Khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp VN về Chương Sở hữu trí tuệ trong TPP - Vấn đề Bản quyền

08/08/2012    108

Bản quyền là lĩnh vực sở hữu trí tuệ điển hình, được ghi nhận và quy định bởi một hệ thống pháp luật chi tiết. Ở các nước thành viên WTO, các quy định về bản quyền tuân thủ những tiêu chuẩn bảo hộ theo quy định của TRIPS.

Với phạm vi các đối tượng quyền rất rộng[1], các sản phẩm chịu tác động của bản quyền rất đa dạng, bao gồm sách, tạp chí, giáo trình, phim, truyền hình, phát thanh, nhạc, phần mềm máy tính...

Các quy định về bản quyền điều chỉnh việc sử dụng và quyền tài sản đối với các sản phẩm này vì vậy có ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng tới đời sống văn hóa, tinh thần của người dân và đặc biệt là liên quan tới hoạt động học tập, nghiên cứu và phát triển của nền khoa học của bất kỳ quốc gia nào.

Nhìn nhận về vấn đề bản quyền (mức độ bảo hộ cụ thể) cần được xem xét từ hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể của mỗi nước trong từng thời kỳ.

1.   Quan điểm tiếp cận về vấn đề bản quyền

Tương tự như trong nhiều vấn đề khác của bảo hộ IP, bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan gắn với hai nhóm lợi ích: một bên là lợi ích của tổ chức, cá nhân sáng tạo hoặc sở hữu tác phẩm, và bên kia là lợi ích của cộng đồng những người sử dụng các tác phẩm đó cho các mục đích khác nhau.

Khác với các quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và các quyền liên quan được xác lập tự động kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo/định hình hay thực hiện mà không cần bất kỳ một thủ tục công bố hay đăng ký nào với các cơ quan có thẩm quyền[2]. Nói cách khác, các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm có quyền đương nhiên được bảo hộ bởi pháp luật.

Vì vậy, điểm khác nhau trong pháp luật về bản quyền của các nước tập trung vào phạm vi và thời hạn các quyền tác giả và quyền liên quan (chứ không liên quan đến thủ tục đăng ký bảo hộ). Mức độ bảo hộ bản quyền ở mỗi nước thường phụ thuộc vào hoàn cảnh trình độ phát triển hoặc sức ép từ các nhóm lợi ích liên quan trong khi vẫn tuân thủ các quy định của TRIPS (đối với với các nước thành viên WTO).

Dù vậy, trên thực tế, trong mọi trường hợp, dù ở nước phát triển hay đang phát triển, việc bảo hộ càng đi xa hơn so với TRIPS (phạm vi các quyền càng rộng, thời hạn được thực thi quyền càng dài) thì tổ chức, cá nhân là tác giả hay chủ sở hữu càng có lợi trong khi lợi ích của cộng đồng (đặc biệt là các đơn vị có chức năng phục vụ, phát triển tri thức công cộng như các thư viện, các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu…) trong việc tiếp cận nhanh chóng và với giá hợp lý/miễn phí các tác phẩm càng giảm đi.

Trong quan hệ thương mại giữa các nước với nhau, tăng cường bảo hộ bản quyền so với TRIPS thường mang lại lợi ích chủ yếu cho các nước phát triển xuất khẩu các tác phẩm, nước đang phát triển và cả những nước đã phát triển nhưng chủ yếu nhập khẩu các tác phẩm.

Bình luận về Chương IP trong FTA Australia – Hoa Kỳ

FTA Australia - Hoa Kỳ khiến Australia phải thay đổi cơ chế bản quyền theo hướng giảm khả năng tiếp cận các tác phẩm, làm tốn kém thêm nhiều chi phí của các đơn vị cung cấp tri thức cho công chúng và ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sáng tạo. Điều này là rất bất hợp lý bởi một cơ chế về bản quyền cân bằng hợp lý là cơ sở để tạo ra đầu vào và các nghiên cứu cơ bản phục vụ sự phát triển của tri thức và các ngành công nghiệp sáng tạo

Trích Bản tường trình về FTA Australia – Hoa Kỳ của Liên hiệp các tổ chức sử dụng công nghệ số Australia (liên minh giữa các doanh nghiệp IP, các tổ chức nghiên cứu, trường, đại học, nhóm người tiêu dùng, cơ sở văn hóa, thư viện Australia)

Chúng tôi không ủng hộ việc thông qua FTA với Hoa Kỳ bởi Chương 17 (IP) FTA này sẽ dẫn tới những thiệt hại nghiêm trọng cho sự phát triển sáng tạo và đổi mới của Australia thông qua việc hạn chế quyền tiếp cận và tăng chi phí tiếp cận tri thức… Các nghĩa vụ đặt ra cho Australia từ các cam kết trong FTA này sẽ thay đổi căn bản sự cân bằng trong lĩnh vực này ở Australia, gây ra những tác động bất lợi tới môi trường văn hóa, giáo dục, thông tin của đất nước… và ảnh hưởng đến các điều kiện cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu chính sách của chính phủ trong việc tạo dựng “một đất nước thông minh hơn” ở Australia…

Trích Bản tường trình về FTA Australia – Hoa Kỳ của Ủy ban Bản quyền liên minh các Thư viện Australia

Nguồn: Website Nghị viện Australia www.aph.gov.au 

Đối với Việt Nam, tương tự như trong tất cả các lĩnh vực khác về IP, bên cạnh yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cũng như khuyến khích sáng tạo của các tác giả, chủ sở hữu các đối tượng bản tương, nhu cầu của công chúng, của nền kinh tế và khoa học đối với các đối tượng bản quyền là rất cao.

Bên cạnh các nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân vốn rất có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, khả năng tiếp cận tri thức (khoa học, giáo dục…) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển con người cũng như nền khoa học của một quốc gia. Là một nước đi sau, sử dụng nguồn tri thức phong phú của thế giới để phát triển là nhu cầu không thể bỏ qua của Việt Nam, trong đó đặc biệt là tri thức khoa học thường thức phục vụ giáo dục và tri thức khoa học phục vụ nghiên cứu và phát triển.

Gia nhập WTO, Việt Nam đã sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ để đảm bảo tuân thủ các quy định của TRIPS, trong đó có vấn đề quyền tác giả và các quyền liên quan. Như đã đề cập, TRIPS là sản phẩm chủ yếu của các nước phát triển xuất khẩu IP, và vì vậy TRIPS là ngưỡng “cao” đối với các nước đang phát triển như Việt Nam và được xem là đủ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích cho các tác giả/chủ sở hữu các tác phẩm văn học nghệ thuật, giáo dục và khoa học (cả về phạm vi quyền và thời gian được bảo hộ quyền).

Do đó, cách thức tiếp cận thích hợp nhất đối với Việt Nam trong vấn đề này có lẽ là:

-         Hạn chế tối đa mọi điều chỉnh theo hướng mở rộng các quyền của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm so với yêu cầu hiện tại của TRIPS, nhất là những điều chỉnh có ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các tác phẩm phục vụ các mục đích giáo dục, nghiên cứu và phát triển;

-         Hạn chế việc kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan so với quy định của TRIPS, đặc biệt là những trường hợp gia hạn không phục vụ trực tiếp quyền lợi cá nhân của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

2. Các kiến nghị cụ thể về phương án đàm phán Mục Bản quyền trong TPP

(Xem trong bản Khuyến nghị cụ thể trong file download dưới đây)


[1] Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ quy định “Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá”.

[2] Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, Điều này cũng ghi rõ việc đăng ký này nhằm mục đích để cơ quan Nhà nước ghi nhận các thông tin về tác giả/chủ sở hữu và tác phẩm, không phải thủ tục bắt buộc để được hưởng các quyền.