Các nước TPP đang tìm tiếng nói chung về hợp tác trong đàm phán môi trường

28/01/2013    68

Hoa Kỳ đang đàm phán với Chile và Peru để có được tiếng nói chung về các cam  kết hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn môi trường trong Chương Môi trường Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo một nguồn tin cho hay, trong thời gian sắp tới, việc tập trung vào các yếu tố hợp tác có khả năng đem lại những tiến triển trong đàm phán, đặc biệt khi đàm phán về các vấn đề khó khăn hơn như việc thực thi như thế nào vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Hoa Kỳ, Chile và Peru đều đã đưa ra đề xuất cách thức làm việc giữa các thành viên TPP để thúc đẩy đàm phán về các vấn đề bảo tồn môi trường. Các nhà đàm phán đang tìm cách kết hợp giữa các yếu tố trong đề xuất của Hoa Kỳ tương đồng với các yếu tố trong một bản đề xuất chung không ràng buộc giữa Chile và Peru đưa ra vào năm trước.

Nguồn tin cho rằng, nỗ lực này, mặc dù có thể làm giảm đi sự khác biệt, nhưng không giải quyết được những vấn đề mang tính cơ bản trong các đàm phán TPP về môi trường. Ví dụ như khi nói về bảo tồn môi trường, Hoa Kỳ thể hiện rõ rằng nước này mong muốn đưa vào các điều khoản ràng buộc về trợ cấp thuỷ sản và cầm buôn bán các sản phẩm từ việc khai thác bất hợp pháp động thực vật hoang dã. Tuy nhiên, các quốc gia TPP khác không đồng ý với các cam kết thực thi trong các lĩnh vực này.

Theo suy đoán của nguồn tin này, các yếu tố về hợp tác bảo tồn trong đề xuất của Hoa Kỳ có thể tương tự như các yếu tố liệt kê trong “sách xanh” do Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) ban hành năm 2011. Theo sách này, khuôn khổ bảo tồn của Hoa Kỳ trong TPP bao gồm “các cơ chế hợp tác” giữa chính quyền các nước thành viên trong việc giải quyết thương mại bất hợp pháp về động thực vật hoang dã. Các cơ chế này gồm việc thành lập các nhóm công tác chung, trao đổi cán bộ thực thi, các sáng kiến thực thi pháp luật chung cũng như mạng lưới thi hành pháp luật khu vực.

Khi được hỏi về vấn đề này, một phát ngôn viên của USTR xác nhận Hoa Kỳ đang tiếp tục làm việc với các nước thành viên khác của TPP về các vấn đề hợp tác môi trường, trong đó có việc bảo tồn, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Phát ngôn viên này cũng cho biết “Hoa Kỳ luôn xem trọng sự hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, trong đó có việc bảo tồn. Chúng tôi đang đàm phán với các quốc gia TPP khác về những vấn đề này.”

Nhìn toàn cục, các đàm phán về môi trương vẫn là một trong những lĩnh vực khó khăn nhất trong các vòng đàm phán TPP do các quốc gia khác phản đối  đề xuất của Hoa Kỳ về những nghĩa vụ thực thi đầy đủ. Những vấn đề này vẫn tiếp tục được các nhà đàm phán thảo luận thêm bên cạnh các đàm phán khác về việc hợp tác.

Có vẻ USTR mong rằng, việc tham gia của Mexico và Canada vào các vòng đàm phán sẽ giúp thúc đấy quá trình đàm  phán về môi trường. Trong những cuộc họp kín với các bên liên quan của Hoa Kỳ, các quan chức USTR đã nói rằng sự tham gia của hai nước trên sẽ đóng góp tích cực trong việc đẩy nhanh các đàm phán về môi trường.

Phát ngôn viên của USTR cho biết việc gia nhập của Canada và Mexico là một sự “thêm vào tích cực” cho các vòng đàm phán TPP nói chung. Bà nhấn mạnh “sự sôi nổi trong đàm phán về môi trường còn tiếp tục được nhân lên.”

USTR cũng mong rằng, đạo luật mới được ban hành cuối năm trước của Úc về việc khai thác gỗ trái phép sẽ là một sự cổ vũ cho các điều khoản bảo tồn mà Hoa Kỳ đề xuất trong TPP. Đề xuất của Hoa Kỳ bao gồm một lệnh cấm đối với các sản phẩm từ việc khai thác trái phép động thực vật hoang dã mà  tương tự như đạo luật Lacey.

Trước đây, Úc từng lo ngại về các điều khoản bảo tồn của Hoa Kỳ vì sợ rằng TPP sẽ kiềm chế các nỗ lực của Úc trong việc phát triển pháp luật của quốc gia này đối với khai thác gỗ trái phép. Giờ đây, với đạo luật mới về khai thác gỗ trái phép đã được ban hành, Úc có thể quyết định sẽ ủng hộ những yếu tố bảo tồn nào.

Tuy vậy, vào thời điểm này, khó có thể nói liệu Úc có ủng hộ đề xuất của Hoa Kỳ về việc cấm buôn bán các sản phẩm từ việc khai thác trái phép động thực vật hoang dã hay không. Nguồn tin cho hay đạo luật của Úc chỉ giới hạn tới việc khai thác gỗ trái phép, và vì thế không bao gồm cả việc khai thác trái phép các động thực vật hoang dã như trong đề xuất của Hoa Kỳ.

Theo như phân tích của Hội đồng Quản lý rừng nhiệt đới (FSC) ngày 01 tháng 12, đạo luật mới của Úc cấm: i) nhập khẩu gỗ khai thác trái phép và ii) chế biến gỗ thô khai thác trái phép. Đạo luật này cũng yêu cầu các nhà nhập khẩu những sản phẩm gỗ được quản lý phải thực hiện “thẩm định phù hợp” để giảm thiểu rủi ro nhập khẩu gỗ khai thác trái phép. Hơn thế, nhà nhập khẩu phải cung cấp được giấy tờ liên quan về việc thẩm định của mình cho chính phủ Úc vào thời điểm nhập khẩu.

Bản phân tích dài bốn trang chỉ ra một số khác biệt giữa đạo luật cấm khai thác gỗ trái phép của Úc và đạo luật Lacey của Hoa Kỳ. Ví dụ, đạo luật của Úc có phạm vi hẹp hơn do chỉ áp dụng đối với hai nhóm công ty – công ty nhập khẩu và công ty chế biến gỗ. Còn đối với đạo luật Lacey của Hoa Kỳ, bất kỳ cá nhân hay công ty nào trong chuỗi cung cấp đều thuộc phạm vi điều chỉnh. Thứ hai, đạo luật của Úc miêu tả các đặc điểm thiết yếu của hệ thống thẩm định mà nhà nhập khẩu phải áp dụng, trong khi đạo luật Lacey của Hoa Kỳ chỉ yêu cầu “quan tâm hợp lý” mà không giải thích cụ thể đó là gì. Thứ ba, đạo luật của Úc quy định rất chi tiết đối với “quản lý, điều tra và thực thi”, còn đạo luật Lacey của Hoa Kỳ không hề có những quy định cụ thể như vậy.

Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Lâm nghiệp của Úc hiện đang ban hành các quy định để thực hiện đạo luật về khai thác gỗ trái phép này. Đạo luật có hiệu lực ngày 28 tháng 11 sau khi được Hoàng gia Úc phê chuẩn. Theo thông tin trên website thì Bộ này sẽ đăng tải những quy định này lên cho công chúng bình luận trước tháng 5 năm 2013 và các quy định này sẽ có hiệu lực từ tháng 11/2014.

Theo các nguồn tin thì ngoài vấn đề về thực thi thì  một vấn đề khó khăn nữa có thể nảy sinh trong các  đàm phán TPP về môi trường là phạm vi của các quy định về trợ cấp ngư nghiệp, đặc biệt là liệu các trợ cấp cho các hoạt động thuỷ sản quy mô nhỏ có được loại trừ khỏi những quy định này không?

Những nguồn tin này chỉ ra rằng, việc loại bỏ các hoạt động thuỷ sản quy mô nhỏ là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong các vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm thiết lập những quy tắc về trợ cấp ngư nghiệp, mặc dù các đàm phán này chưa đi đến một Hiệp định chung.

Các nhóm hoạt động vì môi trường như Quỹ bảo vệ đời sống thiên nhiên thế giới (WWF) đã phản đối việc loại bỏ các hoạt động thuỷ sản quy mô nhỏ trong các đàm phán của WTO với lập luận rằng, kể cả những hoạt động thuỷ sản “quy mổ nhỏ” cũng có thể làm ảnh hưởng đến việc sinh sản và làm giảm nguồn dự trữ thuỷ sản.

Một nguồn tin cho biết một loạt các nước Mỹ La tinh ủng hộ việc loại bỏ “thuỷ sản quy mô nhỏ” trong WTO. Điều này ít nhất làm tăng khả năng Peru, Chile hay Mexico có thể có  động thái tương tự trong TPP.

Nguồn tin này cũng cho hay hướng tiếp cận được những nước ủng hộ việc loại bỏ thuỷ sản quy mô nhỏ sử dụng là theo cách xác định kích cỡ của thuyền đánh bắt, có nghĩa là thuyền duới một chiều dài nhất định sẽ không bị cấm trợ cấp ngư nghiệp. Tuy vậy nguồn tin này không đồng tình với cách tiếp cận đó, nhấn mạnh rằng kể cả những thuyền đánh cá nhỏ cũng có thể gây ra ảnh hưởng tới thương mại quốc tế và dẫn tới việc khai thác thuỷ sản quá mức.

Do đó, để có thể nhận được sự ủng hộ từ các nhóm hoạt động vì môi trường thì theo nguồn tin này, việc loại bỏ trên phải được thu hẹp lại chỉ áp dụng đối với các hoạt động đánh bắt cá phụ vụ nhu cầu sống tối thiểu và có điều kiện để có thể quản lý được. Những điều kiện cụ thể này đã từng được thảo luận trong các đàm phán WTO về ngư nghiệp nhưng đối với TPP thì chưa có dấu hiệu gì cho thấy những điều tương tự đang được thảo luận tại đây.

Nguồn: insidetrade.com