Giải quyết tranh chấp số DS213

03/02/2010    279

Hoa Kỳ – Thuế đối kháng áp đặt lên mặt hàng thép cán cacbon chống ăn mòn nhập khẩu từ Đức.

 

Tiêu đề

Hoa Kỳ  - Thép cacbon

Nguyên đơn:

Cộng đồng Châu Âu (EC)

Bị đơn:

Hoa Kỳ

Bên thứ 3

Nhật Bản, Nauy

Các hiệp định liên quan (được đưa ra trong yêu cầu tham vấn)

Hiệp định trợ cấp và các biện pháp đối kháng: Điều 10, 11.9, 21, 32.5; Hiệp định thành lập tổ chức thương mại thế giới WTO: Điều XVI:4

Yêu cầu tham vấn ngày:

10 tháng 11 năm 2000

Báo cáo của Ban hội thẩm ban hành ngày

03 tháng 07 năm 2002

Báo cáo của Ban phúc thẩm ban hành ngày

28 tháng 11 năm 2002

Bản tóm tắt cập nhật vụ kiện:

Bản tóm tắt cập nhật vụ kiện tới ngày 24 tháng 02 năm 2010

Thông qua báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và Ban hội thẩm.

Do EC khởi kiện.

Ngày 10 tháng 11 năm 2000, EC yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ về việc nước này áp đặt thuế đối kháng lên mặt hàng thép cán các bon chống ăn mòn (thép chống ăn mòn) theo vụ kiện số C-428-817. Đặc biệt, vụ kiện này còn liên quan tới phán quyết cuối cùng của cuộc điều tra rà soát hoàng hôn biện pháp trên do Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiến hành và được thông báo trên Công báo liên bang Hoa Kỳ số 65 FR 47407 ngày 02 tháng 08 năm 2000. Theo quyết định này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng việc xóa bỏ thuế đối kháng có thể sẽ dẫn tới việc tiếp tục hoặc tái diễn biện pháp trợ cấp. EC phản bác quyết định trên do không phù hợp với nghĩa vụ của Hoa Kỳ theo Hiệp định SCM và cụ thể nó vi phạm các điều khoản 10, 11.9 và 21 (nhất là điều khoản 21.3) của Hiệp định này.

Ngày 05 tháng 02 năm 2001, EC yêu cầu tiếp tục tham vấn. Tham vấn thất bại, ngày 10 tháng 09 năm 2001 DSB đã thành lập Ban Hội thẩm nhằm thỏa đáng yêu cầu của EC. Nhật Bản và Nauy tham dự với tư cách là bên thứ 3. Ngày 18 tháng 10 năm 2001, EC yêu cầu Chủ tịch DSB quyết định cơ cấu của Ban Hội thẩm. Ngày 26/10/2001, Chủ tịch chỉ định các thành viên của Ban Hội thẩm. Ngày 12 tháng 04 năm 2002, chủ tịch Ban Hội thẩm thông báo với DSB rằng Ban Hội thẩm không thể hoàn thành công việc trong vòng 6 tháng như các bên mong muốn mà phải dùng tối đa thời gian như trong phụ lục 3 của DSU qui định. Ban Hội thẩm dự kiến hoàn tất báo cáo trước tháng 07 năm 2002.

Ngày 03 tháng 07 năm 2002, Ban Hội thẩm ban hành bản báo cáo tới các thành viên. Báo cáo kết luận:

  • Luật Chống Trợ Cấp của Hoa Kỳ và các quy định đi kèm phù hợp với điều khoản 21, đoạn 1 và 3 và điều khoản 10 của Hiệp định SCM về việc áp dụng các tiêu chuẩn chứng cứ để tự quyết định tiến hành rà soát hoàng hôn.
  • Luật Chống Trợ Cấp của Hoa Kỳ và các quy định đi kèm không phù hợp với điều khoản 21.3  của Hiệp định SCM về việc áp dụng tiêu chuẩn tối thiểu 0.5% làm cơ sở tiến hành rà soát hoàng hôn và bởi vậy vi phạm điều khoản 32.5 của Hiệp định SCM và điều khoản XVI:4 của Hiệp định WTO.
  • Hoa Kỳ đã vi phạm điều khoản 21.3 của Hiệp định SCM khi áp dụng tiêu chuẩn tối thiểu 0.5% làm cơ sở cho tiến hành rà soát hoàng hôn.
  • Luật Chống Trợ Cấp của Hoa Kỳ và các quy định đi kèm cùng với báo cáo thực thi chính sách là phù hợp với điều khoản 21.3  của Hiệp định SCM liên quan đến nghĩa vụ xác định khả năng tiếp tục hoặc tái diễn các biện pháp trợ cấp trong quá trình thực hiện rà soát hoàng hôn.
  • Hoa Kỳ đã vi phạm điều khoản 21.3 của Hiệp định SCM khi không xác định thỏa đáng khả năng tiếp tục hoặc tái diễn các biện pháp trợ cấp trong quá trình thực hiện rà soát hoàng hôn sản phẩm thép cacbon.

Ban Hội thẩm khuyến nghị DSB yêu cầu Hoa Kỳ điều chỉnh các biện pháp đã nêu trong đoạn b), (c) và (e) phù hợp với nghĩa vụ theo Hiệp định WTO.

Một thành viên của Ban Hội thẩm có đánh giá khác với đánh giá của Ban về vấn đề luật Chống Trợ Cấp của Hoa Kỳ áp dụng trong tiến hành rà soát hoàng hôn mặt hàng thép cacbon liên quan tới tiêu chuẩn tối thiểu cho cuộc điều tra này. Thành viên này không cùng quan điểm với số đông trong Ban Hội thẩm rằng sự im lặng trong điều khoản 21.3 của Hiệp định SCM để áp dụng tiêu chuẩn tối thiểu cho điều tra rà soát hoàng hôn nghĩa là tiêu chuẩn này áp dụng cho các rà soát hoàng hôn. Theo đó, trái với các kết luận trên của Ban Hội thẩm, thành viên này kết luận:

  • Luật Chống Trợ Cấp của Hoa Kỳ và các quy định đi kèm phù hợp với điều khoản 21.3  của Hiệp định SCM liên quan đến việc áp dụng tiêu chuẩn tối thiểu 0.5% cho điều tra rà soát hoàng hôn; và
  • Hoa Kỳ với việc áp dụng tiêu chuẩn tối thiểu 0.5% cho điều tra rà soát hoàng hôn không vi phạm điều 21.3 của Hiệp định SCM.

Ngày 30 tháng 08 năm 2002, Hoa Kỳ thông báo quyết định yêu cầu Cơ quan Phúc thẩm rà soát các vấn đề luật pháp nêu trong báo cáo của Ban Hội thẩm. Cơ quan Phúc thẩm ban hành Báo cáo tới các thành viên ngày 28 tháng 11 năm 2002. Cơ quan Phúc thẩm kết luận:

  • Tán thành các kết luận của Ban Hội thẩm liên quan tới các điều khoản tham khảo, sự phù hợp của pháp luật Hòa Kỳ với các nghĩa vụ của nước này liên quan tới việc tự khởi xướng các cuộc điều tra rà soát hoàng hôn bởi chính quyền sở tại, sự phù hợp của luật pháp Hoa Kỳ với các nghĩa vụ liên quan tới các phán quyết của điều tra rà soát hoàng hôn.
  • Bác bỏ cách hiểu của Ban Hội thẩm về điều khoản 21.3 của Hiệp định SCM liên quan tới trợ cấp và các biện pháp tự vệ có đề cập mức trợ cấp tối thiểu trong điều tra rà soát hoàng hôn. Theo đó, Cơ quan Phúc thẩm cũng bác bỏ các kết luận của Ban Hội thẩm rằng pháp luật Hoa Kỳ như đã áp dụng không phù hợp với điều khoản đó.

Ngày 19 tháng 12 năm 2002, DSB thông qua báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và Ban Hội thẩm do Cơ quan Phúc thẩm sửa đổi.

Tình hình thực thi các bản báo cáo đã thông qua:

Tại cuộc họp của DSB ngày 20 tháng 04 năm 2004, Hoa Kỳ thông báo nước này đã hoàn tất đầy đủ các khuyến nghị và nguyên tắc của DSB ngày 01 tháng 04 năm 2004 bằng cách xóa bỏ thuế chống đối kháng lên mặt hàng thép cán cacbon chống ăn mòn nhập khẩu từ Đức.