Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu dệt may Việt Nam: Các chính sách tác động

04/12/2023    267

Là lĩnh vực tiêu dùng đứng thứ 4 trong số các tác nhân làm suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, lĩnh vực tiêu thụ nước và sử dụng đất nhiều thứ 3, sử dụng nguyên liệu thô và phát thải khí nhà kính ở EU nhiều thứ 5 ở EU, không ngạc nhiên khi dệt may trở thành một trong những ngành được EU tập trung nhiều nỗ lực thúc đẩy thực thi Thỏa thuận Xanh EU, trong số đó đáng chú ý nhất là Chiến lược của EU đối với dệt may tuần hoàn và bền vững (EU strategy for sustainable and circular textiles).

Chiến lược này là một trong 35 hành động thuộc Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn của EU (Circular Economy Action Plan), được Ủy ban châu Âu công bố ngày 30/3/2022 và hiện đang được triển khai thực thi thông qua các biện pháp, chính sách cụ thể.

Về mục tiêu

EU thiết kế Chiến lược này như là một chương trình tổng thể, nhất quán cho quá trình chuyển đổi xanh, bền vững của ngành dệt may với mục tiêu:

- Đến năm 2030, tất cả các sản phẩm dệt may được đưa vào lưu thông trên thị trường EU đều có độ bền cao, có thể sửa chữa và tái chế, không chứa các chất độc hại;

- Người tiêu dùng EU được hưởng lợi lâu hơn từ hàng dệt may chất lượng cao giá cả phải chăng;

- Chấm dứt xu hướng thời trang nhanh, và các dịch vụ sửa chữa và tái sử dụng hàng dệt may được phổ biến rộng rãi.

Về nội dung

Chiến lược này đề ra một loạt các hành động nhằm tác động tới toàn bộ vòng đời của sản phẩm dệt may trong hệ sinh thái chuyển đổi xanh và số, trong đó đáng chú ý có:

- Thiết kế hàng dệt may theo các tiêu chí xanh (các yêu cầu tối thiểu về sử dụng sợi tái chế trong sản phẩm dệt, về độ bền, khả năng sửa chữa và tái chế, cấm tiêu hủy sản phẩm dệt may tồn kho…);

- Thông tin rõ ràng hơn về sản phẩm dệt may và “hộ chiếu số” cho sản phẩm (thông tin bắt buộc về khả năng tái chế và về các yếu tố môi trường của sản phẩm);

- Kiểm soát chặt hiện tượng thông tin gian dối về sản phẩm;

- Xử lý hiệu quả tình trạng phát tán hạt vi nhựa từ sản phẩm dệt may ra môi trường (bao gồm cả quá trình sản xuất, giặt công nghiệp, dán nhãn, sử dụng…);

- Hài hòa các quy định của EU về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong lĩnh vực dệt may và các giải pháp khuyến khích tạo sản phẩm bền vững;

- Thiết lập lộ trình chuyển đổi sang hệ sinh thái dệt may đến 2030.

Về thực tế triển khai

Sau khi công bố Chiến lược về dệt may tuần hoàn và bền vững, EU đã đưa ra một loạt các sáng kiến khác nhau để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Chiến lược này cũng như trong Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn (CEAP), trong đó một số biện pháp đáng chú ý liên quan trực tiếp tới hàng dệt may nhập khẩu vào EU:

* Dự thảo Quy định về Thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững (Ecodesign for Sustainable Products Regulation)

- Tiến trình: Dự thảo này được đưa ra vào 30/3/2022 và hiện vẫn đang trong quá trình xem xét phê chuẩn để có hiệu lực.

- Mục tiêu: Quy định nhằm đảm bảo tất cả các sản phẩm được sản xuất hoặc bán tại thị trường EU đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về tính bền vững.

- Về phạm vi: Quy định được thiết kế để áp dụng cho nhiều loại sản phẩm, trong đó có sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin, dệt may, đồ nội thất và các sản phẩm trung gian khác có nhiều tác động đến môi trường như thép, xi măng, hóa chất…

- Về nội dung: Đối với các sản phẩm dệt may, trong Quy định này, EU dự kiến sẽ xây dựng và áp dụng các quy định bắt buộc về thiết kế sinh thái cụ thể cho sản phẩm để tăng hiệu suất của hàng dệt may về độ bền, khả năng tái sử dụng, khả năng sửa chữa, khả năng tái chế và hàm lượng sợi tái chế bắt buộc, giảm thiểu và theo dõi các hóa chất nguy hại có trong sản phẩm dệt may; yêu cầu công khai thông tin về số lượng các sản phẩm dệt may bị loại bỏ hoặc tiêu hủy, xem xét cấm tiêu hủy các sản phẩm tồn kho hoặc bị trả lại…

Cũng trong khuôn khổ này, EU sẽ có các tiêu chí bắt buộc liên quan tới mua sắm công xanh ở EU và các điều kiện đối với các ưu đãi của các nước thành viên trong mua sắm sản phẩm dệt may.

* Chiến lược hóa chất vì sự bền vững (Chemicals Strategy for Sustainability)

- Tiến trình: Chiến lược này được công bố vào ngày 14/10/2020, là khung khổ chính sách định hướng cho các biện pháp cụ thể sau đó.Mục tiêu: Bảo đảm một môi trường không có chất độc hại với mức độ bảo vệ sức khỏe con người và môi trường cao hơn. Điểm mới của Chiến lược này là phương pháp tiếp cận “an toàn và bền vững theo từng thiết kế”, có tính đến độc tính của hóa chất ở tất cả các giai đoạn tồn tại của sản phẩm - từ sản xuất đến sử dụng, tái chế và thải bỏ, với mục đích ngăn chặn các hóa chất độc hại xâm nhập vào sản phẩm từ giai đoạn thiết kế.

- Nội dung và phạm vi: Thúc đẩy việc cấm các hóa chất độc hại nhất (đặc biệt là các chất gây rối loạn nội tiết) trong các sản phẩm tiêu dùng như mỹ phẩm, đồ chơi, chất tẩy rửa, đồ chăm sóc trẻ em, đồ nội thất, hàng dệt may hoặc các vật liệu tiếp xúc với thực phẩm… trừ khi việc sử dụng này là cần thiết cho vận hành xã hội hoặc nếu không có giải pháp thay thế nào khả thi.

- Thực tế: Một số biện pháp cụ thể đã được dự kiến triển khai để thực thi Chiến lược này, ví dụ dự kiến sửa đổi Quy định của EU về Đăng ký, Đánh giá, Cấp phép và Hạn chế đối với hóa chất (REACH), trong đó có các quy định liên quan tới các chất nguy hại trong hàng dệt may.

* Sửa đổi Quy định ghi nhãn hàng dệt may (Textile Labelling Regulation)

- Tiến trình: Dự thảo sửa đổi Quy định ghi nhãn hàng dệt may dự kiến sẽ được Ủy ban châu Âu công bố vào cuối năm 2023

- Nội dung: Bổ sung các quy định mới về ghi nhãn vật lý và kỹ thuật số cho hàng dệt may, tập trung vào các thông số về tính bền vững và tính tuần hoàn dựa trên các yêu cầu của Quy định về thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững sẽ ban hành.

* Dự thảo Chỉ thị về Tuyên bố xanh (Green Claims Directive)

- Tiến trình: Dự thảo được công bố ngày 22/03/2023, hiện đang trong quá trình xem xét phê chuẩn để có hiệu lực.

- Mục đích: Loại bỏ các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về tác động tới môi trường của sản phẩm (greenwashing) thông qua các quy định để đảm bảo các nhãn và tuyên bố về môi trường trên sản phẩm là đáng tin cậy, có thể so sánh và kiểm chứng được trên toàn EU, qua đó cho phép người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt.

- Nội dung: Chỉ thị này (i) xác định các tiêu chí rõ ràng về phương pháp mà nhà sản xuất phải sử dụng để chứng minh các tuyên bố và nhãn mác về môi trường trên sản phẩm; (ii) quy định các tuyên bố và nhãn của nhà sản xuất phải được kiểm tra bởi một cơ quan xác minh độc lập và được công nhận; (iii) đưa ra các quy tắc về quản lý chương trình dán nhãn môi trường để đảm bảo tính minh bạch và sự tin cậy đối với người tiêu dùng.

* Dự thảo sửa đổi Chỉ thị khung của EU về Rác thải (Proposal on a targeted amendment of the Waste Framework Directive)

- Tiến trình: Dự thảo được công bố ngày 5/7/2023, hiện đang trong quá trình xem xét phê chuẩn bởi các cơ quan có thẩm quyền của EU.

- Mục đích: Tăng trách nhiệm của nhà sản xuất đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm dệt may, thúc đẩy quản lý rác thải dệt may bền vững ở EU và tạo động lực để nhà sản xuất cải thiện độ bền, khả năng tái chế và giảm rác thải hàng dệt may của mình.

- Nội dung: Nhà sản xuất hàng dệt may sẽ phải chịu trách nhiệm tài chính một phần hoặc toàn bộ cho việc xử lý rác thải từ quá trình sử dụng sản phẩm của mình thông qua việc nộp một khoản phí tương ứng cho quốc gia nơi phải xử lý các rác thải này.

* Các chính sách xanh khác

- Một số chính sách mà EU thực hiện nhằm giảm tình trạng gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất hàng dệt may, gồm (i) sửa đổi Chỉ thị về Khí thải Công nghiệp (Industrial Emissions Directive), (ii) rà soát Tài liệu Tham khảo về kỹ thuật tốt nhất hiện có cho ngành dệt may (Best available techniques (BAT) reference document (BREF) for the textiles industry); (iii) khởi động Lộ trình chuyển đổi cho hệ sinh thái dệt may trong tương lai (Textiles Ecosystem Transition Pathway); (iv) khởi xướng các chương trình hành động nhằm thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng quá mức như #ReFashionNow, European Bauhaus, Cam kết tiêu dùng bền vững (Commitment to Sustainable Consumption)…

- Một số chính sách xanh khác vốn hiện chưa áp dụng cho dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang EU nhưng trong tương lai có thể mở rộng phạm vi áp dụng sang nhóm sản phẩm này. 

Ví dụ điển hình là Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM). Hiện CBAM giai đoạn đầu chỉ mới đang áp dụng cho 06 nhóm hàng hóa gồm sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón, điện và khí hydro. Tuy nhiên, EU đã có kế hoạch để rà soát kết quả thực hiện CBAM với 06 ngành nói trên vào năm 2030 để sau đó có quyết định có mở rộng CBAM ra các sản phẩm khác, ít nhất là với khoảng 30 nhóm sản phẩm nguy cơ cao gây ô nhiễm, trong đó có hàng dệt may.

Ngoài CBAM, rất có thể một số chính sách khác, nhất là các chính sách trong khuôn khổ Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn (hóa chất, rác thải,…) cũng có thể được EU bổ sung trong thời gian tới ảnh hưởng tới dệt may.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập