Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu Việt Nam: Thách thức trong năng lực đáp ứng, tuân thủ

04/12/2023    97

Đối với xuất khẩu Việt Nam, EU là thị trường phát triển, có tiêu chuẩn cao trong hầu hết các khía cạnh. Do đó, trong so sánh với nhiều thị trường khác, từ trước tới nay EU vẫn luôn là khu vực mà doanh nghiệp gặp nhiều thách thức trong đáp ứng các tiêu chuẩn TBT, SPS để tiếp cận thị trường.

Với một loạt các tiêu chuẩn xanh mới được bổ sung hoặc được nâng cấp theo các mục tiêu cụ thể của Thỏa thuận Xanh trong các lĩnh vực khác nhau (chỉ tính tới các tiêu chuẩn/quy chuẩn bắt buộc/tối thiểu), nhiều loại hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đứng trước đòi hỏi tuân thủ các tiêu chuẩn mới, hoặc tiêu chuẩn cao hơn so với trước đây, thậm chí có lộ trình tiếp tục cao hơn, khắt khe hơn nữa trong tương lai.

Tùy loại tiêu chuẩn, lĩnh vực và hiện trạng năng lực của các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam mà thách thức đặt ra trong đáp ứng các tiêu chuẩn xanh mới đang hoặc sẽ có hiệu lực ở EU là không giống nhau. Tuy nhiên, trong tổng thể chung, các tiêu chuẩn xanh EU đòi hỏi doanh nghiệp phải vượt qua các thách thức cụ thể liên quan tới:

- Năng lực về công nghệ: Nhiều tiêu chuẩn xanh đối với sản phẩm đòi hỏi sự thay đổi, cập nhật công nghệ trong sản xuất để tạo ra được các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu mới hoặc yêu cầu hiện có nhưng ở mức cao hơn, khắt khe hơn so với trước. Thậm chí, trong một số trường hợp, công nghệ phải sẵn sàng để cập nhật các mức độ mới của cùng một tiêu chuẩn theo lộ trình thực hiện từng thời kỳ (ví dụ các quy định siết chặt dần tiến tới loại bỏ một số loại thuốc trừ sâu, một số loại hóa chất độc hại, hạt vi nhựa…);

- Năng lực kiểm soát chất lượng theo chuỗi: Một số tiêu chuẩn gắn với cả vòng đời sản phẩm (ví dụ thiết kế sinh thái) hoặc toàn chuỗi (ví dụ các tiêu chuẩn về vi lượng chất kháng sinh, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm…), đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới quy trình kiểm soát chuỗi sản xuất để bảo đảm các chuẩn chất lượng tương ứng;

- Năng lực lao động: Một số tiêu chuẩn trực tiếp đặt ra yêu cầu mới về cách thức triển khai, thực hiện quy trình lao động sản xuất (ví dụ một số chuẩn phúc lợi động vật) hoặc gián tiếp đòi hỏi trình độ lao động phải được điều chỉnh nâng cao (ví dụ để đáp ứng các công nghệ mới được triển khai nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn mới, cao hơn), dẫn tới sức ép buộc doanh nghiệp phải đào tạo, đào tạo lại lao động để đáp ứng các tiêu chuẩn này;

- Năng lực giải trình, khai báo, truy xuất thông tin: Một số biện pháp, yêu cầu pháp lý mới liên quan tới giải trình trách nhiệm thực hành xanh trong quá trình sản xuất kinh doanh (ví dụ yêu cầu khai báo lượng phát thải carbon trên mỗi đơn vị sản phẩm, yêu cầu giải trình xuất xứ đất sử dụng để nuôi trồng sản phẩm, yêu cầu thông tin cho người tiêu dùng về các yếu tố xanh trong sản phẩm…), đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi, nâng cấp hệ thống kiểm soát, truy xuất, lưu trữ cũng như cập nhật cách thức, quy trình khai báo, cung cấp, mô tả thông tin sản phẩm liên quan.

Trên thực tế, rất ít các doanh nghiệp Việt Nam (kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có đủ khả năng để ngay lập tức chuyển đổi và đáp ứng tất cả các khía cạnh năng lực như yêu cầu ở trên bởi nhiều lý do:

- Về chủ quan, nhiều thay đổi đòi hỏi chi phí tuân thủ (cả về nhân lực, vật lực, thời gian) đáng kể mà không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đáp ứng (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ);

- Về khách quan, trong nhiều trường hợp việc điều chỉnh đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chủ thể trong chuỗi sản xuất mà không chỉ một doanh nghiệp, nhà sản xuất, xuất khẩu có thể làm được. Trong một số trường hợp khác, các hướng dẫn chi tiết để thực hiện một số thủ tục, quy trình thậm chí mới đang trong quá trình soạn thảo bởi các cơ quan EU, chưa rõ sẽ phải triển khai trên thực tế như thế nào.

Tuy nhiên, việc đáp ứng các yêu cầu xanh trên thực tế vẫn có thể là khả thi với phần lớn các doanh nghiệp nếu có sự chuẩn bị tốt. Cụ thể, với nguyên tắc minh bạch và bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”, các chính sách xanh trong Thỏa thuận Xanh EU đều được thiết kế theo hướng:

- Có thời gian công khai, lấy ý kiến dài: Tất cả các biện pháp, đặc biệt là các quy định áp dụng bắt buộc, đều được thông qua sau khi đã có khoảng thời gian tương đối dài công khai, lấy ý kiến tham vấn công chúng. Thậm chí, các nguyên tắc làm căn cứ cho việc soạn thảo và ban hành các quy định này đã được nêu rõ trong các Chiến lược, Kế hoạch hành động, Chương trình… chung được công bố và/hoặc thông qua từ trước đó khá lâu;

- Có lộ trình thực thi từng bước: Tất cả các biện pháp, chính sách xanh mới, đặc biệt là các trường hợp có tính quy phạm bắt buộc thực hiện trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh đều được thiết kế theo lộ trình thực hiện từng bước, các nghĩa vụ thường chỉ phải thực hiện đầy đủ ở bước cuối trong lộ trình (ví dụ CBAM). Trường hợp nghĩa vụ đơn lẻ không thích hợp để phân bổ thành lộ trình nhiều bước thì cũng có thời gian từ khi quy định có hiệu lực tới khi phải chính thức thực hiện nghĩa vụ khá dài (ví dụ EUDR).

Bảng – Một số ví dụ về thời điểm ban hành và có hiệu lực của một số chính sách xanh EU

Tên chính sách

Ngày công bố chính sách nguyên tắc

Ngày công bố Dự thảo quy định

Ngày thông qua chính thức quy định

Ngày bắt đầu thực thi các nghĩa vụ

Ngày thực thi đầy đủ  các nghĩa vụ

Quy định về chống phá rừng (EUDR)

20/05/2020

(Chiến lược đa dạng sinh học của EU đến năm 2030)

17/11/2021

31/05/2023

29/06/2023

30/06/2025

Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM)

14/07/2021

(Gói Fit for 55)

14/07/2021

16/05/2023

01/10/2023

01/01/2034

Quy định về sử dụng bền vững các sản phẩm bảo vệ thực vật

20/05/2020

(Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn)

22/06/2022

Chưa xác định

Chưa xác định

Chưa xác định

Quy định về thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững

11/03/2020

(Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn)

30/03/2022

Chưa xác định

Chưa xác định

Chưa xác định

Chỉ thị về tuyên bố xanh

11/03/2020

(Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn)

22/03/2023

Chưa xác định

Chưa xác định

Chưa xác định

Nguồn: Tổng hợp của Nhóm Nghiên cứu VCCI

Từ các khó khăn và thuận lợi nói trên, để vượt qua các thách thức về năng lực tuân thủ, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan sang thị trường được khuyến nghị:

- Theo dõi, thường xuyên cập nhật về các xu hướng chính sách, pháp luật xanh liên quan tới sản phẩm của mình để có tầm nhìn rõ ràng và chính xác về các chiều hướng tiêu chuẩn xanh trong tương lai, từ đó có sự chuẩn bị phù hợp, kịp thời, không quá sớm (gây tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng tới giá thành và năng lực cạnh tranh của sản phẩm) nhưng cũng không quá muộn (có thể làm mất khả năng tiếp cận thị trường khi quy định có hiệu lực chính thức);

- Tìm hiểu kỹ, chính xác, đầy đủ về các yêu cầu, phạm vi áp dụng, lộ trình thực hiện, các hướng dẫn kỹ thuật nếu có, của các tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan, từ đó chuẩn bị và hành động tương ứng một cách phù hợp, chuẩn xác, hiệu quả và tiết kiệm chi phí theo lộ trình;

- Trong dài hạn, có kế hoạch, lộ trình phù hợp với năng lực của mình để dần xanh hóa quy trình sản xuất, qua đó tương thích với xu hướng chung ở thị trường xuất khẩu và có thể chỉ cần điều chỉnh nhỏ để đáp ứng các tiêu chuẩn mới khi chúng được áp dụng.

Từ góc độ các cơ quan Nhà nước, hiệp hội, tổ chức có chức năng quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp về xuất nhập khẩu, sự tham gia tích cực của các đơn vị này trong hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ở bình diện vĩ mô chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả chung đáng kể giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức về năng lực trong thực thi các tiêu chuẩn xanh EU, đặc biệt là các hỗ trợ liên quan tới:

- Cung cấp thông tin cập nhật, chính xác về các diễn biến liên quan tới các chính sách xanh EU, nhất là các thông tin được xử lý, phân tích theo từng ngành hàng, sản phẩm, qua đó doanh nghiệp có thể tiếp cận ngay các thông tin cụ thể mà mình cần;

- Trao đổi, làm việc, tham vấn với các cơ quan EU chịu trách nhiệm thực thi các chính sách xanh cụ thể để (i) làm rõ về các yêu cầu kỹ thuật, các tiêu chuẩn chi tiết, các cách thức cụ thể thực hiện/áp dụng, các hướng dẫn thực thi cụ thể trong từng trường hợp; (ii) chia sẻ về hiện trạng, các khác biệt về chính sách, tình hình thực tiễn ở Việt Nam liên quan tới việc triển khai các yêu cầu xanh của EU (nhất là các quy định về khai báo, trách nhiệm giải trình…), qua đó tìm giải pháp chính sách thích hợp, nếu được; (iii) tìm kiếm các hỗ trợ kỹ thuật từ EU cho việc hướng dẫn các chủ thể kinh doanh liên quan ở Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn mới;

- Thiết lập đầu mối trực tiếp thông tin, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu về các chính sách xanh EU trong lĩnh vực, khía cạnh mà mình phụ trách.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập