FTA Việt Nam-EU: Cơ hội đi cùng thách thức

24/01/2013    156

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước liên minh châu Âu (EU) đang trong giai đoạn đàm phán và dự kiến kết thúc vào năm 2014, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, cũng ẩn chứa nhiều thách thức

EU là một trong những thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng da giày, dệt may và nông thủy sản.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay, EU là thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam với trị giá trên 2 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến 35,7% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Kế đến là mặt hàng dệt may và thủy sản với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 1,98 tỉ đô la Mỹ và trên 950 triệu đô la Mỹ.

Theo báo cáo tại hội thảo “Nâng tầm quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam-EU” tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm 28-11, kim ngạch xuất khẩu chỉ riêng khu vực ĐBSCL (tính đến giữa tháng 10) sang EU đạt trên 235 triệu đô la Mỹ, trong đó, xuất khẩu cá tra phi lê đạt 155 triệu đô la Mỹ, còn lại là các mặt nông thủy sản và đồ thủ công mỹ nghệ khác.

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho biết FTA là cơ hội để Việt Nam và EU tăng cường hợp tác đầu tư thương mại song phương.

Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch, Tổng thư ký VCCI, cho biết EU là nền kinh tế lớn gồm 27 quốc gia, chiếm 20% GDP của toàn cầu; trình độ phát triển kinh tế xã hội cao, sức mua lớn và đa dạng và hiện tại EU là bạn hàng lớn thứ 2 của Việt Nam về xuất khẩu, thứ 5 về nhập khẩu.

Theo bà Lan, FTA giữa Việt Nam-EU sẽ mở rộng hơn nữa cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU; giảm hoặc xóa bỏ hàng rào thuế (dự kiến có đến 90% hàng hóa của Việt Nam vào EU được hưởng mức thuế suất 0%).

Hiện Việt Nam đang điều chỉnh chiến lược thu hút vốn FDI (vốn đầu tư nước ngoài), chú trọng chất lượng nhà đầu tư với khả năng chuyển giao công nghệ mới… EU là đối tác hoàn toàn có khả năng đáp ứng được những yêu cầu đó, theo bà Lan.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Việt Nam, FTA giữa Việt Nam-EU cũng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam nếu doanh nghiệp không thay đổi để thích ứng.

Theo bà Lan, một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải là “nội lực” yếu, dễ bị “tổn thương” từ những biến động của những vấn đề toàn cầu và trong nước, đặc biệt là trong 5 năm gần đây. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn do bị cạnh tranh từ các FTA khác trong khu vực.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn