Tại sao nước lớn "nhòm ngó" hợp tác xuyên Thái Bình Dương?

03/01/2011    133

Tại sao nước lớn "nhòm ngó" hợp tác xuyên Thái Bình Dương?

Trong khi Việt Nam tích cực đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nước láng giềng của Việt Nam và “nhạc trưởng” Mỹ cũng đang có những động thái khác nhau với “dàn nhạc kinh tế” này.

LTS : Được khởi xướng bởi bốn thành viên ban đầu là Brunei, Singapore, Chile và New Zealand từ năm 2005, TPP là một hiệp định thương mại tư do của khu vực nhằm bãi bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa của các nước thành viên.

Hiện nay đang có năm nước chính thức tham gia đàm phán gia nhập TPP bao gồm Mỹ, Việt Nam, Malaysia, Peru và Úc. Một loạt quốc gia khác ở châu Á, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm tới TPP.

Tại sao một khối mậu dịch khởi phát bởi bốn quốc gia "không lớn" lại được sự chú ý của nhiều nền kinh tế lớn như vậy? VEF xin giới thiệu với độc giả một số phân tích về mục đích và động thái của Mỹ, Malaysia và Nhật Bản đối với TPP để chúng ta có thể "biết người, biết ta" khi tham gia sân chơi này.

Mỹ: Hối hả giành lại ảnh hưởng

Sau một thời gian "lơ là" với thị trường Đông Á, vốn có tiềm năng rất lớn với hơn 2 tỷ dân, Mỹ đang hối hả xúc tiến đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. TPP là một giải pháp toàn diện, vừa giúp Mỹ tăng cường ảnh hưởng ở châu Á, vừa giải quyết những vấn đề "nóng" nội tại của nước Mỹ.

Khủng hoảng kinh tế trong những năm qua và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc khiến nhu cầu của Mỹ trong xúc tiến hợp tác tiến thương mại tư do tại khu vực này càng trở nên cấp bách.

Khi phá bỏ được các hàng rào thuế quan, những sản phẩm công nghệ cao, thu lãi lớn của Mỹ sẽ xâm nhập tự do hơn với chi phí rẻ hơn vào thị trường tiềm năng này. Đồng thời, ảnh hưởng về mặt chính trị của Mỹ ở châu Á -Thái Bình Dương sẽ được củng cố.

TPP cũng giúp tháo nút thắt của bài toán việc làm khiến Tổng thống Barak Obama đau đầu và khiến Đảng Dân chủ của ông mất quyền kiểm soát Hạ viện trong bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tháng 11 vừa qua.

Chắc chắn hồi phục kinh tế và tạo việc làm cho dân Mỹ sẽ là ưu tiên số một của ông Obama trong nửa nhiệm kỳ còn lại nếu muốn ở lại Nhà Trắng thêm bốn năm nữa.

"Mỗi tỉ USD xuất khẩu giữ được 5,000 việc làm trong nước," ông Obama khẳng định như vậy trong một bài viết ký tên mình trên tờ The New York Times ngay trước khi bắt đầu chuyến công du châu Á vừa qua.

Ông kỳ vọng TPP sẽ là bước đi đầu tiên tiến đến hiệp định thương mại của tất cả APEC, giúp Mỹ tăng đôi xuất khẩu trong năm năm tới.
"Chúng ta cần tìm những khách hàng mới, ở các thị trường mới cho hàng hóa Mỹ. Và một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới là châu Á," ông Obama viết.

Trong bất cứ "dàn nhạc kinh tế" nào, Mỹ cũng đều muốn trở thành "nhạc trưởng", và tham vọng ấy đã thể hiện rất rõ trong thông điệp của ông Obama: "Phải chắc chắn rằng, chúng ta không nhường thị trường, xuất khẩu và việc làm cho các quốc gia khác".

Malaysia: Lúc "thờ ơ", khi "vồn vã"

Không chỉ tích cực thúc đẩy quá trình tham gia TPP, Mỹ còn nhiệt tình ủng hộ Malaysia, đối tác thương mại lớn thứ 16 của nước này, xúc tiến gia nhập khối. Thương mại hai chiều giữa hai nước đạt tới 44 tỉ USD nhưng Mỹ hiện đang "yếu thế" với thâm hụt thương mại 12 tỷ USD với Malaysia.

Tháng 11/2009, khi được hỏi khả năng gia nhập TPP, Thủ tướng Malaysia Najib Razak trả lời rằng cần phải nghiên cứu kỹ vấn đề này và chưa có ý định tham gia. Nhưng tới đầu năm 2010, Malaysia bắt đầu quan tâm tới TPP.

Ông Razak cho biết rất "hào hứng gia nhập" TPP, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ của ông đang chuẩn bị một kế hoạch kinh tế mới nhằm đưa Malaysia thành một nước phát triển vào năm 2020.

Nội các Malaysia cũng bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ tiến trình gia nhập TPP. Một nhóm đàm phán liên ngành với sự tham gia của nhiều bộ, ngành khác nhau đã được thành lập.

Hãng tin Bloomberg trích lời nhà kinh tế học người Singapore Kit Wei Cheng thuộc tập đoàn Citigroup phân tích việc tham dự các phiên đàm phán TPP là bước tiến để Malaysia thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, điều mà quốc gia này đã thua kém nhiều đối thủ trong khu vực trong suốt mấy năm qua.

Đồng thời, TPP sẽ giúp Malaysia thâm nhập mạnh hơn nữa vào Mỹ, nhất là sau khi đàm phán song phương về tự do thương mại hai nước bị đình trệ. Ngoài thị trường "béo bở" nhất là Mỹ, Malaysia sẽ có thể xâm nhập những thị trường mới là Úc và Chile cùng lúc, thay vì phải đàm phán song phương riêng lẻ.

Nếu thành công, TPP sẽ chiếm tới 1/3 thương mại toàn cầu của Malaysia.

Nhật Bản: bên "nông" bên "công", bên nào mạnh hơn?

Ngoài năm nước chính thức tham gia đàm phán TPP, Nhật Bản đang là thành viên tương lai tiềm năng nhất, với sự "bật đèn xanh" từ phía Mỹ.
Trong một phát biểu hồi đầu tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho biết nươc ông "hào hứng tham gia nhóm này".

Tuy nhiên, sự "hào hứng" của các chính trị gia, các nhóm kinh tế đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía nông dân, khiến kế hoạch xem xét có gia nhập TPP hay không bị gác lại sáu tháng sau APEC 2010. Tuy nhiên, Nhật đã tham gia đàm phán TPP bên lề APEC với tư cách quan sát viên.

Nút thắt lớn nhất vẫn là câu chuyện cũ về mở cửa thị trường nông nghiệp mà Nhật Bản giằng co tại những phiên đàm phán Doha.
Ngay khi hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Nhật tháng 11 vừa qua, hàng ngàn nông dân đã biểu tình tại thủ đô Tokyo chống lại việc gia nhập các khối mậu dịch tự do.

Với mức thuế cao ngất ngưởng áp cho gạo nhập khẩu lên tới 777,7% và vài trăm phần trăm cho những nông phẩm khác, gỡ bỏ hàng rào thuế quan gần như đồng nghĩa với đẩy nông nghiệp Nhật vào chỗ chết.

The New York Times đưa tin Bộ Nông nghiệp Nhật Bản khuyến cáo nếu Nhật tham gia khu vực mậu dịch này, 90% nông sản trong nước sẽ biến mất, thiệt hại có thể lên tới 49 tỉ USD và 3,4 triệu người mất việc.

Trong khi đó, các ngành công nghiệp như ôtô hay điện tử lại gây sức ép để Chính phủ tham gia sân chơi mậu dịch tự do toàn cầu. Các ngành công nghiệp này đang bị đe dọa bởi đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Hàn Quốc, nước vừa đạt được thỏa thuận tự do thương mại với EU và đang đẩy nhanh đàm phán hiệp định tương tự với Mỹ.

Trong một cuộc thăm dò ý kiến trên toàn quốc do hang tin Kyodo thực hiện mới đây, 46,6% người được hỏi nghĩ rằng Nhật nên gia nhập TPP, trong khi 38,6% phản đối.

"Bất cứ sự chậm trễ nào cũng có nghĩa là Nhật sẽ bị loại khỏi sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu", ông Hiromasa Yonekura, chủ tịch Nippon Keidanren, nhóm vận động hành lang kinh tế lớn nhất Nhật Bản, nói với The New York Times.

30/11/2010

Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Việt Nam