Tổng quan về xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU giai đoạn 2018-2022
04/12/2023 6106Liên minh Châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của dệt may Việt Nam trong suốt nhiều năm qua.
Về kim ngạch, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang EU ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong 5 năm trở lại đây, tăng từ 5,14 tỷ USD năm 2018 lên đến 7,3 tỷ USD vào năm 2022 (số liệu ITC Trade Map). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của hàng dệt may thành phẩm từ Việt Nam sang EU giai đoạn 2018-2022 đạt 10,9%, trong đó giá trị xuất khẩu năm 2022 có sự tăng trưởng vượt bậc với 24,4%.
Dù tăng ổn định, triển vọng thị trường của dệt may ở EU vẫn còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng bởi xét về thị phần, xuất khẩu hàng dệt may thành phẩm của Việt Nam sang EU mới chỉ chiếm 3,2% tổng lượng nhập khẩu của EU. Vì vậy, cùng với tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, thực hiện Thỏa thuận Xanh trong sản xuất, xuất khẩu dệt may sang EU cũng đồng thời là chìa khóa để dệt may Việt Nam có thể hiện thực hóa triển vọng này.
Hình - Xuất khẩu hàng dệt may thành phẩm của Việt Nam sang EU giai đoạn 2018-2022
Nguồn: Tổng hợp của Nhóm Nghiên cứu VCCI từ ITC Trademap, 2023
Về thị trường, hàng dệt may thành phẩm của Việt Nam mặc dù xuất hiện ở hầu khắp các nước thành viên EU nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở một số thị trường chủ chốt. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này nhiều nhất sang các thị trường Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bỉ… Đây đồng thời cũng là những thị trường mà người tiêu dùng có nhận thức và có thói quen tiêu dùng xanh dẫn đầu ở EU. Do đó thực hành dệt may xanh không chỉ để vượt qua các tiêu chuẩn xanh bắt buộc của EU mà còn là yêu cầu để tiếp cận và giữ tệp khách hàng quan trọng này.
Bảng 1 - Xuất khẩu hàng dệt may thành phẩm của Việt Nam sang một số nước EU năm 2022
Thị trường |
Kim ngạch xuất khẩu (triệu USD) |
Tỷ trọng (%) |
Đức |
2.187,94 |
30,1% |
Pháp |
1.493,97 |
20,5% |
Hà Lan |
697,17 |
9,6% |
Tây Ban Nha |
651,80 |
9,0% |
Bỉ |
594,62 |
8,2% |
Nguồn: Tổng hợp của Nhóm Nghiên cứu VCCI từ ITC Trade Map, 2023
Về sản phẩm, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của dệt may Việt Nam sang thị trường này là hàng may mặc (quần áo và các hàng may mặc phụ trợ), chiếm hơn 94% tổng xuất khẩu. Đây cũng đồng thời nhóm có xu hướng thời trang nhanh, là đối tượng của nhiều biện pháp, quy định trong Thỏa thuận Xanh của EU.
Bảng 2 - Tốp 10 mặt hàng may mặc EU nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam năm 2022
Tên sản phẩm |
Kim ngạch XK sang EU (triệu USD) |
Tốp 5 nguồn cung lớn nhất vào EU |
Áo khoác ngoài, áo choàng mặc khi đi xe, áo choàng không tay, áo khoác có mũ, dành cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, từ sợi nhân tạo (không bao gồm dệt kim hoặc móc) – HS 620240 |
580,47 |
Trung Quốc, Myanmar, Việt Nam, Bangladesh, Campuchia |
Áo khoác ngoài, áo choàng mặc khi đi xe, áo choàng không tay, áo khoác có mũ, dành cho đàn ông hoặc trẻ em trai, từ sợi nhân tạo (không bao gồm dệt kim hoặc móc) – HS 620140 |
515,77 |
Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh, Myanmar, Campuchia |
Quần dài, quần yếm có dây đeo, quần ống chẽn và quần soóc bằng sợi tổng hợp dành cho nam giới hoặc trẻ em trai (không bao gồm dệt kim hoặc móc) – HS 620343 |
462,57 |
Trung Quốc, Bangladesh, Việt Nam, Nhổ Nhĩ Kỳ, Lào |
Áo bó, áo chui đầu, áo cardigan, gi lê và các mặt hàng tương tự, từ sợi nhân tạo, dệt kim hoặc móc – HS 611030 |
310,60 |
Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Campuchia, Myanmar, Việt Nam (6) |
Áo phông, áo ba lỗ và các loại áo lót khác từ bông, dệt kim hoặc móc – HS 610910 |
294,60 |
Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam |
Các loại quần dài, quần yếm có dây đeo, quần ống chẽn và quần soóc từ sợi tổng hợp, dệt kim hoặc móc, dành cho phụ nữ và trẻ em gái – HS 610463 |
281,48 |
Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ |
Các loại quần dài, quần yếm có dây đeo, quần ống chẽn và quần soóc từ sợi tổng hợp, dành cho phụ nữ và trẻ em gái (không bao gồm dệt kim hoặc móc) – HS 620463 |
259,35 |
Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Việt Nam, Ma-rốc |
Áo phông, áo ba lỗ và các loại áo lót khác, dệt kim hoặc móc (không bao gồm bông) – HS 610990 |
256,26 |
Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Việt Nam, Campuchia |
Áo lót bằng các loại vật liệu dệt, có hoặc không co giãn, bao gồm dệt kim hoặc móc – HS 621210 |
254,78 |
Trung Quốc, Bangladesh, Sri Lanka, Việt Nam, Indonesia |
Áo bó, áo chui đầu, áo cardigan, gi lê và các mặt hàng tương tự, từ bông, dệt kim hoặc móc – HS 611020 |
237,01 |
Bangladesh, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Parkistan, Campuchia, Việt Nam (7) |
Nguồn: Tổng hợp của Nhóm Nghiên cứu VCCI từ ITC Trade Map, 2023
Đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam về hàng dệt may tại thị trường EU gồm Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước ASEAN như Myanmar, Campuchia, Lào, Indonesia… Một vài trong số này đang có những động thái nhanh và mạnh nhằm chuyển đổi sang “dệt may xanh” để thích ứng với Thỏa thuận Xanh, và vì vậy dệt may Việt Nam cũng không thể chậm trễ trong công cuộc chuyển đổi này.
Nguồn: Theo TTWTO - VCCI
- Phát triển bền vững, bao trùm: Luật chơi mới trong thương mại và đầu tư
- Chính sách phát triển thị trường tín chỉ carbon cho Việt Nam từ kinh nghiệm quốc tế
- Các kênh tác động của Thỏa thuận Xanh EU tới xuất khẩu Việt Nam
- Thỏa thuận Xanh EU và xuất khẩu Việt Nam: Các lĩnh vực chịu tác động
- Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu Việt Nam: Thách thức về thay đổi, nâng cao nhận thức