TPP – Con tàu chưa thể ra khơi

06/12/2011    66

Trong năm tới, và có thể một vài năm nữa, con tàu TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) vẫn đang chờ những bàn tay góp sức để thành hình, và để ra khơi an toàn...

Vẫn còn xa

Một sáng tháng 11 rực rỡ trên quần đảo Hawaii xinh đẹp, trong khuôn khổ cuộc thượng đỉnh giữa các đối tác của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Hoa Kỳ “vui mừng thông báo” rằng chín nước thành viên TPP “đã đạt được khung khổ chung của thỏa thuận” (“the broad outlines of an agreement”).

Mới nghe, điều này giống như một tia nắng đẹp soi rọi phần nào bầu không khí vốn đang  ảm đạm của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và cả những buồn rầu sậm sùi đâu đó ở nhiều nền kinh tế khắp nơi trên thế giới. Tương lai về một khu vực thương mại tư do (FTA) dường như sắp được thiết lập tới nơi giữa chín nước hai bên bờ Thái Bình Dương (bao gồm Úc, New Zealand, Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam, Chile, Peru và Hoa Kỳ) tất nhiên không thể không khiến nhiều người vui mừng.

Dù vậy, người cẩn thận hơn sẽ chú ý tới câu nói tiếp theo của Ông Obama, rằng “vẫn còn rất nhiều vấn đề chi tiết phải đàm phán”, và rằng dù đã lên quyết tâm kết thúc đàm phán TPP trong năm tới, Ông cũng không quên thừa nhận rằng điều này quả là “một mục tiêu tham vọng”. Người cẩn thận hơn nữa sẽ tìm đọc nội dung Bản “khung khổ chung” kia, và sẽ nhận ra rằng cái khung này, dù đã liệt kê phạm vi và các nguyên tắc tiếp cận các vấn đề cơ bản trong TPP, vẫn chưa có được chi tiết nào cụ thể hơn về các cam kết, vốn là điều chính yếu của bất kỳ FTA nào.

Với bản khung khổ chung này, người ta hiểu rằng các nước rốt cục sau 9 Vòng đàm phán đã chấp nhận đề xuất quyết liệt của Hoa Kỳ ngay từ những Vòng đầu tiên của TPP. Cụ thể, TPP sẽ là một FTA tiêu chuẩn cao, một “hình mẫu của FTA thế hệ mới thế kỷ 21” với 100% các dòng thuế quan sẽ được loại bỏ (tất nhiên với lộ trình ngắn dài khác nhau), 100% các phân ngành dịch vụ được mở cửa (tất nhiên với điều kiện và ngoại lệ khác nhau) trong thương mại giữa chín nước thành viên. Cũng qua TPP, nhiều vấn đề thương mại và phi thương mại (cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật, lao động, môi trường…) sẽ được tăng cường chung ở mức độ thích hợp.

Chỉ vậy thôi.

Tất cả những cam kết chi tiết, cụ thể hóa các định hướng hay quan điểm này, ví dụ dòng thuế nào loại bỏ ngay, dòng nào sau 10 năm nữa, ngành dịch vụ nào mở, mở với điều kiện gì, quy tắc nào về đấu thầu công sẽ phải tuân thủ, tiêu chuẩn nào về môi trường phải áp dụng… thì vẫn đang ở tình trạng “các đoàn đàm phán tiếp tục trao đổi”.

Vẫn còn cơ hội

Một ngày tháng 11 khác, cũng rực rỡ, ở một hòn đảo khác trên Thái Bình Dương, nhân dịp APEC 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố sự tham gia chính thức của Việt Nam vào đàm phán TPP.

Quyết định này nhận được sự chào đón của các đối tác trong TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ vốn từ lâu mời gọi Việt Nam tham gia đàm phán này. Việt Nam, vì vậy, có thêm tự tin và tâm thế để tham gia đàm phán này một cách bình đẳng với Hoa Kỳ, đối tác quan trọng hầu như duy nhất của Việt Nam trong TPP. (Cần phải nói thêm rằng với các đối tác khác trong TPP, Việt Nam hoặc là đã có hoặc là sắp hoàn thành đàm phán FTA song phương hoặc khu vực với họ, do đó tác động từ các nước này qua TPP với Việt Nam được dự báo là không quá lớn; cũng với lý do này mà sự tham gia hay không tham gia của những nước đang ngấp nghé bên cửa vào TPP như Nhật Bản hay Trung Quốc, dù quan trọng với Hoa Kỳ, không hẳn có ý nghĩa tương tự với Việt Nam).

Quyết định này cũng được các doanh nghiệp Việt Nam chào đón nhiệt thành, bởi trước đó ít lâu các doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng đã thông qua  Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), kiến nghị với Chính phủ việc này.

Các doanh nghiệp đã nói với Chính phủ, thông qua kiến nghị nói trên, rằng họ nhìn thấy ở TPP một cơ hội không thể bỏ qua để hưởng “luồng xanh” vào thị trường Hoa Kỳ; những thời cơ lớn trong việc thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ, kèm theo đó là công nghệ, kỹ năng quản lý, phục vụ tiên tiến của các đối tác thương mại sành sỏi từ nước này.

Họ cũng nói thật với Chính phủ những lo sợ rất đỗi tự nhiên về nguy cơ cạnh tranh khốc liệt hơn từ hàng hóa, dịch vụ hay đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam, hay những rào cản khác có thể mọc lên phía Hoa Kỳ… Nhưng họ tin rằng xét cho cùng, rủi ro từ Hoa Kỳ dường như còn nhỏ hơn nhiều so với một số đối tác mà Việt Nam đã mở cửa theo các FTA đang có hiệu lực (ví dụ với Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản…). Và vì thế Việt Nam có thể chịu đựng được rủi ro mới này, để đổi lại những lợi ích đầy tiềm năng từ đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam này.

Thật tốt là Chính phủ đồng ý với các doanh nghiệp, và thực sự bắt tay vào đàm phán TPP, cấp tập, thiện chí và cũng đầy cứng rắn như các nước thành viên khác trong TPP.

Điều hơi đáng tiếc là mối liên hệ giữa các doanh nghiệp với Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam để chúng ta có phương án đàm phán tốt nhất trong năm Vòng đàm phán TPP những ngày xuân, hè rồi thu sau đó lại chưa được như mong muốn. Nhiều cuộc họp lấy ý kiến doanh nghiệp vắng vẻ, nhiều công văn thông báo tình hình đàm phán TPP được nhận với sự thờ ơ… Hoặc ngược lại, nhiều nhóm đàm phán đã lên đường mà chưa một lần tham vấn doanh nghiệp.

Trên thực tế, các nhà đàm phán của chúng ta cần biết mở cửa ở lĩnh vực nào ngay thì tốt, chầm chậm lộ trình tự do ở lĩnh vực nào thì cần, cứng rắn với đối tác ở mảng nào là chính xác hay mềm mỏng với họ ở nội dung nào thì chấp nhận được vì lợi ích chung của cả nền kinh tế, của từng ngành và của các doanh nghiệp.

Những điều này, bên cạnh những phân tích lý thuyết của người đi đàm phán, cần được soi rọi bởi thực tiễn của những người làm kinh doanh, với kinh nghiệm quá khứ và chiến lược tương lai của mình. Điều này có lợi cho các nhà đàm phán, tất nhiên, nhưng còn mang lại lợi ích nhiều hơn cho chính các doanh nghiệp đã nêu quan điểm và được các nhà đàm phán tính đến khi đàm phán TPP.

Cũng may (hay không may?), như đã nói, đàm phán TPP vẫn đang trong quá trình định hình các cam kết cụ thể. Cơ hội để các doanh nghiệp cùng các nhà đàm phán Việt Nam hoạch định cụ thể cho tương lai của mình với Hoa Kỳ và các đối tác TPP vẫn còn để mở... Ý kiến của các doanh nghiệp về từng nội dung cụ thể trong TPP, vì vậy, vẫn còn cơ hội để làm nên những cam kết cuối cùng.

Nguồn: Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang

Trung tâm WTO - VCCI