Khuyến nghị của cộng đồng DN VN về phương án đàm phán Chương Sở hữu trí tuệ trong TPP - Vấn đề Sáng chế

03/08/2012    92

Sáng chế là một trong những chủ đề gây nhiều tranh cãi trong các đàm phán FTA của Hoa Kỳ nói chung và đàm phán TPP nói riêng. Điều này xuất phát từ các lợi ích trái ngược nhau giữa Hoa Kỳ và các nước đang phát triển như Việt Nam trong vấn đề này. Vì vậy, để có thể đạt được kết quả khả thi trong đàm phán, Việt Nam cần có quan điểm tiếp cận vấn đề từ hoàn cảnh cụ thể của mình và có các phương án đàm phán cụ thể thích hợp.

Các nội dung dưới đây phân tích và đưa ra quan điểm cùng các kiến nghị phương án đàm phán về sáng chế thích hợp cho Việt Nam trên cơ sở cân nhắc lợi ích tổng thể của các bên liên quan ở Việt Nam.

1.      Quan đim tiếp cn đi vi bo h Sáng chế ở Việt Nam

Theo định nghĩa[1], sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Như vậy sáng chế có thể bao gồm hầu như tất cả những sáng tạo khoa học phục vụ cho sản xuất và phát triển. Cũng vì vậy, bảo hộ độc quyền đối với sáng chế như thế nào sẽ có tác động trực tiếp đến khả năng phổ biến và ứng dụng khoa học trong sản xuất và đời sống.

Về bản chất, bằng sáng chế độc quyền mang lại quyền và lợi ích cho chủ sở hữu bằng sáng chế trong quan hệ với người sử dụng các sản phẩm từ sáng chế được bảo hộ đó. Người sử dụng phải trả phí bản quyền (thông qua việc trả phí trực tiếp để được phép sản xuất hoặc trả phí thông qua giá đối với sản phẩm có bản quyền) cho chủ sở hữu bằng sáng chế. Chính vì phí bản quyền này mà khả năng mở rộng và phát triển rộng rãi các sáng chế bị giới hạn đáng kể.

Đối với một nước có nền sản xuất còn nhiều hạn chế, khả năng sáng tạo chưa cao, hầu như chỉ nhập khẩu công nghệ như Việt Nam (tương tự như với tất cả các nước đang phát triển khác), nhìn chung càng tăng cường bảo hộ sáng chế, doanh nghiệp, người tiêu dùng các sản phẩm công nghệ ở Việt Nam càng bị thiệt hại. Trong hoàn cảnh Việt Nam đang cố gắng tiếp nhận, hấp thụ càng nhiều sản phẩm công nghệ/sáng tạo với giá càng rẻ càng tốt để tăng chất lượng cuộc sống, sức khỏe, hiệu quả sản xuất thì mọi đề xuất tăng cường bảo hộ sáng chế (dưới bất kỳ hình thức nào) so với các mức bảo hộ hiện tại của TRIPS đều là bất lợi cho Việt Nam nói chung và có thể tác động nghiêm trọng tới một số nhóm cụ thể (như sẽ trình bày dưới đây).

1.1.      Vn đ sáng chế đi vdược phẩm và các biện pháp chữa bệnh cho người 

Dược phẩm là một trong những lĩnh vực được xem là nhạy cảm nhất trong các vấn đề về Sáng chế bởi sản phẩm này có liên quan tới một lợi ích công cộng đặc biệt quan trọng: sức khỏe, tính mạng con người và xa hơn là sự tồn tại và chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

Theo TRIPS, các loại dược phẩm hiện đại (không tính thuốc đông y truyền thống) đều có thể được xem là sáng chế. Những dược phẩm được đăng ký bảo hộ sáng chế và còn trong thời hạn bảo hộ được gọi là “thuốc có bản quyền”, chỉ chủ sở hữu có quyền cho phép sản xuất. Các đơn vị sản xuất khác nếu muốn sản xuất thuốc có bản quyền đó thì phải trả tiền cho chủ sở hữu sáng chế theo thỏa thuận và vì vậy giá của các dược phẩm được sản xuất ra sẽ phải bao gồm cả tiền bản quyền này. Trên thực tế, nhiều hãng dược đã bị chỉ trích bởi đã thu lợi quá lớn từ bản quyền dược phẩm (bằng cách đòi mức phí bản quyền cao) khiến giá thuốc trở nên bất hợp lý và không thể “chịu đựng” được bởi người bệnh ở nhiều nước trên thế giới. Giá thuốc chỉ rẻ đi khi thuốc hết thời hạn bảo hộ độc quyền (gọi là thuốc generic), các nhà sản xuất khác nếu có khả năng (có công nghệ và nguồn lực) có thể sản xuất thuốc generic mà không phải trả phí bản quyền cho chủ sở hữu.

Mọi yêu cầu cao hơn TRIPS trong bảo hộ sáng chế (ví dụ gia hạn thời gian bảo hộ, tạo thuận lợi để việc đăng ký bảo hộ dễ dàng, mức phạt vi phạm cao và nghiêm khắc hơn…) đối với dược phẩm đồng nghĩa với việc giúp tăng cường quyền bảo hộ của chủ sở hữu sáng chế. Điều này sẽ làm khó khăn cho việc sản xuất thuốc generic theo các cách thức khác nhau. Hệ quả trực tiếp và tức thời là giá thuốc cao và điều kiện để hạ giá thuốc hầu như không khả thi. Đối với một nước đang phát triển nói chung, nơi thu nhập trung bình của người dân ở mức thấp và chi phí chữa bệnh chiếm một tỷ trọng cao trong tổng chi phí sinh hoạt, giá thuốc cao đồng nghĩa với khả năng tiếp cận thuốc giảm rõ rệt, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bảo vệ sức khỏe của từng cá nhân.

Trong các trường hợp mà chi phí dành cho dược phẩm và chữa trị được tài trợ bởi Nhà nước thông qua các chương trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giá thuốc cao đồng nghĩa với việc số lượng người thụ hưởng ít hơn và/hoặc mức độ hỗ trợ trong chữa trị giảm đi đáng kể (bởi nguồn lực của Nhà nước dành cho việc này ở các nước đang phát triển là rất nhỏ). Nói cách khác bảo hộ sáng chế cao hơn TRIPS sẽ có tác động tiêu cực, trực tiếp, tức thời và nghiêm trọng tới quyền tiếp cận dược phẩm và công cuộc bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở các nước đang phát triển. Và Việt Nam không nằm ngoài quy luật này.

Thực trạng khả năng tiếp cận thuốc tại Việt Nam

Theo một khảo sát của WHO năm 2010 thì giá thuốc đại trà ở Việt Nam cao gấp 11,41 lần giá thuốc trung bình trên thế giới, giá thuốc đặc trị thì cao gấp 46,58 lần trung bình thế giới.

Giá thuốc quá cao này là một nguyên nhân quan trọng khiến cho tỷ lệ bệnh nhân có khả năng tiếp cận thuốc (thuốc có giá vừa phải, chất lượng tốt) rất thấp.

Cụ thể, ở Việt Nam mới chỉ có 20% số người có nhu cầu có thể tiếp cận thuốc (nói chung), và chỉ có 13% đối tượng có nhu cầu có thể tiếp cận được thuốc dành cho bà mẹ, trẻ em.

Nguồn: Báo cáo “Giá thuốc khiến người dân ốm yếu hơn và nghèo hơn”,Văn phòng WHO tại Việt Nam, 2010

Đối với các doanh nghiệp sản xuất dược ở các nước đang phát triển, TRIPS+ cũng gây ra những khó khăn đáng kể bởi đây thường là những doanh nghiệp nhỏ, rất ít chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển dược phẩm mới và chủ yếu sản xuất thuốc generic. Và TRIPS+ cản trở việc sản xuất thuốc generic của các doanh nghiệp này.

Tại nhiều diễn đàn khắp nơi trên thế giới, có một sự đồng thuận cao về việc trong khi các lợi ích kinh tế cần được cân nhắc và bù trừ trong những trường hợp nhất định trong khuôn khổ các đàm phán mở cửa thương mại, sức khỏe cộng đồng là điều không thể bị hy sinh vì bất kỳ lợi ích nào khác.

Trong khuôn khổ WTO, bản thân các nước cũng thừa nhận rằng TRIPS là tiêu chuẩn quá cao nếu xét từ góc độ dược phẩm. Đây là lý do tại sao các nước đồng thuận trong việc đưa ra tuyên bố Doha 2001 về việc áp dụng linh hoạt TRIPS đối với các trường hợp liên quan đến quyền tiếp cận dược phẩm của công chúng. Và đây là căn cứ quan trọng để các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, áp dụng cũng như đòi hỏi những tiêu chuẩn IP linh hoạt và phù hợp trong vấn đề này trong cả WTO lẫn các đàm phán thương mại khác.

Do đó, cả từ góc độ lợi ích lẫn khả năng đàm phán, các nhà đàm phán của Việt Nam cần và hoàn toàn có thể không nhân nhượng với bất kỳ đòi hỏi TRIPS+ nào từ phía các đối tác TPP đối với vấn đề dược phẩm.

Trường hợp không có sự phân biệt về đối tượng áp dụng trong các quy định Chương IP của TPP, ít nhất cần có quy định nêu rõ dược phẩm và các nhóm sản phẩm dịch vụ y tế là ngoại lệ của các quy định TRIPS+ trong Chương này và rằng các hình thức áp dụng linh hoạt TRIPS trong Tuyên bố Doha 2001 là một bộ phận không tách rời của Chương này.

1.2. Vn đ sáng chế đối với lĩnh vực nông nghiệp (đặc biệt là nông hóa phẩm, các loại giống cây trồng, vật nuôi)

Với lực lượng lao động (hoạt động toàn bộ hoặc bán thời gian) chiếm tới trên 48% tổng số dân trong độ tuổi lao động và 69,4% dân số sống ở khu vực nông thôn, ngành nông nghiệp tuy chỉ đóng góp 22,02% tổng giá trị sản phẩm trong nước[2] nhưng có ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của đa số dân cư Việt Nam.

Các quy định về tăng cường mức độ bảo hộ sáng chế có ảnh hưởng trực tiếp tới giá của các loại nông hóa phẩm quan trọng trong nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn gia súc… bởi các sản phẩm này hầu hết đều là đối tượng của các sáng chế. Cơ chế ảnh hưởng tương tự như phân tích đối với dược phẩm (nêu trên): sản phẩm được bảo hộ thì giá thành phải cõng thêm phí bản quyền (mà thường là rất cao) và do đó càng tăng cường bảo hộ sáng chế, nguy cơ các sản phẩm độc quyền bị tăng giá càng cao hơn.

Trong khi đó, với trình độ sản xuất còn thấp như hiện tại, chi phí dành cho thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất phục vụ nông nghiệp chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng chi phí sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Giá nông hóa phẩm tăng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, qua đó tác động tức thời đến thu nhập của một bộ phận lớn dân cư sống dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Hơn nữa, trong nhiều FTA gần đây các nước phát triển như Hoa Kỳ còn ép đưa vào những quy định mới cho phép mở rộng đối tượng có thể được bảo hộ qua bằng sáng chế, cụ thể bảo hộ sáng chế đối với các loại giống cây trồng và vật nuôi (vốn là những đối tượng mà theo TRIPS các nước được phép loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ sáng chế do có thể gây tác động lớn tới sản xuất lương thực, thực phẩm cũng như đa dạng sinh học). Nếu trong TPP có những quy định như vậy, chi phí cho các loại cây, con giống mới cho năng suất cao sẽ là rất lớn.

Trong khi đó, khác với lĩnh vực dược phẩm và quyền tiếp cận dược phẩm của công chúng, nông nghiệp không phải mối quan tâm chung của các nước đang phát triển trong đàm phán TPP (bởi họ không có ngành nông nghiệp như Việt Nam). Vì vậy, Việt Nam có thể không nhận được sự ủng hộ của các đối tác trong đàm phán để bảo vệ những lợi ích nông nghiệp trong các quy định về sáng chế tại chương IP. Do đó, các nhà đàm phán Việt Nam càng cần phải quyết tâm và cứng rắn hơn trong đàm phán về vấn đề này nhằm bảo vệ tốt nhất một nhóm lợi ích đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Bởi lợi ích về nông nghiệp và quyền lợi của hàng triệu nông dân, nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và cần bảo vệ nhất trong quá trình hội nhập của Việt Nam không thể bị đánh đổi cho bất kỳ lợi ích nào (đặc biệt khi những lợi ích đó chỉ là suy đoán, và không chắc chắn – ví dụ như kỳ vọng tăng trưởng FDI nhờ bảo vệ IP; hoặc chỉ hướng vào một nhóm nhỏ mà vốn đã có thu nhập rất cao - các chủ sở hữu sáng chế các nông hóa phẩm ở nước ngoài).

Trong khi các nhà đàm phán Hoa Kỳ thường rất cứng rắn trong các vấn đề về IP dưới áp lực của các công ty lớn trong nước họ, các nhà đàm phán Việt Nam cũng cần có sự quyết tâm tương tự trong việc từ chối các đề xuất này bởi lợi ích mà Việt Nam bảo vệ là chính đáng, và trong so sánh với các nhóm lợi ích mà Hoa Kỳ cần bảo vệ thì rõ ràng những lợi ích của nhóm yếu thế, đông đảo và có thu nhập thấp cần phải được ưu tiên hơn.

Do vậy, từ góc độ lợi ích của nông dân, đối với mọi đề xuất TRIPS+ mà các đối tác đưa ra trong TPP, nếu có, đoàn đàm phán Việt Nam đều cần đòi hỏi các ngoại lệ đối với nhóm sản phẩm thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các nông hóa phẩm khác, nhằm bảo vệ lợi ích của một bộ phận dân cư dễ bị tổn thương trong xã hội.

Tăng cường bảo hộ độc quyền sáng chế (TRIPS+ về patent) đi ngược lại lợi ích và nhu cầu phát triển của Việt Nam

2. Các kiến nghị phương án đàm phán cụ thể về sáng chế

(Xem trong bản Khuyến nghị đầy đủ tại File download dưới đây)


[1] Điều 4.13 Luật Sở hữu trí tuệ

[2] Theo Báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ năm 2011.