Chậm đàm phán FTA Việt Nam – EU
25/05/2011 159Trong khi một số nước ASEAN đang gần tiến tới ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) thì việc đàm phán hiệp định này giữa EU và Việt Nam vẫn chưa có tiến triển gì cụ thể.
Việt Nam đóng vai trò là vị trí điều phối viên cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong đàm đám phán hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN ở cấp khu vực vào năm 2007. Tuy nhiên, nỗ lực này không mấy tiến triển, và thay vào đó, EU quyết định theo đuổi FTA với từng quốc gia thành viên của ASEAN vào cuối năm 2009. Và, gần hai năm qua, Singapore đã gần kết thúc đàm phán với EU, dự kiến vào cuối năm nay; còn FTA EU – Malaysia đang ở vòng thứ 3, 4, dự kiến được ký kết vào giữa năm sau; trong khi đó, EU và Việt Nam vẫn chưa khởi động đàm phán.
Phát biểu trong hội thảo tại TPHCM hôm 11-5, ông Jean Jacques Bouflet, tham tán công sứ, phái đoàn EU tại Việt Nam, nhắc đi nhắc lại: "Tôi không hiểu tại sao đến nay (hiệp định) vẫn chưa đạt được tiến bộ nào cụ thể cả ?".
FTA giữa Việt Nam và EU được kỳ vọng không chỉ giúp dỡ bỏ 90% dòng thuế đối với hàng hoá Việt Nam vào EU mà còn có thể tăng nguồn vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), FTA là giải pháp tốt giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam khi không chỉ chịu cạnh tranh từ các nước xuất khẩu vào EU, mà với ngay cả thành viên của EU. Các thành viên mới của EU có những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá Việt Nam, như giày dép và dệt may. Ngoài ra chính sách về ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU cũng đang thay đổi, có thể gây bất lợi cho hàng hoá một số nước, trong đó có Việt Nam, vào thị trường này.
Ông Cường cho rằng Việt Nam và EU đang bất đồng về cách tiếp cận hiệp định, tức muốn đàm phán trước những phạm vi sẽ đưa vào FTA.
Theo ông Cường, đây là cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với Việt Nam. Bấy lâu nay, với Việt Nam, chưa có đàm phán chính thức là chưa có ràng buộc, nhưng với cách tiếp cận của EU thì những gì được xác định trước sẽ bắt buộc đưa vào trong đàm phán.
Trong năm 2010, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương đạt 12 tỉ đô la Mỹ. EU cũng là đối tác có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam với mức đầu tư trong năm 2010 tăng 646% so với năm 2009.
11/5/2011
Thu Nguyệt
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
- Kim ngạch thương mại Việt Nam- EU tăng 40% nhờ EVFTA
- Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản: Lợi thế truyền thống và áp lực từ đối thủ cạnh tranh
- Tận dụng Hiệp định EVFTA, nâng kim ngạch thương mại Việt Nam - các nước Trung Đông Âu lên 10% mỗi năm
- Xuất khẩu cà phê, cao su sang EU khả quan
- Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Tây Ban Nha sẽ gặp nhiều thách thức