Giải quyết tranh chấp số DS219

09/03/2010    254

EC - Biện pháp chống bán phá giá đối với ống sắt đúc nhập khẩu từ Braxin.

Tiêu đề:

EC - Ống sắt đúc

Nguyên đơn:

Brazin

Bị đơn:

EC

Các bên thứ ba:

Chi lê, Nhật Bản, Hoa Kỳ

Các hiệp định liên quan (được đưa ra trong yêu cầu tham vấn)

Hiệp định ADA (GATT 1994) : Điều 1, 3, 3.1, 3.2, 3.3, 3.4, 3.5, 4, 4.1, 5, 5.2, 5.3, 5.4, 5.5, 5.7, 5.8, 6, 6.1, 6.2, 6.12, 7, 2, 9, 11, 12, 2.1, 15, 2.2, 2.4, 2.6; GATT 1994: Điều I, VI

Ngày nhận được yêu cầu tham vấn:

21 tháng 12 năm 2000

Ngày ban hành báo cáo của Ban Hội thẩm:

07 tháng 03 năm 2003

Ngày nhận được thông báo về giải pháp chung:

22 tháng 07 năm 2003

Bản tóm tắt cập nhật về vụ kiện

Bản tóm tắt được cập nhật ngày 24 tháng 02 năm 2010

Tham vấn

Ngày 21/12/2000, Brazil yêu cầu tham vấn với EC liên quan đến các mức thuế chống bán phá giá cuối cùng mà EC áp dụng đối với ống sắt đúc có xuất xứ Brazil theo Quy định của Hội đồng (EC) số 1784/2000. Cụ thể:

    * Brazil cho rằng việc thiết lập các tình tiết thực tế cũng như việc đánh giá những tình tiết này của EC  là không phù hợp, không công bằng và thiếu khách quan, ở cả hai giai đoạn điều tra sơ bộ và điều tra cuối cùng, đặc biệt là quá trình khởi xướng và tiến hành điều tra (bao gồm việc đánh giá, tìm kiếm và xác định hành vi phá giá, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa chúng)

    * Brazil cũng nghi ngờ về cách đánh giá cũng như kết luận của EC liên quan tới tiêu chuẩn “lợi ích cộng đồng”

    * Tóm lại, Brazil cho rằng EC đã vi phạm Điều VI của GATT 1994 và các Điều 1, 2, 3, 4 ,5 , 6, 7, 9, 11, 12 và 15 của Hiệp định ADA.

Giai đoạn Hội thẩm

Thành lập Ban Hội thẩm

Tham vấn không thành công, do đó Brazil đã khởi kiện việc này ra WTO bằng cách yêu cầu DSB thành lập Ban Hội thẩm giải quyết tranh chấp vụ việc này. Tại cuộc họp ngày 24/07/2001, DSB đã quyết định thành lập Ban Hội thẩm. Chile, Nhật, Mexico và Hoa Kỳ yêu cầu được tham gia vào vụ kiện với tư cách là bên thứ ba.

Ngày 05/09/2001, các thành viên của Ban Hội thẩm đã được xác định.

Ngày 15/01/2002, với hi vọng sẽ đạt được một thỏa thuận chung, cả hai bên trong vụ tranh chấp yêu cầu Ban Hội thẩm tạm ngừng xem xét vấn đề cho đến ngày 01/03/2002. Ban Hội thẩm đồng ý với yêu cầu này. Đến ngày 28/02/2002, hai bên lại tiếp tục yêu cầu Ban Hội thẩm trì hoãn công việc đến ngày 05/04/2002. Ban Hội thẩm một lần nữa đồng ý với yêu cầu này. Tuy nhiên, hai bên đã không đi đến được một thỏa thuận chung và do đó, theo yêu cầu của Brazil, ngày 22/04/2002, Ban Hội thẩm nối lại công việc.

Thông qua Báo cáo của Ban Hội thẩm

Ngày 03/05/2002, Chủ tịch Ban Hội thẩm thông báo với DSB về khả năng không thể hoàn thành công việc trong vòng 6 tháng vì những bất đồng về lịch trình làm việc, không kể những lý do khác. Ban Hội thẩm hy vọng sẽ hoàn thành công việc trong tháng 12/2002.

Ngày 07/03/2003, Ban Hội thẩm hoàn thành Báo cáo và gửi tới tất cả các thành viên WTO, trong đó kết luận EC đã vi phạm:

    * Điều 2.4.2 của Hiệp định ADA khi áp dụng phương pháp Zeroing (“quy về 0”) để xác định biên độ phá giá; và

    * Điều 12.2 và 12.2.2 của Hiệp định ADA khi nêu không rõ ràng trực tiếp những lập luận hay giải thích về tính không đáng kể của các nhân tố tác động khác ngoài nhân tố hàng nhập khẩu bán phá giá (như được liệt kê trong Điều 3.4 Hiệp định ADA) đến thiệt hại của ngành sản xuất trong nước trong các bản thông báo công khai về Kết luận sơ bộ hoặc cuối cùng.

Ngoài hai vấn đề trên, các khiếu nại khác của Brazil đều bị Ban Hội thẩm bác bỏ.

Kháng cáo Phúc thẩm

Ngày 23/04/2003, Brazil thông báo quyết định kháng cáo lên Cơ quan Phúc thẩm một số vấn đề pháp lý và giải thích pháp luật trong Báo cáo của Ban Hội thẩm.

Ngày 22/07/2003, Cơ quan Phúc thẩm hoàn thành Báo cáo và gửi tới tất cả các thành viên WTO. Trong số 7 nội dung kháng cáo của Brazil, Cơ quan Phúc thẩm bác bỏ 6 nội dung. Cơ quan Phúc thẩm chỉ tán thành với 1 kết luận của Ban Hội thẩm về việc EC đã hành động không tuân thủ Điều VI:2 của GATT 1994 hoặc các Điều 1, 2.2.2, 3.1, 3.2, 3.3, 3.4, hoặc Điều 3.5 của Hiệp định ADA. Đồng thời, Cơ quan Phúc thẩm cũng bác bỏ khiếu nại của Brazil rằng Ban Hội thẩm, trái với nghĩa vụ quy định tại Điều 17.6(i) của Hiệp định ADA, đã không đánh giá đúng mức tình hình thực tế trước đó khi đưa vào tài liệu Chứng cứ EC-12. Cơ quan Phúc thẩm phản đối kết luận của của Ban Hội thẩm trong một nội dung. Trái với Ban Hội thẩm, Cơ quan Phúc thẩm nhận thấy EC đã hành động không nhất quán với các Điều 6.2 và 6.4 của Hiệp định ADA khi không công bố với các bên quan tâm trong quá trình điều tra chống phá giá một số thông tin cụ thể về việc xác định tình hình ngành sản xuất trong nước. Các thông tin này có trong tài liệu chứng cứ EC-12.

Ngày 18 tháng 08 năm 2003, DSB thông qua báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và báo cáo của Ban Hội thẩm được chỉnh sửa theo Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm.

Tình hình thực thi quyết định giải quyết tranh chấp của DSB

Ngày 15/09/2003, trong một cuộc gặp với DSB, EC đã khẳng định ý định thực thi những khuyến nghị và phán quyết của DSB.

Ngày 01/10/2003, EC và Brazil thông báo với DSB về việc hai bên đã đạt được thoả thuận về khoảng thời gian hợp lý để EC thực hiện các khuyến nghị và phán quyết của DSB là 7 tháng; nghĩa là đến ngày 19/03/2004.

Ngày 17/03/2004, EC thông báo với DSB rằng họ đã đánh giá lại những kết luận liên quan đến biện pháp gây tranh cãi thông qua việc xem xét đầy đủ các phán quyết và kết luận trong các Báo cáo của Ban Hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm, như được giải thích trong Quy định của Hội Đồng (EC) số 436/2004 ngày 08/03/2004, và do đó khẳng định là đã thực thi đầy đủ các khuyến nghị và phán quyết của DSB trong vụ kiện này trong thời hạn thoả thuận giữa hai bên.

Tuy nhiên, tại cuộc họp của DSB ngày 20/04/2004, Brazil đã bác lại khẳng định trên của EC  Theo Brazil, dù EC đã tính toán lại biên độ phá giá và không sử dụng phương pháp “quy về không” nữa nhưng EC vẫn chưa thực thi đầy đủ các phán quyết của Cơ quan Phúc thẩm liên quan đến các yêu cầu về quy trình hợp lý nêu trong Hiệp định ADA. EC đã phản bác lại ý kiến này của Brazil và nói rằng EC sẵn sàng giải thích thêm cho Brazil nếu cần thiết để Brazil chấp nhận là EC đã thực hiện đúng những khuyến nghị và phán quyết của DSB.