VCCI gửi thư kiến nghị về đàm phán Chương Sở hữu trí tuệ trong TPP lên Đại diện Thương mại Hoa Kỳ

04/09/2012    61

Trong khuôn khổ các hoạt động vận động chính sách trong đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trên cơ sở Khuyến nghị Phương án đàm phán Chương Sở hữu Trí tuệ trong TPP (đã gửi Đoàn đàm phán và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 31/8/2012 đã gửi Thư Kiến nghị đến Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR). Thư kiến nghị nêu các quan ngại và đề xuất về cách tiếp cận vấn đề sở hữu trí tuệ trong TPP của VCCI cũng như của 47 đơn vị khác đại diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm bệnh nhân… trên toàn quốc.

----------------------------------------------------------------------------

Hà Nội, ngày 31/8/2012

Đại sứ Ron Kirk

600 phố 17, N.W

Washington, DC 20508

Về Dự thảo Chương Sở hữu trí tuệ trong TPP

Kính gửi ngài Đại sứ Kirk,

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xin gửi tới ngài lời chào trân trọng và lời cảm ơn chân thành về những nỗ lực của ngài trong việc tăng cường mối quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam trong thời gian qua.

Là tổ chức phi chính phủ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, với sự ủng hộ của các nhóm lợi ích liên quan (47 đơn vị đại diện cho trên 43.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm bệnh nhân…ở Việt Nam), chúng tôi viết thư này bày tỏ quan điểm về các cuộc đàm phán Chương Sở hữu trí tuệ đang diễn ra trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương hiện nay.

Là tổ chức đầu tiên ở Việt Nam ủng hộ và thúc giục Chính phủ Việt Nam chính thức tham gia đàm phán TPP từ năm 2010, chúng tôi rất hiểu và kỳ vọng nhiều ở những cơ hội về thương mại và xã hội mà Hiệp định TPP có thể mang lại cho các doanh nghiệp, người nông dân và toàn thể nhân dân Việt Nam.

Tuy nhiên, với những thông tin bị tiết lộ về Dự thảo Chương Sở hữu trí tuệ trong đàm phán TPP, Hiệp định này đang đặt ra những thách thức khó vượt qua và có thể gây ra những ảnh hưởng bất lợi lớn đối với một bộ phận dân cư quan trọng và dễ bị tổn thương của Việt Nam.Suy đoán là mang lại lợi ích cho chỉ một nhóm nhỏ các chủ sở hữu quyền, các quy định tại Dự thảo Chương này cũng có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng ở Hoa Kỳ, dù thu nhập và mức sống của họ cao hơn nhiều so với người dân Việt Nam.

Chương Sở hữu trí tuệ hiện tại trong TPP, vì vậy, sẽ là nguyên nhân làm giảm chất lượng cuộc sống, hạn chế thu nhập của người nghèo, gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất ổn xã hội. Chúng tôi cho rằng đây là lý do chính khiến nhiều đối tác đàm phán TPP quan ngại đặc biệt và do đó, rõ ràng là chỉ bằng cách thay đổi quan điểm tiếp cận ở Chương này và điều chỉnh các điều khoản tương ứng, đàm phán TPP mới có cơ hội nhận được sự đồng thuận và có thể được hoàn tất.

Những nguy cơ từ Dự thảo Chương Sở hữu trí tuệ TPP

Trong khi nhận thức được đầy đủ về những lợi ích cũng như sự cần thiết của việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ trong thúc đẩy năng lực sáng tạo, phát triển kinh tế và do đó ủng hộ việc Việt Nam bảo hộ SHTT, tham gia vào các Công ướcWIPO theo một lộ trình thích hợp, chúng tôi cho rằng:

-        Việc tăng cường bảo hộ các quyền của chủ sở hữu quyền và/hoặc giảm các điều kiện để được công nhận bảo hộ (TRIPS+), đặc biệt trong lĩnh vực sáng chế và độc quyền dữ liệu đối với dược phẩm, sẽ ngăn cản các nỗ lực tăng khả năng tiếp cận các loại sản phẩm đặc biệt quan trọng trong chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tính mạng của người dân Việt Nam cũng như các nước

Ít nhất đối với Việt Nam, viễn cảnh này là điều không thể chấp nhận từ góc độ đạo đức và pháp lý. Theo báo cáo của WHO, ở Việt Nam, giá thuốc đại trà hiện đang cao gấp 11,41 lần giá thuốc trung bình trên thế giới, giá thuốc đặc trị thì cao gấp 46,58 lần trung bình thế giới trong khi người dân Việt Nam chỉ mới vừa qua ngưỡng thu nhập thấp.Giá thuốc đã quá cao hiện nay là một nguyên nhân quan trọng khiến cho tỷ lệ bệnh nhân có khả năng tiếp cận thuốc hiện rất thấp:chỉ có 20% số người có nhu cầu có thể tiếp cận thuốc (nói chung), và chỉ có 13% đối tượng có nhu cầu có thể tiếp cận được thuốc dành cho bà mẹ, trẻ em. Nếu các quy định về sáng chế trong Dự thảo hiện tại được áp dụng, cơ hội giảm giá thuốc sớm hơn sẽ bị triệt tiêu, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Với thực tế là phần lớn người bệnh ở độ tuổi lao động hoặc sẽ tham gia vào lực lượng lao động trong tương lai, các doanh nghiệp và toàn xã hội sẽ chịu tác động gián tiếp nhưng không hề nhỏ hơn từ nguy cơ này;

-        TRIPS+ trong lĩnh vực sáng chế, độc quyền dữ liệu đối với nông hóa phẩm và chỉ dẫn địa lý, sẽ kéo lùi bước tiến của sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng ở Việt Nam

Là một nước nông nghiệp chậm phát triển, trải qua một thời gian dài chiến tranh và cấm vận kinh tế nhiều khó khăn, hàng triệu người nông dân đang phải dành một phần lớn chi phí sản xuất cho các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Tăng cường bảo hộ sáng chế đồng nghĩa với việc gia tăng các chi phí này, loại bỏ mọi cơ hội giảm giá thành và vì thế mất đi cơ hội thu nhập của 69,4% dân số Việt Nam hiện đang sống dựa vào sản xuất nông nghiệp quy mô hộ gia đình.

Ở Việt Nam, chỉ dẫn địa lý chủ yếu thuộc về các cộng đồng nông thôn có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương. Bảo hộ như nhãn hiệu thương mại các chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức có âm mưu xấu tước đoạt một tài sản quan trọng gắn với thu nhập, văn hóa và đời sống của những cộng đồng dân cư yếu thế này.

Tương tự, TRIPS+ trong sáng chế và bản quyền cũng sẽ tước đi khả năng cải thiện quy trình sản xuất vốn lạc hậu của rất nhiều ngành sản xuất Việt Nam hiện nay khi mà tri thức khoa học công nghệ có giá quá cao;

-        TRIPS+ sẽ chỉ làm cho tình trạng vi phạm quyền gia tăng ở Việt Nam, gây thiệt hại lớn hơn cho chủ sở hữu quyền

Việt Nam hiện đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo hộ SHTT theo các tiêu chuẩn của TRIPS (vốn đã ở một mức rất cao, do chính các nước phát triển đặt ra) và vì thế mọi dự định gia tăng mức độ bảo hộ (TRIPS+) dễ có nguy cơ bị vô hiệu hóa một cách bất đắc dĩ. Trong trường hợp này, rõ ràng các chủ sở hữu quyền Hoa Kỳ sẽ  bị thiệt hại hơn nữa ở Việt Nam. Tập trung vào các quy định tăng cường hiệu quả của các cơ chế thực thi các quyền SHTT hiện tại có lẽ là một giải pháp tốt hơn;

Đề xuất về nội dung Chương SHTT trong TPP

Từ những quan ngại đặc biệt nêu trên, chúng tôi rất mong Ngài và Đoàn đàm phán TPP Hoa Kỳ đồng ý với những đề xuất cụ thể dưới đây:

-      KHÔNG mở rộng phạm vi các đối tượng có thể được bảo hộ bằng Bằng sáng chế (đặc biệt là các phương pháp sử dụng mới, các loại thực vật, động vật), KHÔNG kéo dài thời hạn bảo hộ của Sáng chế và KHÔNG hạ thấp các tiêu chuẩn/điều kiện để được bảo hộ bởi Sáng chế: Với những hệ lụy về giá các sản phẩm thiết yếu với thu nhập, tính mạng và sức khỏe của người dân, các biện pháp này đi ngược lại xu hướng chung của thế giới trong việc thảo luận lại để giảm mức độ bảo hộ đối với chủ sở hữu sáng chế trong TRIPS đối với dược và nông hóa phẩm. Các biện pháp này cũng mâu thuẫn với những giới hạn của TRIPS mà chính Hoa Kỳ đã đồng thuận, theo đó Sáng chế chỉ được sử dụng để bảo hộ những sáng tạo có đóng góp và ý nghĩa thực sự đối với sự phát triển của loài người và xã hội đồng thời không cản trở vô lý sự phát triển đó;

-      KHÔNGbảo hộ Chỉ dẫn địa lý tương tự hoặc dưới hình thức Nhãn hiệu thương mại: Chỉ dẫn địa lý đã và đang là một đối tượng sở hữu trí tuệ đặc thù, đặc trưng bởi việc chúng không thuộc sở hữu của cá nhân hay chủ thể pháp luật riêng biệt nào mà thuộc về cộng đồng, chúng không chỉ gắn với lợi ích kinh tế mà là một phần quan trọng của đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý như bảo hộ nhãn hiệu thương mại (đặc biệt với nguyên tắc “first to file” – ai đăng ký trước thì được hưởng quyền) sẽ vô hiệu hóa đặc trưng cơ bản này của chỉ dẫn địa lý, gây thiệt hại cho các cộng đồng yếu thế sống dựa vào các chỉ dẫn địa lý này;

-      KHÔNG kéo dài thời hạn bảo hộ bản quyền hay mở rộng đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ bằng bản quyền (tới các kỹ thuật bảo vệ tác phẩm – TPMs): Các biện pháp gia tăng bảo hộ về bản quyền một mặt sẽ ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng tới các chi phí và khả năng tiếp cận tri thức của cộng đồng, mặt khác ảnh hưởng trực tiếp tới quyền tự do cá nhân (của các chủ thể sử dụng một cách hợp pháp các sản phẩm có bản quyền) ở bất kỳ nước nào. Với Việt Nam, một nước đi sau, có nhu cầu rất cao trong sử dụng nguồn tri thức phong phú của thế giới để phát triển, điều này càng có ý nghĩa quan trọng và không thể bị bỏ qua.

Chúng tôi tin rằng thu nhập, tính mạng và sức khỏe của hàng triệu người dân Việt Nam(và cả ở Hoa Kỳ) liên quan sẽ phụ thuộc vào những thảo luận và cam kết trong Chương SHTT của TPP. Và chúng tôi cũng tin tưởng rằng Ngài và Đoàn đàm phán TPP Hoa Kỳ cũng sẽ tính đến điều này cũng như các kiến nghị cụ thể của chúng tôi trong quá trình đàm phán.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và xem xét của Ngài đến ý kiến của chúng tôi và chúng tôi chờ câu trả lời của Ngài về vấn đề quan trọng đặc biệt này.

Trân trọng

Vũ Tiến Lộc

(đã ký)

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Đại biểu Quốc hội Việt Nam