Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu Việt Nam: Cơ hội trong dài hạn

04/12/2023    65

Thỏa thuận Xanh EU hiển nhiên đang đặt ra những thách thức lớn về chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là trong thời gian trước mắt. 

Tuy nhiên, ở tầm nhìn xa hơn, trong kế hoạch dài hạn, doanh nghiệp chủ động chuyển đổi xanh đồng bộ và toàn diện cũng có thể tiếp cận những cơ hội mới rất đáng kể. Cụ thể:

* Cơ hội mở rộng thị phần ở EU

EU trước nay luôn được biết đến là thị trường mà khách hàng sẵn sàng chi trả cao nhưng cũng có ý thức rõ nét về vấn đề bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Thậm chí trong so sánh với xu hướng chính sách xanh của EU thì ý thức tiêu dùng xanh của một bộ phận người tiêu dùng EU còn đi nhanh hơn, quyết liệt hơn. 

Hiện tại, cùng với các phong trào xanh mạnh mẽ ở EU, tệp khách hàng xanh ở EU càng ngày càng lớn, mở ra “cầu” thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm xanh, nhất là các sản phẩm trong lĩnh vực tiêu dùng. Trong khi đó, các nguồn cung sản phẩm xanh vẫn còn rất hạn chế, trong bối cảnh đa phần các sản phẩm nước ngoài nhập khẩu hiện mới chỉ đang cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn pháp luật tối thiểu. 

Do đó, nếu các doanh nghiệp chủ động chuyển đổi các sản phẩm xuất khẩu thông thường của mình (vốn đã bão hòa trong thị trường truyền thống) thành các sản phẩm xanh, doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường sản phẩm xanh đầy triển vọng của EU.

* Cơ hội tiếp cận các thị trường phát triển với tiêu chuẩn tương tự EU

EU hiện là khu vực tiên phong và quyết liệt nhất trong thực hiện kinh tế xanh trên toàn cầu. Nhưng EU không phải là khu vực duy nhất nỗ lực vì một nền kinh tế thương mại xanh, bền vững. Ở nhiều thị trường quan trọng của xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là các thị trường phát triển mà Việt Nam đang hoặc có tiềm năng xuất khẩu cao như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Nhật Bản, Australia, New Zealand…, những vấn đề liên quan tới chuyển đổi xanh cũng đang dần trở thành khía cạnh được quan tâm/ưu tiên trong các chiến lược phát triển, hợp tác kinh tế - đầu tư của giới lãnh đạo và bộ máy quản lý. 

Trong tương lai, nhiều khả năng các thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng này của Việt Nam cũng sẽ có những chính sách xanh, bền vững tương tự EU mà mặc dù có thể có khác biệt đôi chút về cách thức và chi tiết nhưng trong tổng thể vẫn sẽ đi theo cùng một chiều hướng. Thậm chí, ở một số thị trường, những biện pháp tương tự EU (ví dụ CBAM, chống phá rừng…) đã được dự thảo và/hoặc đưa vào các chương trình nghị sự chính thức để thông qua và có hiệu lực trong một thời điểm rất gần.

Đồng thời, cũng như EU, ở nhiều thị trường phát triển, khách hàng đang ngày càng có nhận thức sâu sắc và có hành động mạnh mẽ thông qua các lựa chọn tiêu dùng của mình với các mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Do đó, ngay cả khi các quy định pháp lý chưa ràng buộc, khách hàng ở các thị trường này có thể đã đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn xanh, bền vững 

Do đó, việc doanh nghiệp có sự trù tính, chuẩn bị và từng bước hành động để thực hiện chuyển đổi xanh trong quy trình sản xuất, đầu tư kinh doanh có thể là cơ hội “một công đôi việc” cho doanh nghiệp ở cả hai khía cạnh:

- Thứ nhất, về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn xanh tại các thị trường xuất khẩu: Thực hiện các tiêu chuẩn xanh của EU không chỉ giúp hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đáp ứng các quy định để tiếp cận thị trường EU mà còn là cơ sở cho phép doanh nghiệp tự tin rằng hàng hóa của mình cũng sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn xanh đang/sẽ có của nhiều thị trường quan trọng khác. Trong một chừng mực nhất định, khi có được “chứng nhận” đáp ứng các tiêu chuẩn xanh EU, hàng hóa của doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng được chấp nhận hoặc vượt qua kiểm soát về khía cạnh tương tự ở nhiều thị trường phát triển khác;

- Thứ hai, về khả năng tiếp cận tệp khách hàng xanh ở các thị trường: Chuyển đổi xanh cũng có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường sản phẩm xanh ở nhiều nước, từ đó mở ra cơ hội tiếp cận tệp khách hàng xanh đang ngày càng mở rộng ở các thị trường này. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường sản phẩm truyền thống đang ngày càng gay gắt hơn, với quy mô thị trường ngày càng bị thu hẹp trước sự lan tỏa của ý thức về tiêu dùng xanh, bền vững.

* Cơ hội tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

Chuyển dịch từ mô hình sản xuất kinh doanh truyền thống sang mô hình sản xuất kinh doanh xanh và bền vững chắc chắn sẽ đòi hỏi những khoản chi nhất định (thiết lập mô hình sản xuất, công nghệ, phương thức làm việc mới…). Và với không ít doanh nghiệp, đây là khoản đầu tư đáng kể. 

Tuy nhiên, trong lâu dài, việc chuyển đổi này có thể giúp tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là xung quanh các khía cạnh:

- Giảm chi phí năng lượng (ví dụ thông qua cơ chế năng lượng sạch tự sản tự tiêu, qua mô hình sản xuất được bố trí hợp lý nhằm tiết kiệm, tránh lãng phí năng lượng, qua các công nghệ sản xuất sạch tiết kiệm năng lượng/sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên có giá thành rẻ hơn…);

- Giảm chi phí kiểm soát chuỗi (ví dụ thông qua hệ thống sản xuất cho phép kiểm soát tự động, liên tục ở từng khâu trong chuỗi; thông qua cơ chế kiểm soát đầu vào cho phép loại trừ ngay tại nguồn các nguy cơ đối với chuỗi và sản phẩm cuối cùng…);

-  Tối đa hóa hiệu suất kinh doanh (ví dụ thông qua các công nghệ xanh hiện đại cho phép tối đa hóa việc sử dụng năng lượng, hạn chế tình trạng lãng phí nguyên phụ liệu, vật tư, nước, tiết kiệm nguồn nhân lực…).

* Cơ hội thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam

Là nền kinh tế có mức độ hội nhập sâu, đồng thời cũng rất thấu hiểu những hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam cũng đang tham gia tích cực vào các hành động chuyển dịch xanh, xây dựng nền kinh tế xanh, sạch, bền vững. Cụ thể:

- Từ góc độ quản lý Nhà nước, nhiều khung khổ chính sách, pháp luật hướng tới thực hiện chuyển đổi xanh, bền vững, tiết kiệm tài nguyên…đã và đang được xây dựng, ban hành và/hoặc thực thi, nhiều trường hợp tiệm cận với các chính sách xanh của EU và nhiều nước (ví dụ thuế môi trường, phí dịch vụ môi trường rừng, quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp, phát triển thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam…);

- Từ góc độ tiêu dùng, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu có ý thức về bảo vệ môi trường và đang có những nỗ lực tích cực trong lan tỏa thông điệp về môi trường trong các hành vi tiêu dùng.

Trong bối cảnh đó, thực hiện chuyển dịch xanh ở các doanh nghiệp không còn chỉ là công việc để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu nữa mà còn là yêu cầu để doanh nghiệp:

- Bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp trong khuôn khổ pháp luật trong nước; 

- Có điều kiện tiếp cận tệp khách hàng xanh nội địa (nếu doanh nghiệp có chiến lược phát triển thị trường trong nước đầy tiềm năng).

Ngoài ra, đối với một bộ phận doanh nghiệp trong các lĩnh vực xanh truyền thống (đặc biệt doanh nghiệp trong ngành lâm nghiệp, trồng rừng…), các chính sách liên quan (ví dụ phát triển thị trường tín chỉ carbon) là cơ hội tạo một nguồn thu đáng kể, có thể giúp doanh nghiệp tái đầu tư, thúc đẩy sản xuất, gia tăng biên độ lợi nhuận. Doanh nghiệp xuất khẩu là đối tượng của các biện pháp liên quan (ví dụ CBAM) thay vì phải mua các chứng chỉ xanh tốn kém của EU hay các thị trường khác có thể mua ở Việt Nam với giá hợp lý hơn. Từ đây, không chỉ lợi nhuận của doanh nghiệp có thể được bảo toàn tốt hơn mà doanh nghiệp còn có thể gián tiếp đóng góp vào sự phát triển xanh, bền vững ở trong nước.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập