Dự thảo Chương lao động trong đàm phán Hiệp định TPP - Thách thức lớn cho Việt Nam?

29/03/2012    63

Đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa chín nước trong khu vực APEC nhằm thiết lập một khu vực thương mại tự do hai bờ Thái Bình dương bắt đầu cuối năm 2009. Việt Nam là quan sát viên của đàm phán này từ những Vòng đàm phán đầu tiên và là thành viên chính thức từ tháng 11/2010. Theo dự kiến đầy tham vọng của các nước thành viên TPP thì đàm phán này sẽ được tăng tốc trong năm 2012 với những thảo luận và cam kết cụ thể.

Đàm phán về lao động là vấn đề mới được đưa vào trong các FTA gần đây và gây ra chia rẽ đáng kể trong quan điểm giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển. Hoa Kỳ, đối tác quan trọng trong đàm phán TPP, đặc biệt nhấn mạnh và đưa ra nhiều đòi hỏi cao đối với vấn đề này trong TPP (bao gồm cả những vấn đề nhạy cảm và có cách hiểu khác nhau giữa các nước như quyền lập hội, quyền can thiệp vào các trường hợp sử dụng lao động trẻ em, quyền can thiệp của Nhà nước vào các tranh chấp lao động…). Đặc biệt, các nhóm đại diện người lao động (công đoàn, liên đoàn lao động…) ở Hoa Kỳ cũng như các nước TPP vận động rất mạnh cho vấn đề này. Trong khi Việt Nam lại tỏ ra khá e dè và còn nhiều cách hiểu khác biệt.

Gần đây, Tổ chức Công đoàn thế giới (ITUC) đã đưa ra một bản Dự thảo Chương lao động và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến lao động cho đàm phán TPP, dựa trên Hiệp định Thương mại tự do Hoa Kỳ - Peru (hai thành viên của TPP hiện tại). Dự thảo này được sự ủng hộ của 07 tổ chức công đoàn lớn ở các nước thành viên TPP (trong đó có Liên minh Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ và Các tổ chức liên đoàn các ngành công nghiệp Hoa Kỳ AFL-CIO; Hội đồng các liên đoàn lao động Australia ACTU, Hội đồng các liên đoàn lao động New Zealand CTU…). Vì vậy, suy đoán là bản dự thảo này sẽ có trọng lượng nhất định trong đàm phán TPP và Việt Nam cần có sự xem xét đầy đủ và cụ thể đối với các đề xuất mà các bên trong TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ, có thể đưa ra dựa trên Dự thảo này.

Xem xét sơ bộ Dự thảo của ITUC cho thấy Dự thảo này đòi hỏi nhiều nghĩa vụ phức tạp và rất khó chấp nhận từ góc độ lý thuyết, thực tiễn cũng như năng lực thực hiện của Việt Nam. Dự thảo này cũng đưa ra những vấn đề vượt quá xa phạm vi vấn đề lao động ở các Hiệp định thương mại tự do tương tự (đặc biệt là các FTA mà Hoa Kỳ đã ký với Australia, Peru, Singapore, Chi lê), với rất nhiều các quy định can thiệp vào quyền tự quyết của từng quốc gia. Dự thảo này, nếu được thông qua sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn trong hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật lao động Việt Nam.

Vì vậy, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đang tiến hành phân tích kỹ lưỡng Dự thảo này, tham khảo thực tiễn và ý kiến từ nhiều nguồn để xây dựng Đề xuất phương án đàm phán thích hợp đối với Việt Nam trong vấn đề này, gửi tới Chính phủ và Đoàn đàm phán.

Các thông tin chi tiết về nội dung này, vui lòng liên hệ:

Trung tâm WTO

Ban Pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Số 09 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 04 35771458; Fax: 04 35771459

Email: banthuky@trungtamwto.vn; hoặc dungntt@vcci.com.vn (chị Nguyễn Thị Thùy Dung)