Giải quyết tranh chấp số DS141

09/03/2010    986

EC – Thuế chống phá giá áp dụng đối với khăn trải giường cotton nhập khẩu từ Ấn Độ

Tiêu đề:

EC — Khăn trải giường

Nguyên đơn:

Ấn Độ

Bị đơn:

Cộng đồng Châu Âu

Các bên thứ ba:

Ai Cập; Nhật Bản; Hàn Quốc; Hoa Kỳ

Yêu cầu tham vấn ngày:

03 tháng 08 năm 1998

Báo cáo của Ban Hội thẩm ban hành ngày:

30 tháng 10 năm 2000

Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm ban hành ngày:

01 tháng 03 năm 2001

Báo cáo của Ban Hội thẩm theo Điều 21.5 ban hành ngày:

29 tháng 11 năm 2002

Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm theo Điều 21.5 ban hành ngày:

08 tháng 04 năm 2003

Bản tóm tắt cập nhật về vụ kiện 
Bản tóm tắt được cập nhật ngày 24 tháng 02 năm 2010

Tham vấn
Tháng 09/1997, EC khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với khăn trải giường cotton nhập khẩu từ Ấn Độ. Ngày 12/06/1997, EC đã ra quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời theo Quy định của Hội đồng số 1069/97. Tiếp đó, ngày 28/11/1997 EC đã ra quyết định áp thuế chống bán giá chính thức theo Quy định của Hội đồng số 2398/97.
Ngày 03/08/1998, Ấn Độ yêu cầu tham vấn với EC liên quan đến biện pháp chống bán phá giá nói trên. Ấn Độ cho rằng:

  1. việc xác định vị thế của bên khởi kiện, việc khởi xướng điều tra, xác định hành vi phá giá và thiệt hại cũng như các giải thích trong những phán quyết của cơ quan có thẩm quyền EC là không phù hợp với các quy định của WTO.
  2. việc thiết lập các tình tiết thực tế của cơ quan có thẩm quyền EC là không phù hợp và việc đánh giá những tình tiết này cũng không khách quan và công bằng.
  3. EC không tính đến trường hợp đặc biệt Ấn Độ là một nước đang phát triển.
  4. EC đã vi phạm các Điều 2.2.2, 3.1, 3.2, 3.4, 3.5, 5.2, 5.3, 5.4, 5.8, 6, 12.2.2, và 15 của Hiệp định ADA, và các Điều I và VI của GATT 1994.

Giai đoạn Hội thẩm
Thành lập Ban Hội thẩm
Tham vấn giữa Ấn Độ và EC không thành công. Vì vậy, ngày 07/09/1999, Ấn Độ đã khởi kiện việc này ra WTO bằng cách gửi đơn yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm. Tại cuộc họp ngày 22/09/1999, DSB  đã trì hoãn việc thành lập Ban Hội thẩm. Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 27/10/1999, DSB đã chấp nhận đơn yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm lần 2 của Ấn Độ.
Ai Cập, Nhật Bản và Hoa Kỳ yêu cầu tham gia vụ kiện với tư cách bên thứ ba.
Ngày 12/01/2000, do hai bên không thống nhất được về thành phần của Ban Hội thẩm, Ấn Độ đã phải yêu cầu Tổng Giám đốc WTO chỉ định các thành viên cho Ban Hội thẩm. Ngày 24/01/2000, Ban Hội thẩm cuối cùng đã được thành lập.
Thông qua Báo cáo của Ban Hội thẩm
Ban Hội thẩm tiến hành xem xét vụ kiện và công khai Báo cáo của mình về vụ kiện này ngày 30/10/2000. Trong Báo cáo này, Ban Hội thẩm kết luận:

  1. EC đã không vi phạm các nghĩa vụ của mình theo các Điều 2.2, 2.2.2, 3.1, 3.4, 3.5, 5.3, 5.4, và 12.2.2 của Hiệp định ADA trong việc:
  1. Tính toán lợi nhuận khi xây dựng giá trị thông thường;   
  2. Coi  tất cả các hàng nhập khẩu từ Ấn Độ (và Ai Cập và Pakistan) là bị bán phá giá trong phân tích thiệt hại gây ra bởi hàng nhập khẩu bán phá giá;
  3. Xem xét thông tin của các nhà sản xuất hình thành nên ngành sản xuất nội địa nhưng lại không thuộc danh sách các nhà sản xuất được chọn mẫu để phân tích tình trạng của ngành sản xuất đó;
  4. Kiểm tra tính chính xác và đầy đủ của các bằng chứng trước khi khởi xướng vụ kiện;
  5. Thiết lập những hỗ trợ cần thiết cho ngành sản xuất trong nước trong việc nộp đơn kiện; và
  6. Công bố công khai quyết định cuối cùng của EC.
  1. Tuy nhiên, Ban Hội thẩm cũng kết luận rằng EC đã vi phạm những nghĩa vụ của mình theo các Điều 2.4.2, 3.4, và 15 của Hiệp định ADA trong việc:
  1. Xác định biên độ phá giá dựa trên một phương pháp kết hợp với phương pháp Zeroing (Quy về 0 các biên độ phá giá âm)
  2. Không đánh giá tất cả những nhân tố liên quan có ảnh hưởng đến tình trạng của ngành sản xuất nội địa trong việc xác định thiệt hại (các nhân tố khác ngoài nhân tố hàng nhập khẩu bán phá giá), đặc biệt là tất cả các nhân tố đã nêu trong Điều 3.4 của Hiệp định ADA;
  3. Xem xét cả thông tin của các nhà sản xuất không thuộc ngành sản xuất nội địa như định nghĩa của cơ quan điều tra trong phân tích tình trạng ngành sản xuất; và
  4. Không xem xét khả năng khắc phục thương mại trước khi áp dụng thuế chống phá giá.

Kháng cáo Phúc thẩm
Ngày 01/12/2000, EC đã gửi thông báo cho DSB về ý định kháng cáo một số vấn đề pháp lý và giải thích pháp luật trong Báo cáo của Ban Hội thẩm.
Ngày 01/03/2001, Cơ quan Phúc thẩm hoàn thành Báo cáo trong đó:

  1. Tán thành kết luận của Ban Hội thẩm về việc EC áp dụng phương pháp Zeroing để xác định “sự tồn tại của biên độ phá giá” là vi phạm Điều 2.4.2 của Hiệp định ADA;
  2. Bác bỏ kết luận của Ban Hội thẩm về:
  3. Phương pháp tính toán chi phí quản trị, chi phí bán hàng, chi phí chung và lợi nhuận theo Điều 2.2.2 (ii) Hiệp định ADA có thể được áp dụng cả khi chỉ có số liệu về chi phí quản trị, chi phí bán hàng, chi phí chung và lợi nhuận của một nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất khác; và
  4. Khi tính toán lợi nhuận theo Điều 2.2.2 (ii) Hiệp định ADA có thể loại bỏ những giao dịch bán hàng không theo các điều kiện thương mại thông thường của các nhà xuất khẩu hoặc sản xuất khác.
  5. Cuối cùng, kết luận rằng EC, khi tính toán chi phí quản trị, chi phí bán hàng, chi phí chung và lợi nhuận trong cuộc điều tra chống bán phá giá mặt hàng này, đã vi phạm Điều 2.2.2(ii) Hiệp định ADA.

Ngày 12/03/2001, DSB đã thông qua Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và Báo cáo đã chỉnh sửa của Ban Hội thẩm.
Tình hình thực thi quyết định giải quyết tranh chấp của DSB
Thành lập Ban hội thẩm tuân thủ theo Điều 21.5
Ngày 05/04/2001, tại cuộc họp của DSB, EC đã thông báo ý định thực thi các khuyến nghị của DSB nhưng cần phải có một khoảng thời gian hợp lý. Tuy nhiên Ấn Độ lại cho rằng EC chỉ cần một thời gian ngắn để thực hiện việc này. Ngày 26/04/2001, các bên thông báo với DSB rằng họ đã đạt được thoả thuận về khoảng thời gian hợp lý là 5 tháng và 2 ngày, tức là từ ngày 12/03/2001 đến ngày 14/08/2001.
EC đã sửa đổi quy định áp thuế chống bán phá giá cuối cùng đối với khăn trải giường cotton có xuất xứ từ Ai Cập, Ấn Độ và Pakistan và tạm ngừng việc áp thuế đối với các mặt hàng này từ Ấn Độ trước thời hạn 14/08/2001. Mặc dù vậy, tại cuộc họp ngày 23/08/2001 của DSB, Ấn Độ đã phát biểu quan điểm cho rằng Quy định mới của EC chưa thực sự tuân thủ các khuyến nghị của DSB.
Ngày 13/09/2001, Ấn Độ và EC thông báo với DSB về việc hai bên đã đạt được thoả thuận về quy trình thủ tục theo Điều 21 và 22 của DSU. Theo đó, nếu Ấn Độ, dựa trên các kết quả giải quyết tranh chấp theo điều 21.5 của DSU (nếu có), quyết định khởi xướng theo Điều 22 thì EC không thể phản đối việc này với điều kiện yêu cầu khởi xướng phải được đưa ra trong thời hạn 30 ngày.
Ngày 08/03/2002, Ấn Độ yêu cầu tham vấn theo Điều 21.5 của DSU vì cho rằng EC đã vi phạm các Điều 2, 3, 5.7, 6, 9, 12 và 15 của Hiệp định ADA. Ngày 04/04/2002, Ấn Độ yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm tuân thủ nhằm đưa ra các kết luận rằng:

  1. việc xác định lại biên độ phá giá, như đã sửa đổi, và các hành động tiếp sau như đã kể trên của EC, là vi phạm các Điều nêu trên của Hiệp định ADA và GATT 1994; và
  2. với việc không rút lại những biện pháp được cho là vi phạm Hiệp định ADA và điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp với Hiệp định ADA và GATT 1994, EC đã không tuân thủ các phán quyết và khuyến nghị của DSB trong vụ kiện này.

Ngày 17/04/2002, tại cuộc họp của DSB, Ấn Độ thông báo với DSB rằng hai bên đã đạt được thỏa thuận, do đó Ấn Độ yêu cầu rút vấn đề này ra khỏi chương trình nghị sự theo Quy tắc 6 của các Quy tắc về Thủ tục cho các cuộc họp của WTO. DSB đã chấp nhận yêu cầu của Ấn Độ.
Ngày 07/05/2002, Ấn Độ lại yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm tuân thủ. Tại cuộc họp ngày 22/05/2002 DSB đã đồng ý, nếu cần thiết, đưa vấn đề tranh chấp về Ban Hội thẩm ban đầu để giải quyết.
Nhật Bản và Hoa Kỳ tiếp tục giữ quyền tham gia vào vụ kiện với tư cách bên thứ 3. Ngày 27/05/2002, Hàn Quốc cũng yêu cầu được tham gia vào vụ kiện với tư cách bên thứ 3.
Ngày 25/06/2002, Ban Hội thẩm tuân thủ được thành lập. Ngày 19/08/2002, Chủ tịch Ban Hội thẩm thông báo với DSB dự kiến hoàn thành công việc vào tháng 11/2002.
Ngày 29/11/2002, Báo cáo của Ban Hội thẩm hoàn thành và gửi tới tất cả các thành viên WTO. Trong đó, Ban Hội thẩm kết luận biện pháp chống phá giá cuối cùng mà EC áp dụng đối với khăn trải giường nhập khẩu từ Ấn Độ theo Quyết định EC 1644/2001 là không vi phạm Hiệp định ADA hay DSU. Do đó, Ban Hội thẩm kết luận EC đã thực hiện đúng những khuyến nghị của Ban Hội thẩm ban đầu, của Cơ quan Phúc thẩm và DSB nhằm điều chỉnh các biện pháp của mình phù hợp với Hiệp định ADA.
Kháng cáo Phúc thẩm
Ngày 08/01/2003, Ấn Độ đã gửi thông báo cho DSB về ý định kháng cáo lên Cơ quan Phúc thẩm một số vấn đề pháp lý và giải thích pháp luật trong Báo cáo của Ban Hội thẩm. Ngày 06/03/2003, Cơ quan Phúc thẩm thông báo với DSB rằng không thể hoàn thành báo cáo trong vòng 60 ngày và dự định sẽ hoàn thành trước ngày 08/04/2003.
Ngày 08/04/2003, Báo cáo phúc thẩm được gửi tới tất cả các thành viên WTO, trong đó:

  1. đồng ý với phán quyết của Ban Hội thẩm rằng khiếu nại của Ấn Độ theo Điều 3.5 là không phù hợp và do đó từ chối xem xét lại vấn đề đó,
  2. bác bỏ phán quyết của Ban Hội thẩm về việc EC đã không vi phạm các đoạn 1 và 2 của Điều 3 Hiệp định ADA,  
  3. từ chối xem xét lại phán quyết của Ban Hội thẩm về việc EC đã áp dụng biện pháp thay thế thứ hai trong câu thứ hai Điều 6.10 (về việc thay vì điều tra tất cả các nhà xuất khẩu có liên quan, cơ quan điều tra sẽ chỉ chọn một số nhà xuất khẩu để làm mẫu điều tra) nhằm hạn chế phạm vi điều tra; và
  4. nhận thấy Ban Hội thẩm đã từ bỏ hợp lý các nghĩa vụ của mình theo Điều 17.6 của Hiệp định ADA và Điều 11 của DSU và, do đó, tán thành kết luận của Ban Hội thẩm rằng EC đã có thông tin trước đó về các nhân tố kinh tế liên quan được liệt kê trong Điều 3.4 của Hiệp định ADA khi xác định thiệt hại.

Cơ quan Phúc thẩm khuyến nghị DSB yêu cầu EC điều chỉnh các biện pháp phù hợp với Hiệp định ADA.
Tại cuộc họp ngày 24/ 04/2003, DSB thông qua Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và Báo cáo đã sửa đổi của Ban Hội thẩm.