Giải quyết tranh chấp số DS122

09/03/2010    430

Thái Lan – Thuế chống bán phá giá với thép phi hợp kim dạng góc, khối và rầm chữ H nhập khẩu từ Ba Lan

Tiêu đề:

Thái Lan – rầm chữ H

Bên thưa kiện:

Ba Lan

Bên bị đơn:

Thái Lan

Các bên thứ ba:

Cộng đồng Châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ

Ngày nhận được yêu cầu tham vấn:

06 tháng 04 năm 1998

Ngày lưu hành báo cáo của Ban hội thẩm

28 tháng 9 năm 2000

Ngày lưu hành báo cáo của bên kháng án

12 tháng 3 năm 2001

Bản tóm tắt cập nhật về vụ kiện
Bản tóm tắt được cập nhật ngày 5 tháng 01 năm 2007
Báo cáo được thông qua của Cơ quan Phúc thẩm và Ban Hội thẩm
Do Ba Lan khởi kiện.
Vào ngày 6 tháng 4 năm 1998, Ba Lan yêu cầu tham vấn với Thái Lan liên quan đến việc áp đặt thuế chống bán phá giá cuối cùng với thép phi hợp kim dạng góc, khối và rầm chữ H. Ba Lan khẳng định rằng các mức thuế chống bán phá giá tạm thời do Thái Lan áp đặt vào ngày 27 tháng 12 năm 1996 và mức thuế chống bán phá giá cuối cùng bằng 27,79% giá CIF của những sản phẩm này, do bất cứ nhà sản xuất hay xuất khẩu Ba Lan nào sản xuất hay xuất khẩu, sẽ được áp dụng từ ngày 26 tháng 5 năm 1997. Ba Lan cũng khẳng định thêm rằng Thái Lan đã từ chối hai yêu cầu của Ba Lan trong việc công khai các dữ liệu. Ba Lan cho rằng những hành động của Thái Lan vi phạm Điều 2, 3, 5 và 6 của Hiệp định Chống bán phá giá.
Vào ngày 13 tháng 10 năm 1999, Ba Lan yêu cầu thành lập Ban hội thẩm. Tại cuộc họp vào ngày 27 tháng 10 năm 1999, Cơ quan Giải quyết tranh chấp đã trì hoãn việc thành lập ban hội thẩm. Sau yêu cầu lần thứ hai của Ba Lan, Cơ quan Giải quyết tranh chấp thành lập ban hội thẩm tại phiên họp ngày 19 tháng 11 năm 1999. Cộng đồng Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ bảo lưu các quyền của bên thứ ba. Vào ngày 20 tháng 12 năm 1999, Ban hội thẩm được thành lập. Báo cáo được ban hành tới các thành viên vào ngày 28 tháng 12 năm 2000. Ban hội thẩm kết luận rằng:

    • Ba Lan đã không chứng minh được rằng Thái Lan đã thực hiện không nhất quán với những nghĩa vụ đã cam kết theo Điều 2 Hiệp định Chống bán phá giá hay Điều VI GATT 1994 khi tính toán lợi nhuận trong giá thông thường tính toán.
    • Việc Thái Lan áp đặt biện pháp chống bán phá giá cuối cùng với mặt hàng rầm chữ H nhập khẩu từ Ba Lan là không nhất quán với Điều 3 của Hiệp định Chống bán phá gián, cụ thể là:
  • Không nhất quán với câu thứ hai Điều 3.2 và Điều 3.1: nhà chức trách Thái Lan không xem xét ảnh hưởng của giá hàng nhập khẩu bán phá giá dựa trên “việc xác minh khách quan” “các chứng cứ tích cực” trên cơ sở thực tế được đưa ra;
  • Không nhất quán với Điều 3.4 và 3.1: cơ quan điều tra Thái Lan đã không xem xét các nhân tố được nêu ở Điều 3.4, và không đưa ra những giải thích cần thiết về cách thức xác định thiệt hại trên cơ sở “đánh giá khách quan hoặc không thiên lệch” hay “kiểm tra khách quan” “các chứng cứ có lợi” dựa trên cơ sở thực tế được đưa ra; và
  • Không nhất quán với Điều 3.5 và 3.1: nhà chức trách Thái Lan đưa ra phán quyết về mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu phá giá và bất cứ sự thiệt hại có thể xảy ra dựa trên cơ sở (a) những kết luận về ảnh hưởng của giá hàng nhập khẩu bán phá giá, mà theo Ban hội thẩm những kết luận này không nhất quán với câu thứ hai của Điều 3.2 và Điều 3.1; và (b) những kết luận về thiệt hại, mà theo Ban hội thẩm những kết luận này không nhất quán với Điều 3.4 và 3.1.
    • theo Điều 3.8 của Quy tắc Giải quyết tranh chấp, trong trường hợp có sự vi phạm các nghĩa vụ cam kết trong các hiệp định, sự vi phạm này được coi là chứng cứ đầy đủ cho hành vi gây thiệt hại tới các lợi ích có được theo các hiệp định đó. Do vậy, khi Thái Lan hành động không nhất quán với các quy định của Hiệp định Chống bán phá giá, nước này đã gây thiệt hại tới những lợi ích mà Ba Lan có thể có được theo quy định của Hiệp định này.

Vào ngày 23 tháng 10 năm 2000, Thái Lan thông báo với Cơ quan Giải quyết tranh chấp về quyết định kháng án một số vấn đề về luật nêu trong Báo cáo của Ban hội thẩm và các cách diễn giải luật do Ban hội thẩm đưa ra. Cơ quan Phúc thẩm cũng lưu hành báo cáo của mình vào ngày 12 tháng 3 năm 2001. Báo cáo nêu:

  • Cơ quan Phúc thẩm đồng tình với kết luận của Ban hội thẩm về những khiếu nại theo Điều 2, 3 và 5 của Hiệp định Chống bán phá giá, yêu cầu thành lập ban hội thẩm của Ba Lan trong trường hợp này tuân thủ Điều 6.2 của Quy tắc Giải quyết tranh chấp;
  • Cơ quan Phúc thẩm bác bỏ kết luận của Ban Hội thảo rằng Hiệp định Chống bán phá giá yêu cầu một ban hội thẩm khi xem xét lại quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá giá chỉ được xem xét các thực tế, chứng cứ và lập luận mà các công ty Ba Lan đã biết hoặc đã được thông báo vào thời điểm có kết luận cuối cùng về việc bán phá giá. Cơ quan Phúc thẩm cho rằng lập luận nói trên của Ban Hội thẩm là không có căn cứ dù là trong Điều 3.1 Hiệp định (quy định về nghĩa vụ của các thành viên trong việc ra kết luận về thiệt hại) cũng như trong Điều 17.6 Hiệp định (quy định về cách thức xem xét và giải quyết tranh chấp của Ban Hội thẩm).
  • Mặc dù đã thay đổi cách lập luận của Ban hội thẩm, nhưng điều này không ảnh hưởng tới những kết luận chính của Ban hội thẩm về hành vi vi phạm;
  • Đồng tình với kết luận của Ban hội thẩm theo Điều 3.4 của Hiệp định Chống bán phá giá. Cơ quan Phúc thẩm đồng ý với Ban hội thẩm rằng Điều 3.4 quy định nghĩa vụ phải đánh giá tất cả các nhân tố được nêu trong Điều đó;
  • Kết luận rằng Ban hội thẩm không hề sai sót trong việc áp đặt nghĩa vụ chứng minh, hoặc áp dụng tiêu chuẩn rà soát theo Điều 17.6(i) của Hiệp định Chống bán phá giá.

Tại cuộc họp ngày 5 tháng 4 năm 2001, Cơ quan Giải quyết tranh chấp đã thông qua bản báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và báo cáo đã sửa đổi của Ban hội thẩm.
Tình trạng thực thi các báo cáo đã thông qua                          
Thái Lan thông báo với Cơ quan Giải quyết tranh chấp rằng nước này đang trong quá trình thực hiện khuyến nghị của Cơ quan Giải quyết tranh chấp và cần một khoảng thời gian hợp lý để thực hiện. Ba Lan nhắc lại rằng để thực hiện các khuyến nghị của Cơ quan Giải quyết tranh chấp, Thái Lan cần phải thu hồi lại các thuế hiện hành. Nếu không, Ba Lan sẽ áp dụng Điều 21.5 của Quy tắc Giải quyết tranh chấp. Ba Lan đã sẵn sàng tham gia tham vấn với Thái Lan về một khoảng thời gian hợp lý cho việc thực hiện. Ngày 21 tháng 5 năm 2001, các bên liên quan thông báo với Cơ quan Giải quyết tranh chấp rằng họ đã thỏa thuận được khoảng thời gian hợp lý là 6 tháng và 15 ngày và do vậy thời hạn thực hiện sẽ kết thúc vào ngày 20 tháng 10 năm 2001.
Tại cuộc họp của Cơ quan Giải quyết tranh chấp ngày 18 tháng 12 năm 2001, Thái Lan thông báo rằng nước này đã thực hiện đầy đủ khuyến nghị của Cơ quan Giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên Ba Lan không chấp nhận cách Thái Lan thực hiện các khuyến nghị của Cơ quan Giải quyết tranh chấp vì theo Ba Lan, các biện pháp đang bị điều tra cần được sửa đổi hoặc bãi bỏ. Theo quan điểm của Ba Lan, Thái Lan chỉ mới thay đổi lý do áp dụng các biện pháp. Ba Lan giữ nguyên quyền của mình theo Điều 21. 5 của Quy tắc Giải quyết tranh chấp.
Ngày 18 tháng 12 năm 2001, Thái Lan và Ba Lan đã thoả thuận sơ bộ về cách thức áp dụng Điều 21 và 22 của Quy tắc Giải quyết tranh chấp. Theo thỏa thuận này, trong trường hợp áp dụng Điều 21.5 và 22 của Quy tắc Giải quyết tranh chấp, Ba Lan đồng ý thực hiện đầy đủ Điều 21.5 trước khi áp dụng Điều 22. Ngày 21 tháng 1 năm 2002, các bên thông báo với Cơ quan Giải quyết tranh chấp về việc hai bên đã đạt được thỏa thuận rằng việc thực hiện các khuyến nghị của Cơ quan Giải quyết tranh chấp trong vụ kiện này sẽ không còn trong chương trình nghị sự của Cơ quan Giải quyết tranh chấp.