Khuyến nghị của cộng đồng DN VN về phương án đàm phán vấn đề Chỉ dẫn địa lý - Chương IP của TPP

03/08/2012    56

Trong đàm phán TPP, trong số các đối tượng được bảo hộ IP, chỉ dẫn địa lý là một mảng tương đối quan trọng với Việt Nam bởi đối tượng này có gắn với một nhóm các sản phẩm nông nghiệp địa phương mà Việt Nam có thế mạnh, đồng thời nó cũng gắn với lợi ích của cộng đồng dân cư nông thôn tham gia sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đó.

Vì vậy, việc xây dựng quan điểm tiếp cận và phương án đàm phán phù hợp về chỉ dẫn địa lý, nhằm bảo vệ những lợi ích công cộng đáng kể này cần được thực hiện cẩn trọng.

1. Quan điểm tiếp cận vấn đề chỉ dẫn địa lý đối với Việt Nam

Chỉ dẫn địa lý – “dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”[1] - là một đối tượng IP tương đối đặc thù. Cụ thể:

-         Thứ nhất, không giống với đa số các đối tượng IP khác, chỉ dẫn địa lý thường không gắn với một sáng tạo đặc thù của cá nhân hay tổ chức cụ thể mà liên quan tới một sản phẩm đặc trưng của một cộng đồng, tại những khu vực địa lý nhất định. Cụ thể, chỉ dẫn địa lý cho phép gắn một sản phẩm với một khu vực địa lý nơi nó được sản xuất ra với hàm ý rằng chất lượng của sản phẩm đó có đặc trưng riêng biệt xuất phát từ môi trường địa lý, bao gồm cả các yếu tố tự nhiên (khí hậu, thuỷ văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái...)và con người (kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương...) của khu vực này[2]. Nói cách khác, chỉ dẫn địa lý có mối quan hệ chặt chẽ tới nguồn thu nhập, văn hóa và cả sự phát triển của những cộng đồng dân cư nhất định.

-         Thứ hai, vì các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý này có danh tiếng, chất lượng đã được xác lập lâu dài, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu để sản phẩm có thể được đưa vào thương mại tốt hơn, mang lại lợi ích thực sự (chứ không phải là suy đoán hay tiềm tàng) cho người kinh doanh các sản phẩm này. Nhìn xa hơn, từ khía cạnh phát triển, chỉ dẫn địa lý còn là điều kiện để tăng cường chất lượng lao động nông thôn, phát triển các kỹ năng sản xuất truyền thống và gìn giữ các giá trị văn hóa xã hội gắn liền với các sản vật của cộng đồng liên quan.

Như vậy, chỉ dẫn địa lý là một đối tượng IP gắn với lợi ích quan trọng (cả thương mại lẫn các lợi ích khác), của một cộng đồng tại một khu vực địa lý nhất định (thay vì của một tổ chức, cá nhân cụ thể). Và do đó cách thức để bảo hộ đối tượng này cũng phải được tiếp cận theo cách thức thích hợp, khác với cách tiếp cận các đối tượng IP như sáng chế, giải pháp hữu ích…

Trên thực tế, tùy thuộc vào đặc điểm riêng của các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý ở mỗi nước mà các nước lựa chọn hệ thống bảo hộ IP thích hợp. Theo thống kê, trong số 167 nước có hệ thống pháp luật ghi nhận về chỉ dẫn địa lý như một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, có tới 111 nước (trong đó có EU) có các quy định riêng biệt về chỉ dẫn địa lý trong khi 56 nước còn lại (trong đó có Hoa Kỳ) lại sử dụng các quy định về nhãn hiệu (trademark) để sử dụng cho chỉ dẫn địa lý[3].

Các sản phẩm có thể gắn với các chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam đều chủ yếu là các sản vật nông nghiệp hoặc các sản phẩm thủ công được sản xuất bởi các làng nghề truyền thống ở các khu vực nông thôn và nông nghiệp, gắn với những cộng đồng lớn, thu nhập thấp, nhạy cảm và cần được bảo vệ đặc biệt trong quá trình hội nhập, mở cửa. Vì vậy, vấn đề thiết lập cơ chế pháp lý nhằm bảo hộ các chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam (đặc biệt các cơ chế được thực hiện theo các cam kết quốc tế) cần được tiếp cận trên quan điểm:

-         Bảo hộ chỉ dẫn địa lý phải hướng tới việc bảo vệ và tăng cường lợi ích của các cộng đồng dân cư sản xuất các sản phẩm liên quan;

-         Bảo hộ chỉ dẫn địa lý phải góp phần ngăn chặn mọi ý định hoặc hành vi có thể dẫn tới việc tách cộng đồng dân cư sản xuất các sản phẩm liên quan khỏi việc sử dụng và hưởng lợi từ các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Quan điểm tiếp cận này đi theo hướng khác so với cách tiếp cận của Hoa Kỳ (thể hiện trong pháp luật nội địa cũng như trong các đàm phán thương mại của nước này). Vì vậy, việc Việt Nam bị Hoa Kỳ gây sức ép mạnh trong đàm phán Chương IP về chỉ dẫn địa lý là điều có thể nhìn thấy trước. Mặc dù vậy, vì những lợi ích quan trọng trong nước, Việt Nam không thể nhượng bộ Hoa Kỳ hay bất kỳ đối tác nào trong TPP về những đề xuất đi ngược lại quan điểm tiếp cận nói trên.

Cần xem chỉ dẫn địa lý là một đối tượng đặc biệt của quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ theo cách thức đặc thù mang lại lợi ích tốt nhất có thể cho cộng đồng dân cư liên quan.

2. Các kiến nghị phương án đàm phán cụ thể về chỉ dẫn địa lý

(Xem Khuyến nghị đầy đủ trong File download dưới đây)

 


[1] Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ

[2] Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ “Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định”.

[3] Guide to Geographical Indications – Link products to their origins, ITC 2009