Đàm phán TPP và chuẩn mực kép của Mỹ

19/07/2012    60

Vòng đàm phán lần thứ 12 Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra tại Dallas, Texas (Hoa Kì) giữa tháng 5 vừa qua được giới quan sát đặc biệt chú ý khi khái niệm "chuẩn mực kép" được trình làng, gây ra nhiều tranh cãi, và "hứa hẹn" sẽ mang đến nhiều thách thức cho phía Việt Nam, đặc biệt là ngành may mặc và da giày.

"Chuẩn mực kép" như cách gọi của một nhà báo thương mại kỳ cựu Greg Rushford hàm ý cách hành xử nước đôi của Mỹ, chính xác hơn là chính quyền Obama trên bàn đàm phán. Một mặt Mỹ kêu gọi các nước đàm phán TPP phải đẩy mạnh tự do hóa thương mại, tháo bỏ các hàng rào bảo hộ mậu dịch, cắt giảm và tiến tới xóa bỏ các loại thuế và hàng rào phi thuế. Từ phía Mỹ tự do thương mại thông qua TPP chính là động cơ thúc đẩy tối đa lợi ích các nước tham gia, qua đó như lời đương kim tổng thống Obama xây dựng "khuôn mẫu không chỉ cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà cho cả các hiệp định mậu dịch trong tương lai."

Mặt khác Mỹ vẫn không sẵn sàng trong việc dỡ bỏ bảo hộ một số ngành sản xuất trong nước. Hoa Kì là đối tác lớn nhất trong TPP và là động lực chính thúc đẩy TPP vì vậy những điều kiện mà nước này đặt ra trong các vòng đàm phán có ảnh hưởng lớn đến các thành viên, đặc biệt là Việt Nam, một nước đang phát triển và chưa được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường.

Cụ thể, đối với Việt Nam, Nhà Trắng thúc ép Hà Nội có những đồng thuận với những điều kiện, quy định mới nhằm cải tổ các công ty quốc doanh kém hiệu quả (chiếm 38% nền kinh tế VN) theo quy luật thị trường. Tuy vậy, các nhà đàm phán thương mại Hoa Kì kịch liệt phản đối việc tự do hóa ngành may mặc và da giày- một đòi hỏi của Hà Nội để đổi lại việc cải cách các tập đoàn quốc doanh. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai vào Hoa Kỳ, với mức thuế phải chịu là 18% - 36%.

Trong đàm phán TPP, nội bộ Hoa Kì tồn tại hai phe với hai lập trường đối chọi nhau. Một bên là các tập đoàn lớn Boeing, General Electric, Intel, Microsoft, New York Life, Citi và Federal Express ủng hộ "hiệp định của thế kỉ XXI". Một bên là các công ty may mặc và da giày phản đối TPP với việc dỡ bỏ bảo hộ mậu dịch, tự do hóa. Hiện thời, phe thứ hai đang rất có lợi thế vì tổng thống Obama phải "chịu ơn" những tổ chức hậu thuẫn cho ngành may mặc vốn ủng hộ ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008. Các tổ chức này đã thuyết phục Nhà Trắng rằng tất cả các đối tác TPP phải đồng ý với nguyên tắc xuất xứ tính từ sợi trở đi (yarn-forward) đối với quần áo và giày dép các nước này xuất khẩu. Tức là các nước ký TPP sẽ chỉ được nhượng bộ thuế quan đối với hàng xuất khẩu của họ sang Hoa Kỳ nếu họ mua sợi và vải từ các nước thành viên TPP. Hiện tại, nguyên liệu cho ngành xuất khẩu may mặc của Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Quốc (nước không là thành viên TPP).

Có thể thấy, khi tham gia đàm phán TPP, Việt Nam, một nước đang phát triển, khá chật vật trong việc thương thuyết để bảo vệ những lợi ích của mình. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kì là đồ gỗ, thủy sản chưa chế biến, da giày, các sản phẩm của ngành dệt may. Hàng thủy sản chưa chế biến hay đồ gỗ thực tế đã đang được hưởng mức thuế suất gần bằng 0 khi xuất sang Mỹ, vì vậy có TPP hay không cũng không quan trọng. Đối với những mặt hàng khác, nhất là dệt may, da giày, cơ hội tăng xuất khẩu với giá cạnh tranh là rất lớn, nhưng sự tồn tại của những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay kiện phòng vệ thương mại có thể sẽ làm cho việc giảm thuế quan không còn hiệu quả. Khó khăn cơ bản là Hoa Kì chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường (theo chuẩn của Hoa Kì) nên nước này vẫn còn áp dụng những hàng rào kĩ thuật nghiêm ngặt với quy chế kinh tế phi thị trường lên hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Thêm nữa, do cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, ông Obama không thể xem nhẹ sự ủng hộ của các nhóm lợi ích dành cho mình, trong đó có Hội đồng Quốc gia các Tổ chức Dệt may. Vì thế sự tháo gỡ những rào cản thương mại, trước tiên phải là sự tháo gỡ về những rào cản chính trị. Trong khi đó, đảng Cộng Hòa -phe luôn cổ xúy và nhiệt tình với các chính sách tự do thương mại, đặc biệt là TPP- sẽ tận dụng thời cơ này để thúc đẩy bảo vệ quyền lợi cho lợi ích các nhóm mà mình đại diện, mà chủ yếu là đến từ các tập đoàn. Và như thế tuy không gây khó chịu cho Việt Nam bằng các hàng rào bảo hộ từ các mặt hàng may mặc, gia dày nhưng sẽ tạo sức ép mạnh trong việc tạo điều kiện cho phía Mỹ xâm nhập mạnh hơn vào các thị trường đang còn được Nhà nước che chắn ở nước ta.

Có vẻ như, đối với nước Mỹ hiện nay mọi thứ thường không ổn định và đang vào buổi giao thời. Đợi đến sau bầu cử, chính sách thương mại Hoa Kì sẽ rõ ràng hơn, khi đó các nước tham gia đàm phán TPP sẽ có những cơ sở chắc chắn hơn để định ra những hướng đi và cách tiếp cận mới.

Nguồn: Tuần Việt Nam