẩu từ và xuất khẩu sang Ma-lai-xi-a của Hoa Kỳ là máy điện. Quan hệ thương mại giữa hai nước có nhiều nét tương tự giống quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ với nhiều nước trên thế giới và có thể đại diện cho việc trao đổi hàng hoá trung gian qua biên giới ở những giai đoạn sản xuất khác nhau.
• Hoa Kỳ và Ma-lai-xi-a từng tiến hành đàm phám Hiệp định FTA. Các đàm phán này giậm chân tại chỗ từ năm 2008 do các bất đồng liên quan đến nhiều vấn đề trong đó có vấn đề mua sắm chính phủ.
• Ma-lai-xi-a có thể tìm cách mở cửa thị trường Hoa Kỳ đối với sản phẩm đường và sản phẩm từ trứng, sữa trong các đàm phán TPP. Những sản phẩm này đang chịu các hạn ngạch thuế quan khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
• Năm 2012, Ma-lai-xi-a đã được loại khỏi danh sách theo dõi của USTR do đã có những tiến bộ đáng kể trong pháp luật quốc gia về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Mê-hi-cô
Mê-hi-cô là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hoa Kỳ, đứng thứ hai trong số các nước TPP. Tổng thương mại hàng hóa giữa hai nước năm 2011 đạt 460 tỷ đô la, và tổng thương mại dịch vụ năm 2010 đạt 37.5 tỷ đô la. Mặc dù không còn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của Mê-xi-cô, cho đến nay Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này. Thâm hụt thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với Mê-hi-cô là lớn nhất so với thâm hụt thương mại hàng hóa với các quốc gia TPP khác (65.6 tỷ đô năm 2011). Tuy nhiên, thặng dư thương mại dịch vụ của Hoa Kỳ với Mê-hi-cô tương đối lớn (10.7 tỷ đô la năm 2010). Giống như Canada, Mê-hi-cô thuộc chuỗi cung ứng hàng hóa Bắc Mỹ và trao đổi hàng hóa với Hoa Kỳ và Canada ở các giai đoạn sản xuất khác nhau.
• Hiệp định NAFTA có hiệu lực giữa ba nước Canada, Mê-hi-cô và Hoa Kỳ từ ngày 01 tháng 01 năm 1994. Theo đó, hầu như toàn bộ sản phẩm thương mại giữa ba quốc gia này được trao đổi không giới hạn với mức thuế suất bằng 0.
• Đàm phán TPP có thể giúp giải quyết thêm một số vấn đề như việc Mê-hi-cô cân nhắc lại việc cho phép đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hay không.
• Các nhà xuất khẩu nông sản Hoa Kỳ mong muốn củng cố các quy định về Vệ sinh dịch tễ và kiểm định động thực vật và giải quyết các vấn đề liên quan đến rào cản phi thuế quan trong TPP. Họ phàn nàn rằng Mê-hi-cô đã trì hoãn việc vẫn chuyển mà không cung cấp đủ bằng chứng khoa học hợp lý cũng như ban hành các quy định gây khó khăn về việc kiểm tra hàng hoá.
Niu-zi-lân
Năm 2011, thương mại giữa Hoa Kỳ và Niu-zi-lân còn khá hạn hẹp so với các nước TPP khác, chỉ cao hơn Bru-nây. Tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ năm 2011 lần lượt đạt 6.7 và 3.4 tỷ đô la. Hiện nay, thương mại giữa hai quốc gia khá cân bằng, với giá trị thặng dư nhỏ trong thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ (411 triệu đô la) và giá trị thâm hụt nhỏ trong thương mại dịch vụ của Hoa Kỳ (112 triệu đô la). Với các quốc gia khác, Niu-zi-lân xuất khẩu chủ yếu sản phẩm nông nghiệp và nhập khẩu thành phẩm. Thương mại giữa Niu-zi-lân và Hoa Kỳ tương tự như thương mại của nước này với các nước khác. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Niu-zi-lân sang Hoa Kỳ là thịt, sản phẩm từ trứng, sữa và đồ uống, trong khi sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là máy bay và máy móc thiết bị.
• Hoa Kỳ và Niu-zi-lân không có Hiệp định FTA với nhau. Tuy nhiên, Niu-zi-lân luôn mong muốn ký kết FTA cũng như tìm cách tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.
• Hoa Kỳ lo ngại rằng thực tiễn và thủ dục áp dụng của Cơ quan Quản lý Dược phẩm Niu-zi-lân đem lại bất lợi cho “dược phẩm thế hệ mới” thường được sản xuất tại Hoa Kỳ so với các sản phẩm thế hệ cũ.
• Việc gia tăng tiếp cận thị trường sữa của Hoa Kỳ là mối quan tâm hàng đầu của Niu-zi-lân cũng là mối quan ngại lớn của Hoa Kỳ.
Pê-ru
Quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Pê-ru, mặc dù không lớn, nhưng có nhiều nét tương tự như quan hệ giữa Hoa Kỳ với nước Châu Mỹ La-tinh láng giềng Chi-lê. Năm 2011, tổng thương mại hàng hoá giữa hai nước đạt 14.6 tỷ đô la. Pê-ru đứng thứ ba trong nhóm các nước TPP có quan hệ thương mại với Hoa Kỳ ít nhất. Thặng dư thương mại hàng hoá của Hoa Kỳ với Pê-ru là 2.1 tỷ đô la năm 2011, trong đó, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang thị trường Pê-ru tăng gấp bốn lần trong thập kỷ vừa qua. Hàng hoá nhập khẩu chủ yếu của Hoa Kỳ từ Pê-ru là dầu và các sản phẩm từ dầu, kim loại đồng, sản phẩm dệt may. Hàng hoá xuất khẩu chủ yếu của Hoa Kỳ sang Pê-ru là máy móc, dầu tinh luyện và máy điện. Giống Chi-lê, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn của Pê-ru với gần 20% nhập khẩu của Pê-ru là từ Hoa Kỳ.
• FTA giữa Hoa Kỳ-Pê-ru có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2009. Theo đó, phần lớn thương mại giữa hai quốc gia sẽ được trao đổi không giới hạn với mức thuế suất bằng 0.
• Trong FTA với Hoa Kỳ, Pê-ru đồng ý với các điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ - gọi là Hiệp định Mùng 10 Tháng 5 – phản ánh những quan ngại từ lâu của Hoa Kỳ về vấn đề tiếp cận thuốc. Chương Sở hữu trí tuệ do Hoa Kỳ đề xuất trong TPP được cho là giống những điều khoản về sở hữu trí tuệ trong các FTA trước của Hoa Kỳ. Pê-ru đã thể hiện lo ngại rằng những điều khoản mới này có thể buộc Pê-ru phâi áp dụng mức độ bảo hộ bản quyền cao hơn và phủ nhận các quy định trong FTA đã ký.
• Pê-ru vẫn nằm trong danh sách theo dõi về sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ do lo ngại của Hoa Kỳ đối với việc “hàng giả, hàng nhái vẫn được tiêu thụ rộng khắp Pê-ru” và nhu cầu cần thiết phải có thêm những biện pháp bổ sung để thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại quốc gia này.
Sing-ga-po
Sing-ga-po là đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ trong số các nước TPP, cả trong thương mại dịch vụ lẫn hàng hoá. Tổng thương mại hàng hoá và dịch vụ giữa hai nước lần lượt đạt 50.5 tỷ đô và 13 tỷ đô la. Hoa Kỳ có mức thặng dư thương mại lớn với Sing-ga-po, trong đó thặng dư thương mại hàng hoá là 12.3 tỷ đô là và thặng dư thương mại dịch vụ là 5.5 tỷ đô la. Dịch vụ nhập khẩu chủ yếu của Sing-ga-po từ Hoa Kỳ là dịch vụ kinh doanh/chuyên môn/kỹ thuật, trong khi các quốc gia khác chủ yếu nhập khẩu dịch vụ du lịch/vận tải từ Hoa Kỳ. Là một trung tâm thương mại và trung chuyển quan trọng, phần lớn thương mại hàng hoá của Sing-ga-po với các nước khác là hàng hoá đã qua chế biến/chế tạo, chiếm 70% tổng xuất khẩu và 65% tổng nhập khẩu. Phần lớn thương mại hàng hoá của Hoa Kỳ với Sing-ga-po cũng là sản phẩm đã qua chế biến/chế tạo, ngoài ra có máy móc và máy điện.
• FTA Hoa Kỳ-Sing-ga-po có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2004. Theo đó, phần lớn thương mại giữa hai nước sẽ được trao đổi không hạn chế với mức thuế suất bằng 0.
• Do doanh nghiệp Nhà nước là một phần rất quan trọng trong nền kinh tế Sing-ga-po, FTA của Sing-ga-po-Hoa Kỳ cũng có những điều khoản quy định về Doanh nghiệp Nhà nước. Hoa Kỳ sẽ theo đuổi những quy định cao hơn nữa về Doanh nghiệp Nhà nước trong TPP, với mục đích tạo cơ hội cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước. Công ty đầu tư Temasek của Sing-ga-po bày tỏ lo ngại những quy định do Hoa Kỳ đề xuất có thể gây những bất lợi cho họ so với các công ty tư nhân.
Việt Nam
Trong suốt thập niên vừa qua, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng nhanh chóng, đạt 21.8 tỷ đô la thương mại hàng hoá năm 2011. Sự gia tăng này phần nào do những thay đổi trong quan hệ thương mại chính thức giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Năm 2001, Hoa Kỳ đã đặt lại quan hệ thương mại bình thường với Việt Nam và tăng lên mức bình thường vĩnh viễn vào năm 2006 khi Việt nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO. Quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam tăng trưởng cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu, trong đó, nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu. Vì thế, Hoa Kỳ có mức thâm hụt thương mại hàng hoá với Việt Nam năm 2011 tương đối lớn (13.1 tỷ đô la). Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ phần lớn là hàng hoá sử dụng lao động phổ thông và hàng may mặc. Nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Hoa Kỳ là hàng hoá công nghệ cao, bao gồm cả máy móc và phương tiện giao thông.
• Việt Nam và Hoa Kỳ hiện chưa có FTA với nhau
• Ưu tiên đàm phán của Việt Nam trong TPP là mở rộng tiếp cận thị trường đối với sản phẩm may mặc và giày dép, do đây là những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Việt Nam đang theo đuổi nguyên tắc xuất xứ “cắt và may” trong TPP mà theo nguyên tắc này, dù hàng hoá với nguồn nguyên liệu từ các nước không là thành viên TPP vẫn được hưởng những ưu đãi thuế quan trong TPP. Một số doanh nghiệp dệt may vàmay mặc Hoa Kỳ đã thể hiện sự phản đối việc đưa ra những nhân nhượng đối với Việt Nam về vấn đề nàyNguồn tin cho hay, Việt Nam đã thông báo sẽ từ chối tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường với Hoa Kỳ cho đến khi Hoa Kỳ thể hiện sự linh hoạt đối với các quy định về xuất xứ đối với các sản phẩm dệt may . Việt Nam cho biết sẽ không mở cửa cho các sản phẩm nông nghiệp Hoa Kỳ nếu Hoa Kỳ không thay đổi quan điểm của mình trong dệt may. Điều này gây lo ngại cho các nhà xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ, nhất là khi Việt Nam được xem là thị trường xuất khẩu hứa hẹn nhất trong số các nước TPP. Có lẽ hai quốc gia này chỉ có thể tiển triển trong các đàm phán về những vấn đề khác nếu vấn đề về nguyên tắc xuất xứ được giải quyết.
• Như đã đề cập ở trên, Hoa Kỳ đang tìm kiếm các nguyên tắc đối với vấn đề doanh nghiệp nhà nước để giải quyết tình trạng cạnh tranh không bình đẳng. Việt Nam đã công khai bày tỏ quan ngại về những đề xuất của Hoa Kỳ liên quan đến Doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam có thể là quốc gia duy nhất gây khó khăn cho các đề xuất này của Hoa Kỳ do khoảng 40% GDP của quốc gia này là từ doanh nghiệp nhà nước.
• Một trong các vấn về khác trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là việc Hoa Kỳ tiếp tục coi Việt Nam là một nền “kinh tế phi thị trường” và áp đặt các hạn chế đối với ngành thuỷ sản Việt Nam. Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong công cuộc tự do hoá nền kinh tế và đã trở thành thành viên của WTO, tuy vậy, Việt Nam vẫn gặp nhiều chỉ trích về các tiêu chuẩn lao động, sở hữu trí tuệ và vấn đề tham nhũng.
• Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách các nước bị theo dõi về quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ, một phần do sản phẩm lậu và nhái vẫn được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, bao gồm cả vi phạm bản quyền online.
Nguồn: Trích Báo cáo của Cơ quan nghiên cứu tư vấn cho Quốc Hội Hoa Kỳ (CRS)
- Chanh, bưởi, sầu riêng Việt tăng trưởng mạnh tại Canada nhờ CPTPP
- UKVFTA và CPTPP: Xung lực lớn thúc đẩy thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh
- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản
- Đẩy mạnh xuất khẩu sang Canada theo hình thức mới
- Thương mại 2 chiều Việt Nam - Australia trong 5 tháng đạt gần 5,65 tỷ USD