Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và hội nhập Châu Á – Thái Bình Dương: Đánh giá định lượng

09/04/2012    108

Tác giả: Peter A. Petri, Michael G. Plummer, Fan Zhai

Sau khi Vòng đàm phán Uruguay kết thúc, sự phát triển của các quy tắc và luật lệ thương mại quốc tế đã chuyển dần từ các hiệp định toàn cầu sang các hiệp định song phương và khu vực. Hoa Kỳ đã không tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi này và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể trở thành hiệp định khu vực quan trọng đầu tiên của Hoa Kỳ kể từ sau Hiệp Định Tự do Thương mại Bắc Mĩ (NAFTA). TPP có thể là một phương cách để đi đến một Khu vực mậu dịch tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) lớn hơn. Nghiên cứu này kiểm chứng những lợi tích và chi phí tiềm năng của TPP và những tác động chiến lược của TPP đối với sự hội nhập kinh tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Một số đề xuất khu vực mới đây mà Hoa Kỳ ủng hộ đã không thực sự thành công. Nỗ lực nhằm đưa Diễn dàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) như là nơi gặp gỡ để ký kết các hiệp định đã kết thúc với sự thất bại của Chương trình tự do hóa sớm theo ngành năm 1998. Các đề xuất của Hoa Kỳ về Khu vực Tự do Thương mại Châu Mỹ đã không có được đủ sự ủng hộ cần thiết. Và mặc dù được chấp thuận bởi các nhà lãnh đạo APEC, cho đến nay FTAAP vẫn còn thu hút được rất ít sự quan tâm. Trong những nỗ lực đó, các kỳ vọng của Hoa Kỳ về việc tiếp cận thị trường đã bị cản trở bởi sự nhạy cảm của rất nhiều đối tác và các quan điểm chính trị trong nước. Hầu hết các đối tác thương mại của Hoa Kỳ đều đã có những con đường tương đối thuận lợi vào thị trường Hoa Kỳ, do đó, động cơ thúc đấy các quốc gia này đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Hoa Kỳ đã giảm đi nhiều. Việc “thẩm quyền thúc đẩy thương mại” của Tổng thống Hoa Kỳ mãn hạn năm 2007 sẽ khiến cho việc đạt được các hiệp định thương mại còn trở nên khó khăn hơn trong tương lai.

Trong hoàn cảnh thử thách đó, Hoa Kỳ đang làm việc với 8 quốc gia khác để biến TPP trở thành một bước tiến đột phá, và trở thành “hiệp định của thế kỉ 21” (USTR 2011). Hiện nay, những bước đầu của quá trình đàm phán mới chỉ đề cập rất ít về vấn đề thương mại. Tuy nhiên, nội dung của hiệp định này sẽ bao trùm lên rất nhiều vấn đề và thành viên của nó sẽ bao gồm cả những quốc gia phát triển, các quốc gia mới nổi và các quốc gia có thu nhập thấp. Mục tiêu của hiệp định là nhằm xây dựng nên một hiệp định cốt lõi của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với những ý nghĩa quan trọng trong cấu trúc thương mại toàn cầu.

Đàm phán TPP có khả năng đạt được thành công cao hơn so với các nỗ lực đàm phán mang tính khu vực trước đó của Hoa Kỳ bởi vì các quốc gia tham gia lần này đều là những nền kinh tế mở và có những lợi ích giống nhau. Ngoài ra, vì các biện pháp thương mại thường thu hút được sự ủng hộ của cả hai đảng đối lập ở Hoa Kỳ, một hiệp định được cho là có lợi cho Hoa Kỳ sẽ có khả năng được Quốc hội thông qua bất chấp việc chia rẽ về chính trị hiện nay. Tuy nhiên, hiệp định sẽ không thành công một cách dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp hiện nay. Trên phương diện toàn cầu, thị trường Hoa Kỳ có một vi thế rất quan trọng, tuy nhiên, vị thế đó đang nhanh chóng bị suy giảm so với các nền kinh tế khác đang phát triển nhanh hơn. Trong nước, các quan điểm chính trị về thương mại còn chưa đạt được sự đồng thuận. Do vậy, các viễn cảnh được sử dụng trong nghiên cứu này để phân tích những hướng đi đầy tham vọng của các hiệp định trong tương lai nhằm thúc đẩy các ảnh hưởng thương mại và thịnh vượng có thể sẽ đi đến những điều phi thực tế. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng TPP là một hiệp định quan trọng và đòi hỏi phải có những phân tích kĩ lưỡng.

Một bản đánh giá TPP phải giải thích được ba đặc điểm của một hiệp định tiềm năng. Thứ nhất, các đàm phán của TPP đang diễn ra trong bối cảnh các hiệp định thương mại khác cũng đang diễn ra tại Châu Á. Bởi vậy, chúng ta cần phải phân tích được sự tương tác giữa con đường đàm phán song song này – “con đường Xuyên Thái Bình Dương” và “con đường châu Á” - mà trong vòng 15 năm tới, hai con đường này có thể sẽ tiến triển và đi đến cùng một điểm chung. Thứ hai, so với những lợi ích nhất thời từ thương mại, các lợi ích đạt được từ TPP phụ thuộc nhiều hơn vào tác động của nó tới tương lai của hệ thống thương mại Châu Á – Thái Bình Dương, một mô hình hội nhập khu vực chất lượng cao. Do vậy, chúng ta cần phải hiểu được những tác động của hiệp định này đến các động cơ của việc mở rộng và các khuôn mẫu sẽ được sử dụng trong các đàm phán sau này. Thứ ba, TPP bao gồm nhiều vấn đề khá mới mẻ đòi hỏi nhiều nỗ lực nghiên cứu để giải quyết các vấn đề này.

Tóm lại, theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, cả hai con đường đàm phán nêu trên đều có tính khả thi và có tác động tương hỗ lẫn nhau trong quá trình hội nhập Châu Á – Thái Bình Dương. Mỗi con đường cần đạt được những lợi ích quan trọng riêng; đồng thời chúng cũng sẽ kích thích sự phát triển lẫn nhau. Hai con đường đàm phán sẽ có những xung đột lẫn nhau (chủ yếu là trong các mô hình đã được thông qua) nhưng chúng sẽ làm phát sinh những động lực cho sự hợp nhât thành một hiệp định lớn của khu vực.  Kết quả này thực sự rất quan trọng cho khu vực cũng như cho toàn thế giới. Nó mang lại những lợi ích tương tự như những gì đã có thể đạt được nếu như Vòng Doha thành công.

Chương 2 khái quát lại nguồn gốc của TPP, các mục tiêu của Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Chương 3 phân tích những điều khoản có thể thực hiện được của hiệp định. Chương 4 miêu tả mô hình, dữ liệu và phương pháp luận của nghiên cứu. Chương 5 đề cập về sự thịnh vượng và những kết quả thương mại. Chương 6 sử dụng một quan điểm chiến lược mang tính lý thuyết phân tích các tình huống cạnh tranh để tìm hiểu lý do các quốc gia có thể đồng ý về các khuôn khổ ban đầu và các phần mở rộng sau này của hiệp định. Chương 7 xem xét các kết quả đạt được từ góc nhìn của các quốc gia, phân tích vai trò của các nền kinh tế chủ chốt trong các đàm phán. Chương 8 cung cấp những kết quả nhạy cảm và Chương 9 đưa ra kết luận.

Báo cáo được thực hiện bằng tiếng Anh trong file đính kèm dưới đây:

Nguồn: East-West Center