Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu dệt may Việt Nam: Các thách thức đặt ra

04/12/2023    29

Được xác định là một trong những nguồn sản xuất và tiêu dùng gây ô nhiễm môi trường và phát thải carbon lớn nhất, không ngạc nhiên khi hàng dệt may là đối tượng của một loạt các chính sách trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU. 

Trong so sánh với các lĩnh vực, đặc biệt là nông sản thực phẩm, các thách thức từ các chính sách xanh của EU đối với việc sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may sang EU có điểm giống và khác biệt:

- Về số lượng, các biện pháp, chính sách xanh liên quan tới dệt may của EU khá nhiều, tuy nhiên, phần lớn đã được dự kiến tương đối chi tiết trong Chiến lược dệt may tuần hoàn và bền vững, do đó tính dự đoán trước cũng cao hơn, khả năng xuất hiện các quy định mới chưa nhận diện được cũng ít hơn (mặc dù vẫn có) so với các lĩnh vực khác;

- Về phạm vi, phần lớn trong số các chính sách xanh mà EU thực hiện với hàng dệt may có phạm vi áp dụng rộng, không chỉ bao gồm dệt may mà còn nhiều sản phẩm khác (ví dụ các biện pháp về thiết kế sinh thái, về hóa chất, hạt vi nhựa, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất…). Nói cách khác, các chính sách này thiết kế theo nhóm vấn đề môi trường cần xử lý mà không phải theo lĩnh vực sản phẩm. Điều này khiến cho việc theo dõi diễn tiến các chính sách xanh liên quan tới hàng dệt may có thể phức tạp hơn, đòi hỏi sự bao quát trong tiếp cận và phân tích chi tiết các quy định liên quan;

- Về tính chất, hầu hết các chính sách dự kiến đối với hàng dệt may đều là các quy định bắt buộc (mà không phải khuyến khích thực hiện như nhiều chính sách trong các lĩnh vực khác). Một khi được áp dụng, các yêu cầu này sẽ thành chuẩn tối thiểu mà nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài phải tuân thủ nếu muốn xuất khẩu hàng hóa sang EU. Do đó doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu dệt may Việt Nam cần đặc biệt chú ý tới các chính sách này;

- Về đối tượng: Khác với nhóm nông sản thực phẩm (với các biện pháp cụ thể chỉ áp dụng với một số sản phẩm cụ thể), trong lĩnh vực dệt may, các chính sách xanh thường có phạm vi áp dụng bao trùm tất cả các sản phẩm dệt may (mà không phân biệt sản phẩm theo HS cụ thể nào). Vì vậy, tất cả các quy định liên quan tới dệt may (textiles) đều phải được quan tâm chú ý để bảo đảm tuân thủ;

- Về các khía cạnh bị tác động: Với mối quan ngại sâu sắc về mức độ ảnh hưởng tới môi trường trong cả quá trình sản xuất, sử dụng, thải bỏ các sản phẩm dệt may, các chính sách xanh về dệt may của EU được thiết kế để xử lý quan ngại này trong cả chu trình sản xuất và tiêu dùng hàng dệt may (từ thiết kế mẫu mã đến nguyên phụ liệu, từ sản xuất đến vận chuyển, từ sử dụng đến sửa chữa, từ thải bỏ đến tái chế…). Do vậy, mặc dù ở giai đoạn đầu các nghĩa vụ mới chỉ dừng lại ở một số khâu đơn lẻ (ví dụ ghi nhãn sản phẩm, nộp phí EPR…), trong lâu dài, nhà sản xuất, xuất khẩu dệt may sang EU sẽ phải biết và thực hiện chuyển đổi xanh trong nhiều khâu liên hoàn của chuỗi sản xuất.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập