Việt Nam - EU: Cùng nhìn về một hướng

07/11/2012    139

Phiên đàm phán đầu tiên Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã diễn ra tại Hà Nội từ ngày 8 đến 12/10/2012. Nhân sự kiện này, Trưởng Đoàn đàm phán EVFTA của Việt Nam- Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh- đã trả lời phỏng vấn Báo Công Thương về ý nghĩa, tầm quan trọng và triển vọng đàm phán EVFTA.

Thứ trưởng có thể cung cấp một số thông tin cơ bản về EVFTA và kết quả Phiên đàm phán đầu tiên?

EVFTA sẽ là một hiệp định thương mại tự do toàn diện. Xét cả về phạm vi và mức độ cam kết, hiệp định này đi xa hơn nhiều so với WTO, bao gồm cam kết không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa, dịch vụ mà còn cả đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, chính sách cạnh tranh...

Phiên đàm phán đầu tiên đã diễn ra trong không khí thẳng thắn, cởi mở. Hai đoàn đã dành nhiều thời gian để giới thiệu về hệ thống chính sách của nhau cũng như cách tiếp cận đối với từng chủ đề đàm phán. Sau một tuần thảo luận, Việt Nam và EU đã đạt được sự hiểu biết quan trọng về quan điểm và cách tiếp cận của nhau. Hai bên cũng đã thống nhất lộ trình đàm phán cho năm tới và những nội dung cần triển khai sớm để chuẩn bị cho phiên đàm phán tiếp theo.

So với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang đàm phán cùng Hoa Kỳ và 9 nước khác thì EVFTA như thế nào, phức tạp hơn hay đơn giản hơn?

Xét về nội dung đàm phán thì phức tạp ngang nhau bởi EU là đối tác lớn trong thương mại quốc tế, diện quan tâm của họ cũng rộng không kém Hoa Kỳ, mức độ tham vọng cũng vậy. Tuy nhiên, đàm phán với EU thuận lợi hơn ở chỗ Việt Nam chỉ phải nói chuyện với một đối tác, không phải với 10 đối tác cùng lúc như trong đàm phán TPP.

Theo ông, lợi ích cơ bản đối với Việt Nam khi tham gia FTA song phương với EU là gì?

EVFTA sẽ là một cú hích quan trọng đối với xuất khẩu của Việt Nam. Với 500 triệu người tiêu dùng và GDP hơn 17.000 tỷ USD, EU là thị trường mơ ước đối với bất kỳ nước nào. Hiện tại, xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chiếm khoảng 0,75% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU, trong đó, chỉ 40% được hưởng thuế 0%, 60% còn lại phải chịu các mức thuế khác nhau. Nếu có FTA với EU, thuế nhập khẩu vào EU giảm xuống, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để thâm nhập hoặc tăng thị phần trên thị trường này.

Với chuẩn mực dự kiến sẽ khá cao về minh bạch hóa và thuận lợi hóa, EVFTA chắc chắn sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta theo hướng thuận lợi, cởi mở và thông thoáng hơn, từ đó sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh và đầu tư trực tiếp từ EU và các nước khác vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng đầu tư của EU, Việt Nam còn có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại khu vực ASEAN. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Tham gia FTA với EU cũng giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào khu vực Đông Á. Do gần gũi về vị trí địa lý, Đông Á vốn đã chiếm tỷ trọng khá lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Việc 7 trên 8 FTA đã ký là ký với các nước Đông Á càng làm tỷ trọng này trở nên lớn hơn. Hiệp định EVFTA, tương tự như Hiệp định TPP, sẽ giúp Việt Nam có được cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu cân đối hơn.

Để thu được những lợi ích đó, chắc cái "giá" phải trả cũng không nhỏ. Theo ông, những khó khăn, thách thức mà EVFTA có thể đem lại sẽ là gì?

Như đã trình bày, là đối tác lớn trong thương mại quốc tế, EU thường đặt ra những yêu cầu tự do hóa rất cao. Việt Nam sẽ phải đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với đa số các dòng thuế, mở cửa thêm thị trường dịch vụ so với cam kết WTO và không loại trừ khả năng sẽ phải mở cửa thị trường mua sắm công. Sức ép cạnh tranh, vì vậy, chắc chắn sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, do EU đề cao nguyên tắc minh bạch hóa, thuận lợi hóa, nhiều quy định trong nước về quản lý kinh doanh và đầu tư chắc cũng phải sửa đổi. Họ cũng rất quan tâm đến môi trường cạnh tranh bình đẳng, trong đó có vấn đề trợ cấp và doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là thách thức đối với Việt Nam.

Về sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực hàng hóa, tôi nghĩ sẽ không quá lớn bởi cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và EU mang tính bổ trợ cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh. Về dịch vụ, do cam kết của Việt Nam tại WTO về cơ bản đã khá thông thoáng nên sức ép của việc mở cửa thêm, nếu có, cũng không nhiều. Riêng trong lĩnh vực mua sắm công, nếu chấp nhận mở cửa, tình hình sẽ khác bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam mở lĩnh vực này. Tuy nhiên, mở hay không còn phải xem EU mở cho Việt Nam tới đâu, lợi ích mà Việt Nam thu được cụ thể thế nào rồi mới quyết định được.

Về việc điều chỉnh các quy định về quản lý, nếu thuận chiều với chủ trươngđổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam thì ta cũng sẵn sàng bàn bạc. Tuy nhiên, như tôi đã nói, có cam kết hay không, cam kết tới đâu còn phụ thuộc vào việc EU sẽ dành cho Việt Nam những lợi ích gì. Nguyên tắc là nghĩa vụ phải cân đối với quyền lợi. Còn câu chuyện “được”, “mất” hay “cái giá phải trả” thực ra rất tương đối. Đã có thời chúng ta cho rằng mất sổ gạo là mất tất nhưng hóa ra không phải vậy. Không còn sổ gạo, không còn tem phiếu, không còn bao cấp hóa ra lại tốt hơn nhiều.

Câu hỏi cuối cùng, EU có dành cho Việt Nam sự đối xử đặc biệt nào trong cam kết không?

Hai bên đã nhất trí lưu ý tới chênh lệch về trình độ phát triển giữa Việt Nam và EU trong quá trình đàm phán và thực thi Hiệp định. Tuy nhiên, mục tiêu không phải là để tạo ra 2 bộ tiêu chuẩn, tiêu chuẩn cao dành cho EU còn tiêu chuẩn thấp dành cho Việt Nam. Hai bên vẫn cùng nhìn về một hướng nhưng do có sự chênh lệch về trình độ phát triển nên sẽ thiết kế một số giải pháp để lợi ích được cân bằng và giúp Việt Nam thực thi có hiệu quả hiệp định.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

EU là đối tác FDI hàng đầu của Việt Nam với 1.687 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 32,85 tỷ USD và thực hiện là 13,07 tỷ USD (tính đến hết năm 2011). Hiện có 22/27 nước thành viên EU có dự án đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam nhưng tập trung nhiều nhất vào các ngành công nghệ cao, bưu chính viễn thông, tài chính, bán lẻ và văn phòng cho thuê.

 

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn