Thỏa thuận Xanh EU và xuất khẩu Việt Nam: Thách thức trong khả năng chi trả các chi phí tuân thủ

04/12/2023    43

Tuân thủ các tiêu chuẩn mới hoặc điều chỉnh nâng cấp của các chính sách xanh thường đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu phải bỏ ra các chi phí tuân thủ mà lẽ ra họ không phải trả nếu không có các tiêu chuẩn (mới) này. Vì vậy, điều hiển nhiên là các chính sách xanh có thể làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng không có lợi tới giá thành sản xuất, xuất khẩu của sản phẩm liên quan và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chi phí tuân thủ các chính sách xanh, do đó, là thách thức không mong muốn với phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các trường hợp có quy mô vốn nhỏ, năng lực công nghệ, quản trị, cạnh tranh hạn chế, dễ bị tổn thương bởi bất kỳ khoản chi phí tuân thủ bổ sung nào.

Tuy nhiên, trên thực tế, chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn xanh của EU không phải luôn luôn vượt khỏi tầm với của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có quy mô vốn khiêm tốn, bởi:

- Có một số tiêu chuẩn xanh không đòi hỏi chi phí tuân thủ lớn mà chủ yếu là sự thay đổi về thái độ, ý thức, biện pháp thực hiện trong các công việc liên quan (ví dụ các yêu cầu về lưu trữ và xuất trình giấy tờ, cách thức ghi nhãn hàng hóa, vị trí dán nhãn, các thông tin phải cung cấp cho người tiêu dùng…);

- Hầu hết các tiêu chuẩn xanh có lộ trình áp dụng từng bước, và ở những bước đầu tiên chi phí tuân thủ thường không lớn (ví dụ ở các bước đầu của lộ trình, thường doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ các yêu cầu khai báo mà chưa phải nộp phí, hoặc chỉ phải thực hiện các thay đổi nhỏ…);

- Trong một số lĩnh vực, không ít các tiêu chuẩn xanh mới thực chất là các quy định được luật hóa từ các quy tắc tự nguyện mà các khách hàng EU và/hoặc quốc tế đã yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thực hiện từ lâu (phổ biến trong các lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ…), và vì vậy hầu như không đặt ra thách thức mới hay đòi hỏi nào quá lớn về hành động cũng như chi phí cho doanh nghiệp;

- Trong ngắn hạn, phạm vi các sản phẩm xuất khẩu phải đối mặt với các tiêu chuẩn xanh cụ thể và đã có hiệu lực còn khá hẹp. Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu khác chỉ đang trong diện “sẽ xem xét mở rộng nếu thích hợp” (ví dụ với CBAM), đang được soạn thảo hoặc tham vấn mà chưa được thông qua (ví dụ một loạt các dự thảo trong Chiến lược Từ trang trại đến bàn ăn), hoặc thậm chí là mới đưa vào kế hoạch xây dựng pháp luật mà chưa có dự thảo (ví dụ các quy định cụ thể liên quan tới nhãn sinh thái, hạt vi nhựa trong sợi đối với hàng dệt may). Đối với các trường hợp này, sự chuẩn bị và thay đổi để xanh hơn có thể được thực hiện dần dần, với lộ trình và mức chi phí thích hợp theo sắp xếp của doanh nghiệp mà không nhất thiết là các chuyển đổi cả gói ngay lập tức;

- Đối với các doanh nghiệp buộc phải chi trả cho việc đáp ứng, tuân thủ các tiêu chuẩn xanh đã có hiệu lực đối với sản phẩm xuất khẩu của mình, có một thực tế là các tiêu chuẩn này được áp dụng chung cho tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào EU. Vì vậy, trong tương quan với các nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có thể không thay đổi, bởi tất cả đều phải bỏ ra các chi phí tuân thủ nhất định. 

Do đó, các doanh nghiệp tùy bối cảnh quy định và hiện trạng năng lực tài chính của mình để có kế hoạch “xanh hóa” cụ thể một cách hiệu quả, với chi phí và lộ trình phù hợp. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp cần có ý thức và có sự chuẩn bị thích hợp để thực hiện chuyển đổi xanh, không chỉ để đáp ứng yêu cầu và xu hướng của Thỏa thuận Xanh EU mà còn cả ở các thị trường phát triển khác, nơi cũng đang xem xét triển khai các bước đi cụ thể tương tự EU.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập